|
Tượng đài vua Quang Trung tại TP Quy Nhơn |
Tín ngưỡng dân gian người Bình Định có một nét rất riêng: Tín ngưỡng sùng bái nhà Tây Sơn. Các lãnh tụ của phong trào áo vải khởi nghĩa Tây Sơn không chỉ được thần thánh hóa; người dân xem như các anh hùng ấy cũng là những thành viên trong gia đình với những cái tên thân mật như anh Hai Trầu, chú Ba Thơm, thầy Tư Lữ…
“Ơn sâu, nghĩa nặng, dân mình còn ghi…”
Những ngày cuối tháng 7, trong không khí sôi nổi chuẩn bị Festival của người dân Bình Định, chúng tôi về làng Kiên Mỹ thăm lại khu vườn nhà Tây Sơn.
Hơn 200 năm đã trôi qua, lịch sử đã bao lần thay đổi, người ta vẫn gìn giữ những di tích, luật lệ và tôn thờ nhà Tây Sơn như là những gì thiêng liêng nhất trong đời sống tín ngưỡng của mình.
Trên mảnh đất xưa, cây me, giếng nước vẫn chan chứa biết bao hoài niệm. Khi phong trào nông dân Tây Sơn thất bại, từ đường của gia đình Tây Sơn bị triều Nguyễn phá hủy hoàn toàn. Với tấm lòng sùng kính những người anh hùng dân tộc, dân làng đã dựng trên nền nhà cũ của anh em Tây Sơn ngôi đình Kiên Mỹ để tưởng nhớ ba anh em nhà Tây Sơn.
Nhằm tránh sự ngăn cấm của triều Nguyễn lúc bấy giờ, người dân gọi đình này là nơi thờ cúng Thành Hoàng. Dân làng đến nay vẫn còn lưu truyền các câu ca dao: “Cây me, giếng nước, sân đình/ Ơn sâu, nghĩa nặng, dân mình còn ghi” và “Cây me cũ, bến Trầu xưa/ Dẫu không tình nghĩa cũng đón đưa trọn niềm”. Tại ngôi đình này, ngoài việc tôn thờ ba người anh hùng áo vải còn có tượng thờ các công thần, dũng tướng triều Tây Sơn: Ngô Văn Sở, Trần Văn Kỷ, Ngô Thời Nhậm, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng.
Dấu tích vườn nhà Tây Sơn còn lưu giữ đến bây giờ là hình ảnh cây me, giếng nước. Cây me này từng là nơi anh em Tây Sơn “ôn văn luyện võ” và bàn bạc việc quân cơ. Cạnh đó, giếng nước nhà Tây Sơn được gọi là “giếng thiêng”. Người dân trong vùng, du khách thập phương khi có bệnh thường đến điện thờ thắp hương khấn vái và xin nước này uống với niềm tin tâm linh rằng sẽ khỏi bệnh.
Anh Tô Đình Minh (người làng Kiên Mỹ, làm nghề nhiếp ảnh tại Bảo tàng Quang Trung) cho biết: Trước khi xây dựng Bảo tàng Quang Trung, giếng nước này được cả làng Kiên Mỹ sử dụng để uống và sinh hoạt. Những di vật của nhà Tây Sơn còn lại rất linh thiêng nên người dân địa phương thường xuyên hương khói. Những ngày lễ tết, dân làng đều mua hoa quả dâng vua và xin nước.
Nhiều người trong làng khi đi qua Điện thờ Tây Sơn vẫn ngã mũ nón. Hàng năm, ngoài việc cúng giỗ, vào mồng 5 tháng giêng lễ hội chiến thắng Đống Đa cũng được người làng tổ chức tại đây.
Bây giờ Điện thờ Tây Sơn đã được xây dựng khang trang nằm trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung. Thăm bảo tàng, du khách còn được chiêm ngưỡng nhiều báu vật của thời Tây Sơn như binh khí, sắc phong, triều phục,... cùng nhiều di vật các triều đại khác của Việt Nam.
