Phát hiện tài liệu quý về anh hùng Võ Duy Dương
10:21', 3/5/ 2009 (GMT+7)

Dù đã có nhiều công trình biên soạn khẳng định quê hương anh hùng chống Pháp ở Đồng Tháp Mười - Võ Duy Dương (Thiên hộ Dương) là ở Bình Định. Thế nhưng, có tác giả lại “nhận” Võ Duy Dương là người Quảng Ngãi. Vừa qua, tộc Võ ở xã Nhơn Tân (huyện An Nhơn) phát hiện tờ cam kết viết năm Thành Thái thứ 12. Đây là chứng cứ khoa học, một lần nữa khẳng định quê hương Võ Duy Dương là thôn Cù Lâm Nam, tổng Nhơn Nghĩa, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định.

 

Tờ cam kết viết năm Thành Thái thứ 12 (1900) mà tộc họ Võ xã Nhơn Tân vừa phát hiện. Theo nội dung của tờ cam kết thì anh hùng Võ Duy Dương chính thực là người Bình Định.

 

Quyển “Định Tường Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân tiểu truyện”, là tác phẩm chép tay bằng chữ Hán không đề tên tác giả, do Trần Văn Thông (gọi vợ thứ Võ Duy Dương là Trần Thị Vàng bằng cô ruột) chép lại năm 1942, công bố trên Văn hóa Nguyệt san Sài Gòn số 50 - 52, năm 1960, là nguồn tài liệu sớm nhất khẳng định quê hương của anh hùng Võ Duy Dương là ở Bình Định.

Năm 1992, Nhà xuất bản Tổng hợp Đồng Tháp xuất bản công trình biên khảo “Võ Duy Dương với cuộc kháng chiến Đồng Tháp Mười” do Nguyễn Hữu Hiếu chủ biên. Công trình nghiên cứu này được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao. Và theo các tác giả, quê hương Võ Duy Dương là thôn Cù Lâm Nam, tổng Nhơn Nghĩa, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định (nay thuộc xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định).

Thế nhưng, năm 2005, Nhà xuất bản Thanh Niên in cuốn “Anh hùng Võ Duy Dương chống Pháp ở Đồng Tháp Mười (người con của Quảng Ngãi trên đất Tháp Mười)” do nhà nghiên cứu Thượng Hồng chủ biên, trong đó ghi Võ Duy Dương quê gốc ở Quảng Ngãi. Một vài tạp chí như Cẩm Thành (Quảng Ngãi), Thế giới Mới (Bộ GD-ĐT) cũng có một vài bài viết với quan điểm tương tự.

Võ Duy Dương (1827-1866) là một trong những lãnh tụ nghĩa quân chống thực dân Pháp đầu tiên ở Việt Nam. Tên tuổi của ông sống mãi trong lòng nhân dân Đồng Tháp Mười. Đền thờ ông tại Gò Tháp (xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) được công nhận Di tích Lịch sử cấp Quốc gia năm 2006. Đền thờ ông tại quê hương (xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) được công nhận Di tích Lịch sử cấp tỉnh năm 2007.

Theo phổ hệ tộc Võ ở xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn: Tổ 6 đời của Võ Duy Dương là Võ Hữu Mang, từ Bắc vào định cư thôn Cù Lâm Nam, tổng Nhơn Nghĩa, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định. Các thế hệ tiếp theo là Võ Văn Thạnh, Võ Văn Tình, Võ Hữu Sự, Võ Hữu Đức. Ông Võ Hữu Đức sinh hạ 7 người con, còn sống 5 người gồm 3 trai, 2 gái: Võ Hữu Biểu, Võ Duy Tân (1825-1898), Võ Duy Dương (1827-1866), Võ Thị Viết và Võ Thị Bảy. Năm Tự Đức thứ 8 (1855), Võ Duy Dương cưới bà Phạm Thị Liễu (vợ cả) ở thôn Tráng Long (Nhơn Lộc, An Nhơn) và sinh 2 con trai là Võ Hữu Cung và Võ Duy Phụng. Năm Tự Đức thứ 15 (1862), ông nhận sắc phái vào Nam Kỳ và không trở về.

Để tưởng nhớ ông, tại xã Nhơn Tân, tộc Võ đã xây Đền thờ và hàng năm đến ngày 16 tháng 11 (âm lịch) tổ chức tế lễ. Đền thờ Võ Duy Dương được UBND tỉnh Bình Định công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2007. Nhân Kỷ niệm 141 năm ngày ông mất (2007), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã trao tặng tượng đồng Võ Duy Dương cho Đền thờ ông tại Bình Định.

Vừa qua, tộc Võ xã Nhơn Tân phát hiện tờ cam kết viết năm Thành Thái thứ 12 (1900). Theo nội dung của tờ cam kết thì anh hùng Võ Duy Dương chính thực là người Bình Định và tên tuổi có ghi trong sổ bộ quản lý (có thể hiểu như sổ hộ khẩu ngày nay). Tờ cam kết đã được chuyển về đền thờ Võ Duy Dương ở Nhơn Tân lưu giữ.

Đối chiếu những nguồn văn bản, tài liệu, cứ liệu lịch sử chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng: quê hương anh hùng chống Pháp Đồng Tháp Mười - Võ Duy Dương là thôn Cù Lâm, xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

  • Nguyễn Thanh Quang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tấm gương sáng ngời về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng  (30/04/2009)
Việt Nam - Ấn tượng chiến tranh và đổi mới  (29/04/2009)
Gặp "ông Việt Cộng" buộc TT Dương Văn Minh đầu hàng ngày 30.4.1975  (28/04/2009)
Bảo tàng chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa trên đảo Lý Sơn  (22/04/2009)
Đền thờ Quang Trung, điểm đến mới  (13/04/2009)
Tờ lệnh khẳng định chủ quyền Hoàng Sa  (10/04/2009)
Cần phổ biến rộng rãi tài liệu về Hoàng Sa, Trường Sa  (09/04/2009)
Dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng trong ngày Giỗ Tổ   (05/04/2009)
Thời đại Hùng Vương trong lịch sử Việt Nam  (03/04/2009)
Về với linh thiêng vùng đất Tổ  (31/03/2009)
Nơi khởi nguồn sức mạnh  (16/03/2009)
Hoàn thành nhiều hạng mục tôn tạo cụm di tích Hoàng Sa, Trường Sa  (09/03/2009)
Đêm qua sông Ba  (05/03/2009)
Vua Quang Trung với Hoàng Sa, Trường Sa  (13/02/2009)
Đúc tượng Quốc tổ Lạc Long Quân  (08/02/2009)