(Theo tài liệu mới của Quách Tấn và Quách Giao, tháng 5/2000)
Nhà Tây Sơn
1. Ba anh em nhà anh hùng dân tộc Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ gọi là ba anh em nhà Tây Sơn, vốn họ Hồ, ở làng Hương Cát, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, ở dưới chân hòn Thái Sơn, một hòn núi nhỏ đứng bên cạnh hòn Đại Hải, một danh thắng Nghệ An.
|
Vua Quang Trung xuất quân đánh quân nhà Thanh. Tranh: VI VI (sưu tầm)
|
Gia đình họ Hồ vào Bình Định thời thịnh đức nhà Lê (1653-1657), đời Lê Thần Tông (1648-1687) ở đàng trong. Bắt đầu từ ông cố, đến Nguyễn Huệ là đời thứ tư.
Ông cố tên là Hồ Phi Long, giúp việc nông trang cho nhà họ Đinh, thôn Bàng Châu, huyện Tuy Viễn (tức An Nhơn). Họ Đinh gả con gái cho Hồ Phi Long. Hồ sinh được một con trai, đặt tên là Hồ Phi Tiễn, lớn lên khôn ngoan, lanh lợi, song sức yếu không thể làm nông, họ Đinh giúp vốn để đi buôn. Hồ Phi Tiễn chịu khó vượt suối, đèo đi kiếm lợi, mang tiền lên ấp Tây Sơn buôn trầu. Đi gặp người vừa ý nên kết duyên vợ chồng và Hồ Phi Tiễn cất nhà luôn nơi quê vợ.
Bà vợ tên là Nguyễn Thị Đồng, ở thôn Phú Lạc, thuộc Tây Sơn Hạ. Bà Đồng là con duy nhất của một phú hương (buôn trầu) đất Phú Lạc.
2. Để con mình hưởng trọn gia tài và đời đời giữ hương hỏa bên ngoại, bà Đồng thương lượng cùng chồng cho con mang họ Nguyễn. Việc đổi họ đối với ông Hồ Phi Tiễn không có gì trở ngại vì chẳng những hợp tình mà hợp lý, do việc tiền nhân là Hồ Quý Ly đã từng mang họ Lê là họ của cha nuôi từ nhỏ đến khi lên ngôi thay nhà Trần trị thiên hạ. Vì vậy con ông Hồ Phi Tiễn mang họ Nguyễn từ lúc sơ sanh là Nguyễn Phi Phúc.
Lớn lên ông Phúc cùng buôn trầu và lập trường buôn bán trầu tại chợ Kiên Mỹ, gần sông Côn (2). Trầu trên nguồn chở xuống, người ở dưới lên mua trầu đều đi đường thủy theo dòng sông Côn. Chợ Kiên Mỹ có 6 phiên, phiên nào cũng đông người mua bán. Đến khi trường trầu của ông Phúc mở, chợ càng ngày thịnh vượng thêm. Trên bộ, dưới bến chen chúc nhau. Kiên Mỹ thành một thị trấn sung túc mua bán trầu.
3. Ông Phúc trở thành một phú thương có uy tín trong vùng. Ông kết duyên cùng bà Mai Thị Hạnh. Bà Hạnh là Cao Tổ Cô của anh hùng Mai Xuân Thưởng ("Vì vậy nên trong bản án của Mai anh hùng - Xuân Thưởng do triều đình Huế buộc tội có câu: "Dương vị Hàm Nghi khởi nghĩa, âm vị ngụy Nhạc phục thù").
Ông Phúc sanh 3 người con trai:
Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ (tức Nguyễn Bình) và Nguyễn Lữ.
Ngoài đời cũng như trong sách sử không nói rõ 3 ông sanh vào năm nào. Chỉ độ Nguyễn Nhạc lớn hơn Nguyễn Huệ 10 tuổi. Nguyễn Huệ hơn Nguyễn Lữ 1 tuổi.
