Bên hàng mộ liệt sỹ khuyết danh bảng lảng hương khói, người cựu chiến binh già lặng lẽ ngồi đó, nhẩm đọc những vần thơ da diết ru đồng đội chìm sâu vào giấc ngủ vùi.
Tôi gặp ông tại Nghĩa trang Việt - Lào, huyện Anh Sơn, Nghệ An trong buổi lễ cầu siêu hương linh các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Lào. Nghẹn ngào nghe những vần thơ ông viết trong một lần trở lại chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội: Bạn nằm đâu? Không một lời trăng trối/Để bây giờ rừng vẫn xanh/ Đất nước Lào ru giấc ngủ các anh/Rất nồng ấm như hai mùa mưa nắng…
|
Ông Hồ Đức Việt cùng các tăng ni, phật tử tham dự Lễ cầu siêu và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Lào sáng 24.10.
|
Không ngày nào là không gian khổ
Người lính già ấy tên là Tống Trần Vinh (Sơn Hòa, Hương Sơn, Hà Tĩnh), từng hoạt động và tham gia chiến đấu tại chiến trường Lào suốt 10 năm (1965 - 1975). Ngày đó, với thành tích đạt giải nhất môn văn cấp tỉnh, cậu tú Tống Trần Vinh được xếp vào diện cử sang Nga học. Tuy nhiên, ông quyết định xếp bút nghiên để nhập ngũ vào tháng 9.1945, theo đoàn quân tình nguyện sang nước bạn Lào.
Chiến đấu trong tiểu đoàn pháo binh được một năm, ông được điều về vùng địch hậu với nhiệm vụ làm chuyên gia quân sự sát cánh cùng quân và dân địa phương. Kể từ đây, ông gắn bó với những cánh rừng, cao nguyên nước bạn suốt mười năm ròng mà theo ông: “Không ngày nào là không gian khổ. 10 năm mắc võng che tăng, thèm cái cảm giác được nằm giường biết rứa”.
Hành trang của người lính quân tình nguyện ngày ấy gồm một khẩu súng CKC, hai quả lựu đạn, 7 kg gạo, một kg muối rang cho vào ống tre, cuốc xẻng và chiếc bao lô chứa vừa đủ bộ chăn màn… “Tôi thuộc diện yếu nhất đoàn nên được ưu tiên mang trên mình khoảng 55 kg. Cứ như thế đoàn quân vượt núi, băng rừng mất một tháng từ Hương Sơn (Hà Tĩnh) sang nơi tập kết tại đất bạn. Không người lính nào thoát những cơn sốt rét co giật. Càng về cuối chặng đường, số người sốt rét càng đông. Nhiều đồng đội của ông do đuối sức đã nằm lại bên đường và chìm vào giấc ngủ vĩnh hằng.
Cái tên đầm Pha Pho, huyện Chăn Thà, tỉnh Xi phăn đon (nay thuộc Chăm pa sắc) tới bây giờ vẫn chưa thôi ám ảnh ông. “Đó là mùa mưa năm 1968, khi đoàn quân tình nguyện Việt Nam lên kế hoạch diệt đồn giặc bên kia đầm Pha Pho. Một tốp lính trinh sát được giao nhiệm vụ bơi qua đầm để tiếp cận mục tiêu lấy thông tin… Đầm rộng và sâu ngập tới cổ, bơi qua phải mất một tiếng đồng hồ. Khi lên tới bờ, 3 trong 5 người lính đó đã chết tại chỗ vì bị đỉa bám hút máu quá nhiều”. Tự tay ông Vinh đã gỡ ra 230 con đỉa trâu đang bám chặt vào thân thể đồng đội. “Về sau, chúng tôi mới nghe dân làng kể lại rằng lũ đỉa ở đầm đó đã từng giết chết một con voi khi nó sa chân xuống”, ông Vinh nghẹn giọng kể lại.
Món nợ ân tình
Nhắc tới tình cảm của nhân dân Lào, người lính tình nguyện, chuyên gia Việt Nam đều nhớ đến những bà mẹ Bản Son, Nà Tàn, Lào Ngam… dành cơm nuôi giấu bộ đội, giúp ngựa vận chuyển hàng qua suối, qua rừng... Họ coi bộ đội Việt Nam như người con của đất Lào. Khi bộ đội lên cơn sốt rét gặp bản người địa phương, những mẹ, những chị, những em gái sẵn sàng vào rừng, lên núi tìm cho bằng được lá thuốc về nấu cho bộ đội uống… Bộ đội được xem như con, em trong nhà và được yêu quý gọi bằng những cái tên bản địa.
Ông Vinh được một gia đình tại Chăn Thà nhận làm con nuôi và đặt cho cái tên U Đon với tất cả tình thương mến. “Tôi mang ơn nhân dân Lào nhiều lắm. Trước khi chia tay về nước chẳng biết mần chi để trả nghĩa”. Cho tới bây giờ, chiến tranh đã lùi xa nhưng ông Vinh vẫn khôn nguôi day dứt về món nợ ân tình này. Một nỗi niềm canh cánh nữa cũng đeo đẳng ông, đó là những phần mộ của đồng đội. Tự tay ông đã chôn cất đồng đội trên mỗi bước hành quân. Bây giờ các anh vẫn còn nằm lại đâu đó trong những cánh rừng, khe suối hay trên ngọn đồi của nước bạn. Năm ngoái, ông có dịp trở lại chiến trường xưa để tìm lại hài cốt đồng đội cũ. Nhưng khung cảnh đã thay đổi nhiều, phần vì bị bom đạn san ủi, phần vì cỏ lau lút lối đi. Ông ngậm ngùi trở về với nỗi niềm day dứt được trút vào bài thơ: Thăm người nằm lại chiến trường Lào. Hôm nay, vào ngày mà các hương linh anh hùng liệt sỹ được an ủi phần nào qua lễ cầu siêu, mắt ngấn lệ, ông nhẩm đọc bài thơ đó bên hàng mộ liệt sỹ khuyết danh như lời tri ân với các đồng đội đã ngã xuống vì độc lập, hòa bình của hai đất nước Việt - Lào.
Tri ân các liệt sỹ hy sinh tại chiến trường Lào
Sáng 24.10, Lễ cầu siêu và tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại chiến trường Lào đã diễn ra tại Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào, huyện Anh Sơn, Nghệ An. Ông Hồ Đức Việt, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương và ông Sa mản Vi nha kệt, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Trưởng ban Chỉ đạo tư tưởng, lý luận, văn hóa Trung ương, Trưởng ban Biên soạn lịch sử đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam cùng nhiều vị lãnh đạo cấp cao của các Bộ, ngành và địa phương hai nước Việt - Lào, cựu quân tình nguyện, chuyên gia đã chiến đấu và làm việc tại Lào và gia đình… đã tham dự và thắp hương tại buổi lễ.
Tối cùng ngày, nằm trong hoạt động của Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào, Chương trình giao lưu nghệ thuật “Việt-Lào, tình sâu nghĩa nặng” cũng đã diễn ra. Chương trình do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao phối hợp với tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam… tổ chức. |
. Theo BAODATVIET.VN |