Họ đang mỉm cười...
11:3', 13/7/ 2009 (GMT+7)

Những lời tri ân lay động hàng triệu trái tim của Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết vang vọng giữa trời tháng bảy cao xanh vời vợi nơi nghĩa trang Thọ Lộc (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) trong chương trình "Huyền thoại thanh niên xung phong" sáng 11.7 sẽ nhắc nhở đời đời con cháu VN không thể nào quên công lao của các liệt sĩ đã gửi lại tuổi thanh xuân, mở những con đường dựng xây nền độc lập dân tộc hôm nay.

Họ đã hòa máu xương vào mảnh đất tổ quốc thiêng liêng này để nảy những cành xanh quả ngọt hòa bình, hạnh phúc cho con cháu. Và họ như đang mỉm cười...

Các đồng đội cũ tề tựu tại nghĩa trang Thọ Lộc.

Nước mắt ngày gặp lại

Nghĩa trang Thọ Lộc - nơi 545 liệt sĩ thanh niên xung phong và CBCN Ban 67 Anh hùng (tiền thân của TCty Xây dựng công trình giao thông 5 -Cienco 5) từ ngày 9-11.7 đã trở thành nơi hội tụ của hàng nghìn đồng đội và đồng nghiệp các thế hệ.

Từ mọi miền đất nước, hơn 140 cựu TNXP và hàng nghìn CBCNV các đơn vị thành viên Cienco 5 tụ họp về cầu nguyện và tri ân các liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp đảm bảo giao thông trong kháng chiến chống Mỹ của đất nước.

Dù người cõi âm, người cõi dương cách mặt, song những mặn nồng ấm áp tình chị em đồng đội dường như vẫn giao hòa. Những giọt nước mắt nóng hổi từ đôi mắt đã nhòe đi vì xúc động của cựu TNXP Tạ Thị Hoan - từ Kim Bảng (Hà Nam) vào cứ rơi lã chã trên mộ người đồng đội, người bạn thân là liệt sĩ TNXP C25 Trần Thị Sửu - quê Nhân Hậu, Lý Nhân, Hà Nam.

Giữa tiếng nấc và những lời ngắt quãng, chị Hoan đã nhớ về chị Sửu và một thời phá đá mở đường dưới mưa bom bão đạn. Nhóm của chị có 4 chị em, hai chị đã hy sinh. Các chị chiến đấu tại cua chữ A đường 20 Quyết Thắng. Đây là một trong những tâm điểm huyết mạch của đường Trường Sơn thường xuyên bị bom Mỹ cày xới như cơm bữa. Chị Sửu hy sinh khi vừa tròn hai mươi tuổi.

Đã hàng chục năm, chị Hoan mới có dịp viếng mộ đồng đội xưa. Người nữ cựu TNXP đã bước qua tuổi lục tuần còn nghẹn ngào hơn khi nhắc đến người con trai đầu tiên trong đời đã nói lời yêu chị giữa chiến trường nguy nan, sống chết rình rập từng giây phút. 

Anh Nguyễn Văn Thắng - B trưởng, một trong những cán bộ kỹ thuật đánh bộc phá mở đường cừ khôi tại đường 20 Quyết Thắng, cũng đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này. Dường như các đồng đội đã phù hộ cho chị nên giờ đây dù đã bước qua tuổi lục tuần, chị vẫn khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc. Ba con chị đã học xong đại học, có việc làm ổn định.

Năm nay, Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam và Cienco 5 tổ chức đại lễ cầu siêu và lễ tri ân các liệt sĩ TNXP, đã giúp chị được trở lại mảnh đất ắp đầy kỷ niệm xưa. Tuy người còn người đã mất, nhưng có cơ hội gặp lại vẫn là hạnh phúc. Trong nước mắt tiếc thương tuôn chảy, có cả những giọt nước mắt vui mừng hội ngộ.

Hết sức thành kính, hàng nghìn CBCNV Cienco 5 từ Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ... chẳng quản đường xa khó nhọc đều về nghĩa trang Thọ Lộc để thực hiện đại lễ cầu siêu và tri ân các liệt sĩ cha anh. Nắng Quảng Bình tháng bảy khô rang. Áo ai cũng ướt đẫm mồ hôi, nhưng trong lòng mỗi người đều mát lạ. Tất cả đều chung một lời nguyện cầu cho anh linh các liệt sĩ siêu thoát, phù hộ độ trì cho nước mạnh dân giàu.

