|
Bình minh trên sông Ba. Ảnh: Internet |
Một ngày đầu thu năm 1970, đơn vị chúng tôi vừa đến bờ Bắc sông Ba, trời sẩm tối, mưa lâm thâm, gần đâu đó có một mùi hôi hắc hắc, nồng nặc. Hình như mùi toát ra từ cơ thể của “ông ba mươi” đang đi rình mồi. Nếu đi một mình trong rừng mà gặp cọp thì phải lo đối phó, nhưng hôm nay, mấy trăm con người đang nối đuôi nhau, trong tay súng đạn sẵn sàng nên cũng chẳng mấy ai để ý.
Gần một tháng trước đó, nhận được lệnh của cấp trên, Tiểu đoàn 7 (sau này là 470) tách khỏi đội hình Trung đoàn 12, Sư đoàn 3, Quân khu 5 để hành quân vào chiến trường mới Khánh Hoà. Địa điểm trú quân trước lúc lên đường là khu vực giáp ranh của các huyện Vĩnh Thạnh-Phù Cát (tỉnh Bình Định).
Ngày xuất quân đang tới gần thì đơn vị chúng tôi đụng phải trận càn lớn của lực lượng hỗn hợp quân Mỹ-Nam Triều Tiên và lính Sư đoàn 22 nguỵ. Trong trận chống càn hôm đó, đơn vị chúng tôi bị mất gần một tiểu đội, vừa hy sinh và bị thương. Không để quân số thiếu hụt, cấp trên đã điều động bổ sung chiến sĩ của một số đơn vị bạn đến thay thế. Hoàn cảnh lúc bấy giờ, đơn vị chúng tôi ít khi đủ quân số theo biên chế. Dù rất cố gắng, cấp trên cũng chỉ tổ chức cho đơn vị được một tiểu đoàn thiếu, gồm ba đại đội: đặc công, bộ binh và hoả lực. Riêng đơn vị hoả lực mà tôi là chiến sĩ, được trang bị đại liên và một số khẩu cối 82mm. Anh em chiến sĩ đại đội đều là người của các tỉnh Bắc Giang, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hoá vào chiến trường được vài năm, rất hăng hái.
Thời chiến, vấn đề bí mật, nhất là những đợt chuyển quân phải được bảo đảm tuyệt đối. Nhưng kẻ thù cũng ranh ma. Dọc đường đi, hằng ngày Ban chỉ huy tiểu đoàn phải thường xuyên làm việc với cấp trên qua hệ thống đài 15W nên địch đã dò được sóng, chúng phát hiện có một đơn vị quân giải phóng đang di chuyển xuống phía Nam. Hôm chúng tôi qua buôn Suối Ché (huyện Sơn Hoà, tỉnh Phú Yên) được một ngày thì lính Nam Triều Tiên đổ quân càn và chúng đã giết hại gần hết người già, phụ nữ trẻ em trong buôn. Họ là những người dân vô tội, không một tấc sắt trong tay. Thời gian này là vào khoảng cuối tháng 8 năm 1970.
Tiểu đoàn trưởng Huỳnh Dũng Tiến, quê Đức Phổ, Quảng Ngãi, lệnh cho đơn vị không được chậm trễ một giờ, một phút mà phải hành quân cấp tốc, không kể ngày đêm, vượt qua bờ Nam sông Ba càng sớm, càng tốt.
Để tổ chức đưa một đơn vị chiến đấu gần ba trăm con người qua sông trong điều kiện an ninh không được đảm bảo, lực lượng giao liên và anh em du kích địa phương tỉnh Phú Yên đã phải huy động hàng chục ghe thuyền của đồng bào Ba-na, Ê-đê sinh sống dọc bờ sông Ba, chuyên chở giúp.
Giờ phút qua sông tôi vẫn còn nhớ như in. Các đại đội, phân đội cứ lần lượt lên thuyền, động tác người đi sau nhất cử nhất động, phải làm theo người đi trước, giữ đúng cự ly để tránh lạc đường nhưng không được phép dồn cục đề phòng tình huống bất trắc có thể xảy ra. Đối với anh em du kích, các chiến sĩ giao liên, họ coi việc đưa đơn vị chúng tôi qua được bờ Nam trong đêm an toàn hơn cả tính mạng của chính họ. Rời thuyền, lên bờ tôi chưa kịp hỏi tên tuổi, quê quán những người mới gặp thì các đồng chí đã hối hả xoay mũi chèo để kịp đón tiếp các bộ phận còn lại đang chờ đến lượt.
- Hẹn ngày gặp lại…! Có tiếng ai đó vừa cất lên, tôi chưa nhận ra thì chiếc thuyền lá nhỏ dần vào bóng đêm mờ ảo.
Người lính thời chiến tranh, đến rồi đi, chúng tôi chỉ gặp nhau trong giây lát, lại phải chia tay. Đêm sông Ba hôm ấy, còn đọng mãi trong tâm trí chúng tôi, những người lính thời chống Mỹ.
. Theo TRỌNG HÙNG/Quân đội nhân dân |