Danh nhân tuổi Sửu trong lịch sử dân tộc Việt Nam
16:38', 22/1/ 2009 (GMT+7)

Danh nhân Trần Nguyên Đán (Ảnh Internet)

Đại anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô đại cáo” đã viết về đất nước ta: “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”. Nhân năm Sửu, xin giới thiệu một số danh nhân sinh tuổi Sửu.

* Phùng Hưng sinh năm Tân Sửu 761, quê ở làng Đường Lâm, nay thuộc Ba Vì, Hà Nội. Sinh thời, Phùng Hưng là người khoẻ mạnh và dũng lược. Chính ông đã phát động và lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa lớn, đập tan chính quyền đô hộ của nhà Đường, xây dựng nền độc lập tự chủ trong một thời gian khá dài, được nhân dân suy tôn là Bố cái Đại vương, mất năm 41 tuổi (802).

* Trần Quang Khải sinh năm Tân Sửu 1241. Ông là con trai thứ ba của vua Trần Thái Tông; là nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà thơ lớn của dân tộc. Dưới triều Trần Thánh Tông (1258 - 1278), Trần Quang Khải được phong tước Chiêu minh Đại vương. Năm 1274, ông được giao giữ chức Tướng quốc Thái . Năm 1282, dưới triều Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải được cử làm Thượng tướng Thái sư, đứng đầu triều đình. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai (1285) và thứ ba (1288), Trần Quang Khải là vị tướng chủ chốt thứ hai sau Trần Quốc Tuấn có nhiều công lao lớn trên chiến trường. Ông còn là một nhà thơ có vị trí không nhỏ trong văn học sử Việt Nam, với tâm hồn thơ khoáng đạt, gần gũi, gắn bó với cuộc sống bình dị của đất nước nhưng cũng không kém phần hào hùng. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông phải kể đến đó là bài “Tụng giá hoàn kinh sư” được viết sau chiến thắng Chương Dương độ vào tháng 6/1285 - chiến thắng được coi là lớn nhất lúc bấy giờ:

Chương Dương cướp giáo giặc

Hàm Tử bắt quân thù

Thái bình nên gắng sức

Non nước ấy nghìn thu” (Trần Trọng Kim dịch).

* Nguyễn Trung Ngạn sinh năm Kỷ Sửu 1289, quê làng Thổ Hoàng, Ân Thi, Hưng Yên. Nguyễn Trung Ngạn nổi tiếng thần đồng, đỗ Hoàng giáp năm 15 tuổi (1304), cùng khoa với Mạc Đĩnh Chi, làm quan đến Hành khiển, đã từng đi sứ nhà Nguyên. Ông là người có công trong việc biên soạn bộ “Hình thư” và “Hoàng triều đại điển”; về già được thăng tước Thân Quốc Công. Ông là tác giả “Giới Hiên thi tập” với nhiều bài thơ, bài văn có giá trị.

* Trần Nguyên Đán sinh năm Ất Sửu 1325. Trần Nguyên Đán là danh sĩ nổi tiếng đời Trần, hiệu là Băng Hồ, ông là chắt nội của Trần Quang Khải và là ông ngoại của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Đời Trần Dụ Tông (1341-1369), ông được bổ làm Ngự sử đại phu; đời Nghệ Tông lên chức Tư đồ, tước Chương Túc hầu. Ông sống vào lúc triều Trần đi vào buổi suy vi nên mang trong mình rất nhiều tâm sự. Những tâm sự này được ông đưa vào thơ văn của mình. Đó là lòng thương dân, là cảm giác thấy mình bất lực nên trở thành vô dụng. Năm Ất Sửu (1385) ông về Côn Sơn ở ẩn và mất sau đó 5 năm, vào năm 1390, thọ 65 tuổi. Ông là “cây cột chống trời” cuối cùng của nhà Trần, nên khi ông mất đi triều đình ngày càng nghiêng đổ và chỉ chưa đầy 10 năm sau nhà Trần đã bị Hồ Quý Ly cướp ngôi. Tác phẩm của ông đã mất mát phần lớn, hiện chỉ còn 51 bài thơ chép trong "Trích diễn thi tập", "Toàn Việt thi lục".

