“...Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến... Thuốc súng kém - chân đi không - mà lòng người giàu lòng vì nước. Nóp với giáo - mang ngang vai - nhưng thân trai nào kém oai hùng...”.
Dù những hiện vật còn ngổn ngang chưa tìm được chỗ đặt, bất kỳ ai bước chân vào những phòng kho ấy, nhìn thấy những vật thể tưởng chỉ còn trong bài hát và phim ảnh tài liệu, không thể không thấy vang lên trong đầu giai điệu bi tráng và lời ca mộc mạc ấy.
Các hiện vật đang được gấp rút quy tập để chuẩn bị cho một triển lãm đặc biệt: “Vũ khí thô sơ, tự tạo - di sản văn hóa quân sự VN đặc sắc”.
|
Chiếc bẫy đá của Pinăng Tắc
|
Giặc đến nhà, tre và ong cũng là vũ khí
Vẫn biết dân ta yêu nước ngàn đời, giặc đến nhà bất cứ vật gì cũng có thể là vũ khí. Vẫn biết óc sáng tạo dân gian là không giới hạn, nhưng khi nhìn cùng lúc “bộ sưu tập vũ khí lạnh” đúng kiểu dân gian truyền thống VN thì không khỏi kinh ngạc vì thán phục, sau đó là... phì cười vì sự ngộ nghĩnh và thú vị của chúng.
Một hiện vật mà có lẽ không một vị anh hùng trong chiến tranh hiện đại nào của thế giới có thể tưởng tượng được: đó là chiếc đòn gánh bằng tre của nữ du kích nông dân Nguyễn Thị Chiên. Câu chuyện của chị đã được kể lại trong sách giáo khoa cấp I: trên đường ra đồng, gặp Tây đi càn, chỉ có đòn gánh trên tay, không một tấc sắt trong người, chị xông ra giơ đòn gánh thét lên dọa mấy chú lính Tây giơ tay đầu hàng. Bất ngờ và hoảng sợ, lính Tây líu ríu giơ tay lên trời. Người nữ du kích bé nhỏ bình tĩnh cầm đòn gánh áp giải lính Tây đi hàng một về cho quân ta bắt sống. Chiếc đòn gánh của chị Chiên được gìn giữ qua gần 60 năm.
Bây giờ nó nằm đó, khiêm nhường, hiền lành, bé nhỏ đến mức khó tin. Nếu không gắn với tên của một nữ anh hùng, nó cũng vẫn mãi chỉ là một khúc tre như bao khúc tre cong oằn trên vai những phụ nữ VN khác.
“Choáng” hơn nữa là bộ sưu tập chông và gậy gộc. Chỉ tính riêng các loại chông cũng đã đến mười mấy loại: chông chém, chông quay, chông bi, chông phóng, chông mô, chông rơi, chông cánh cửa... Một số loại chông được nhân dân ta đặt cho những cái tên rất ngộ nghĩnh như: chông nhím (vì hình dáng bàn chông giống hình một con nhím), hay chông bàn được thiết kế giống hình dáng một chiếc bàn, loại chông này được chôn ngầm dưới đất, bên trên phủ lá cây ngụy trang, quân địch trong lúc hành quân do không nhìn thấy sẽ giẫm phải...
Gậy cũng nhiều không kém: Nam bộ có tầm vông thì miền Bắc có gậy tre đực, dài ngắn đủ loại, lên nước bóng loáng, ngả bồ hóng vì trước khi “lâm trận” đều được hun khói bếp lâu ngày. Mỗi cây gậy đều có “bảng thành tích” đi kèm, oanh liệt không kém chiếc đòn gánh của chị Chiên.
Một mình tre chưa đủ, “kho vũ khí lạnh” còn nhiều độc chiêu khác: một góc triển lãm sẽ dành để kể về chiến công của ông Đoàn Văn Chia ở Cần Thơ. Hồi đó ông Chia mua 100 tổ ong vò vẽ về nuôi, huấn luyện đàn ong của mình khi thấy giặc Mỹ thì bay ra đốt. Quân địch vì bị ong đốt nên tháo chạy tứ phương và lọt vào bẫy chông mà ông đã sắp đặt sẵn.
“Nóng” hay “lạnh” đều chỉ từ bàn tay và trái tim
Giữa núi rừng Phước Bình hoang vu và thiếu thốn, anh hùng Pinăng Tắc ở Bác Ái, Ninh Thuận đã cùng đồng bào sáng chế những bẫy đá lớn, đặt khắp núi rừng để ngăn bước tiến quân thù. Chiếc bẫy đá của Pinăng Tắc được chở về bảo tàng, đặt bên cạnh các loại bẫy và chông của đồng bào chiến sĩ từ Tây Bắc đến Tháp Mười, đủ hình dạng và tính năng, cho người xem một cảm giác thật trọn vẹn về một khái niệm mơ hồ, nhưng ở đây thì rất rõ nét - “lòng dân”.
