Ku Boon Dar (nghiên cứu sinh lịch sử, Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Malaya - Malaysia) là người rất tâm huyết với việc nghiên cứu về Hoàng đế Qunag Trung và phong trào Tây Sơn. Mới đây, ông sang Việt Nam dự Hội thảo Khoa học Quốc tế Việt Nam học lần thứ III và trình bày tham luận “Quan hệ Trung - Việt 1771-1802: mối quan hệ thương mại - cống nạp qua biên giới” rút từ đề tài nghiên cứu “Quan hệ Trung - Việt trong thời kỳ khởi nghĩa Tây Sơn ở Việt Nam 1771-1802”. Một cuộc phỏng vấn ngắn với nhà nghiên cứu này.
|
Ku Boon Dar (trái) và GS Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam).
|
+ Lý do nào khiến ông quan tâm nghiên cứu về thời kỳ Tây Sơn và về người anh hùng áo vải Quang Trung?
- Tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng thời Tây Sơn lại xảy ra rất nhiều sự kiện đáng quan tâm. Đây là giai đoạn mà Trung Quốc có liên quan một cách khá chặt chẽ đến nhiều biến cố xảy ra tại Việt Nam. Thời kỳ đầu, nhiều sự kiện xảy ra đã làm gia tăng sự bất đồng giữa hai nước. Tuy nhiên, cuối giai đoạn này, quan hệ hai nước đã được nối kết trở lại và đi dần vào quỹ đạo của mô hình truyền thống. Nhà Tây Sơn, nói chính xác hơn là trong thời gian Quang Trung trị vì, đã tìm cách tái thiết các mối quan hệ với Trung Quốc, gửi các sứ thần sang Trung Quốc và yêu cầu nhà Thanh công nhận chính thức vương triều của mình. Do đây là giai đoạn mà quan hệ giữa hai nước trải qua những cung bậc thăng trầm rất khác nhau, nên việc đi sâu nghiên cứu những nỗ lực cũng như các phương thức mà hai bên đã sử dụng để xác lập và điều chỉnh quan hệ ngoại giao sẽ là rất thú vị.
Thứ hai, nghiên cứu này sẽ cung cấp một bức tranh khá chi tiết về một trong những thời kỳ phức tạp nhất của thời cận hiện đại ở Việt Nam, nên sẽ có ý nghĩa nhất định trong nghiên cứu địa - lịch sử Việt Nam. Công trình này, do vậy, hy vọng sẽ không chỉ góp phần vào việc nghiên cứu phong trào Tây Sơn và người anh hùng Quang Trung trong giai đoạn cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, mà còn cung cấp thêm những chiều kích mới để nhìn nhận quan hệ giữa Việt Nam với nước ngoài; cũng như góp thêm cái nhìn mới về xã hội Việt Nam trong một giai đoạn đầy biến động, vốn đang quá độ từ tình trạng cát cứ vùng, chuyển dịch một cách khó khăn theo hướng tăng cường sự thống nhất đất nước và quan hệ với nước ngoài. Tất nhiên, tôi hiểu, sẽ có sự khác biệt trong cách nhìn nhận của tôi với cách nhìn nhận trước đây, nhất là khi nó được nghiên cứu từ cái nhìn của một người ở một nước thứ ba.
+ Ông bắt đầu nghiên cứu về Việt Nam khi nào? Những khó khăn và thuận lợi trong quá trình nghiên cứu là gì, thưa ông?
- Tôi bắt đầu quan tâm đến Việt Nam khi theo học Cao học tại Khoa Lịch sử, Đại học Malaya từ năm 2002 đến năm 2005. Khi ấy, tôi được PGS-TS Danny Wong Tze Ken (hiện giảng dạy môn Lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á, Khoa Lịch sử, Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Malaya) hướng dẫn. Ông là người đã hướng tôi quan tâm tới nhiều khía cạnh khác nhau của lịch sử Việt Nam.
Tôi chọn nghiên cứu lịch sử Việt Nam, dù đây là một lĩnh vực mà tôi biết là sẽ gặp rất nhiều thử thách. Sức thu hút của nó có thể ví như một mảnh đất mới, tuy tiềm ẩn nhiều thú vị, nhưng lại đòi hỏi những nỗ lực rất lớn của người nghiên cứu. Việc nghiên cứu của tôi, trên thực tế, gặp nhiều khó khăn, chẳng như nguồn tư liệu về đề tài này ở Malaysia là rất ít. Còn ở Việt Nam, tuy tư liệu nhiều, nhưng hầu hết đều còn ở hình thức chép tay. Do vậy, để hoàn thành nghiên cứu của mình, tôi phải sang Việt Nam và tiến hành nhiều cuộc khảo sát, tìm kiếm tài liệu, trong khi tôi lại không biết tiếng Việt.
|
Ku Boon Dar (phải) và TS. Bùi Minh Đức (Việt kiều tại Mỹ)., Tại Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ III, hai nhà nghiên cứu này đã trình bày hai tham luận đều liên quan đến đề tài Hoàng đế Quang Trung và phong trào Tây Sơn.
|
+ Vậy đề tài nghiên cứu "Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam thời Tây Sơn cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19" của ông hy vọng sẽ đóng góp được vấn đề gì mới?