* Lê Lợi sinh năm Ất Sửu 1385, kém Trần Nguyên Đán đúng một vòng hoa giáp. Lê Lợi quê tại Lam Sơn (Kẻ Cham), nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Lê Lợi là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh, là anh hùng giải phóng dân tộc và là người sáng lập vương triều nhà Lê, mở ra thời kỳ thịnh trị lâu dài trong lịch sử dân tộc. Sau khi đánh thắng quân Minh, Lê Lợi lên ngôi vua với hiệu là Lê Thái Tổ, ở ngôi 5 năm và mất cũng vào năm Sửu (1433), an táng tại Vĩnh Lăng, Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hoá.

* Ngô Thị Ngọc Dao sinh năm Tân Sửu 1421 tại Yên Định - Thanh Hoá. Bà là con gái của cụ Ngô Từ, khai quốc công thần của vua Lê Thái Tổ và sau này được phong là Thái Bảo. Bà được vua Lê Thái Tông phong là Tiệp Dư. Năm 1442 bà sinh Hoàng tử Lê Tư Thành (sau này là vua Lê Thánh Tông). Sau đó để tránh sự ghen ghét của hoàng hậu Nguyễn Thị Anh, bà đã được Nguyễn Trãi và phu nhân Nguyễn Thị Lộ đưa ra khỏi hoàng thành và trú ở chùa Huy Văn, ngõ Văn Chương trong kinh thành. Bà là người am hiểu văn chương, đạo lý. Vua Lê Thánh Tông được lịch sử ca ngợi là vị vua anh minh, tài đức bậc nhất của lịch sử dân tộc, trong đó có công lao dạy dỗ to lớn của bà. Bà cũng chính là người cùng vua Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi và cho sưu tầm trước tác của Nguyễn Trãi để lại cho đời sau. Bà mất năm 1496.

*  Đinh Văn Tả sinh năm Tân Sửu 1601, ông là võ tướng xuất sắc triều Lê Trung Hưng, làm quan đến chức Tả Đô đốc, có công trung hưng nhà Lê. Mất năm 1680. Con cháu ông nối đời nổi tiếng về võ công. Dân gian truyền tụng câu “Đánh giặc họ Đinh” để chỉ gia tộc ông.

* Đặng Đình Tướng sinh năm Kỷ Sửu 1649, quê Chương Đức, nay là Chương Mỹ, Hà Nội. Thuở nhỏ Đặng Đình Tướng học hành rất thông minh. Ông đỗ đầu kỳ thi Hương năm 20 tuổi. Năm sau, ông thi Hội đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670). Năm 1697 được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh. Sau khi đi sứ về ông được thăng chức Bồi tụng (đứng đầu hàng quan văn), sau đó thấy ông có tài thao lược, triều đình cử ông sang hàng quan võ với chức Thái phó (đứng đầu hàng quan võ); về sau ông được phong tước Ưng Quận Công. Ông là một vị quan tài ba và đức độ. Sau khi về nghỉ được tôn lên hàng Quốc lão, mất năm 1736, thọ 87 tuổi.

* Nguyễn Hữu Thận sinh năm Đinh Sửu 1757, quê Triệu Phong, Quảng Trị. Ông là nhà toán học và danh sĩ nổi tiếng thời Nguyễn, làm quan triều Tây Sơn và Gia Long đến chức Thượng thư Bộ hộ, coi sóc Toà Khâm thiên giám. Nổi tiếng về toán học và thiên văn, mất năm 1831. Ông để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng như như: Ý Trai Toán pháp nhất đắc lực - Một điều tâm đắc về toán pháp của Ý Trai - tên hiệu của ông; Tam thiên tự lịch đại văn chú - Ba nghìn chữ chú giải văn chương các đời; Bách ti chức chế - nói về nhiệm vụ và thể chế các ti, sở của triều Nguyễn (biên tập chung với nhiều người).

