KỶ NIỆM 105 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ TRẦN PHÚ (1.5.1904 - 1.5.2009)
Tấm gương sáng ngời về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng
8:47', 30/4/ 2009 (GMT+7)

Đồng chí Trần Phú (1904 - 1931)

Là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tranh thủ mọi điều kiện để trang bị lý luận Mác - Lênin cho cán bộ, đảng viên.

Được sự quan tâm theo dõi chặt chẽ và chỉ đạo sát sao của đồng chí Trần Phú và Ban Thường vụ Trung ương Đảng trong thời kỳ 1930-1931, khí thế phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân trong cả nước đã bùng lên mạnh mẽ. Tổ chức Nông hội đỏ phát triển nhanh chóng, đội ngũ hội viên năm 1931 lên tới 64.000 người. Tại một số tỉnh và thành phố lớn như Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Mỹ Tho, Bến Tre, Quảng Ngãi, vùng mỏ Quảng Ninh… những cuộc biểu tình và bãi công của công nhân diễn ra liên tiếp. Bộ Tham mưu tối cao của Đảng đặt tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, do Tổng Bí thư Trần Phú đứng đầu đã thực hiện sứ mệnh lịch sử, tạo ra cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xôviết Nghệ Tĩnh.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ hai diễn ra tại Sài Gòn vào tháng 3.1931, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú, Hội nghị đã phân tích, đánh giá phong trào cách mạng sôi nổi diễn ra khắp cả nước, cả ưu điểm và thiếu sót của các phong trào công nhân, nông dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Mỹ Tho, Bến Tre… giúp cho Đảng ta rút ra những kinh nghiệm quý báu để chỉ đạo quần chúng đấu tranh chống cuộc khủng bố trắng của kẻ thù.

Một cống hiến nổi bật của đồng chí trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng là đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương xây dựng và củng cố tổ chức Đảng các cấp từ Trung ương tới các Xứ ủy, Tỉnh ủy, Huyện ủy và các chi bộ cơ sở của Đảng. Đồng chí đã chỉ đạo tổ chức tốt công tác giao thông liên lạc từ Trung ương đến Xứ ủy, Tỉnh ủy, từ Trung ương đến Quốc tế Cộng sản. Quốc tế Cộng sản đánh giá cao hoạt động của Đảng ta, trong đó có công lao của Tổng Bí thư Trần Phú. Ngày 11.4.1931, tại phiên họp thứ 25 Hội nghị toàn thể lần thứ XI của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đã đưa ra Nghị quyết: Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây là một chi bộ của Đảng Cộng sản Pháp, từ nay được công nhận là một chi bộ của Quốc tế Cộng sản. Quyết nghị này sẽ được đưa ra thông qua trong Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản.

Đồng chí Trần Phú giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng được hơn 5 tháng, một thời gian không dài, nhưng sự cống hiến cho Đảng, cho đất nước và nhân dân thật lớn lao. Đồng chí sống giản dị, đạm bạc. Tuy trong người mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo, nhưng bất chấp ốm đau, đồng chí luôn tranh thủ mọi thời gian, sức lực cống hiến cho Đảng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Giữa lúc phong trào cách mạng nước ta đang có những bước phát triển mới, Trung ương Đảng đang triển khai nhiều chủ trương quan trọng, do có kẻ phản bội khai báo, đồng chí Trần Phú đã bị địch bắt 8 giờ sáng ngày 18.4.1931. Bọn giặc đưa đồng chí về giam tại Khám Lớn - Sài Gòn. Biết đồng chí là lãnh đạo cao cấp của Đảng ta, kẻ thù đã dùng mọi cực hình để tra tấn, song chúng đã phải lùi bước trước tinh thần gang thép của đồng chí. Trước những hành động tra tấn dã man hoặc thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, đồng chí luôn chủ động tiến công: “Tôi biết nhiều người là để làm việc cho Đảng tôi, nước tôi, chứ không phải khai cho các ông bắt bớ”.

Tại bốt Catina, kẻ thù hèn hạ cắt gân bàn chân của đồng chí, rồi nhét bông vào tẩm xăng đốt, đồng chí vẫn kiên quyết, nửa lời không nói. Trong lao tù, đồng chí Trần Phú đã cùng với các đồng chí khác tổ chức nhiều cuộc đấu tranh tuyệt thực để lên án chế độ nhà tù dã man, vô nhân đạo. Đồng chí luôn luôn bình tĩnh, sáng suốt truyền niềm tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng đến các đồng chí cùng bị giam; tranh thủ mọi cơ hội để liên hệ, dặn dò mọi người phải giữ gìn bí mật của Đảng và không ngừng học tập, để sau này tiếp tục làm cách mạng.

