Nơi khởi nguồn sức mạnh
15:20', 16/3/ 2009 (GMT+7)

“Truyền thuyết kể rằng Lạc Long Quân cùng với Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, sau nở thành trăm con. Con trưởng xưng hiệu Hùng Vương lên làm Vua, đặt tên nước là Văn Lang...” - Với mỗi người dân nước Việt chúng ta, đây là truyền thuyết đầu tiên được nghe, là bài học đầu tiên được học.

 

Đổ đồng vào khuôn tại Lễ đúc tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân tại Khu di tích lịch sử đền Hùng.

 

Ngày 10.3 âm lịch tới đây, tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân bằng đồng cao 1,98m, nặng 1,5 tấn sẽ được rước về yên vị tại Đền thờ Lạc Long Quân trên đỉnh núi Sim trong quần thể Di tích lịch sử Đền Hùng để muôn dân thờ tự. Và từ nay, cả dân tộc Việt Nam ngoài việc có một ngày để cùng quay về với truyền thống lịch sử của dân tộc, còn có một pho tượng đồng để cùng chiêm bái, để cùng cảm nhận được mạch sống thiêng liêng đang ngầm chảy từ đời này sang đời khác...

Quay ngược thời gian, cách đây tròn 36 ngày, tại chân núi Nghĩa Lĩnh thuộc khu Di tích lịch sử Đền Hùng, TP Việt Trì, UBND tỉnh Phú Thọ đã long trọng tổ chức Lễ đúc tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân. Tượng được đúc bằng đồng. Trong đó tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân có chiều cao 1,98m ở tư thế ngồi trên ngai đặt trên bệ đá; tượng tướng lĩnh hầu cận có chiều cao 1,8m ở tư thế đứng.

Lượng đồng để đúc 3 pho tượng khoảng 2,5 tấn, trong đó tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân nặng 1,5 tấn, tượng các tướng lĩnh hầu cận mỗi pho nặng 0,5 tấn. Các trang phục được mô tả cách điệu xong vẫn mang những dấu ấn của thời kỳ Hùng Vương tham khảo trên họa tiết của trống đồng.

Việc đúc các pho tượng do các nghệ nhân thuộc Công ty Mỹ thuật Trung ương và các nghệ nhân làng nghề đúc đồng ý Yên, Nam Định thực hiện. Sau khi đúc xong, nhóm tượng trên sẽ được tiếp tục hoàn thiện phần mỹ thuật. Dự kiến tượng sẽ hoàn thành trước ngày Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10.3 sắp tới; và sẽ được rước về yên vị tại Đền thờ Lạc Long Quân trên đỉnh núi Sim trong quần thể Di tích lịch sử Đền Hùng để thờ tự, tôn vinh công đức của Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân.

Đó là nội dung câu chuyện của hơn một tháng trước, nhưng theo ý kiến chủ quan của chúng tôi sẽ chưa thật trọn vẹn nếu không đề cập đến những người trực tiếp “dựng” nên mẫu phác thảo tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân. Chúng tôi đã tìm gặp “tác giả” của mẫu phác thảo Đức Quốc Tổ để hiểu thêm về mối nhân duyên đưa anh Phạm Bá Đua, công tác tại Xưởng điêu khắc, Công ty Mỹ thuật Trung ương và anh Lê Lạng Lương, giảng viên khoa Điêu khắc, ĐH Mỹ thuật Việt Nam đến với hình mẫu thiêng liêng của cả một dân tộc.

Hai đồng môn, hai đồng nghiệp này đã một mực từ chối, bởi một lẽ khiêm nhường rằng, mình cùng là con cháu người Việt, làm một việc nhỏ bé nhưng có ích thôi, có gì to tát đâu mà bày đặt lên báo đài. Nếu có chăng sẽ kể cho nhà báo nghe câu chuyện xoay quanh về một hành trình “ngẫu nhiên”, một cuộc sắp đặt nghệ thuật với “số phận”, một câu chuyện “tình cờ” với mẫu tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân của chúng tôi thôi!

...Anh Phạm Bá Đua phân trần, đầu tiên nếu nhắc đến chữ “duyên” phải kể lại câu chuyện của một người anh chơi thân thiết lâu năm. Anh tên là Nguyễn Đình Lợi, là chủ của Khu du lịch văn hóa tâm linh trên Sóc Sơn. Đó là thời điểm cách đây 4 năm, anh Lợi có nhờ tôi dựng một mẫu tượng Lạc Long Quân để thờ cúng, để cho tâm an hướng về tổ tiên. Lúc đó tôi cũng lo lắng lắm, bởi một lẽ, trước nay chưa từng có một phiên bản mẫu nào về Đức Quốc Tổ.

