Cửa Khách Thử
17:4', 4/10/ 2009 (GMT+7)

Gọi là Cách Thử, Cửa Thử, Kẻ Thử hay Khách Thử là tùy từng người với cách giải thích hơi lung linh biến động một chút. Có sao đâu, điều này chỉ khoác lên sắc áo nhiều mầu cho một cơ thể đất đai cổ tích, một trong những địa danh vào loại xưa nhất trong lịch sử văn hóa người Việt Đàng Trong.

 

Chú tiểu chùa Ông Núi dẫn đường. (Ảnh: Hoàng Tuấn)

 

Ở đây, trong lòng biển có dấu chân của núi và trên vầng trán núi có vết hằn sóng biển, con người đứng giữa tầm gợi mở và thách thức của cả đại dương lẫn đại ngàn. Truyền rằng đây là nơi tiếp đón các đoàn thuyền phiêu tán từ Đàng Ngoài vào trong cuộc di dân hoặc “lưu đày viễn châu”. Các thuyền buôn Âu-Á cũng từng cập bến. Đây còn là miền giao cảm âm dương. Trí giả lẫn bịp bợm, sư sãi lẫn phù thủy, thi nhân lẫn tội đồ, thương gia lẫn cùng đinh, thánh thần lẫn ma quỷ… Chậu nước dùng để thử tiền, đồng chìm tiền người dương gian, đồng nổi tiền người địa phủ đã khái quát bầu trời tranh tối tranh sáng của xứ sở phên giậu mà Khách Thử là cửa ngõ ngàn trùng. Hai tiếng “bể dâu” trong điển tích thật hết sức đúng với trường hợp Khách Thử. Từ một thương cảng phồn vinh trong quá khứ, Khách Thử bị bồi lấp dần và nhường vai trò cho cảng thị Nước Mặn rồi Nước Mặn cũng bị bồi lấp dần để nhường vai trò lại cho Quy Nhơn. Các cuộc luân hoán ngôi vị ấy đã diễn ra cứ vài ba thế kỷ một lần. Không rõ các nhà khảo cổ học soát xét thế nào về những mảnh sành, đồng tiền cổ, khúc dây neo… lẫn trong mấy tầng tro bụi quá khứ, đọc được lời gào thét hoặc thủ thỉ nào của những cuộc phiêu du văn hóa, trên dấu chân Giao Chỉ lần từng bước đi về phương Nam.

 

Từ Chùa Ông Núi nhìn ra bãi Khách Thử. (Ảnh: HT)

 

Một mảnh đất có số phận bi hùng, dù chỉ là một cửa bể loi thoi nhưng từng hạt cát của nó đều ẩn tàng mối bận tâm chung của cả một dải Nam Trung bộ với nhiều bí ẩn trong mối quan hệ đa nghĩa Chiêm Việt. Những liên tưởng diệu vợi về một dĩ vãng ngui ngút đã níu tôi lại với một gương mặt khả ái và bi thương của lịch sử, một người phụ nữ  mà cuộc hôn nhân 1306 làm cho người Việt đất này phải thọ ơn: Huyền Trân công chúa. Tôi giở Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên ra lọc những dòng ít ỏi và cay đắng, tìm lấy một vị mặn của số phận mỹ nhân. Rồi tôi nhớ lại Am mây ngủ của Thích Nhất Hạnh trước đây mình say sưa đọc, nhìn lại tình yêu đứt đoạn vì cái chết của Harijit, tức con sư tử chiến thắng” Chế Mân, cuộc vượt biển lịch sử của hoàng hậu Chăm-pa Paramesvari qua cảm quan văn chương và thiền học.

 

Từ mỏm đá nhìn ra bãi Khách Thử du khách chờ trăng lên. (Ảnh: HT) 

 

Tôi đi ngang qua Vĩnh Hội, ngước lên chiêm ngưỡng hòn Vọng Phu, rẽ về chợ Khách Thử nghe hoa trái thôn quê, lên núi Phương Phi dùng cơm rau dưa với sư trụ trì chùa Ông Núi, tối được chú tiểu dẫn ra mỏm đá cheo leo ngồi uống rượu ngắm biển và trăng. Bầu không khí của hơn bảy thế kỷ trước đột nhiên dâng lên, cho phép tôi kiến trúc một bài thơ với cái tứ bão giông và nhói buốt. Linh tính mách bảo rằng cuộc vượt về cố quốc của Huyền Trân công chúa là từ cửa biển này, cái cửa biển cách kinh thành Đồ Bàn khoảng vài chục cây số, nằm trong tầm khống chế của thành Thi Nại cách đây không xa, một địa điểm quản lý hải khẩu của nhà nước Chăm-pa,  vừa có chức năng quân cảng lẫn thương cảng.

Lễ trà tỳ của Chế Mân có thể là nơi tôi ngồi  đây, một mỏm núi cửa bể trong hệ thống Pô Chinh Đại Sơn xưa đầy những kỳ nam trầm hương dành cho nghi thức liên kết  âm dương của hoàng đế băng hà. Mấy tháng sau, cái cảnh huống cướp Huyền Trân về bằng thuyền nhẹ mà bộ sử cái của Đại Việt ghi lại với những chi tiết sự kiện lẫn lời bình của sử gia  gây nhiều tranh cãi cho hậu thế, đã khiến một thiền sư viết sách nhìn lại, những nhà thơ nảy sinh cảm quan mới, các nhà nghiên cứu tốn nhiều giấy mực, nhà ngoại cảm mở biên độ tai mắt dân chúng và lịch sử bỗng mơ màng thành huyền tích. Có sao đâu, điều ấy lại khoác lên cho vùng đất này những hình tích đa diện và sự thăng giáng của nó khác nào lời thủ thỉ muôn trùng  của số phận và cơ duyên.

  • Nguyễn Thanh Mừng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tưởng niệm những oan hồn   (24/09/2009)
Hoàng Sa là của Việt Nam  (14/09/2009)
Xây nhà cho Người yên giấc ngủ  (01/09/2009)
Hiện vật của lòng dân khi sơn hà nguy biến  (24/08/2009)
Kỷ niệm 40 năm giữ gìn, bảo vệ thi hài Hồ Chí Minh  (23/08/2009)
Từ bút chiến đến vượt ngục  (21/08/2009)
“Thật hạnh phúc khi có một lãnh tụ như Hồ Chí Minh”  (17/08/2009)
Phát hiện di tích thời Hùng Vương tại Tuyên Quang  (16/08/2009)
Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám  (14/08/2009)
Phát hiện văn bản khẳng định chủ quyền của VN về Hoàng Sa   (12/08/2009)
Dựng tượng đài hải đội Hoàng Sa  (05/08/2009)
Trường Sơn - những con số đáng nhớ  (27/07/2009)
Xây dựng Tượng đài Bà mẹ VNAH  (26/07/2009)
Họ đang mỉm cười...   (13/07/2009)
Cư dân Đông Sơn đã làm chủ biển Đông  (07/07/2009)