Hoàng đế Quang Trung và Ngọc Hân công chúa (kỳ 2)
10:35', 12/10/ 2010 (GMT+7)

Với thời gian ngắn ngủi Nguyễn Huệ đánh tan 3 thế lực phong kiến phản động nhà Nguyễn, nhà Trịnh và vua Lê, khôi phục quốc gia thống nhất, đánh tan 5 vạn quân Xiêm và phá tan 29 vạn quân Mãn Thanh ở phía Bắc, kế tục sự nghiệp dựng nước và giữ nước cho tổ tiên ta. Trong vòng 5 năm (từ 1785-1789), dưới sự lãnh đạo tài giỏi của Nguyễn Huệ đã làm nên chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút và Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử.

Nguyễn Huệ sinh năm 1753 tại thôn Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, (nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).

1. Vua Lê sắc phong Nguyễn Huệ là nguyên soái phù chính Dực Vũ - uy Quốc công và trao binh quyền Bắc Hà. Nguyễn Huệ có ý không hài lòng, cho rằng vua Lê dùng cái danh hảo để lung lạc mình.

Hữu Chỉnh biết ý Nguyễn Huệ bèn bịa ra lời vua Lê nói với Nguyễn Huệ:

 

Vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Tranh: HÀN VI (st)

 

- Hoàng thượng tuổi cao, muốn kế liên hai họ làm một nhà cùng chắp mối hôn nhân rể hiền hơn con gái, nhưng không biết chúa công có ý thế chăng, nên chưa dám đường đột nói ra.

Nguyễn Huệ vui vẻ nói:

- Tôi thực hẹp lòng vụng nghĩ, không hiểu hết tấm thạnh tình của Hoàng thượng.

2. Thực ra Nguyễn Huệ đã có vợ rồi, vợ Nguyễn Huệ họ Bùi, con gái cùng cha khác mẹ với Hình bộ thượng thư Bùi Văn Nhật và Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Nhưng thấy Hữu Chỉnh ngỏ ý như vậy, Nguyễn Huệ liền đáp:

- Nay ta là em trai vua Tây Sơn, làm rể Bắc Hà, cũng là cành vàng lá ngọc, môn đăng hậu đối, như thế trong đời dễ có mấy ai!

3. Hồi đó, vua Hiển Tông còn năm, sáu công chúa chưa chồng, nhưng chỉ có Ngọc Hân mười sáu tuổi là người có nhan sắc, giỏi thơ, phú, nết na hơn cả, được vua rất yêu quý.

Được Hữu Chỉnh nói lại, vua Hiển Tông bằng lòng gả Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ.

4. Hôm hay tin ấy, Ngọc Hân cồn cào lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Bởi vì Nguyễn Huệ là tướng tài, nhưng từ xa đến, biết bụng dạ thế nào. Nhưng khi biết vua cha thật khéo lòng chuyện tình thương trong việc nghĩa, bắc chiếc cầu giao hảo, trấn an xã tắc thì Ngọc Hân vui lòng ngay.

Ngày 10 tháng 7 âm lịch, chúa Tây Sơn nộp đồ sính lễ, vật gồm 200 lượng vàng, 2.000 lạng bạc, 100.000 quan tiền. Nguyễn Huệ sai Bộ hình Viện Thị Lang đem sính lễ và một tờ tâu vào điện Vạn Thọ, dâng lên vua Hiển Tông cho nghi lễ rất long trọng. Vua sai hoàng tử Sùng Nhượng Công tiếp nhận lễ phẩm rồi xuống chỉ, rồi hôm sau làm lễ đưa dâu.

5. Lễ cưới Nguyễn Huệ - Ngọc Hân được cử hành. Con đường từ hoàng cung đến soái phủ, cờ lộng, tàng, quạt nối nhau cắm suốt hai bên đường. Trong hoàng cung, các vị hoàng thân quốc thích, hầu hết văn võ bá quan, đều áo mũ chỉnh tề. Xe ngựa đưa công chúa về soái phủ. Nhân dân bồng bế, dắt díu nhau, đứng hai bên đường xem đám cưới.

6. Về tới soái phủ, Nguyễn Huệ mặc nhung phục trắng, cỡi ngựa hồng, hai bên đều có quan hầu cỡi ngựa ra đón. Nguyễn Huệ mở màn the cúi chào. Hai bà mệnh phụ dẫn công chúa cùng Nguyễn Huệ làm lễ giao bái. Nguyễn Huệ cùng công chúa mỗi người một cái kiệu rồng, vào phủ đường làm lễ thành hôn.

Nguyễn Huệ thết đãi các vị hoàng phi, hoàng hậu, công chúa và các quan văn võ cùng đưa dâu.

Tiệc tan, Nguyễn Huệ lại tiễn nhà gái 200 lượng bạc để đáp tạ.

7. Ngọc Hân mới về nhà chồng, băn khoăn không ít. Công chúa có mái tóc dài mượt chấm gót, cặp môi đỏ như son với khuôn mặt trắng hồng. Vì giỏi văn thơ nên Ngọc Hân được Nguyễn Huệ yêu say đắm. Nguyễn Huệ là viên tướng bách chiến bách thắng, vóc cọp, lưng gấu, tiếng như chuông, được Ngọc Hân xem như một vĩ nhân hiếm có. Tình yêu đã thật sự chắp cánh cho tài năng đôi lứa Ngọc Hân. Nguyễn Huệ, làm cho sự nghiệp của chúa Tây Sơn thêm hiển hách.

