9. Vì ông Nhạc kết duyên với bà Trần Thị Huệ, nên để tránh trùng tên với chị dâu, nên gia đình gọi ông Huệ là Bình, do đó người địa phương mới gọi là Ba Bình. Tên Bình là tên gọi ông Huệ lúc còn nhỏ. Còn tên Thơm là do hoa huệ có hương thơm nên gọi thay tên kiêng cử.
10. Nhà ông Nhạc từ khi dời xuống Kiên Mỹ, khách khứa mỗi thêm đông. Chẳng những khách người Việt mà có cả khách người Hoa.
|
Tượng vua Quang Trung đặt tại Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: VI VI |
Có một người Hoa tới nhà ông Nhạc hằng tháng và ngày ngày cứ đi thơ thẩn nơi các vùng núi đồi Tây Sơn Hạ. Ông Nhạc đoán biết là thầy địa lý đi tìm huyệt mã, mới cho người tâm phúc theo rình. Một hôm thầy địa lý đến núi Ngang, lấy hai cây trúc để nguyên cành lá đem cắm nơi triều phía Đông, một cây bên Nam, một cây bên Bắc cách nhau chừng vài chục thước, rồi bỏ đi thẳng.
Ông Nhạc ngày ngày đều xem chừng. Mấy hôm sau, cây trúc phía Bắc rụng hết lá và khô dần. Còn cây phía Nam, đến 3 tháng rồi mà vẫn tươi xanh như lúc mới trồng. Ông Nhạc mừng lắm, bèn nhổ cây sống trồng vào chỗ cây chết và cây chết trồng vào chỗ cây sống.
Sau 3 tháng 10 ngày, thầy địa lý trở lại, thấy hai cây trúc đều khô héo hết, nên đi không trở lại, bỏ cuộc luôn. Ông Nhạc bèn bóc mồ ông thân đem táng nơi chân trúc phía Nam.
11. Một hôm Nhạc mua được một thanh kiếm cổ dài và rất bén. Nhớ ơn thầy cũ, bèn xuống An Thái dâng cho thầy Hiến (Trương Công).
Thầy bảo:
- Đây là thanh bảo kiếm, có đại phước mới vào tay. Tôi giữ hộ cho anh, ngày sau sẽ giao lại.
Đoạn bảo Nhạc:
- Lúc này là lúc kẻ anh hùng có thể dựng nên nghiệp cả, anh không nên để lỡ thời cơ.
Ý quật cường vốn đã nhen nhóm trong người, nhưng Nhạc từ tốn thưa:
- Con tự xét không đủ tài sức.
Thầy ôn tồn nói:
- Hán Cao Tổ, Lê Thái Tổ đâu phải từ trên trời. Người có chí hễ nắm được thiên thời, địa lợi, nhơn hòa thì đại sự thành công không mấy khó khăn. Hiện giờ Trương Phúc Loan chuyên quyền làm những việc gian ác, triều đình đảo phương, nếu có người phất cờ khởi nghĩa thì thiên hạ đều hưởng ứng ngay. Đất Tây Sơn núi non hiểm trở có cái thế bách nhị (1) tới lui không sức ngoài nào có, thế nào ngăn cản. Anh chỉ phải lo việc tài chính và quân sự nữa là có thể hưng binh.
12. - Rồi thầy gọi ông Huệ ra bảo:
- Nay con đã lớn khôn, tài nghệ cũng đã vững. Con hãy về nhà giúp anh.
Thầy lại tặng hai anh em hai bộ binh pháp: một của Tôn Ngô, một của Trần Hưng Đạo.
Hai anh em bái biệt sư phụ về lo việc xây dựng sự nghiệp anh hùng.
Ông Huệ về nhà kết duyên cùng bà Phạm Thị Liên, người thôn quê Phong Phú, huyện Tuy Viễn.
Ông Nhạc giao việc buôn trầu cho vợ. Bà Nhạc họ Trần quê ở thôn Trường Định, cách Kiên Mỹ hai thôn là Thuận Nghĩa và Đông Hòa về phía Đông. Bà là người hiền đức, làm việc siêng năng, ăn tiêu kiệm ước, nhưng đối xử với làng xóm, khách khứa và bạn hàng lại rộng rãi, dịu dàng. Vì vậy, từ khi quyền điều khiển trường buôn trầu vào tay bà, thì lợi hằng ngày có tăng chớ không giảm. Ông Nhạc được rảnh tay lo việc nước, việc dân.
Hợp tác cùng anh em ông Nhạc:
Hợp tác cùng anh em ông Nhạc sớm nhất là:
- Nguyễn Thung, một phú nông ở Thuận Nghĩa, là một thôn trù phú ở sát Kiên Mỹ về phía Đông.
