Đào Duy Từ là một tấm gương lớn về ý chí lập thân dựng nghiệp. Ở tuổi 50, ông đã dám bỏ lại tất cả, tìm đường vào Nam, làm lại cuộc đời từ con số không để rồi từ kẻ đi ở chăn trâu mà thành khanh tướng.
Cha mẹ làm nghề hát xướng không được đi thi
Đào Duy Từ (1572 - 1634) quê ở làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn (nay là Vân Trai, Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Ông là người thông minh đĩnh ngộ, có chí lớn nhưng vì cha mẹ làm nghề hát xướng mà ông không được đi thi.
Ông đã đổi tên để đi thi nhưng rồi việc bị bại lộ. Phẫn chí, ông bỏ nhà tìm đường vào Đàng Trong theo chúa Nguyễn. Lúc này là năm 1625, ông đã 53 tuổi.
Vào Nam, Đào Duy Từ tứ cố vô thân, không họ hàng thân thích, không người quen biết. Ông giả làm một người ngu ngơ, mất trí, hằng ngày ăn xin khắp các nẻo đường thôn xóm, vừa để sinh tồn, vừa để xem xét tìm nơi gửi thân.
Một hôm, đến phủ Hoài Nhơn (nay thuộc Bình Định) ông gặp một phú ông gia tư giàu có, ruộng đồng nghìn khoảnh, trâu bò nghìn con, đặc biệt, phú ông lại ham thích văn chương, thơ phú. Thấy có thể gửi thân được, Duy Từ xin làm người đi ở chăn trâu.
Chăn trâu cũng có kẻ anh hùng, kẻ tôi tớ
Một hôm, chủ nhà có việc, khách đến rất đông, cùng đàm đạo văn chương, thơ phú. Duy Từ lùa trâu về chuồng rồi cứ thế, nón mê, áo rách, đứng ghếch chân, nhìn chằm chặp vào đám khách của phú ông.
Mấy người khách quát đuổi đi: "Mày là kẻ chăn trâu tiểu nhân, sao dám nhìn chòng chọc vào các vị khách văn chương nho học như thế, thực là vô lễ". Duy Từ cười ha hả rồi đáp:
- Nho cũng có nho quân tử, nho tiểu nhân. Chăn trâu cũng có kẻ anh hùng, kẻ tôi tớ. Việc tôi đứng nhìn thì có tội lỗi gì mà xua đuổi?
Các khách nho nghe kẻ chăn trâu nói những lời lạ tai, liền hỏi:
- Ngươi bảo thế nào là nho quân tử, thế nào là nho tiểu nhân?
- Nho quân tử trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa hiểu việc người, là người biết mưu lược, yêu dân giúp đời, cứu hiểm phò nguy, lập công danh ở đời này, lưu nghiệp lớn cho đời sau.
Nhà Thương có Y Doãn, nhà Chu có Thái Công, nhà Hán có Gia Cát Lượng, là những người như thế. Còn nho tiểu nhân là những kẻ cầu danh, cầu lợi. Được làm quan thì dùng trăm phương nghìn kế để mưu lợi riêng, tham lam ích kỷ. Đó là những kẻ sâu dân mọt nước, thời nào chẳng có.
- Vậy còn kẻ chăn trâu anh hùng, chăn trâu tôi tớ là sao?
Đào Duy Từ lại ung dung trả lời:
Đào Duy Từ có công lớn trong việc đắp lũy Trường Dục, lũy Nhật Lệ (tức Lũy Thầy), củng cố thế lực quân sự của chúa Nguyễn ở phương Nam. Về trước tác, Đào Duy Từ có tác phẩm Hổ tướng khu cơ (luận về binh pháp), Tư Dung vãn và Ngọa Long cương phú. Ông được chúa Nguyễn phong tước Lộc Khê hầu. |
- Kẻ chăn trâu anh hùng thì như Ninh Thích, gõ sừng trâu mà phục hưng nước Tề, Điền Đan dùng hơn một nghìn con trâu mà tung lửa đốt giặc, Bách Lý Hề đi ở chăn trâu mà thành Đại phu đời vua Tần Mục Công.
Đó là những người có chí lớn, ẩn thân đợi thời, chờ dịp để trổ tài kinh bang tế thế. Còn kẻ chăn trâu tiểu nhân thì quẩn quanh trong cõi, no thì bỏ thừa, đói thì xin ăn, lêu lổng chơi bời, vui thì hò reo hô hoán, giận thì chẳng còn thân sơ, làm xấu lây cả bậc cha anh, để oán giận cho làng xóm. Những kẻ ấy thì xe chở đấu đong, kể mà làm gì.
Mọi người nghe nói đều cả kinh, biết rằng Đào Duy Từ là bậc cao minh, bèn mời ngồi lên chiếu trên, đối đãi như khách. Sau đó phú ông tiến cử Đào Duy Từ với khám lý Trần Đức Hòa, một cận thần của chúa Nguyễn. Trần Đức Hòa lại tiến cử ông lên Sãi Vương. Từ đó, Đào Duy Từ trở thành quân sư của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.
. Theo Bee.net.vn |