Ba tháng bị địch giam cầm, tra tấn dã man, sức khỏe của đồng chí bị giảm sút rất nhanh, căn bệnh cũ tái phát, phút lâm chung, đồng chí nắm tay một đồng chí bạn tù cùng nằm ở nhà thương dặn lại: “Trước sau tôi chỉ mong anh chị em hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 6.9.1931 ở nhà thương Chợ Quán, Sài Gòn trên tay bạn bè đồng chí của mình. Năm ấy đồng chí mới bước vào tuổi 27, độ tuổi tài năng đang phát triển để cống hiến cho cách mạng. Cuộc đời của Tổng Bí thư Trần Phú tuy ngắn ngủi, nhưng đã kịp hoàn thành nhiều việc lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Tổng Bí thư Trần Phú mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng ta và phong trào cách mạng của nhân dân ta, đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế giai đoạn đó. Trong bài tưởng nhớ đồng chí Trần Phú năm 1932 lưu trữ tại Hồ sơ Quốc tế Cộng sản đã khẳng định: “Sự nghiệp cách mạng, niềm tin và phẩm chất cao đẹp của Tổng Bí thư Trần Phú trong nhà tù đế quốc sẽ mãi mãi là tấm gương bất diệt cho những người cộng sản trên toàn thế giới, đặc biệt là những người cộng sản ở Đông Dương”. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài Đạo đức cách mạng, đăng trên Tạp chí Cộng sản tháng 12.1958 đã viết:

“Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”...

Đồng chí Trần Phú (bí danh Lý Quý), sinh ngày 1.5.1904 tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; nguyên quán xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Thân phụ và thân mẫu của đồng chí Trần Phú là ông Trần Văn Phổ và bà Hoàng Thị Cát.

Năm 1922, đỗ đầu kỳ thi Thành chung ở Trường Quốc học Huế, đồng chí được bổ nhiệm làm giáo viên Trường tiểu học Cao Xuân Dục ở Vinh (Nghệ An).Giữa năm 1925, đồng chí gia nhập Hội Phục Việt (sau đổi tên thành Hội Hưng Nam và Tân Việt Cách mạng đảng), tổ chức của những trí thức yêu nước.

Năm 1926, đồng chí tham gia phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp trả lại tự do cho nhà yêu nước Phan Bội Châu, tổ chức lễ truy điệu Phan Châu Trinh, mở lớp dạy chữ quốc ngữ cho công nhân và nông dân.

Tháng 7.1926, Hội Phục Việt cử đồng chí và một số hội viên sang Quảng Châu (Trung Quốc) để đề nghị với Nguyễn Ái Quốc cho Hội hợp nhất với Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng. Đồng chí gặp Nguyễn Ái Quốc, được tham gia lớp huấn luyện chính trị khóa 2 do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy.

Tháng 10.1926, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc kết nạp vào Cộng sản Đoàn. Kết thúc khóa học, đồng chí về nước hoạt động, nhưng bị địch truy lùng ráo riết. Đồng chí trở lại Quảng Châu, làm việc tại Tổng bộ Thanh niên.

Cuối tháng 1.1927, đồng chí được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giới thiệu sang Liên Xô học Trường đại học Phương Đông. Đầu tháng 11.1929, sau khi tốt nghiệp Đại học Phương Đông, đồng chí nhận chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, bí mật lên tàu đi Lêningrát (nay là thành phố Xanh Pêtécbua thuộc Liên bang Nga) bắt đầu hành trình về nước hoạt động.

Ngày 8.2.1930, đồng chí về đến Sài Gòn. Ít ngày sau đồng chí sang Hồng Kông (Trung Quốc) gặp Nguyễn Ái Quốc. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã giới thiệu đồng chí Trần Phú về tham gia hoạt động trong Ban Chấp ủy lâm thời.

Tháng 4.1930, đồng chí về đến Hải Phòng. Tháng 7.1930, đồng chí được bổ sung vào Ban Chấp ủy lâm thời và được giao nhiệm vụ dự thảo Luận cương chính trị của Đảng.

Tháng 10.1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và nhất trí thông qua Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú dự thảo. Hội nghị đã quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Tại Hội nghị này, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

  • Hải Đăng (Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Việt Nam - Ấn tượng chiến tranh và đổi mới  (29/04/2009)
Gặp "ông Việt Cộng" buộc TT Dương Văn Minh đầu hàng ngày 30.4.1975  (28/04/2009)
Bảo tàng chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa trên đảo Lý Sơn  (22/04/2009)
Đền thờ Quang Trung, điểm đến mới  (13/04/2009)
Tờ lệnh khẳng định chủ quyền Hoàng Sa  (10/04/2009)
Cần phổ biến rộng rãi tài liệu về Hoàng Sa, Trường Sa  (09/04/2009)
Dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng trong ngày Giỗ Tổ   (05/04/2009)
Thời đại Hùng Vương trong lịch sử Việt Nam  (03/04/2009)
Về với linh thiêng vùng đất Tổ  (31/03/2009)
Nơi khởi nguồn sức mạnh  (16/03/2009)
Hoàn thành nhiều hạng mục tôn tạo cụm di tích Hoàng Sa, Trường Sa  (09/03/2009)
Đêm qua sông Ba  (05/03/2009)
Vua Quang Trung với Hoàng Sa, Trường Sa  (13/02/2009)
Đúc tượng Quốc tổ Lạc Long Quân  (08/02/2009)
Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, một thiên tài  (29/01/2009)