UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức lễ bàn giao giữa nhà nghiên cứu Huế Phan Thuận An và đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam tờ châu bản có chữ ký và ngự phê của vua Bảo Đại, nội dung liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa ( ảnh).
Tờ châu bản được viết trên một mặt giấy cỡ 21,5 x 31cm ghi lại sự kiện: “Vào ngày 10.2.1939, Tòa khâm sứ Trung kỳ có đề nghị Nam triều nên thưởng huy chương Long tinh hạng 5 cho đơn vị lính Khố xanh ở Trung kỳ, vì họ đã có công trong việc dẹp loạn “man di” ở miền núi và có công trong việc lập đồn phòng thủ ở đảo Hoàng Sa.
Đến ngày 15.2.1939, Tổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Quỳnh dâng lên Hoàng đế Bảo Đại tờ “tấu” xin nhà vua duyệt y và nhà vua đã phê “Chuẩn y” (đồng ý cho thi hành). Còn chi phí về thưởng cấp huy chương thì do ngân sách của Tòa khâm sứ Trung kỳ đài thọ”.
Ông Phan Thuận An khẳng định, đây là tài liệu ông có được trong tủ sách của gia đình ở phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn ở đường Nguyễn Chí Thanh, thành phố Huế. (Công chúa Ngọc Sơn là con vua Đồng Khánh, em vua Khải Định và là cô ruột vua Bảo Đại, là bà nội của vợ ông Phan Thuận An - PV).
Theo nhà nghiên cứu, tờ châu bản nói trên là một tài liệu rất mới vì nó không có trong số toàn bộ số châu bản thời Bảo Đại đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. Nó quý ở chỗ đây là bản chính (chứ không phải bản sao), tức là tài liệu bậc 1. Và quý nhất là nội dung của tờ châu bản này một lần nữa khẳng định rằng mãi cho đến trước khi Chiến tranh thế giới lần 2 xảy ra trên Thái Bình Dương, quần đảo Hoàng Sa vẫn thuộc về chủ quyền của Việt Nam, mặc dù đất nước bấy giờ đang ở dưới sự bảo hộ của Pháp.
Ông Vũ Anh Dũng, Phó vụ trưởng Ủy ban Biên giới Quốc gia Bộ Ngoại giao đánh giá rất cao giá trị của tờ châu bản. Ông nói: “Đây là một trong những chứng cứ quan trọng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Chúng tôi sẽ cho thẩm định để sớm công bố chính thức về mặt nhà nước”.
. Theo SGGP |