4. Ba anh em đều là học trò của thầy giáo Trương Văn Hiến, gọi là Giáo Hiến, người Hoan Châu (Hà Tĩnh), anh em cùng thúc bá Trương Văn Hạnh. Trương Văn Hạnh là một vĩ nhân đời Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Vũ Vương mất năm Ất Dậu 1765, thế tử cũng đã mất từ lâu. Con thế tử còn nhỏ, nên tờ di chiếu để lại lập con thứ nhì của Vũ Vương, tức Nguyễn Phúc Luân (cha Nguyễn Phúc Anh) lên nối ngôi.
Quốc phó Trương Phúc Loan muốn chuyên quyền, thông đồng với tên hoạn quan Chừ Đức và Chưởng cơ Nguyễn Cửu Thống mạo tờ di chiếu giả, lập người con thứ 16 của Vũ Vương là Nguyễn Phúc Thuần, lúc ấy mới 12 tuổi, lên làm chúa. Trương Văn Hạnh phản đối, bị Trương Phúc Loan giết chết.
5. Trương Văn Hiến sợ vạ lây bèn trốn vào An Thái, mở trường dạy học. Học văn thì bắt buộc phải học thêm võ. Những người đến xin học võ thì bắt buộc phải học thêm văn. Bởi có văn không võ thì thường nhu nhược, có võ không văn thì thường hay cường bạo. Văn võ phải nương nhau thì đạo làm người mới giữ được vững.
Cũng như mọi người, 3 anh em Tây Sơn đều học cả văn lẫn võ, nhưng nặng bên võ hơn bên văn. Ông Nhạc chuyên học kiếm, ông Huệ chuyên học đao, ông Lữ chỉ học quyền và vì sức yếu nên được truyền môn Miên quyền (quyền mềm dẻo như bông, đối lập với ngành quyền là quyền cứng mạnh), là môn sở trường của Trương Công.
6. Ông Phúc qua đời, ông Nhạc nối nghiệp nhà Nguyễn. Ông Lữ xuất gia theo Minh Giáo, tục gọi là Đạo Ma Ni, dùng phù phép để chữa bệnh, trừ tà như đạo phù thủy. Đạo này thịnh hành ở Tây Sơn Thượng và các miền cao nguyên trung phần. Chỉ có ông Huệ tiếp tục theo học thầy giáo Hiến.
7. Để tiện việc buôn bán, ông Nhạc dời nhà xuống Kiên Mỹ cạnh trường trầu. Nhà rộng để chứa bạn hàng. Trước nhà lại mở sân rộng để luyện võ nghệ.
Nhà giàu, võ giỏi, ông Nhạc lại nổi tiếng phong nhã hào hoa, nên những tay "anh chị", những kẻ khá giả ở các vùng lân cận đều rất thích giao lưu. Uy thế của ông Nhạc ở địa phương còn hơn ông Phúc gấp bội. Để tỏ lòng kính mến, người đương thời gọi ông Nhạc là ông Hai Trầu. Ông Huệ là cậu Ba Bình hay Ba Thơm.
Ông Lữ là thầy Tư Lữ.
(1) Tuy Viễn, Phù Ly, Bồng Sơn bị cắt chia làm 7 huyện.
- Tuy Viễn chia ba: Bình Khê, An Nhơn, Tuy Phước.
- Phù Ly chia hai: Phù Cát và Phù Mỹ.
- Bồng Sơn chia hai: Hoài Nhơn, Hoài An.
(2) Kiên Mỹ ở dưới Phú Lạc. Phú Lạc không có chợ. Bến sông đò đậu để buôn trầu gọi là bến Trường Trầu, gọi tắt là bến Trầu, hiện vẫn còn. (Theo Tây Sơn nhân vật chí của Đinh Sĩ An thời Cảnh Thịnh).
.Theo baocamau.com.vn |