Ngày 21.11, tại Hà Nội, nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế đã tham dự hội thảo 1.000 năm Vương triều Lý và Kinh đô Thăng Long.
|
Tượng Vua Lý Thái Tổ tại Hà Nội.
|
65 tham luận tập trung đánh giá cao các triều vua Lý từ văn học nghệ thuật, kiến trúc, hình tượng rồng, đến chính sách ngoại giao, quân sự, pháp luật.
Học giả nước ngoài: Triều Lý không tập quyền
Trong bài viết Bản chất của vương triều Lý, GS.TS Yu Insun - Đại học Quốc gia Seoul - Hàn Quốc cho rằng, việc Lý Công Uẩn dời đô đến Thăng Long dường như cho thấy nhà vua có ý định xây dựng một chính quyền trung ương mạnh để cai quản toàn bộ lãnh thổ đất nước.
Tuy nhiên, nhiều học giả nước ngoài lại tin rằng triều Lý không phải là một nhà nước tập quyền. Theo học giả Nhật Bản Sakurai Yumio, chỉ có khu vực Thăng Long và vùng đất phía tây nam của nó là do nhà Lý trực tiếp quản lý. Toàn bộ khu vực phía ngoài châu thổ đều nằm dưới quyền kiểm soát của các dòng họ địa phương có thế lực mạnh.
“Nhưng dù thế nào chăng nữa thì rõ ràng nhà Lý là triều đại đầu tiên đã kéo dài suốt hơn 200 năm trong tiến trình lịch sử VN và thành công trong việc bảo vệ nền độc lập đất nước trước sự xâm lăng của nhà Tống vào năm 1076. Điều này cho thấy Vương triều Lý có những nền tảng vững chắc ở bên trong” - GS Yu Insun nói trước khi khẳng định văn hóa Trung Hoa không có những ảnh hưởng sâu đậm lên Đại Việt thời Lý trong so sánh với những đặc trưng Đông Nam Á, nhất là Phật giáo.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội cũng nói, chính quyền quân chủ tập quyền không phải ngay từ đầu đã kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ. Lý Thái Tổ một mặt tìm cách lôi kéo các tù trưởng miền biên viễn, mặt khác kiên quyết trừng trị các thế lực ngoan cố cát cứ và chống đối triều đình. Ông là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử VN thi hành chính sách nhu viễn, dùng quan hệ hôn nhân để ràng buộc các châu mục, tù trưởng thế lực. Còn với nhà Tống -Trung Quốc, Đại Việt duy trì quan hệ triều cống và mối quan tâm chung thường là biên giới.
Bởi vậy, như Ths Hoàng Văn Tuấn (ĐH Thái Nguyên) chứng minh, biên giới đông bắc nước ta trải qua ngàn năm, từ triều Lý đến nay không nhiều thay đổi- một đóng góp lớn của vương triều văn trị võ công bậc nhất lịch sử dân tộc. Cũng nhờ thế, khu vực tây bắc được kiểm soát về quân sự và giao thương, nhất là từ thời Lý Thái Tông.
Những con người khác
Nhắc đến sự kiện đăng quang của Lý Công Uẩn phải nói tới Thiền sư Vạn Hạnh và Đào Cam Mộc. Thời Tiền Lê, Phật giáo giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Cùng với lực lượng quân đội do Đào Cam Mộc đứng đầu, lực lượng Phật giáo mà Vạn Hạnh là thiền sư tiêu biểu chính là cánh tay phục vụ lợi ích của giai cấp thống trị.
Vạn Hạnh trụ trì chùa Cổ Pháp, nhận nuôi nấng dạy dỗ Lý Công Uẩn từ lúc 7- 8 tuổi. Sau này, Vạn Hạnh với nhãn quan tinh tường đã đoán trước tương lai của Ngọa triều Lê Long Đĩnh và khuyên Lý Công Uẩn soán ngôi. Công Uẩn được Vạn Hạnh và Đào Cam Mộc đưa lên ngôi một cách êm thấm kịp thời.
Từ năm 1010 đến khi viên tịch, Vạn Hạnh ít được mô tả trong tư liệu, ngoài hình ảnh ông thường chống gậy thăm thú kinh thành Thăng Long và câu thơ của Lý Nhân Tông: Quê hương tên Cổ Pháp/Chống gậy đất kinh kỳ. Đến giờ vẫn không biết ông sinh năm bao nhiêu, năm mất thì không thống nhất: chính sử ghi mất năm 1025, tư liệu khác lại viết 1018.
Với không khí Phật giáo được truyền thụ từ người thầy Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn có những quyết sách hợp lòng người, chẳng hạn xuống chiếu cho những người 70 - 80 tuổi, 10 - 15 tuổi và những người ốm yếu... phạm tội thì cho chuộc bằng tiền, nếu phạm tội thập ác (mười điều ác áp dụng theo mười điều giới luật của Phật giáo) thì không theo lệ này.
Cánh tay thứ hai của Lý Công Uẩn là Đào Cam Mộc, người xuất thân thôn Tràng Lang - Yên Định - Thanh Hóa, tương truyền sức khỏe hơn người. Ông được Thái tổ Lý Công Uẩn tin dùng, phong làm Nghĩa Tín hầu và con gái trưởng là công chúa An Quốc.
Đền Đô ở Đình Bảng - Bắc Ninh thờ tám vị vua Lý, hai bên là Văn Chỉ và Võ Chỉ. Hậu cung của Văn Chỉ thờ Lý Đạo Thành và Tô Hiến Thành. Nhà Võ Chỉ thờ Đào Cam Mộc, Lê Phụng Hiểu, Lý Thường Kiệt. Với bài viết mang dụng ý đặt tên Đào Cam Mộc cho một đường phố ở Hà Nội, PGS Hà Đình Đức chưa đưa ra được nhiều tư liệu về nhân vật này.
* Về Hoàng thành Thăng Long - nơi phát lộ những giá trị rực rỡ của các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn, GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN, nói: “Hồ sơ đề cử được đánh giá có chất lượng tốt. Vừa rồi, chuyên gia thẩm định của ICOMOS đã đến khảo sát thực địa, trao đổi với cơ quan quản lý và chuyên gia VN. Khả năng được công nhận di sản văn hóa thế giới đang mở ra với nhiều triển vọng nhưng phải chờ đánh giá chính thức của ICOMOS và sự biểu quyết của Ủy ban Di sản thế giới sẽ họp vào cuối tháng 6.2010”.
* Tại hội thảo, tỉnh Bắc Ninh cho biết, quê hương nhà Lý đang chuẩn bị cho nhiều hoạt động 1.000 năm Thăng Long: tu bổ một số di tích thờ phụng các vua và hoàng tộc nhà Lý như chùa Phật Tích, chùa Ứng Tâm, đền Rồng. Năm sau, Bắc Ninh sẽ rước bài vị của vua Lý Thái Tổ về Thành cổ Hà Nội. |
. Theo TPO |