 

Bà Tạ Thị Hoan bên mộ người đồng đội thân yêu.

 

"Máu của các chị, các anh không uổng..."

Sáng 11.7, nghĩa trang Thọ Lộc chưa bao giờ đông đến thế. Hàng chục nghìn người từ khắp mọi miền đất nước đã hội tụ về đây tri ân các liệt sĩ TNXP, ước muốn tái hiện lại một thời hoa lửa hào hùng của TNXP VN nói chung và các liệt sĩ TNXP, CBCN làm đường của Ban 67 Anh hùng nói riêng.

Không chỉ có những nén hương thơm, những nhành hoa cúc, hoa huệ trắng do 545 sinh viên dâng lên 545 ngôi mộ liệt sĩ tại nghĩa trang Thọ Lộc và hàng triệu liệt sĩ trên khắp mọi miền đất nước, mà còn có hàng triệu triệu tấm lòng người dân Việt cùng hướng về các anh linh liệt sĩ bởi lễ tri ân được VTV1 truyền hình trực tiếp.

Con số 40.000 TNXP - những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi vừa rời ghế trường phổ thông, trường đại học tại 15 tỉnh miền Bắc, chiến sĩ Binh đoàn 559, công nhân ngành GTVT và dân công hỏa tuyến đã "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước...", chịu cảnh cơm không đủ no, áo không đủ ấm, bình quân mỗi người hứng 43 quả bom, chưa kể hàng triệu quả bom bi và gần 5.000 người đã vĩnh viễn nằm lại nơi đường Trường Sơn huyền thoại, mà Chủ tịch Trung ương Hội Cựu chiến binh TNXP Nguyễn Tiến Năng công bố tại lễ tri ân đã khiến bao người rơi lệ.
Khi cảnh bom đạn ác liệt ném xuống những con đương xưa được tái hiện trên sân khấu, cựu chiến binh Lê Hữu Tiến - chiến sĩ thuộc C3, D72 Sư đoàn 559 khi xưa, đang sống tại xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, ngực lấp lánh huân chương, dẫn theo người cháu ngoại đến tri ân các đồng đội - đã bùi ngùi nhớ lại: Sư đoàn 559 của tôi nằm vùng tại Ngầm Bùng, ngã ba Thọ Lộc. Đây là nút giao với đường 75 nối với đường 20 Quyết Thắng - một trong những đoạn đường quan trọng chuyển quân - nối với đường 9 Nam Lào.

Những năm 1967, 1968, 1969 khu vực này bị rải thảm bom hàng ngày. Bộ đội và TNXP để đảm bảo giao thông đã làm hầm ngay dưới làn bom. Địch ném bom bất kể giờ giấc. Đầu tiên là máy bay trinh sát đi rà một vòng ném bom khói mù để bên ta không biết đằng nào mà tránh. Sau đó thằng F4H bổ nhào ném liên tiếp hàng loạt  bom.

Loạt đầu ném tại một vị trí bất kể. Loạt thứ hai ném tiến lên, loạt thứ ba ném tụt xuống so với vị trí ban đầu. Nếu có xe hay đạn dược bị cháy mà chúng phát hiện được là chúng gọi tốp khác đến ném bom tiếp. Nếu không phát hiện được, chúng thả hàng loạt bom bi nổ chậm. Nhưng chúng cứ bay đi là bộ đội và TNXP, công nhân làm đường lại trồi từ hầm lên gỡ bom, san lấp hố bom cho xe đi qua.

Đồng đội của chúng tôi hy sinh không ít. Nhiều người bị bom tan tác xương thịt lẫn vào với đất không tìm lại được. Nhiều lần mai táng cho đồng đội về không ai nuốt nổi cơm. Bom đạn, sống chết là vậy, nhưng lạ là không mấy ai sợ. Sống qua đợt bom là lại lao lên trả thù cho đồng đội...