Cách Bảo tàng Quang Trung khoảng 300m về phía Bắc có một địa danh cũng rất linh thiêng là “Gò Đá Đen” (được công nhận di tích lịch sử-văn hóa vào ngày 16-11-1988). Theo sử sách, năm 1773 Nguyễn Nhạc xây dựng khu luyện tập cho nghĩa quân Tây Sơn tại khu gò này.
Tưởng như cảnh cũ, người xưa vẫn còn…
|
Du khách tham quan Bảo tàng Quang Trung. |
Đến vùng đất Tây Sơn, du khách có thể nhìn những chú bé chăn trâu ven đường múa roi luyện võ và bất ngờ được nghe một lão nông ngẫu hứng kể về những truyền thuyết của nhà Tây Sơn.
Ghé thăm bất kỳ nhà một người dân nào ở làng Kiên Mỹ, chúng tôi cũng đều nhìn thấy tượng bán thân vua Quang Trung cùng nhiều mô hình các di vật triều Tây Sơn được bố trí ở những vị trí trang trọng nhất trong nhà. Người dân Kiên Mỹ gọi ruộng ở làng mình là “ruộng vua”, mỗi năm sau mùa gặt hái đều tự nguyện đóng góp lúa để thờ tế vua.
Nhưng điều mà du khách ngạc nhiên nhất là 7 nghề truyền thống có từ thời Tây Sơn đến nay vẫn được người làng gìn giữ: xóm Rèn chuyên rèn dao, cuốc, thuổng và các dụng cụ bằng sắt; xóm Bún chuyên làm bún và các loại bánh hỏi, bánh tráng, bánh ướt; xóm Chợ Nghề buôn bán, đủ các mặt hàng; xóm Ươm chuyên nghề trồng dâu, nuôi tằm, kéo sợi; xóm Đường chuyên làm mía và nấu đường; xóm Đậu chuyên trồng đậu và làm các loại bánh từ đậu; xóm Trầu chuyên buôn bán trầu và gắn với di tích bến Trường Trầu.
Bến Trường Trầu vốn là một bến buôn bán trầu lớn bên bờ sông Kôn. Trầu và cau từ Tây Sơn thượng đạo được hàng đoàn người (đồng bào thiểu số) gùi sau lưng theo đường bộ hoặc chở bằng một loại thuyền nan nhỏ xuống bến Trường Trầu bán về đổi lấy muối, đồ sắt và các sản phẩm khác.
Tương truyền rằng, trước khi dựng cờ khởi nghĩa, Nguyễn Nhạc cũng tham gia buôn bán trầu nên người dân Kiên Mỹ cũng như nhiều vùng xung quanh đến nay vẫn quen gọi Nguyễn Nhạc là anh Hai Trầu (cũng như gọi Nguyễn Huệ là chú Ba Thơm, vì thuở nhỏ ông có tên là Thơm và gọi Nguyễn Lữ là thầy Tư Lữ, vì ông có thời đi tu).
Trong chương trình Festival Tây Sơn sắp đến, lễ đón vua quan Tây Sơn vào điện thờ và chương trình tái hiện cuộc hành quân thần tốc của nhà Tây Sơn sẽ bắt đầu từ bến Trường Trầu đến Điện thờ Tây Sơn.
Ngày chúng tôi đến Kiên Mỹ, Bảo tàng Quang Trung đang trong giai đoạn xây dựng tu bổ thêm, vậy mà, du khách tham quan vẫn nối nhau vào dâng hương. Ban trưa ra bến Trường Trầu, nhìn về thượng sông Kôn mà lòng thấy bồi hồi xao xuyến.
Tiếng nước chảy, tiếng gió khẽ động, chợt hình ảnh Trường Trầu hơn hai trăm năm trước như hiện về cùng những thuyền nan, xấp trầu, buồng cau. Rồi từ xa, tiếng trống trận Tây Sơn, tiếng voi gầm, ngựa hý từ Gò Đá Đen như vẫn còn vang vọng đâu đây…
. Theo SGGP |