* Nguỵ Khắc Đản sinh năm Đinh Sửu 1817, là danh sĩ đời Tự Đức; quê ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Đỗ cử nhân năm Tân Sửu 1841 và đỗ thám hoa năm 1856 lúc 39 tuổi. Làm quan đời Tự Đức từ tri phủ Thăng Bình - Qảng Nam thăng dần Thượng thư bộ Công. Năm 1863, ông cùng Phan Thanh Giản và Phạm Phú Thứ đi sứ nước Pháp thương thuyết chuộc ba tỉnh miền Đông, nhưng công việc thất bại trước âm mưu thâm độc của thực dân Pháp. Ông để lại nhiều tác phẩm trong đó có Tây phù nhật kí (Nhật kí đi Pháp), viết trong thời gian đi sứ Pháp.

* Tự Đức sinh năm Kỷ Sửu 1829, chính tên là Nguyễn Hồng Nhậm, huý là Thì, là con thứ hai của vua Thiệu Trị và mẹ là Phạm Thị Hằng (Từ Dũ Hoàng Thái Hậu sau này), con gái thượng thư Phạm Dăng Hưng người Gia Định. Lên ngôi vua năm 1847 lấy niên hiệu là Tự Đức. Ông lên ngôi giữa lúc nước nhà đang đứng trước âm mưu xâm lược của thực dân Pháp. Ông có lỗi trong việc để mất Nam Kỳ nhưng bản thân ông là người uyên bác, cần kiệm, chăm chỉ trong chức vụ và có nhiều đóng góp cho nền văn hoá nước nhà. Đặc biệt Tự Đức là người con rất có hiếu. Tự Đức ở ngôi Hoàng đế 36 năm và băng hà ngày 16.6 năm Quý Mùi (1883) giữa cảnh đất nước ngổn ngang trăm mối, miếu hiệu là Dực Tôn anh Hoàng đế. Tóm lại, Tự Đức là nhà chính trị thất bại nhưng là một nhà văn hoá thành công.

* Ưng Bình sinh năm Đinh Sửu 1877, là cháu nội Tuy Lý Vương Miên Trinh; là thân phụ của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương hiện nay. Đỗ giải nguyên Hán học, đỗ đầu kỳ thi ký lục năm 1904, làm quan ở nhiều chức vụ, về nghỉ với hàm Thượng thư (như bộ trưởng). Năm 1940 ông được cử làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, Hội trưởng Hội truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ. Ông là vị quan to song bỏ ngoài tai mọi bọt bèo danh vọng. Người đời nhớ tới ông là một nhà thơ lớn, một nghệ sỹ tài hoa và phóng khoáng với những câu thơ đã đi vào lòng người nhiều thế hệ: “Chiều chiều trước bến Văn lâu/ Ai ngồi ai câu, ai sầu, ai thảm…”. Ưng Bình mất năm 1961, thọ 85 tuổi.

* Nguyễn Văn Tố sinh năm Kỷ Sửu 1889, quê Hà Đông - Hà Nội, là học giả nổi tiếng làm việc nhiều năm tại Trường Viễn Đông Bác cổ; là Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ trước năm 1945. Sau Cách mạng Tháng tám, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong chính phủ Lâm thời và sau đó là Trưởng Ban Thường trực Quốc hội (như Chủ tịch Quốc hội hiện nay) Khoá 1 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tháng 10.1947, thực dân Pháp tấn công lên chiến khu Việt Bắc, ông bị địch bắt và giết hại.

* Trần Huy Liệu sinh năm Tân Sửu 1901, quê Vụ Bản, Nam Định. Ông là nhà báo, nhà văn, nhà sử học, nhà hoạt động chính trị xuất sắc, là đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng nhưng sau này ly khai tổ chức này và gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông là người sáng lập ra Cường học thư xã ở Sài Gòn (1928), chuyên xuất bản sách và cổ vũ tinh thần yêu nước. Từng bị thực dân Pháp bắt và đưa đi đày ở Côn Đảo, Sơn La. Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông được bầu là Phó Chủ tịch Uỷ ban Dân tộc giải phóng. Sau đó ông được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền trong Chính phủ Lâm thời. Cuối tháng 8.1945, ông cùng Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận vào Huế tiếp nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại. Sau này ông chuyên tâm nghiên cứu khoa học lịch sử, làm Viện trưởng Viện Sử học và qua đời năm 1969. Ông được Viện Hàn lâm khoa học Cộng hoà Dân chủ Đức (cũ) mời làm viện sĩ. Năm 1996, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về văn học nghệ thuật.

