ANH HÙNG QUANG TRUNG - NGUYỄN HUỆ:
Niềm tự hào ngàn năm của người Việt
23:5', 23/10/ 2010 (GMT+7)

Vừa qua tại Hà Nội, UBND tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Bình Định - Tây Sơn với Thăng Long – Hà Nội. Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến khoa học, nhiều tình cảm ngưỡng vọng về anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ của các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ.

* GIÁO SƯ HOÀNG CHƯƠNG

“Chưa có vị anh hùng nào được sân khấu khai thác nhiều như Ngài”

Quang Trung là một đề tài hấp dẫn đối với những người sáng tác và biểu diễn trong hơn nửa thế kỷ qua, gần như các loại hình nghệ thuật đều có khai thác đề tài này. Phong trào Tây Sơn và anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ là nguồn cảm hứng sáng tạo không bao giờ vơi cạn đối với nghệ thuật. Đoàn Tuồng Liên khu V đã từng mở trại sáng tác riêng về đề tài Tây Sơn – Nguyễn Huệ. Trại đã thu hút nhiều tác giả nổi tiếng như Tống Phước Phổ, Hoàng Châu Ký, Lưu Trọng Lư, Mịch Quang… và mời các nhà sử học có tên tuổi như Phan Huy Lê đến thông tin thêm về phong trào Tây Sơn, sự kiện lịch sử tiêu biểu, những mẩu chuyện có thật mang tính sân khấu cho các tác giả nghe, cùng nhau trao đổi để viết sao cho đảm bảo tính chân thực mà vẫn có sự sáng tạo, hấp dẫn. 

 

Cảnh trong vở Tây Sơn tụ nghĩa của Nhà hát Tuồng Đào Tấn.

 

Đề tài lịch sử nói chung và Tây Sơn, Nguyễn Huệ nói riêng được lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Cụ thể vở Quang Trung đại phá quân Thanh của Nhà hát Tuồng Đào Tấn năm 1980 đã được biểu diễn tại Đại hội Đảng lần thứ V. Các đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhiều lãnh đạo cấp cao khác đều khen và góp ý kiến. Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau đó có dịp về TP Quy Nhơn đã đề nghị xem lại vở diễn, rồi mời tác giả Trúc Đường và tôi là đạo diễn lên đàm thoại suốt 2 tiếng đồng hồ.

* TIẾN SĨ, NSƯT BẠCH TUYẾT

Anh hùng áo vải Tây Sơn là biểu tượng của văn hóa Việt Nam

Từ nguồn cảm hứng bất tận về Quang Trung – Nguyễn Huệ, tác giả Lê Duy Hạnh một người con của vùng đất Tây Sơn – Bình Định đã tìm tòi, khám phá… và đặc biệt tạo sự kết nối từ lịch sử đến hiện đại bằng con đường nghệ thuật. Khám phá lịch sử qua hình tượng người anh hùng áo vải cờ đào, ngòi bút của Lê Duy Hạnh không chỉ dừng lại ở viết, đọc lịch sử mà còn là giải mã lịch sử bằng ngôn ngữ của cảm xúc, suy nghiệm. Từ hình tượng lịch sử Quang Trung – Nguyễn Huệ,  qua kịch bản Lê Duy Hạnh đã nâng lên thành biểu tượng nghệ thuật, để qua đó cảm ái mà thành những bài học nhân văn. Những triết lý nhân bản sâu xa qua phong trào Tây Sơn không còn là sắc màu của một triều đại, mà trở thành sắc màu văn hóa Việt Nam được bao trùm lên mọi thời đại. Đó là sắc màu chung của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng và chủ nghĩa nhân đạo.