Dựng mẫu bằng cách nào đây (?) Nghĩ lại vẫn thấy lúc đó liều thật, không có mẫu chuẩn mà vẫn nhận lời anh Lợi. Thế là bắt tay vào làm, một việc mà phải làm rất nhiều công đoạn, vừa nghiên cứu tài liệu lịch sử, vừa đọc các tích truyện, truyền thuyết về Đức Quốc Tổ để mường tượng ra hình ảnh, chân dung, tướng mạo cụ vừa... dò dẫm làm, sửa, rồi chuyển thể sang ngôn ngữ điêu khắc, đổ ra chất liệu nhựa composite.

Một năm sau - Kết quả cuối cùng - Hoàn thành - Anh Lợi, tôi và anh em cùng nghề đều gật đầu tâm đắc khen - Được! Đơn giản có vậy thôi, ai nấy trở về với cuộc sống thường nhật và công việc của riêng mình. Bẵng đi một thời gian dài, năm 2007, anh Lợi trong một lần lên Đền Hùng dâng lễ đã trao đổi với Ban Quản lý di tích rằng mình có mẫu tượng Đức Quốc Tổ.

Thời gian sau, anh Lợi đã dâng mẫu lên Đền Hùng đúng vào dịp Lễ Giỗ tổ Hùng Vương. Phiên bản mẫu được tất thảy mọi người đánh giá là có cơ sở để phát triển. Ban Quản lý di tích Đền Hùng đã đề nghị nhờ mọi người thể hiện lại cho hoàn chỉnh, dựa trên tinh thần cũ cộng với những thông tin bổ sung, ý kiến cung cấp của các đồng chí lãnh đạo Trung ương, địa phương và các nhà nghiên cứu trong Hội đồng nghệ thuật quốc gia, Hội đồng khoa học về di sản văn hóa…

Yêu cầu: “Tiêu chuẩn nghệ thuật tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân phải đạt độ tương xứng. Mẫu tượng không để trần, phải có phục trang thể hiện được hồn cốt của một con người lịch sử. Mẫu tượng phải khiến người xem mường tượng về một con người đứng đầu một dân tộc cách đây tới 4.000 năm lịch sử” - Một bài toán khó với tất cả chúng tôi khi đấy! 

“Không một khuôn mẫu chuẩn. Lựa chọn phục trang nào? Nếu mặc quần áo thì rất dễ nhầm sang giai đoạn sau của lịch sử. Làm thế nào có mẫu phục trang để gợi cho muôn dân chiêm bái mường tượng lại thời kỳ lịch sử đã quá đó?”... Chúng tôi bắt tay vào nghiên cứu, dựng mẫu mà trong đầu lúc nào cũng hiện ra hàng trăm câu hỏi, trăm mối tơ vò ngổn ngang.

Đầu tiên là phải giải quyết vấn đề phục trang, dựa trên các họa tiết, hoa văn của văn hóa Đông Sơn, thời kỳ Văn Lang chúng tôi đã sáng tạo ra những mẫu phục trang phù hợp với cốt cách, con người Đức Quốc Tổ gắn với đất nước thời kỳ đó. Trong quá trình làm, các nhà chuyên môn, chuyên gia nghiên cứu ở tất thảy các lĩnh vực từ văn hóa - lịch sử - mỹ thuật - điêu khắc... đã tư vấn, đóng góp ý kiến để chúng tôi có thể hoàn thiện phiên bản mẫu một cách chuẩn xác, tinh tế nhất.

Hai phiên bản mẫu tượng được đổ ra chất liệu nhựa composite theo 2 hướng khác nhau. Hai mẫu được chuyển lên khu Di tích lịch sử Đền Hùng để lãnh đạo Trung ương, địa phương và các chuyên gia, người trong giới chuyên môn cho ý kiến đánh giá và chọn mẫu.

Thêm một lần nữa chúng tôi quay trở về, hành trang theo về đong đầy những ý kiến đóng góp quý báu để hoàn chỉnh một mẫu cuối cùng hoàn toàn mới. Lại lao vào nghiên cứu, đúc rút những thiếu sót từ 2 phiên bản cũ để cho ra phần mẫu cuối cùng - Đem trình duyệt - Mẫu được ưng thuận - Anh em chúng tôi mừng lắm! Nói nghĩa của khái niệm “mừng” ở đây không phải là việc phiên bản mẫu đã thành công, mà bao tình cảm, tâm huyết thể hiện đạo hiếu của anh em đã được linh ứng...

Mỗi người con dân Đất Việt chúng ta thuở thiếu thời ai ai cũng đã một lần được ông bà, mẹ cha kể cho nghe về truyền thuyết “Lạc Long Quân và Âu Cơ”, “Sự tích trăm trứng”... Lớn dần theo năm tháng, hồi ức về một tích truyện xưa cứ đi cùng mỗi con người, thế hệ này nối tiếp thế hệ sau, khi có dịp, chúng ta kể lại cho cháu con mình nghe để thêm một lần nhớ về Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân là người mở mang cõi Lĩnh Nam, đem lại sự yên ổn cho muôn dân.