8. Sau ngày cưới Ngọc Hân mấy hôm, vua Lê Hiển Tông vì tuổi già lâm bệnh nặng. Ngọc Hân muốn mời Nguyễn Huệ vào thăm cha lần cuối. Nhưng chàng giữ ý, e rằng khi mình thăm vua mất, thì người đời có thể dị nghị. Ngọc Hân hiểu bụng chồng, bèn đi một mình vào điện thăm cha.

9. Vua qua đời. Trước khi mất, vua dặn các vị hoàng thân: "Việc truyền ngôi ta đã lập hoàng tử, nhưng sau khi ta nhắm mắt, cần phải hỏi Nguyễn Huệ, nếu tự ý, sẽ gây ra binh biến đấy". (1)

Y lời, giới hoàng tộc hỏi ý chúa Tây Sơn để lập Lê Duy Kỳ lên làm vua. Nguyễn Huệ hỏi ý Ngọc Hân. Ngọc Hân biết cách đốn mạt của Lê Duy Kỳ, nên hết sức phản đối và muốn lập Lê Duy Cần làm vua, nói riêng với Nguyễn Huệ, Nguyễn Huệ nghe lời vợ, muốn lễ đăng quang hoãn lại. Các triều thần thấy thế lo sợ. Các tôn thất kêu rằng: Ngọc Hân làm lỡ việc lớn. Búa rìu dư luận hoàng tộc đánh vào Ngọc Hân. Nhiều người đòi xóa tên Ngọc Hân khỏi hoàng tộc. Sợ sinh loạn, Ngọc Hân nói với chồng việc khó khăn. Nể vợ, Nguyễn Huệ miễn cưỡng bằng lòng.

10. Sau lễ đăng quang là lễ phát tang vua Lê Hiển Tông ở nội điện, Nguyễn Huệ với tư  cách là con rể mặc áo tang trắng ở nội điện chu đáo. Ngày đưa linh cữu vua Hiển Tông về Lam Sơn an táng, Nguyễn Huệ cỡi voi trận dẫn 3.000 quân đi hộ tống ra tận bến sông, chờ cho linh cữu của vua lên thuyền, tế riêng một tuần rồi mới trở về.

11. Khi Ngọc Hân theo Nguyễn Huệ về Nam, Nguyễn Huệ được Nguyễn Nhạc phong làm Bắc Bình Vương ra trấn giữ đất Thuận Hóa.

Riêng Ngọc Hân, Nguyễn Huệ đã yêu vì nết lại trọng vì tài, nên giao coi giữ các văn thư trọng yếu, phong cho chức nữ học sĩ, dạy dỗ các con cái và các cung nữ. Trong thực tế, Ngọc Hân trở thành người coojng sự đắc lực, tin cẩn về lĩnh vực văn hóa, giáo dục cho chồng.

12. Ngoài việc giúp chồng như một cố vấn, Ngọc Hân còn khuyên giải cho chồng trong nhiều việc hệ trọng khác như khuyên chồng chấm dứt cuộc xung đột với Nguyễn Nhạc.

13. Sau khi Nguyễn Huệ lên ngôi lấy hiệu là Quang Trung, Ngọc Hân được phong là Bắc cung hoàng hậu. Một chiều sau khi đại phá 29 vạn quân Thanh và đang chuẩn bị tiến quân Gia Định diệt Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ đang ngồi bên cạnh Ngọc Hân bỗng hoa mắt, mặt mũi tối sầm rồi mê man bất tỉnh (chứng bệnh ấy người xưa vẫn gọi là "huyết vận", nguyên do não bị tổn thương và thần kinh căng thẳng lâu ngày sinh ra).

Bệnh vua ngày một nặng, vua dặn các tướng Tây Sơn:

- Nay ta đau ốm không dậy được. Thái tử (Quang Toản) có chút tài, nhưng còn nhỏ. Ngoài, có quân Gia Định là quốc thù, mà Thái Đức (Nguyễn Nhạc) thì tuổi đã già cần yên tạm bợ, không lo tính cái lo về sau. Khi ta chết rồi, nội trong một tháng phải chôn cất, việc tang làm giản tiện thôi...

 (1) Ngọc Hân đánh giá nhân cách Duy Kỳ (Lê Chiêu Thống) chính xác. Mấy năm sau chính Lê Chiêu Thống cầu viện quân Thanh xâm lược nước ta.

.Theo baocamau.com.vn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hoàng đế Quang Trung và Ngọc Hân công chúa   (05/10/2010)
Thăng Long - vùng đất của giao thương quốc tế  (04/10/2010)
Qua miền Trung, nhớ hai vị anh hùng   (30/09/2010)
Ngàn năm hào khí Thăng Long   (28/09/2010)
Giả thuyết về lăng Quang Trung ở thành Phượng Hoàng  (24/09/2010)
Thăng Long giai thoại: Truyền kỳ hồ Gươm  (22/09/2010)
Thăng Long giai thoại : Người phụ nữ 28 năm chỉnh giờ đồng hồ   (21/09/2010)
Thăng Long - Hà Nội thời Tây Sơn (1788 - 1802)  (20/09/2010)
Đột phá mới trong quy hoạch, tôn tạo di tích  (18/09/2010)
Thăng Long giai thoại: Từ “hỏa đài” tới Bưu điện Hà Nội  (17/09/2010)
Thăng Long giai thoại: Chùa Báo Ân  (15/09/2010)
Thêm một tài liệu về chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ   (13/09/2010)
Thăng Long giai thoại: Vết đạn đại bác ở Bắc Môn  (13/09/2010)
Thăng Long giai thoại: Bí ẩn động Thông Thiền  (10/09/2010)
Thăng Long thời nhà Lý (1009 - 1225)  (07/09/2010)