- Đề tài này cố gắng tìm hiểu về thời Tây Sơn thông qua việc nghiên cứu quan hệ ngoại giao giữa nhà Tây Sơn với nhà Thanh. Có thể thấy, quan hệ Trung -Việt giai đoạn này, thể hiện qua số lượng các sứ đoàn được cử từ Việt Nam sang Trung Quốc, trở nên chặt chẽ một cách khác thường. Đánh dấu cho sự thay đổi có tính bước ngoặc của quan hệ này là thất bại nhà Thanh khi đem quân vào Việt Nam. Sau đó, quan hệ giữa hai nước dần ổn định trở lại trong khuôn khổ của các hệ thống tỏ sự thuần phục. Nghiên cứu này đi sâu vào bản chất của hai bên, cũng như những phương cách mà hai bên đã sử dụng để điều chỉnh mối quan hệ đó. Thêm vào đó, công trình cũng sẽ đi sâu tìm hiểu mạng lưới quan hệ thương mại tư nhân song phương của người dân hai nước. Thông qua việc nhìn nhận một cách thấu đáo hơn vị trí và phản ứng của Việt Nam trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc trong thời kỳ đặc biệt này, nghiên cứu cũng sẽ cung cấp những chiều kích mới trong nghiên cứu địa - lịch sử trong quan hệ Trung - Việt cũng như trong lịch sử Đông Nam Á.
Cuối cùng, công trình này cũng cố gắng để xác định vị trí của Việt Nam trong mạng lưới thương mại của Trung Hoa, đặc biệt là việc hệ thống này đã ảnh hưởng như thế nào đến cấu trúc xã hội Việt Nam thời Tây Sơn. Rất nhiều nhà lịch sử nghiên cứu Việt Nam đã cho rằng: nhà Tây Sơn đã thực hiện chính sách bế quan toả cảng, duy trì nền kinh tế tự cấp tự túc. Tuy nhiên, điều này không đúng với một thực tế là so với các thời kỳ trước, quan hệ thương mại và văn hoá thời Tây Sơn đã đạt được những thành tựu rất to lớn.
+ Ông có thể chia sẻ quan điểm của các học giả Malaysia cũng như của cá nhân ông đánh giá về Hoàng đế Quang Trung và phong trào Tây Sơn?
Ku Boon Dar sinh năm 1969, tại Negeri Sembilan (một tỉnh nằm ở vùng duyên hải phía Tây của Malaysia). Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Lịch sử tại Đại học Sains Malaysia, ông tiếp tục theo học Thạc sĩ Sử học tại khoa Lịch sử, Đại học Malaya, Kuala Lumpur. Từ năm 2006 đến nay, ông làm nghiên cứu sinh tại Đại học Malaya và sẽ bảo vệ luận án Tiến sĩ vào cuối năm nay. |
- Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào về thời Tây Sơn được tiến hành ở Malaysia. Vì vậy, tôi không thể đưa ra bất cứ bình luận nào. Tuy nhiên, theo quan điểm của cá nhân tôi, Hoàng đế Quang Trung đã và sẽ được nhớ đến như một thiên tài quân sự, một nhà lãnh đạo biết truyền cảm hứng về đổi mới. Dấu ấn cá nhân của Vua Quang Trung đã in đậm trong phong trào Tây Sơn. Với tôi, Quang Trung không chỉ là một hoàng đế cải cách, mà còn một trong những nhà chiến lược hàng đầu. Dưới sự lãnh đạo của ông, Việt Nam trong thời kỳ này đã đạt được những thành tựu lớn. Không chỉ đánh bại quân xâm lược nhà Thanh, buộc Càn Long chấp nhận phong vương cho mình, ông còn bãi bỏ lệ cúng người vàng cho Trung Quốc, cũng như yêu cầu nhà Thanh phải trả lại cho Việt Nam những phần đất đã xâm lấn.
+ Ông có dự định đến Bình Định để tìm hiểu và nghiên cứu ngay trên quê hương của Hoàng đế Quang Trung không, thưa ông?
- Bình Định là quê hương của Quang Trung và hiện đang lưu trữ nhiều tài liệu liên quan đến công trình nghiên cứu của tôi. Về Bình Định, thăm Bảo tàng Quang Trung, tôi biết, mình sẽ không chỉ được xem biểu diễn Võ Tây Sơn, mà sẽ còn rất thú vị khi được xem biểu diễn trống trận. Vì vậy, hy vọng tôi sẽ có dịp đến Bình Định trong tương lai sớm nhất. Tất nhiên, đến Việt Nam, tôi không chỉ với mục đích hoàn thành công trình nghiên cứu của mình, mà còn để được gặp lại những người bạn Việt Nam tuyệt vời của tôi mà ở đây, tôi chỉ có thể đề cập đến vài người trong số họ, như ông Vũ Dương Luân, nhà nghiên cứu thuộc Viện Việt Nam học và Phát triển (Đại học Quốc gia, Hà Nội) và cô Lê Việt Liên (Viện Nghiên cứu Văn hoá - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam)… Họ là những người đã giúp đỡ tôi rất nhiệt tình trong việc tìm kiếm tư liệu liên quan đến đề tài nghiên cứu của tôi.
+ Xin cảm ơn ông.
|