Vua Hùng là người dựng nước, truyền nối được mười tám đời. Do sự tích “Lạc Long Quân và Âu Cơ”, nên dân tộc Việt Nam vẫn kể rằng mình là dòng giống Tiên Rồng. Bắt đầu bằng một truyền thuyết, đến câu chuyện của một giảng viên khoa Điêu khắc, trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam và một cán bộ Xưởng điêu khắc, Công ty Mỹ thuật Trung ương đã dựng nên phiên bản mẫu Đức Quốc Tổ bình dị như những công việc các anh vẫn đang làm trong cuộc sống.

 

Phiên bản mẫu Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân.

 

Có khác chăng các anh đều đã đến với mẫu tượng Đức Quốc Tổ bằng một tinh thần Việt Nam, muốn góp sức dù nhỏ bé với đất nước chẳng vì tiền cũng chẳng bởi danh - “Ban Quản lý di tích đã nhiều lần đề cập việc trả phí cho quá trình làm mẫu, chúng tôi đều từ chối mà rằng, nếu có nhận chúng tôi cũng sẽ công đức hết. Chỉ xin gửi lời cám ơn đến rất nhiều những nhà hảo tâm, bằng một tâm nguyện muốn đóng góp cho đất nước đã quyên góp kinh phí để chúng tôi có thể hoàn thành phác thảo mẫu tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân một cách thuận lợi nhất.

Nếu được, thông qua mẫu tượng Đức Quốc Tổ chúng tôi có một mong ước mọi người dân nhớ về cội nguồn dân tộc, nhớ về những bậc tiền nhân dựng nước. Để cảm nhận thêm cái chung thiêng liêng của cùng “một bọc trăm trứng” mà đoàn kết, yêu thương, cùng chung tay xây dựng đất nước cha ông để lại, cùng phát huy tinh thần Việt mà tổ tiên đã gìn giữ bao đời” - Anh Đua, anh Lương đã chia sẻ với chúng tôi như vậy.

 “Nhà báo đừng chụp ảnh chúng tôi, có làm được gì đâu, để chúng tôi cung cấp cho các anh ảnh quá trình đúc tượng thôi!” - Những “tác giả” của phiên bản mẫu Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân đã một mực từ chối, không một ai chịu cho chúng tôi chụp ảnh.

Chúng tôi hiểu, ngoài những khó khăn của cả một quá trình dài để có thể hình thành nên một phiên bản chuẩn được đưa đi đúc đồng; bằng lòng nhiệt tình, hết sức mình, các anh đã coi công việc của mình là hoạt động thiêng liêng, đầy ý nghĩa thể hiện đạo hiếu của con dân Đất Việt - góp một phần nhỏ công sức để đưa cha mẹ về phụng thờ nơi đất thiêng.

Để “Tình mẹ trải dài khắp non sông/ Nghĩa cha thấm cùng trời đất”. Để cha Rồng, mẹ Tiên mãi mãi là điểm tự tâm linh, là biểu tượng cho sức mạnh cội nguồn của dân tộc Việt. Quy tụ các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa cội nguồn về hội tụ tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng theo truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” được lưu giữ nghìn đời của dân tộc ta. 

. Theo ANTĐ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hoàn thành nhiều hạng mục tôn tạo cụm di tích Hoàng Sa, Trường Sa  (09/03/2009)
Đêm qua sông Ba  (05/03/2009)
Vua Quang Trung với Hoàng Sa, Trường Sa  (13/02/2009)
Đúc tượng Quốc tổ Lạc Long Quân  (08/02/2009)
Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, một thiên tài  (29/01/2009)
“Vua Quang Trung không chỉ là một hoàng đế cải cách, mà còn một nhà chiến lược hàng đầu”  (23/01/2009)
Danh nhân tuổi Sửu trong lịch sử dân tộc Việt Nam  (22/01/2009)
Khi vị Tổng tư lệnh cởi chiến bào khoác cà sa  (31/12/2008)
Đại lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại nhà tù Phú Quốc  (22/12/2008)
Vua Trần Nhân Tông và công cuộc mở cõi  (08/12/2008)
Đồng chí Ngô Gia Tự - người chiến sĩ cộng sản cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng  (01/12/2008)
Nhà Tây Sơn với một học giả người Malaysia   (21/10/2008)
Tháp Hùng Vương: Sẽ là biểu tượng của thời đại mới  (29/09/2008)
Huyền thoại về Tướng Nguyễn Sơn ở Cây Dừa  (20/08/2008)
Về bốn chiếc ấn thời Tây Sơn  (19/08/2008)