Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Quảng Ngãi đã và đang triển khai dự án “Bảo tồn và phát huy tác dụng khu di tích Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa” tại huyện đảo Lý Sơn. Trò chuyện với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Quảng Ngãi, cho biết dự án này bắt đầu triển khai giữa tháng 7.2007 tại huyện Lý Sơn, có tổng vốn đầu tư hơn 15 tỉ đồng.
Đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị đưa vào khai thác gồm các hạng mục: phục dựng đình làng An Vĩnh, tu bổ nhà thờ cai đội Phạm Quang Ảnh, miếu Hoàng Sa, quần thể ngôi mộ lính Hoàng Sa, đặc biệt xây dựng tại huyện đảo Lý Sơn Bảo tàng đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải cùng với tượng đài hải đội Hoàng Sa.
|
Thả thuyền buồm mang theo hình nhân thế mạng ra biển - một lễ thức đậm nét văn hóa Việt trong lễ hội khao lề thế lính Hoàng Sa vào tháng 2, tháng 3 âm lịch hằng năm ở huyện đảo Lý Sơn.
|
* Thưa ông, Bảo tàng Hoàng Sa Bắc Hải xây dựng tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có gì đặc biệt so với các bảo tàng khác trong cả nước?
- Ngoài phần trưng bày về đất nước, con người huyện đảo Lý Sơn, bảo tàng sẽ trưng bày các hiện vật, công trình nghiên cứu, tài liệu, hình ảnh về đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải và các tư liệu khác liên quan đến việc khẳng định chủ quyền của VN tại vùng biển Đông.
Tại đây sẽ trưng bày mô hình thuyền buồm, các vật dụng sinh hoạt mà người lính Hoàng Sa đã sử dụng, mô hình các thuyền lễ trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Các văn bản cổ vốn được lưu giữ tại các tộc họ trên đảo Lý Sơn cũng như ở dọc ven biển Quảng Ngãi; các bộ chính sử, các châu bản triều Nguyễn, các bộ sử sách của các học giả trong và ngoài nước có ghi chép về hải đội Hoàng Sa. Những hình ảnh về các di tích, lễ hội liên quan đến đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.
Danh sách các cai đội, chánh đội trưởng, các dân binh đi Hoàng Sa - Trường Sa, đặc biệt từ thời Gia Long, Minh Mạng (khoảng năm 1802-1840). Các bản đồ cổ vẽ quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa thuộc lãnh thổ VN. Các bản trích tiêu biểu trong các bộ chính sử VN về Hoàng Sa - Trường Sa.
Nơi đây cũng sẽ trình chiếu một số bộ phim tài liệu về các di tích, lễ hội liên quan đến đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Đặc biệt, trước Bảo tàng Hoàng Sa Bắc Hải ở thôn Đông, An Vĩnh, huyện Lý Sơn có một tượng đài về hải đội Hoàng Sa được tạc bằng đá xanh cao 4,5m, nặng hơn 30 tấn.
* Vì sao chọn huyện đảo Lý Sơn là nơi xây dựng Bảo tàng Hoàng Sa Bắc Hải mà không chọn một số địa phương khác ở Quảng Ngãi?
- Sở dĩ chọn huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) làm địa điểm xây dựng Bảo tàng Hoàng Sa Bắc Hải vì Lý Sơn chính là nơi có nhiều người đi khai thác biển Đông, đo vẽ bản đồ, cắm cột mốc dựng bia chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa liên tiếp trong nhiều thế kỷ, nhiều nhất là trong thế kỷ 19.
Hiện nay, trên đảo Lý Sơn cũng còn hiện diện khá dày đặc một hệ thống di tích, lễ hội liên quan trực tiếp đến đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Việc xây dựng bảo tàng trên đất đảo Lý Sơn không chỉ nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa liên quan đến đội Hoàng Sa - Trường Sa mà còn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ VN trên vùng biển Đông.
|
Nhân dân huyện đảo Lý Sơn ghi ơn công trạng hải đội Hoàng Sa lưu truyền tại đình làng An Vĩnh, xã An Vĩnh với hai câu liễn đối: “Ân đức dựng xây miền đảo Lý. Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa”.
|
* Thưa ông, làm thế nào phát huy hiệu quả hoạt động của Bảo tàng Hoàng Sa Bắc Hải?
- Bên cạnh việc tiến hành sưu tầm các hiện vật, tài liệu, phim tài liệu, hình ảnh để kịp thời mở cửa phục vụ khách tham quan thời gian tới, sở cũng đang đẩy mạnh công tác “xã hội hóa” kêu gọi các cơ quan, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp các tài liệu, hiện vật để làm phong phú thêm cho nhà trưng bày.