Hiện vật hiền lành nhất là một tấm ảnh có chụp một cây đu đủ sai quả, cùng hai cô gái du kích đang đào hố bên dưới. Thượng tá Trần Thanh Hằng, người đã sưu tầm hiện vật cho Bảo tàng Quân đội hơn 30 năm, giải thích: “Vườn nhà có nhiều loại cây ăn quả, đến mùa quả chín nhân dân ta quyết không hái, coi đó như một thứ mồi nhử hữu hiệu. Khi quân địch nhìn thấy những chùm quả chín ngọt, bọn chúng sẽ trèo lên hái và rơi vào những cái bẫy mà quân ta gài dưới gốc cây”. Nói về chiêu dụ địch này, dân ta đúc kết trong hai câu thơ hóm hỉnh: Quả thơm chín đỏ góc vườn/Quân tham đến lấy sẽ vương phải mìn.
Lại nói về mìn, được coi là vũ khí “nóng” - để phân biệt với vũ khí “lạnh” là gậy gộc, giáo mác, dao, đá...; mìn tự tạo của dân và quân ta trong hai cuộc chiến cũng lên đến hàng trăm loại. Mìn được gọi tên theo hình dáng của vật mà nó giấu trong đó. Quân du kích gài mìn vào đống củi, gài vào chĩnh nước mắm, gài vào ống bơ để đánh lừa quân địch, nên những tên gọi cũng vô cùng dân gian: mìn cũi, mìn chĩnh, mìn ống bơ, mìn cánh cửa, mìn nồi...
Vũ khí nóng còn là vô số súng ống, đạn dược. Có nhiều loại súng mà hình dạng có thể bị coi là “kỳ quái” nếu so sánh với đủ loại súng ống trên phim hành động các thời đang chiếu nhan nhản trên màn ảnh; tính năng của chúng nhiều khi cũng chỉ để dọa địch là chính, hiệu quả sát thương không hề cao, như khẩu “ngựa trời” mà du kích Nam bộ vẫn dùng trong kháng chiến chống Pháp.
“Súng bắn thẳng, đạn là mảnh chai thủy tinh, không chính xác và cũng không làm chết người nhưng quân ta hồi ấy làm được “ngựa trời” là cố gắng phi thường rồi. Giặc không ngờ ta có súng, và khi vào trận chỉ cần tạo được tiếng nổ lớn đã gây bất ngờ cho địch, còn lại vẫn là tầm vông, giáo mác và lòng dũng cảm thôi” - một sĩ quan quân đội có mặt trong khu bảo tàng giúp chuẩn bị triển lãm chia sẻ với chúng tôi.
Chưa thể tập hợp đầy đủ tất cả các vũ khí thô sơ từ ngày đầu cách mạng, nhưng những gì sắp đến với người xem trong cuộc triển lãm này thật sự rất đặc biệt, rất dân gian, rất truyền thống và rất VN. Một điều kỳ lạ nữa là không ở đâu và khi nào đi xem trưng bày vũ khí mà người ta lại thấy lấp ló đâu đây một cái gì đó nhân hậu kiểu truyện dân gian VN.
Và những ai còn hồ nghi về chiến thắng của dân tộc VN trước “hai đế quốc to”, khi nhìn những vũ khí tự tạo thô sơ đến vậy - được sử dụng để chiến đấu trực tiếp với xe tăng, máy bay, đại bác hiện đại vào bậc nhất thế giới của thế kỷ 20 - sẽ hiểu vì sao chúng ta chiến thắng!
|
Các loại gậy và giáo mác |
Cuộc triển lãm “Vũ khí thô sơ, tự tạo - di sản văn hóa quân sự VN đặc sắc” sẽ khai mạc vào 15g30 ngày 1.9.2009 tại tầng 1, nhà S4 - Bảo tàng Lịch sử quân sự VN (28A Điện Biên Phủ, Hà Nội). Bộ sưu tập giới thiệu 716 hiện vật là các loại vũ khí thô sơ, tự tạo do VN sản xuất từ năm 1930 đến nay... mang tính đặc trưng của ba miền Bắc - Trung - Nam. Hiện vật đưa vào sưu tập có danh mục kèm theo, có đủ hồ sơ tài liệu, lời kể của nhân chứng, phương pháp chế tạo, cách hướng dẫn sử dụng... |
. Theo TTO |