Về với linh thiêng vùng đất Tổ
14:28', 31/3/ 2009 (GMT+7)

Đền Giếng, Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Tháng 3 về, người Việt ở trong nước và nước ngoài mang trong mình dòng máu Lạc Hồng đều thấy chộn rộn và ai ai cũng hướng về đất Tổ với tâm nguyện thắp nén hương thơm tưởng nhớ tổ tiên, hòa quyện vào không gian tĩnh mịch rừng thiêng sông núi.

Lễ hội thành kính, trang trọng

Những ngày này, từ thành phố Việt Trì đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các vùng lân cận như Phù Ninh, Lâm Thao, cờ thần, cờ hội treo dọc phố phường tạo nên không khí lễ hội đầy ắp sắc màu. Không khí khẩn trương chuẩn bị cho ngày khai hội được gấp rút hoàn thiện những khâu cuối cùng.

Năm nay, Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng được tổ chức vào sáng 4.4 (tức mùng 10.3 âm lịch), bắt đầu hành lễ từ sân lễ hội lên đền Thượng với hương hoa, sản vật các địa phương; tiếp đó dâng hương, hoa tại lăng Hùng Vương và bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong".

Phần hội diễn ra từ ngày 31.3 đến 4.4 (tức từ mùng 6 đến 10.3 âm lịch) tập trung ở thành phố Việt Trì, khu vực Đền Hùng và các huyện lân cận.

Năm nay các hoạt động trong dịp Giỗ tổ được gắn với Chương trình "Du lịch về cội nguồn 2009" bằng nhiều hoạt động diễn ra như Hội trại văn hóa và trình diễn các diễn xướng dân gian (đánh trống đồng, múa sư tử, hát xoan, hát ghẹo, múa trống đu); trưng bày hiện vật thời đại Hùng Vương và triển lãm ảnh 15 tỉnh Tây Bắc và Việt Bắc; thi đấu thể thao với các môn như bóng chuyền, bắn nỏ, cờ tướng, vật dân tộc; thi gói và nấu bánh chưng, giã bánh dày; bắn pháo hoa.

Bên cạnh đó, các đoàn nghệ thuật tỉnh Hòa Bình, Hà Nội, Yên Bái, Lào Cai... và đoàn nghệ thuật thành phố Hwaseong của Hàn Quốc sẽ biểu diễn nhiều tiết mục đặc sắc tại Việt Trì và Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Năm nay, khách thập phương về thắp hương Vua Hùng sẽ thấy diện mạo mới của khu di tích với không gian rộng lớn từ đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đến đền Mẫu Âu Cơ sang đền Lạc Long Quân, Bảo tàng Hùng Vương.

Xứng tầm khu di tích

Đứng trước sân hành lễ, ông Nguyễn Tiến Khôi, Giám đốc Ban quản lý khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết sân hành lễ có không gian rộng, với chiều dài 250m và rộng 160 m là nơi diễn ra các hoạt động lễ hội, chuẩn bị cho việc rước lễ dâng hương tưởng nhớ Vua Hùng hàng năm.

Đường lên sân trước cổng đền được lát bằng đá xanh, hai bên là thảm cỏ, cây xanh và đặc biệt có 18 cây chò nâu (tượng trưng cho 18 đời Vua Hùng) đang gấp rút hoàn thành trước ngày khai hội. Sân trước cổng đền được mở rộng gấp 5 lần, được lát bằng đá lấy từ Bình Định. Đây chính là điểm thường xuyên gây tắc nghẽn khi lượng khách về quá đông vào dịp chính hội.

Cùng với nơi thờ tự các Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, những năm gần đây Nhà nước cho phép quy tụ những giá trị văn hóa về khu Đền Hùng như đền Mẫu Âu Cơ ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, được quy nguyên mẫu, khánh thành năm 2005.

Từ năm 2007 tới nay, đền thờ Lạc Long Quân được xây dựng tại đồi Sim, trên diện tích hàng trăm nghìn m2, cách núi Nghĩa Lĩnh khoảng 1km, với tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Đền Lạc Long Quân được xây ở nơi có địa thế "sơn chầu thủy tụ", phía trước có hồ nước rộng, hai bên là núi. Cùng với sự tôn trọng lịch sử và cung kính với tổ tiên nên hai ngôi đền và hai pho tượng Cha Rồng - Mẹ Tiên mang đậm nét độc đáo của thời đại Hùng Vương.

Ngày 21.3 vừa qua (tức 25.2 âm lịch), tỉnh Phú Thọ đã làm lễ yên vị tượng Lạc Long Quân tại đền thờ chính. Việc xây dựng đền Mẫu Âu Cơ và đền Lạc Long Quân tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng là việc quy tụ tâm linh về nơi Lạc Long Quân và Âu Cơ đã từng sinh sống.

Để tạo cảnh quan cho du khách thập phương, từ khu vực ngã 5 đền Giếng đến cổng đền, các kiốt, quầy bán hàng lưu niệm được Ban quản lý khu di tích sắp xếp quy củ. Các hộ kinh doanh đều phải đăng ký bán hàng đủ lượng, đúng giá, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Về Đền Hùng những ngày này, du khách sẽ nhận thấy không còn cảnh lôi kéo khách mua hàng, không có người ăn xin trong khu vực lễ hội.

An ninh trật tự được đảm bảo

Năm nay, dọc tuyến đường từ khu vực Ngã ba Hàng, quốc lộ 32C đã được phân luồng hợp lý để giảm thiểu lượng xe vào khu vực trung tâm. Các bãi gửi xe máy, xe ôtô cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách. Đến với Khu di tích lịch sử Đền Hùng, ngoài việc thắp nén hương tưởng nhớ tổ tiên, con cái trăm miền đất Việt còn được thưởng thức những của ngon vật lạ vùng đất Tổ.

Cùng với hoa quả, du khách còn được thưởng thức bánh củ mài, chè lam, trà xanh và thưởng thức rượu Vương Tửu (còn gọi là rượu ông Tom) đoạt giải vàng toàn quốc do một nghệ nhân tỉnh Phú Thọ sản xuất.

. Theo Tin tức/Vietnam+

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nơi khởi nguồn sức mạnh  (16/03/2009)
Hoàn thành nhiều hạng mục tôn tạo cụm di tích Hoàng Sa, Trường Sa  (09/03/2009)
Đêm qua sông Ba  (05/03/2009)
Vua Quang Trung với Hoàng Sa, Trường Sa  (13/02/2009)
Đúc tượng Quốc tổ Lạc Long Quân  (08/02/2009)
Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, một thiên tài  (29/01/2009)
“Vua Quang Trung không chỉ là một hoàng đế cải cách, mà còn một nhà chiến lược hàng đầu”  (23/01/2009)
Danh nhân tuổi Sửu trong lịch sử dân tộc Việt Nam  (22/01/2009)
Khi vị Tổng tư lệnh cởi chiến bào khoác cà sa  (31/12/2008)
Đại lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại nhà tù Phú Quốc  (22/12/2008)
Vua Trần Nhân Tông và công cuộc mở cõi  (08/12/2008)
Đồng chí Ngô Gia Tự - người chiến sĩ cộng sản cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng  (01/12/2008)
Nhà Tây Sơn với một học giả người Malaysia   (21/10/2008)
Tháp Hùng Vương: Sẽ là biểu tượng của thời đại mới  (29/09/2008)
Huyền thoại về Tướng Nguyễn Sơn ở Cây Dừa  (20/08/2008)