Theo tôi, cần kết nối bảo tàng này với các điểm di tích liên quan đến đội Hoàng Sa - Trường Sa, hệ thống các di tích cổ xưa khác hiện vẫn còn dày đặc trên đất đảo Lý Sơn như: đình làng An Hải, chùa Hang, dinh Trung Yên, lăng Chánh, lăng Thứ, lăng Cồn, dinh Tam Tòa, chùa Đục... và các thắng cảnh nổi tiếng khác trên đất đảo Lý Sơn.
Làm sao hằng năm lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vào dịp tháng 2, tháng 3 âm lịch thật sự trở thành một ngày hội lớn không chỉ của người dân Quảng Ngãi nói riêng mà còn là ngày hội lớn của người dân ở mọi miền đất nước. Có như vậy Bảo tàng Hoàng Sa Bắc Hải mới thật sự phát huy hiệu quả, trở thành điểm tham quan du lịch, giáo dục truyền thống, ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ VN trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
Mỗi kilômet vuông... một di tích về Hoàng Sa - Trường Sa
Huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có diện tích vỏn vẹn 10km2 nhưng có đến mười di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh, trong đó một nửa liên quan trực tiếp đến đội Hoàng Sa - Trường Sa.
Theo ông Vũ, “Lý Sơn là bảo tàng sống động về lịch sử chủ quyền của VN tại quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa”. Cụ thể là một hệ thống nhà thờ các tộc họ như: nhà thờ cai đội Phạm Quang Ảnh đi Hoàng Sa vào năm Ất Hợi (1815) thời vua Gia Long để đo đạc thủy trình; nhà thờ họ Võ tại thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn cũng có nhiều người đi Hoàng Sa - Trường Sa, cụ thể: đốc chiến võ hệ phú nhuận hầu Võ Văn Phú và Võ Văn Hùng nhiều lần ra Hoàng Sa đo đạc, vẽ bản đồ xác lập chủ quyền lãnh thổ (có tên ghi trong tờ lệnh quý do tộc họ Đặng gìn giữ suốt 175 năm qua) đã ghi trong các bộ chính sử triều Nguyễn; nhà thờ tộc họ Phạm Văn có nhiều người đi Hoàng Sa nổi tiếng như: thủy quân suất đội Phạm Văn Nguyên đi Hoàng Sa vào năm Ất Mùi (1835) đem lính và các phu thuyền chuyên chở vật liệu ra dựng miếu và dựng bia đá trên đảo Hoàng Sa.
Riêng về chánh đội trưởng thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật, các bộ chính sử ghi rất rõ công lao to lớn của ông trong việc xác lập chủ quyền VN trên quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, nay còn bài vị có tên ông tại nhà thờ Phạm Văn thứ phái và ngôi mộ chiêu hồn của ông tại thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn.
Bên cạnh nhà thờ các tộc họ là quần thể khu mộ gió: Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật, Nguyễn Quang Tám... và hàng nghìn mộ gió khác của các chiến sĩ đi Hoàng Sa - Trường Sa thuở trước. Ngoài ra còn có các di tích liên quan khác như: Âm Linh tự, đình làng An Vĩnh, An Hải - nơi những người lính Hoàng Sa tế tự trước khi đi thực hiện nhiệm vụ ở Hoàng Sa - Trường Sa và tại đây cũng là nơi tế tự những người lính Hoàng Sa - Trường Sa đã hi sinh.
Hệ thống văn hóa phi vật thể ở huyện đảo Lý Sơn liên quan đến Hoàng Sa - Trường Sa cũng hết sức phong phú, đa dạng. Nổi bật nhất là lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tổ chức vào tháng 2, tháng 3 âm lịch hằng năm ở các tộc họ trên huyện đảo Lý Sơn, đặc biệt là lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở Âm Linh tự tại làng An Vĩnh. Lễ hội này hết sức độc đáo mà không nơi nào trong cả nước có được.
Hệ thống truyền thuyết, truyện kể, những câu ca dao, hoành phi, liễn đối hiện hữu ở các đình làng, nhà thờ các tộc họ còn in đậm hình ảnh về hải đội Hoàng Sa. Đặc biệt nhất là những tư liệu bằng chữ Hán cổ được lưu giữ tại các dòng họ trên đảo Lý Sơn liên quan trực tiếp, gián tiếp đến quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
Để ghi nhớ công ơn của đội Hoàng Sa năm xưa, nhân dân Lý Sơn đã lưu truyền tại đình làng An Vĩnh hai câu liễn đối: “Ân đức dựng xây miền đảo Lý/ Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa”. Hay những câu ca dao: “Hoàng Sa mây nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”. “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/ Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây”. “Hoàng Sa đi có về không/ Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi”...
Đó là chưa kể các văn bản cổ nói về việc sang nhượng, bán đoạn đất đai, chính sách thuế còn lưu lại ở các tộc họ trên đảo Lý Sơn có gián tiếp liên quan ít nhiều những người đi lính Hoàng Sa, cụ thể những người đi lính Hoàng Sa được miễn giảm thuế, ưu đãi về phân chia ruộng đất... |
. Theo TTO |