* Trịnh Đình Thảo sinh năm Tân Sửu 1901, quê Hà Đông, đỗ tiến sĩ luật khoa tại Pháp, từng làm luật sư toà thượng thẩm Sài Gòn, Bộ trưởng Tư pháp trong chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim (1945). Năm 1968, ông ra chiến khu và được cử giữ chức vụ Chủ tịch Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam (1969). Trịnh Đình Thảo mất năm 1986.

* Phùng Chí Kiên sinh năm Tân Sửu 1901, quê Diễn Châu, Nghệ An, từng theo học các lớp huấn luyện cán bộ tại Quảng Châu do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở; học viên trường võ bị Hoàng phố. Năm 1931, ông vào học đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Mascova, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Đông Dương (1941). Hoạt động thường xuyên tại Hồng Kông, Côn Minh (Trung Quốc) và Cao Bằng. Ông là người chỉ đạo khu căn cứ Bắc Sơn- Võ Nhai, bị thực dân Pháp bắt và xử tử bằng cách chặt đầu năm 1941. Ông là người học trò gần gũi và thân thiết của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, là một cán bộ tiền bối của Đảng và là nhà quân sự có tài.

* Trần Đức Lương sinh năm Tân Sửu 1937, quê quán Đức Phổ, Quảng Ngãi; tập kết ra Bắc năm 1955, sau khi học xong trung học ông vào học trường mỏ địa chất Hà Nội. Trải qua nhiều chức vụ khác nhau như Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất, Phó Thủ tướng Chính phủ; Uỷ viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và là Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam từ năm 1997 - 2006. Năm 2005, ông và các cộng sự của mình được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ với công trình Bản đồ Khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1/500.000 (do Tổng cục Địa chất xuất bản năm 1981) và Bản đồ Địa chất Việt Nam tỷ lệ 1/500.000 (do Tổng cục Mỏ và Địa chất xuất bản năm 1988).

* Nguyễn Văn An sinh năm Tân Sửu 1937; quê quán ngoại thành Nam Định. Trưởng thành từ công nhân điện rồi đến Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty Điện lực; Trưởng Ban Tuyên huấn, Phó Chủ tịch; Chủ tịch; Phó Bí thư; Bí thư Tỉnh uỷ; Phó ban rồi Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Ông là Uỷ viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và là Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam từ năm 2001 - 2006. Trong thời gian làm Chủ tịch Quốc hội, ông đã mang đến sinh khí mới cho hoạt động của cơ quan quyền lực này và để lại nhiều dấu ấn về sau. Thời gian ông làm Chủ tịch Quốc hội là thời kỳ nhiều bộ luật được thông qua và lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội trên nghị trường.

. Theo VOV News

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khi vị Tổng tư lệnh cởi chiến bào khoác cà sa  (31/12/2008)
Đại lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại nhà tù Phú Quốc  (22/12/2008)
Vua Trần Nhân Tông và công cuộc mở cõi  (08/12/2008)
Đồng chí Ngô Gia Tự - người chiến sĩ cộng sản cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng  (01/12/2008)
Nhà Tây Sơn với một học giả người Malaysia   (21/10/2008)
Tháp Hùng Vương: Sẽ là biểu tượng của thời đại mới  (29/09/2008)
Huyền thoại về Tướng Nguyễn Sơn ở Cây Dừa  (20/08/2008)
Về bốn chiếc ấn thời Tây Sơn  (19/08/2008)
Đến “Đất võ” hoài niệm “áo vải dựng cơ đồ”  (29/07/2008)
Bên dòng sông Kôn  (08/07/2008)
Khu tưởng niệm Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân  (01/07/2008)
Những nghiên cứu thú vị về Hoàng đế Quang Trung  (09/06/2008)
Đền thờ Vua Quang Trung: Tôn vinh người anh hùng áo vải  (29/05/2008)
Ai về phố biển Quy Nhơn...  (12/05/2008)
Quy Nhơn cà phê… !   (03/05/2008)