Đó là những người bám trụ cùng sóng gió tại trạm hải đăng Tiên Nữ. Tiên Nữ là hòn đảo nằm ở điểm cực đông của quần đảo Trường Sa. Từ đảo Tiên Nữ nhìn về phía đông chừng 4 hải lý có một tòa tháp màu trắng nổi bật trên màu xanh ngọc bích của nước biển. Đấy là trạm hải đăng Tiên Nữ - ngọn đèn biển tận cùng phía trùng dương đất Việt.
|
Hải đăng Tiên Nữ
|
Lịch trình của đoàn công tác đến quần đảo Trường Sa không có điểm ghé thăm ngọn hải đăng ở Tiên Nữ. Chúng tôi định xin phép thủ trưởng đoàn cho một chuyến xuồng ra đó nhưng có vẻ rất khó. Đang bồi hồi ngó vọng ra phía ngọn hải đăng, bỗng một chiếc xuồng máy mang số hiệu Trường Sa 01 chở ba chàng trai từ phía đông lao đến cặp bờ. Tuấn, một lính đảo Tiên Nữ mà chúng tôi vừa quen, bảo: “Đấy, họ đấy, dân gác đèn Tiên Nữ...”.
Tâm tình người gác đèn
Được tin đoàn đại biểu từ đất liền ra thăm và giao lưu, anh Trần Văn Ngữ (đèn trưởng) phân công hai “lão làng” Nguyễn Văn Hạnh và Trần Văn Hiển ở lại trực, còn Ngữ cùng Vũ Duy Tiến và Nguyễn Hồng Minh sang đảo để nhận quà từ đất liền. Đèn biển Tiên Nữ là một trong năm trạm Hải Đăng trên quần đảo Trường Sa, các điểm đèn còn lại có An Bang, Song Tử, Đá Tây và Đá Lát do Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải 2 quản lý.
Trần Văn Ngữ, năm nay 41 tuổi, có thâm niên làm đèn trưởng từ năm 1994, nghĩa là đã 15 năm bám trụ cùng sóng gió Trường Sa. Tuy nhiên không cố định một đèn mà xoay tua từ đèn này sang đèn kia, hết An Bang sang Song Tử, hết Đá Lát về Đá Tây. Còn anh Vũ Duy Tiến thì đã 20 năm làm nghề gác đèn biển, ở Trường Sa anh đã xoay tua chín lần qua các đèn trên quần đảo. Riêng ở đèn biển Tiên Nữ, anh xoay hai vòng rồi, mỗi vòng kéo dài một năm. Sau một đợt trực đèn được về nhà vài tháng, xong lại đi. Hỏi chuyện gia đình, gương mặt phong trần với bộ ria rậm rạp rất đàn ông của anh Tiến chợt chùng xuống: “Thì công việc, cũng là mang cái nghiệp vào thân rồi, may là chúng tôi đã kịp có vợ con, tuy có hơi chậm muộn. Chứ như chú Minh đây đã 31 tuổi rồi mà vẫn chưa biết khi nào có vợ”.
Minh cũng như anh Tiến, anh Ngữ và hai anh “lính già” đang trực đèn, tất cả đều quê Hải Phòng. Buổi giao lưu giữa các thành viên đoàn và chiến sĩ đảo Tiên Nữ đang rất hào hứng, chúng tôi kéo Minh vào cuộc, đẩy anh lên nhưng chàng trai 31 tuổi có gương mặt rất điện ảnh này lại rụt rè: “Em chưa quen anh ạ, thấy các cô gái là em... “ngộp”, phải ngồi một lúc đã”. Rồi thay vì vào cuộc hát hò, Minh ngồi tâm tình. Hóa ra Minh là con trai một, bố mẹ đã ngoài 70 tuổi. Năm 18 tuổi đã học nghề, tròn 20 tuổi tốt nghiệp trung cấp ngành an toàn hàng hải, Minh bước chân vào nghề như một nghiệp dĩ.