- Võ Văn Dũng, Võ Đình Tú ở thôn Phú Phong ở phía Nam ngạn sông Côn, nằm song song với Kiên Mỹ.
- Bùi Thị Xuân, người thôn Xuân Hòa ở dưới Phong Phú và chồng bà là Trần Quang Diệu, người An Tín, huyện Hoài An.
Đó là những tay võ giỏi. Còn bên văn thì có:
- Võ Xuân Hoài ở Phú Phong, đồng tông nhưng khác chi với ông Dũng, ông Tú.
- Trương Mỹ Ngọc ở An Nhơn.
- Mọi người đều được phân công rành mạch. Người thì lo việc kinh tế tài chính, người thì lo việc nhân sự, người thì lo việc quân sự.
13. Ông Nhạc cho khẩn hoang nhiều diện tích rộng lớn tại An Khê, tại Thượng Giang (Tây Sơn Trung), Đồng Hưu, Đồng Vụ (Phú Phong), Trinh Tường, Đồng Quang (Thuận Ninh) v.v... Những đồng bào được mộ đi khai khẩn phần đông trở thành nghĩa quân.
Nguyễn Nhạc tìm cách đánh lạc hướng để bọn quan lại của chúa Nguyễn không dò được chí hướng của mình.
Để thu thuế vùng Tây Sơn, viên tuần phủ Quy Nhơn cho lập một đồn chính ở Trinh Tường và một đồn phó ở Hữu Giang, do một biện lại và một phó biện lại chỉ huy. Từ ngày Nguyễn Phúc Thuần lên ngôi chúa (1765), Trương Phúc Loan lộng hành, trong nước giặc cướp nổi dậy khắp nơi, người ấp Tây Sơn không chịu nộp thuế. Biện lại, phó biện lại luôn bị cách chức vì bất lực.
Ông Nhạc tình nguyện đảm đương, đồng bào trong vùng sẵn lòng mến mộ ông Nhạc, nên chỉ những người nghèo khổ mới trốn thuế. Những phần thuế bị thiếu, ông Nhạc xuất tiền nhà bù vào. Quan trên thấy ông Nhạc đắc lực bèn đem lòng tín nhiệm. Nhân dân thấy ông biết thương kẻ nghèo nên rất mến phục.
Mỗi ngày những tay văn hay võ giỏi thêm tấp nập. Nguyễn Nhạc xuống An Thái trình bày mọi việc cho thầy rõ. Trương Công rất mừng, lấy thanh kiếm giao lại cho Nhạc.
- Đã đến lúc dùng đến rồi. Cần phải lo củng cố nhân tâm và biểu dương thanh thế.
Nguyễn Nhạc lĩnh ý ra về.
Một hôm, người thôn Phú Lạc nghe tin trên hòn Trường Sơn có tiếng chuông trống và thấp thoáng ánh lửa lập lòe, ai nấy đều thất kinh.
(Hòn Trưng Sơn tuy ở gần thôn xóm nhưng không mấy ai dám vào, vì trên hòn có "mả mẹ chàng Lía" rất linh thiêng và có nhiều cọp).
Các thầy tướng số báo rằng đó là tử khí non sông xuất hiện, chân thần sẽ ra đời.
Bỗng tiếng trống chấm dứt, hiện ra một lão tượng, cất tiếng lanh lảnh hỏi:
- Trong anh em có ai là Nguyễn Nhạc không? Nếu có thì hãy đến đây nghe lệnh. Còn các người khác thì đứng yên.
Lão tượng truyền sắc lệnh Ngọc Hoàng cho Nguyễn Nhạc:
- Trời cho Nguyễn Nhạc làm vua, Nguyễn Huệ quả có nhơn mạng, làm Tây Sơn vương.
Đó là vào năm Tân Mão, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 32, Định Vương Nguyễn Phúc Thuần thứ 6, tức năm 1771.
(1) “Bách nhị sơn hà” chuyện hai người thế núi hiểm trở chống lại 100 người mà không bị đánh bại.
(1) Những câu chuyện bịa đặt là của anh em Nguyễn Nhạc. Còn thanh kiếm của Nguyễn Nhạc, sử sách chép rằng Nguyễn Nhạc lượm được tại núi An Dương. Sự thật thì là thanh cổ kiếm của Giáo Hiển giữ giùm cho ông Nhạc.
(2) Hòn Gai đã có tên là Hòn Trống (Cố Sơn) lại thêm tên Hòn Ấn (Ấn Sơn).
.Theo baocamau.com.vn |