Ngày xưa mùa lũ
13:32', 9/10/ 2009 (GMT+7)

Cơn bão số 9 kéo theo lũ lụt đã gây bao cảnh tang thương cho dãi đất miền Trung. Bình Định tuy không phải là vùng tâm bão nhưng cũng chịu thiệt hại không nhỏ với hàng chục người chết, hàng ngàn ngôi nhà bị sập và tốc mái.

Tôi đang ở Quy Nhơn, nhà bê tông, cốt thép, nên trận bão lũ vừa qua không có gì ảnh hưởng lớn. Nhưng không khó để hình dung bà con nông dân, các gia đình nghèo, đang ở nhà đơn sơ phải chịu khổ ải đến dường nào.

Bỡi ngày xưa tôi cũng ở nông thôn, cũng đã phải chống chọi với bão lũ hàng năm. Nhà tôi ở cuối làng, bao quanh là cánh đồng lúa; bình thường thì thoáng mát không đâu bằng, nhưng khi lũ lụt đến thì như nằm trên biển nước. Có năm nước lụt ngập đến cửa sổ; ra sân thì ngập đến bụng; còn ra ngõ thì ngập lút đầu.

Có năm nước lụt ngâm 2-3 ngày; cả nhà phải leo lên “rầm” để tránh lụt. “Rầm” là trần nhà làm bằng đất, nhồi rơm chắc chắn, có thể nhen lửa, nấu cơm. Mẹ tôi là người cẩn thận chuẩn bị sẵn mọi thứ, nhưng vẫn không đủ. Giếng nước bị ngập, hòa lẫn nước lũ, đục ngầu, phải hứng nước mưa để dùng. Hết nước mưa phải múc nước lũ để nấu ăn, cơm trắng thành vàng khè. Củi bị ẩm ước, đun khói mịt mù. Rắn rết theo dòng nước lũ bò vào nhà, ở chung với người.

Nhưng mùa lũ cũng có nhiều cái thú. Thú nhất là chống sõng - sõng tre. Chống sõng đi chơi, đi vớt củi và cả đi bắt vịt trôi. Vịt có người nuôi nhưng khi nước lũ cuốn trôi thì thành vô chủ, ai bắt đều được. Vịt bơi lặn giỏi nên không bị chết nước nhưng bắt được rất khó. Khó nên bắt được mới giỏi.

Chống sõng là cả một… nghệ thuật. Ban đầu chưa biết chống, sõng cứ xoay tròn một chỗ. Sau biết chống, sõng chạy băng băng, còn nhanh hơn đi bộ. Nhưng gặp chỗ nước sâu thì không chống được. Bỡi vậy ngoài cây sào tre để chống, trên sõng còn phải có một cái dầm để chèo khi cần thiết.

Mùa lũ còn là dịp để tôi trổ tài bắt cá. Ngồi trên sõng buông lưới bắt cá. Mùa lũ cá từ sông tràn lên đồng. Đủ các loại: cá rô, cá trầu, cá chép, cá thác lác… Mùa này cá no mồi, béo ngậy, ăn ngon hơn nhiều so với cá mùa khô.

Trong các loại cá mắc lưới, khó gỡ nhất là cá Trê. Cá Trê có ngạnh bén như dao, không khéo bị đâm vào tay, buốt đến phát sốt. Muốn bắt phải bóp mạnh cho hai ngạnh cá xếp lại, xong gỡ lưới ra.

Mùa lũ còn có thú bắt cá bằng “dẹp”, bằng “đó”. Dẹp là một dụng cụ bắt cá phổ biến, được đan bằng tre, giống như đó nhưng nan thưa hơn. Mưa lớn tôi mang dẹp ra ra “đôm”. Trổ một lỗ trên bờ ruộng, đặt dẹp, giữ bằng một thanh tre cắm sâu xuống đất. Cá từ mương theo dòng nước lên ruộng kiếm ăn, chui gọn vào dẹp. Thường chiều tối mang dẹp ra đôm, sáng ra cất. Có lúc cá vào đầy dẹp, nhấc triễu tay.

Bây giờ nước sông cạn dần, mùa khô nước trơ đáy, không còn môi trường cho cá sinh sôi, phát triển. Lại nữa những người rà điện đánh bắt cá theo kiểu hủy diệt nên cá đồng vơi cạn; buông lưới cả buổi chỉ được một nhúm cá rô, chưa đủ bỏ vào nồi.

Ngoài bắt cá, anh em tôi còn đi bắt cua đồng. Mùa lũ cua nhiều, béo bở. Dùng một chiếc rổ lớn, cán dài để xúc cua. Ấn rổ vào bờ ruộng, lấy chân dậm, quậy, cua sợ chạy ra, rơi vào rổ. Mang cua về rửa kỹ, bỏ vào cối, giã nhỏ. Lược, vắt xác cua, lấy nước riêu, thêm gia vị chế biến thành mắm tươi hoặc mắm chua. Mắm cua tươi ăn với rau lang luộc là tuyệt nhất.

Bỡi vậy, với tôi năm nào cũng chờ… lụt. Năm nào không có lụt thấy như thiếu thiếu một cái gì đó. Và không chỉ có tôi, cha tôi cũng mong có lụt. Ông bảo có lụt mới có phù sa cho ruộng. Nước lụt còn giúp tiêu diệt lũ chuột và sâu bọ phá hoại mùa màng.

Bây giờ báo chí hay nói người dân đồng bằng sông Cửu Long biết cách sống chung với lũ. Điều ấy xem ra không có gì là lạ đối với người dân quê tôi. Trừ những năm thời tiết thất thường, người ta biết khi nào bắt đầu gieo trồng, khi nào thì thu hoạch để tránh lũ. Người ta biết tích trữ lương thực, thực phẩm cho những ngày lũ lụt.

Nói văn chương một chút, họ biết yêu cái nét thơ mộng, bình yên ngày thường lẫn cái dữ dội, nghiệt ngã lúc “trái gió, trở trời”. Và vì vậy họ tìm cách sống chung với lũ, và hơn thế biết yêu mùa lũ.

  • Minh Hiếu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cửa Khách Thử  (04/10/2009)
Tưởng niệm những oan hồn   (24/09/2009)
Hoàng Sa là của Việt Nam  (14/09/2009)
Xây nhà cho Người yên giấc ngủ  (01/09/2009)
Hiện vật của lòng dân khi sơn hà nguy biến  (24/08/2009)
Kỷ niệm 40 năm giữ gìn, bảo vệ thi hài Hồ Chí Minh  (23/08/2009)
Từ bút chiến đến vượt ngục  (21/08/2009)
“Thật hạnh phúc khi có một lãnh tụ như Hồ Chí Minh”  (17/08/2009)
Phát hiện di tích thời Hùng Vương tại Tuyên Quang  (16/08/2009)
Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám  (14/08/2009)
Phát hiện văn bản khẳng định chủ quyền của VN về Hoàng Sa   (12/08/2009)
Dựng tượng đài hải đội Hoàng Sa  (05/08/2009)
Trường Sơn - những con số đáng nhớ  (27/07/2009)
Xây dựng Tượng đài Bà mẹ VNAH  (26/07/2009)
Họ đang mỉm cười...   (13/07/2009)