Huyền thoại về Tướng Nguyễn Sơn ở Cây Dừa
20:36', 20/8/ 2008 (GMT+7)

Thiếu tướng Nguyễn Sơn. (Ảnh: www.btlsqsvn.org.vn)

Tướng Nguyễn Sơn là một trong mười vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông  được mọi người biết nhiều không chỉ là một vị tướng của Việt Nam mà còn là một vị tướng của  nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Ông tên thật là Vũ Nguyên Bác, quê ở Gia Lâm (Hà Nội); sinh ngày 1 tháng 10 năm 1908, mất ngày 21 tháng 10 năm 1956. Ông tham gia vào Hồng quân công nông của Trung Quốc, với biệt danh là Hồng Thủy. Tháng 10 năm 1945 ông về nước với biệt danh là Nguyễn Sơn. Năm 1950 ông được lệnh trở lại Trung Quốc.

Nguyễn Sơn được phong thiếu tướng do sắc lệnh của Hồ Chủ tịch ký ngày 20 tháng 1 năm 1948 cho Khu trưởng chiến khu IV. Ngày 27.9.1955 Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thụ phong quân hàm thiếu tướng cho đồng chí Hồng Thủy. Như vậy, Nguyễn Sơn là tướng quân của hai nước mang quân hàm thiếu tướng, nhưng nhân dân Cây Dừa (Vĩnh Thạnh-Bình Định) từ năm 1945 đã phong cho ông là đại tướng, với cái tên “Đại tướng Vạn Lý Trường Chinh”.

Theo tài liệu nghiên cứu dân tộc lịch sử học về xã Bình Quang (huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) qua tập sách “Làng Cây Dừa” (nhà xuất bản KHXH –năm 2004) của Giáo sư, tiến sĩ Diệp Đình Hoa, thì “Đại tướng Vạn lý Trường Chinh” đã từng đến vùng Cây Dừa. Cây Dừa là một vùng miền núi, sống gần với người Kinh có rất nhiều bà con dân tộc Bahnar. Và chuyện về ông tướng đến Cây Dừa đã trở thành huyền thoại.

Hồi ấy, sau vụ 23.9.1945, quân Pháp khởi hấn ở Sài Gòn, tâm trí của mọi tầng lớp nhân dân đều theo lời kêu gọi của bài hát: tiếng súng vang sông núi miền Nam… người ta mua súng, rèn kiếm để lên đường vào Nam bộ. Lúc đó cũng có những câu chuyện được lan truyền theo lối rỉ tai. Già Hồ là một ông thánh mắt có hai con ngươi. Già Hồ là người kiên quyết chống Pháp. Người Bahnar cũng kiên quyết chống Pháp. Nay nước nhà đuổi được Pháp, Già Hồ vào thăm người Bahnar chúng ta. Giặc Pháp quay trở lại đánh nước ta, Già Hồ vào cùng người Bahnar đánh Pháp…

Câu chuyện Già Hồ vào thăm người Bahnar chả có ai cải chính, nhưng công cuộc chỉnh trang lại đồn Định Quang ở vùng Cây Dừa ngày càng được xúc tiến gấp rút, kẻ góp của, người góp công, tinh thần hồ hởi, công việc nhộn nhịp, khẩn trương. Mọi người tham gia làm việc đều tự giác, bỏ cả việc nhà, việc đồng áng để làm công việc cho chỉn chu.

Số là, từ những năm ba mươi của thế kỷ XX, Pháp lập đồn ở Định Quang vùng Cây Dừa nên gọi là đồn Định Quang. Đồn trưởng người Pháp cai trị trực tiếp từ hành chính, quân sự, thu thuế hiện vật đối với người Bahnar. Tóm lại, người dân tộc thiểu số Bahnar nằm dưới quyền trực trị của đồn trưởng Định Quang. (Đối với người Kinh ở đây, tuy trên danh nghĩa đồn trưởng Định Quang không trực tiếp quản lý, nhưng trên thực tế, với tư cách là “kẻ bảo hộ” vẫn là người trực tiếp cai trị). Khi Nhật lật đổ Pháp ở Việt Nam, một đại đội Nhật đã đến bắt tên thiếu úy đồn trưởng Định Quang cùng gia đình y. Binh lính trong đồn bỏ về nhà. Từ đó đồn Định Quang bị bỏ hoang…

Đến một ngày tháng 10 năm 1945, một trung đội Vệ quốc đoàn đến đóng ở đồn Định Quang, cơ sở, cổng ngõ được sử sang lại, đặc biệt lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trước sự  vui mừng phấn khởi của bà con.

