43 năm vụ thảm sát Trường Thạnh (Bình Định) 24.9.1966 - 24.9.2009:
Tưởng niệm những oan hồn
16:17', 24/9/ 2009 (GMT+7)

Gần nửa thế kỷ sau buổi sáng đẫm máu trên cánh đồng Trường Thạnh (xã Cát Chánh cũ, nay thuộc Cát Tiến, Phù Cát), một lễ chiêu linh, cầu hồn và chẩn tế sẽ được tổ chức tại chùa Phước Hưng nguyện cầu cho oan hồn siêu thoát.

"Sống có nhà, thác có mồ", những hồn ma tức tưởi ở Trường Thạnh đã vất vưởng quá lâu rồi.

Ông Nguyễn Nhận và những hồi ức đẫm nước mắt.

Ký ức ngày hủy diệt

Run rẩy dưới cánh tay dìu đỡ của người con trai độc đinh Nguyễn Văn Dũng, ông Nguyễn Nhận vừa đếm bước, vừa ngơ ngác nhìn khách bằng cặp mắt thất thần, mệt mỏi. 

Ở tuổi 84, ông không còn dăm bữa nửa tuần rị mọ ra Gò Xác - nơi hình hài vợ con ông bị băm vằm, rữa nát, vùi lấp trong mớ xương thịt bùng nhùng của người dân xóm Nam - để thảng thốt tỉnh mê, vật vã than trời khóc đất. Thế giới của ông giờ ngột ngạt, căng thẳng, khốc liệt hơn giữa vài chục mét vuông của ngôi nhà chật chội.

Ông Nhận là người duy nhất của một gia đình 8 nhân mạng còn sống sót. Vợ ông, bà Phạm Thị Phúc cùng các con Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Thị Ánh, Nguyễn Văn Bay, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Thị Kiên, đứa lớn 19 tuổi, đứa nhỏ mới 11, đã lần lượt hoặc cùng lúc đổ gục dưới làn đạn xối xả của binh lính sư đoàn Mãnh hổ Nam Triều Tiên.

Trong ngón đòn chí mạng mà chiến tranh giáng xuống ông Nhận, đấy chưa phải là tất cả. Người con gái lớn Nguyễn Thị Điều gả về nhà ông Tăng Nhiên cũng không tránh khỏi thịt nát xương tan. Cùng chung số phận, còn có em dâu ông, Nguyễn Thị Liễu, có cháu gái Trần Thị Ngọc, các cháu Nguyễn Văn Cu, Nguyễn Thị Gái...

Anh Nguyễn Ngọc Thành, cán bộ Đội An ninh, Công an TP.Quy Nhơn, người dẫn đường hôm tôi về Cát Tiến cho biết: Cuộc sơ tán lên Núi Bà năm 8 tuổi đã giúp anh tránh được kết cục bi thảm như người mẹ Nguyễn Thị Chờ, người chị Nguyễn Thị Hòa và 3 đứa em Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Văn Hội, Nguyễn Văn Cu. Thoát chết, nhưng với anh Thành, ông Nhận và nhiều người dân nơi đây suốt mấy mươi năm, với họ, nhiều khi chỉ là phép cộng của ác mộng điệp trùng.

Theo kết quả rà soát mới nhất, ở Trường Thạnh có 58 nạn nhân của 13 gia đình (hầu hết là phụ nữ, người già, trẻ em) bị sát hại tại vườn nhà ông Nguyễn An Vận và dưới dãy hào tránh đạn trên Gò Xác trong buổi sáng thảm khốc 24.9.1966. Điều tra của Hội Chữ thập Đỏ và UBND xã Cát Tiến còn nêu danh tánh 4 phụ nữ bị giết hại trong tình trạng bụng mang dạ chửa.

Chủ tịch UBND xã Cát Tiến Nguyễn Xuân Hồng lưu ý: 58 là số nạn nhân tại hố chôn Gò Xác, nếu tính cả khu vực lân cận, trong ngày 24.9, lính Nam Triều Tiên đã cướp đi 88 sinh mạng thường dân vô tội. Theo nhiều nhân chứng, trẻ con, phụ nữ bị cột thành dãy, thành xâu, bị dồn ép vào một địa điểm để những kẻ giết người điềm nhiên tảo thanh bằng súng trường, lựu đạn, cho đến khi chúng tin là không còn sự sống mới thôi.

Di tích trên vai cộng đồng

Tấm bia ghi tên 58 nạn nhân.

Tôi gặp nhiều nhân chứng, gõ cửa nhiều cơ quan hầu tìm thấy hồi đáp cho câu hỏi day dứt: Nguyên nhân nào khiến 24.9.1966 trở thành ngày tận diệt ở Trường Thạnh? Nhưng không ai, kể cả Chủ tịch Cát Tiến Nguyễn Xuân Hồng cùng những người tiền nhiệm,... trả lời được.

Chính xác, câu trả lời là: Không có lý do khả dĩ kích động sự say máu từ những tay súng đánh thuê trừ ý chí thiết lập một vùng trắng tuyệt đối xung quanh Núi Bà - căn cứ địa đầu não của Bình Định trong kháng chiến, nơi tháng 3.1966, cuộc hành quân theo sau những trận bom rải thảm của các đơn vị thuộc 2 sư đoàn Mãnh Hổ, Bạch Mã nhằm "lật đá bắt cộng sản" đã không tiếp cận được "mục tiêu".

Tôi cũng loay hoay cật vấn, sao một nấm mồ ngập ngụa oan chướng như Gò Xác bao năm rồi vẫn đìu hiu mưa dầm nắng dãi. Xuống Cát Tiến, từ người dân tới chính quyền địa phương, ai cũng nói đỏ mắt chờ một tấm bia, một công trình tưởng niệm, vậy mà đến nay vẫn chưa thấy. Lúc thì sức xã, sức dân có hạn, lực bất tòng tâm; lúc "đụng" lộ trình quy hoạch, bảo tồn di tích. Theo chúng tôi, lý do sâu xa ở chỗ khác, ở chỗ nỗ lực xã hội hóa công tác bảo tồn di tích, nhất là di tích chiến tranh, chưa được thúc đẩy đến nơi đến chốn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh ấy, theo ông Lê Hữu Lộc, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định quả quyết:  "Chỗ nào nhà nước làm được thì làm, chỗ nào ngân sách chưa cáng đáng nổi, chúng tôi sẽ kêu gọi cộng đồng giúp sức".

. Theo Lao Động

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hoàng Sa là của Việt Nam  (14/09/2009)
Xây nhà cho Người yên giấc ngủ  (01/09/2009)
Hiện vật của lòng dân khi sơn hà nguy biến  (24/08/2009)
Kỷ niệm 40 năm giữ gìn, bảo vệ thi hài Hồ Chí Minh  (23/08/2009)
Từ bút chiến đến vượt ngục  (21/08/2009)
“Thật hạnh phúc khi có một lãnh tụ như Hồ Chí Minh”  (17/08/2009)
Phát hiện di tích thời Hùng Vương tại Tuyên Quang  (16/08/2009)
Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám  (14/08/2009)
Phát hiện văn bản khẳng định chủ quyền của VN về Hoàng Sa   (12/08/2009)
Dựng tượng đài hải đội Hoàng Sa  (05/08/2009)
Trường Sơn - những con số đáng nhớ  (27/07/2009)
Xây dựng Tượng đài Bà mẹ VNAH  (26/07/2009)
Họ đang mỉm cười...   (13/07/2009)
Cư dân Đông Sơn đã làm chủ biển Đông  (07/07/2009)
Châu về hợp phố!  (29/06/2009)