Minh bảo: “Mẹ em làm ở Cục Bảo đảm hàng hải, bố em làm ở Cục Đường biển, đi lính về sau 1975. Gần 40 tuổi các cụ mới sinh được em, em là con trai độc nhất, cũng muốn cho em làm nghề gì trên bờ, lấy vợ sinh con. Khi lớn lên, không hiểu sao em lại chọn nghề gác đèn biển. Biết rõ cái nghề biền biệt này nhưng bố mẹ em cũng không cản”. Vừa ra trường làm ở đèn biển Bạch Long Vĩ được 18 tháng thì ra quần đảo Trường Sa. Minh đã có chín năm ở quần đảo này, đi hết năm điểm đèn trên các đảo, mỗi điểm lâu thì năm rưỡi, nhanh thì chín tháng.
|
Những người gác đèn biển Tiên Nữ. Từ trái sang: Trần Văn Ngữ - trưởng trạm đèn Tiên Nữ, Nguyễn Hồng Minh, Vũ Duy Tiến
|
Những ngày thường không yên lặng
Như bao chàng trai ở đảo khác, hỏi chuyện người yêu, Minh lại cười: “Đi biền biệt như vậy, về tới nhà chưa kịp làm quen đã chia tay các cô. Em yêu ba cô rồi đấy, tranh thủ mấy lần nghỉ giữa tua em cũng muốn tìm hiểu... Yêu cô thứ nhất, khi hỏi em đi bao lâu về, em bảo chừng năm rưỡi thì cô ấy có vẻ thụt lui ngay. Em thấy cô ấy làm thế cũng đúng, con gái có thời, mình thì cứ đi mãi... Yêu cô thứ hai, sau gần hai năm về nhà thấy cô đã có con bế trên tay. Cô mới đây nhất thì khi về phép nhận ngay... một cái thiệp cưới đỏ chót!”. Nói đến đấy Minh buông tiếng cười rất lạ: “Đấy, anh xem, làm sao dám yêu nữa!”.
Tôi buột miệng: “Sao em không chuyển công tác về đất liền?”. Giọng Minh chợt hăng hái: “Nói thật, anh đừng nói em là máu, là hô khẩu hiệu, chứ dính vào nghiệp này rồi không bỏ được. Về đất liền có khi cả tháng không ngủ nổi, chỉ vì thiếu tiếng sóng biển vỗ ầm ầm rất quen suốt bao nhiêu năm”.
Minh còn nói mình đã “lạc hậu” so với lối sống đất liền. Ra đường cứ lơ ngơ, thấy gì cũng lạ. Ngay cả chuyện dễ nhất là... tiêu tiền mà không biết tiêu thế nào. Ở đảo hàng năm trời, nhận lương có khi tiền để mốc meo trong ví, về đất liền thấy tiền bạc nó “hoành hành” dữ quá nên đâm ra hãi. Ba tháng mới có tàu tiếp tế một lần, tin tức báo chí cũng muộn mất... ba tháng. Đọc hết báo ba tháng trước thì nhận báo... ba tháng sau. Vui nhất cũng chỉ bật dàn karaoke lên, năm anh em hát với nhau cho át nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền. Thế mà về đất liền thì nhớ biển không chịu được, lại thèm ra đèn, lại muốn suốt ngày chăm chút cho ngọn đèn đêm đêm tỏa sáng.
Cứ đều đặn 17g30 là bật đèn, chia ca gác đêm, thức với đèn đến 6g30 sáng. Công việc ngỡ như lặp đi lặp lại nhưng không nhàm, có nhiều chuyện để lo: lo nạp ăcquy, lo vệ sinh đèn, chỉnh sửa luồng sáng, lo máy nổ, pin mặt trời... Ngần ấy việc mà cứ làm mãi không hết”.
Như chợt nhớ ra điều gì, Minh bảo: “Năm trước anh Hạnh, đèn phó, trực ở hải đăng đảo Đá Tây, bố anh ấy mất mà không sao về được, gia đình để thật lâu mới dám báo tin. Ba tháng sau đến lượt mẹ anh ấy mất, vậy mà phải một thời gian sau mới về được quê chịu tang bố mẹ, vì muốn về phải có tàu ra”.
Câu chuyện của Minh cũng là câu chuyện của nhiều người gác đèn biển. Lẽ ra câu chuyện này của Minh tôi sẽ chưa viết vội nếu khi chia tay Minh không nói một câu khiến tôi cay mắt: “Nãy giờ em thấy anh ghi chép tỉ mỉ quá, nhưng so với chiến sĩ trên đảo chìm, bên dân sự chúng em vẫn sung sướng hơn anh ạ. Anh có viết thì hãy viết về mấy anh lính đảo Trường Sa ấy”.
Nhờ có họ, những người gác đèn bình dị, mỗi năm hàng vạn lượt tàu thuyền bình an trên hải trình xuyên đại dương đi qua biển Đông. Không chỉ có thế, ánh đèn biển đêm đêm ấy như con mắt nơi tận cùng của đất nước dõi nhìn ra thế giới, nói với thế giới rằng bờ cõi VN đến tận đây, trên Thái Bình Dương quanh năm sóng gió này!
. Theo TTO |