Và như đã nói ở trên, cái tin “Già Hồ đến thăm người Bahnar” có từ đó… Điều quan trọng là nguồn tin ngày nọ tháng kia Già Hồ vào thăm đồng bào ở đồn Định Quang, không rõ ai đưa ra, cũng không ai giải thích, nhưng đã đem đến cho người Bahnar một niềm hứng khởi. Đồng bào Bahnar vùng thượng nguồn sông Kôn lũ lượt về tập trung quanh đồn. Họ mang theo cả gạo muối để đóng trại ở lại. Bà con lũ lượt kéo về, đóng dọc theo bờ sông, suối, suốt một giải lên tận Ri. Nhóm nào hết lươngthực thì về làng lấy thêm rồi tiếp tục đóng trại. Đồng bào Kinh quanh vùng thì đem gạo muối ra tiếp tế thêm…

Mọi người đều náo nức, háo hức chờ đợi, nhưng đến ngày đã định, không thấy động tĩnh gì. Cũng không có lời giải thích, vì thực ra cũng chẳng ai biết được chuyện gì để giải thích. Qua vài ngày, đồng bào Bahnar kéo lên đồn hỏi thăm. Lúc này người  chỉ huy cũng không rõ thế nào, đành hẹn lại, để báo cáo lên cấp trên, nhưng cũng không thấy phúc đáp. Và rồi cũng không ai dám trả lời là không có chuyện này, khiến đồng bào tức giận mới cho rằng: bọn ở trong đồn cũng chỉ là bọn Việt gian lừa dối đồng bào(!). Vì vậy, họ tập họp nhau lại, giáo mác cung tên trong tay, vây lấy đồn. Người ngoài hàng rào hò hét chửi bới; người bên trong đồn im thin thít, chẳng biết làm gì, vì biết không thể dùng súng đạn, còn tay không thì làm sao chống lại với giáo mác. Sau hơn nửa ngày giằng co, đúng lúc cổng đồn sắp bị phá, tình hình như kiểu “ngàn cân treo sợi tóc” thì có tiếng hô: Đại tướng Vạn Lý Trường Chinh đến!

Không một ai rõ Đại tướng Vạn Lý Trường Chinh như thế nào, nhưng cảnh huyên náo, xô xát đột nhiên lắng lại. Mọi người im lặng, ánh mắt đổ dồn về con đường dẫn lên đồn. Họ thấy một người cưỡi ngựa, tầm thước trung bình đang đi giữa hai hàng quân hộ vệ, tay cầm súng ngang. Hàng người đang bao vây đồn dạt sang hai bên, nhường đường cho người cưỡi ngựa và tốp bộ đội đi vào đồn. Sau khi đoàn quân đi qua, bà con liền ào vào theo đứng chật sân đồn. Ông đại tướng ấy chính là Nguyễn Sơn. Ông ra lệnh đào một hố tròn ở giữa sân đồn và ra hiệu cho mọi người trật tự, im lặng. Một cái bàn được khiêng ra sân, và ông bước lên đứng trên bàn nói chuyện với đồng bào.

Một giọng nói sang sảng như chuông lệnh vang lên chinh phục được cả đám đông huyên náo. Ông nói đại ý là người đại diện cho Chính phủ lên đây để thăm hỏi đồng bào, khen ngợi đồng bào trước đây đã anh dũng đánh Pháp. Nay hãy cùng Chính phủ tiếp tục đánh quân Pháp xâm lược để giữ độc lập, tự do mới giành được. Nói xong, ông cho đem vài trái lựu đạn quăng vào hố sâu mới đào trong đồn. Những tiếng nổ inh tai nổi lên. Đồng bào Bahnar ở đây thường tự hào là họ đã giết được Pháp. Nay, tận mắt thấy tai nghe những tiếng nổ càng làm họ phấn khích, tin tưởng vào Chính phủ. Nguyễn Sơn cũng cho gác một trung liên, hướng vào núi  bắn một loạt liên thanh. Trời chiều, nhìn những hàng đạn bay chíu chíu đỏ lừ vạc những đường thẳng xé núi, những tiếng hò reo lại vang dội. Bấy giờ, sau khi nói chuyện, ông bước xuống đi vào đám đông bắt tay từng người, từ cụ già tới thanh niên, rồi các em bé. Cử chỉ này lúc đó lạ lắm, cho nên đã chinh phục ngay lòng người. Những người có dịp được bắt tay lúc đó hoặc đã được nghe kể lại đều cho rằng ông “đúng là người đằng mình, vì tay ông cứng chắc đầy chai như tay mình”. Có người còn khẳng định là ông hoặc cha về kể lại là “đã thấy cả những nốt mụn ghẻ trên cánh tay và chân để trần” của ông. Hồi đó bộ đội mặc áo sơ mi cộc tay và quần soóc cho nên đồng bào thấy rất rõ. Có người cho rằng ông là người đằng mình vì cũng để râu như mình, không cạo gọt tỉa tót. Các già làng thuở ấy còn cho rằng ông là người của mình vì cũng cao lớn như mình, màu da cũng đen nâu như mình. Họ phục nhất là ông cùng già làng bắt tay nhau, cùng ra khỏi đồn, đến đường cái ông mới lên ngựa đi chứ không lên ngựa ngay trong sân đồn. Mắt nhìn tận mắt, tay sờ đúng người, ai nấy đều hồ hởi phấn khởi, tin tưởng vào người của mình, tin tưởng vào Chính phủ…