Có lẽ lòng căm thù giặc xâm lăng, tình yêu đồng đội đã khiến những người lính, TNXP quyết tâm chiến đấu hơn để chiến thắng sớm gần. 20.000km đường Trường Sơn, mỗi kilômét bình quân chịu đựng 3.600 - 4.200 quả bom, được xây dựng từ xương máu, mồ hôi và nước mắt của TNXP và CBCN ngành GTVT với quyết tâm "Sống bám đường chết kiên cường dũng cảm", "Địch đánh ta cứ đi, địch phá ta sửa ta đi...", đã góp phần quyết định đem lại chiến thắng thần thánh năm 1975.
"Máu của họ đã viết lên những trang sử hào hùng của dân tộc. Máu của họ đã tô thắm màu cờ tổ quốc. Máu của họ đã làm rạng danh con Lạc cháu Hồng. Máu xương của họ đã hòa quyện vào lòng đất để cây cỏ đâm hoa kết trái... Chúng ta mãi mãi biết ơn họ" - lời tri ân dốc từ tâm can Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết thay mặt cho hơn tám mươi triệu người dân Việt Nam trước anh linh các liệt sĩ đã một lần nữa khẳng định dân tộc này, đất nước này mãi mãi khắc ghi công ơn của các liệt sĩ.

Các sinh viên dâng hương, hoa lên mộ liệt sĩ.
 

Tri ân không bao giờ là đủ...

Tri ân các anh linh liệt sĩ đã hy sinh cho nền độc lập và hòa bình của tổ quốc không bao giờ là đủ - thạc sĩ Thân Đức Nam - TGĐ Cienco 5 - chia sẻ. Trong số gần 5.000 liệt sĩ TNXP của cả nước, có tới 1.113 liệt sĩ của Ban 67. Những thành quả mà CBCNV Cienco5 có được hôm nay đều xây đắp trên nền tảng những con đường mà hơn một nghìn liệt sĩ của Ban 67 Anh hùng đã cống hiến cả máu xương, tuổi xuân dựng xây nên.

Lễ tri ân hôm nay, cuốn sách Huyền thoại TNXP Việt Nam và 4 tỉ đồng do CBCNV Cienco 5 đóng góp sẽ dựng nên 183 mái ấm nghĩa tình cho các cựu TNXP ở 17 tỉnh, thành trong cả nước là lòng biết ơn của những người ăn quả nhớ đến người trồng cây. Đây cũng là hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống giúp cho thế hệ hôm nay khắc ghi thành quả của lớp cha anh đi trước.

Quả vậy, nghẹn ngào trước những hàng mộ trùng trùng lớp lớp của các chị, các anh đồng nghiệp mãi mãi tuổi hai mươi, Nguyễn Thị Thu Hiền -  một thành viên trẻ ở Cty 508 tại tỉnh Quảng Ninh - bày tỏ: Lần đầu tiên em đi một quãng đường dài vất vả đến vậy để vào được đây. Hôm nay, chúng em được xây dựng những con đường, những khu nhà đẹp đẽ trong hòa bình là nhờ biết bao lớp cha anh đã đội mưa bom bão đạn, đã hy sinh cuộc sống thanh xuân để giành lấy. Em tự thấy phải góp phần nhỏ bé của mình bằng nhiều cách có thể để đền đáp công ơn to lớn của các liệt sĩ".

Tâm nguyện của Hiền cũng là tâm nguyện của hầu hết CBCNV Cienco 5. Có lẽ chính vì thế, chứng kiến những việc làm nghĩa cử của họ, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết ghi nhận: "Cienco 5 đã biết dành những đồng tiền lợi nhuận khó nhọc từ thương trường tổ chức các hoạt động tri ân những liệt sĩ có công với nước. Rất đáng được hoan nghênh và nhân rộng".

. Theo Lao Động

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cư dân Đông Sơn đã làm chủ biển Đông  (07/07/2009)
Châu về hợp phố!  (29/06/2009)
Thừa Thiên - Huế bàn giao tờ châu bản khẳng định chủ quyền Hoàng Sa  (29/06/2009)
Noi gương nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu  (28/06/2009)
Sẽ có khu tưởng niệm Hoàng hậu Lê Ngọc Hân  (26/06/2009)
Phát hiện, thu thập 19 đạo sắc phong thời Lý  (17/06/2009)
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội  (11/06/2009)
Phát hiện hai đường Hồ Chí Minh  (21/05/2009)
“Ông cụ đi đôi dép này ư?”  (19/05/2009)
Khám phá mới từ tờ lệnh Hoàng Sa  (10/05/2009)
Gác đèn biển ở cực đông Trường Sa  (08/05/2009)
Chiến thắng lịch sử trong ký ức các chiến sĩ Điện Biên  (04/05/2009)
Phát hiện tài liệu quý về anh hùng Võ Duy Dương   (03/05/2009)
Tấm gương sáng ngời về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng  (30/04/2009)
Việt Nam - Ấn tượng chiến tranh và đổi mới  (29/04/2009)