Thời cuộc đã tạo nên vị anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ, ông đã đặt vận mệnh của đất nước lên cao hơn vận mệnh của dòng họ để từ đó quyền biến, vạn biến tập hợp sức mạnh quần chúng. Ông là con người của canh tân, đổi mới, có tầm nhìn vượt trước thời đại. Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng đã kết tinh trong con người Nguyễn Huệ, để từ một hình tượng lịch sử đã hiển hiện như một biểu tượng của văn hóa Việt Nam từ ngàn đời…

* GIÁO SƯ TRẦN LƯU

Cần khai thác đề cao chất “văn” của vua Quang Trung

Tuy kết cấu và nội dung có khác nhau, nhưng các kịch bản sân khấu từ xưa đến nay đều thắm đượm chủ nghĩa anh hùng, rất lạc quan khi viết về Quang Trung – Nguyễn Huệ uy phong, dũng tướng. Ông luôn giữ vai trò tiên phong với 4 lần vào Gia Định, 3 lần ra Thăng Long đều kinh thiên động địa…

Quang Trung – Nguyễn Huệ là một hiện tượng đặc biệt của lịch sử, nên đề tài sáng tạo về Quang Trung – Nguyễn Huệ cũng là một hiện tượng đặc biệt của văn học nghệ thuật Việt Nam. Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, hình tượng Quang Trung – Nguyễn Huệ mới được thể hiện nhiều trong các tác phẩm nghệ thuật với tư cách là thiên tài quân sự. Vậy nhưng tầm vóc trí tuệ, văn hóa của ông thì chưa được khai thác nhiều để đề cao như vốn có trong lịch sử. Bởi, Quang Trung nếu chỉ là một danh tướng thì không thể chinh phục Bắc Hà, thu phục sĩ phu Bắc Hà mà chính chất “kẻ sĩ” trong ông mới có thể thực hiện điều này.

* NSND ĐÀM LIÊN

Tôi tự hào được tham gia vở diễn về phong trào Tây Sơn

Là một diễn viên Tuồng lúc còn trẻ cũng như bây giờ, tôi luôn nghiên cứu, tìm tòi học hỏi rất nhiều vở về nhân vật Quang Trung và phong trào Tây Sơn qua các bộ môn nghệ thuật như Tuồng, Chèo, Cải lương, Dân ca, Kịch, Bài chòi… và tất cả đều để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp. Bộ môn nào thể hiện hình tượng Quang Trung đều mang dáng dấp đẹp, hấp dẫn và có quyền tự hào. Tôi nhớ mãi năm 1974 khi Đoàn Tuồng Liên khu V trên đất Bắc dựng vở Áo vải cờ đào rất hấp dẫn, đưa người xem trở về thời trai trẻ của 3 anh em nhà Tây Sơn. Tham gia vở diễn, tôi yêu quý, trân trọng và thực sự say mê cái khí phách anh hùng, yêu nước, yêu dân giàu tính nhân văn của các nhân vật. Vở diễn đã tạo điều kiện cho các diễn viên thăng hoa, qua đó để lại trong lòng công chúng Hà Nội rất nhiều cảm tình…

  • Hoài Thu (ghi)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hoàng đế Quang Trung và Ngọc Hân công chúa (kỳ 4)  (14/10/2010)
Hoàng đế Quang Trung và Ngọc Hân công chúa (kỳ 3)  (13/10/2010)
Hoàng đế Quang Trung và Ngọc Hân công chúa (kỳ 2)  (12/10/2010)
Hoàng đế Quang Trung và Ngọc Hân công chúa   (05/10/2010)
Thăng Long - vùng đất của giao thương quốc tế  (04/10/2010)
Qua miền Trung, nhớ hai vị anh hùng   (30/09/2010)
Ngàn năm hào khí Thăng Long   (28/09/2010)
Giả thuyết về lăng Quang Trung ở thành Phượng Hoàng  (24/09/2010)
Thăng Long giai thoại: Truyền kỳ hồ Gươm  (22/09/2010)
Thăng Long giai thoại : Người phụ nữ 28 năm chỉnh giờ đồng hồ   (21/09/2010)
Thăng Long - Hà Nội thời Tây Sơn (1788 - 1802)  (20/09/2010)
Đột phá mới trong quy hoạch, tôn tạo di tích  (18/09/2010)
Thăng Long giai thoại: Từ “hỏa đài” tới Bưu điện Hà Nội  (17/09/2010)
Thăng Long giai thoại: Chùa Báo Ân  (15/09/2010)
Thêm một tài liệu về chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ   (13/09/2010)