Sự việc xảy ra ngoài dự đoán, nhưng mọi người cứ tưởng như trong mơ. Đồng bào Bahnar ngày ấy được tiếp xúc với đại tướng Vạn Lý Trường Chinh nhiều nhất vì lúc đó họ đương đứng ồn ào trước cổng. Số người Kinh thì chỉ có những người  bộ đội đang đóng trong đồn, trong đó có ông Phan Ngạn- sau này đại tá quân đội, đã nghỉ hưu và là nghệ sĩ ưu tú, hiện sống tại Quy Nhơn.  

Một số người khác gặp Nguyễn Sơn lúc đó nay cũng đã về hưu từ lâu sau khi  đi suốt cuộc trường chinh, cũng đều mang quân hàm đại tá. Qua suốt hai cuộc kháng chiến lâu dài, họ cũng chỉ nhớ mang máng rằng sở dĩ gọi ông là “Vạn Lý Trường Chinh” vì hình như ông có tham gia cuộc vạn lý trường chinh ở đâu đó bên nước Trung Quốc. Thật ra cũng đúng, như chúng ta đã từng biết qua rất nhiều tài liệu, báo chí, tướng Nguyễn Sơn trước đó, khi ở Trung Quốc về nước tháng 10 năm 1945- ông là người Việt Nam duy nhất đã tham gia cuộc vạn lý trường chinh lịch sử này.

Trong thực tế, những sự kiện cụ thể có liên quan đến Nguyễn Sơn lúc đó, như tháng 5 năm 1946, thành lập trường Lục quân Quảng Ngãi do Nguyễn Sơn làm hiệu trưởng; ngày 17 tháng 6 năm 1946, Nguyễn Sơn được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến miền Nam Việt Nam (theo sắc lệnh số 183 ngày 17-6-1946, Quyền Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa Huỳnh Thúc Kháng bổ nhiệm); ngày 20 tháng 11 năm 1946, sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký cử Nguyễn Sơn làm tham mưu trưởng quốc phòng … là những điều kiện để người dân vùng Cây Dừa, đặc biệt là người dân tộc Bahnar có được may mắn gặp Nguyễn Sơn, và giúp chúng ta hiểu thêm về mối liên quan giữa Nguyễn Sơn và vùng Cây Dừa.

Khi người dân ở đây buổi đầu tiếp xúc với quân xâm lược muốn cướp đi độc lập, tự do mà họ vừa giành được, lại chưa hiểu mấy về địch. Họ chỉ biết chắc chắn có một điều là phải giữ vững độc lập, tự do mới giành được bằng bất cứ giá nào. Họ chỉ có một quyết tâm là phải chiến thắng. Và tất nhiên tín tâm của họ lúc đầu là đặt vào Đại tướng Vạn Lý Trường Chinh, phải tìm ra cho được một cách đánh sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của chính mình…

  • Xuân Mai

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Về bốn chiếc ấn thời Tây Sơn  (19/08/2008)
Đến “Đất võ” hoài niệm “áo vải dựng cơ đồ”  (29/07/2008)
Bên dòng sông Kôn  (08/07/2008)
Khu tưởng niệm Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân  (01/07/2008)
Những nghiên cứu thú vị về Hoàng đế Quang Trung  (09/06/2008)
Đền thờ Vua Quang Trung: Tôn vinh người anh hùng áo vải  (29/05/2008)
Ai về phố biển Quy Nhơn...  (12/05/2008)
Quy Nhơn cà phê… !   (03/05/2008)
Qua cầu Trường Thi, đi tìm những bến nước con đò  (03/05/2008)
Một biểu tượng đặc biệt của Việt Nam  (11/04/2008)
“Tháng Ba nồm rộ”(1)  (08/04/2008)
Ngạc nhiên cùng Hầm Hô  (13/03/2008)
Một thoáng Xuân Quơn xưa  (23/02/2008)
Ấn tín nhà Tây Sơn và ngôi mộ thần thái giám  (20/02/2008)
16 năm theo đuổi một giả thuyết  (18/02/2008)