Cây thị được hai vị vua triều Nguyễn ghé thăm
16:34', 16/11/ 2010 (GMT+7)

Cây thị 312 tuổi vừa Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là cây di sản nằm ở vùng bán sơn địa tại nhà thờ họ phái Thân Văn, thuộc làng Dương Xuân Hạ (Thủy Xuân, TP Huế). Những biến cố lịch sử của cây thị suốt hơn 300 năm đã được phái Thân Văn ghi chép cẩn thận vào gia phả.

 

Tuổi đời 312 năm, hàng năm ra hoa và kết trái đều đặn. Trong sử sách dòng họ phái Thân Văn vào thời nhà Nguyễn, vua Minh Mạng, Tự Đức đã ghé thăm cây thị.

 

Nơi dừng chân của hai đời vua Nguyễn

Cây thị được trồng vào năm 1698, do ông Thân Văn Thẩm (1671-1758) Thủy tổ phái Thân Văn đem hạt giống từ làng Nguyệt Biều, (Thủy Biều, TP Huế) về. Lúc đó ông Thẩm mới 27 tuổi, dạy học tại Nguyệt Biều. Việc trồng cây thị là để làm mốc địa giới cho con cháu. Đến nay đã trải qua 9 thế hệ hậu duệ nối tiếp nhau chăm sóc.

Theo gia phả dòng họ phái Thân Văn, ngoài việc trồng cây thị trước nhà thờ thì còn một cây mít trồng một bên cổng vào nhà thờ tạo nên thế song đối rất uy nghiêm. Cách đây hơn 50 năm, cây mít đã chết chỉ còn lại cây thị.

Cây thị cổ thụ hàng năm cho quả nhiều, có mùi rất thơm được người dân khắp vùng biết đến, bởi vậy, trong những lần đi thị sát qua đây hai vị vua triều Nguyễn đã ghé thăm cây thị của dòng họ phái Thân Văn.

Gia phả của dòng họ phái Thân Văn ghi rõ, vào thời nhà Nguyễn, vua Minh Mạng, Tự Đức đã ghé thăm cây thị.

Trong chiến tranh, nhiều trận đánh ác liệt đã xảy ra tại làng Dương Xuân Hạ. Làng Dương Xuân Hạ bị bom, đạn cày nát, nhà cửa, cây cối bị đốt cháy. Mặc cho mưa bom bão đạn cây thị vẫn xanh tốt. Và đêm nào bộ đội cũng ngồi dưới cây thị họp bàn tránh sự phát hiện của địch.

Đặc biệt, cây thị này gắn liền với tên tuổi một người con họ Thân là Đại tá Thân Trọng Một, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Trong Tết Mậu Thân, ông đã chọn khu vực này làm khu căn cứ để tổng tiến công.

Ông Thân Văn Trợ (75 tuổi) thừa ủy nhiệm tộc trưởng họ phái Thân Văn cho biết:  “Anh Thân Trọng Một, một người con của dòng họ, trong tết Mậu Thân làm Chỉ huy trưởng Đoàn 5 đánh vào nội thành Huế. Anh chọn vùng này tập trung quân để tấn công và tối nào cán bộ cũng ngồi đây để họp bàn lên kế hoạch tác chiến.

Sau một thời gian hoạt động ở cây thị, địch đã phát hiện ra và dùng máy bay thả bom làm gãy cành, thân cây bị một mảnh bom găm vào, sau một thời gian bị thối tạo ra một lỗ hổng. Cũng từ đây, cây thị rụng hết lá và mọi người tưởng chết".

 

Với tuổi đời 312 năm cây thị là cây di sản đầu tiên được vinh danh tại Thừa Thiên - Huế và nằm trong top 10 Cây di sản Việt Nam.

 

Một lần định chặt bỏ

Năm 1975 đất nước giải phóng, con cháu họ Thân Văn người từ chiến trường trở về, người tập kết ra Bắc quay lại quê nhà lập nghiệp thì cây thị không còn lá, cành đã khô.

Trước tình hình như vậy mọi người đã họp bàn chặt bỏ cây thị. Nhất là vào giai đoạn này phong trào “Phá bụi gai, gài cây sắn” để lấy đất sản xuất đang lên, có nhiều ý kiến đưa ra là chặt cây để lấy đất sản xuất. Sau nhiều buổi họp quyết định cuối cùng được đưa ra là không chặt mà để vậy.
“Cũng may là lúc đó anh em có quyết định sáng suốt không thì chặt mất rồi. “Chết mòn” 7 năm rồi sống lại và hơn 20 năm được sự chăm sóc của con cháu thì nay cây thị sinh trưởng tốt, năm nào cũng đơm hoa kết quả” - ông Trợ nhớ lại.

Với 312 năm tuổi, đây là cây đầu tiên ở Huế được công nhận cây di sản, cây nằm trong top 10 cây được vinh danh ở Việt Nam. Sau 312 năm sinh trưởng phát triển cây thị cao 25m, thân cây tại điểm cao cách mặt đất 1,3m có chu vi 4,2m, đường kính 1,4m, chu vi bạnh vè hơn 10m. Hiện tại cây vẫn phát triển xanh tốt, tháng 5 ra hoa, mùa hè ra trái.

Người dân trong làng cho biết, trải qua hơn 300 trăm, cây thị là nơi hẹn hò gặp gỡ của bao nhiêu đôi trai gái của làng, trong kháng chiến đây còn là nơi tiễn đưa hàng trăm thanh niên lên đường ngập ngũ. Vào những đêm trăng mùa hè, ban ngày trời nắng chói chang, cây thị tỏa bóng mát cùng với khu vườn rộng là nơi nhiều người kéo nhau ra đây ngồi hóng mát. Ngoài ra, còn là nơi vui chơi của trẻ con trong làng.

Đến mùa thị chín, cảnh người đến nhặt, người dùng sào hái quả và hình ảnh này đã quen thuộc với người dân làng Dương Xuân Hạ. Trải qua thăng trầm thời gian cây thị nhà thờ họ phái Thân Văn là minh chứng lịch sử cuộc chiến tranh ác liệt chống Mỹ cứu nước, là một nét văn hóa của làng Dương Xuân Hạ.

Cách trung tâm TP Huế chừng 3 km đi về phía Tây, cây thị cổ thụ sum suê  tỏa bóng.  Mới có một tấm bia ký và tấm bia Cây di sản Việt Nam.

. Theo Bee.net.vn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tiếp nhận bia tưởng niệm "Phong trào Đông Du"  (08/11/2010)
Di hài vua Quang Trung ở Nghệ An?  (24/10/2010)
Niềm tự hào ngàn năm của người Việt   (23/10/2010)
Hoàng đế Quang Trung và Ngọc Hân công chúa (kỳ 4)  (14/10/2010)
Hoàng đế Quang Trung và Ngọc Hân công chúa (kỳ 3)  (13/10/2010)
Hoàng đế Quang Trung và Ngọc Hân công chúa (kỳ 2)  (12/10/2010)
Hoàng đế Quang Trung và Ngọc Hân công chúa   (05/10/2010)
Thăng Long - vùng đất của giao thương quốc tế  (04/10/2010)
Qua miền Trung, nhớ hai vị anh hùng   (30/09/2010)
Ngàn năm hào khí Thăng Long   (28/09/2010)
Giả thuyết về lăng Quang Trung ở thành Phượng Hoàng  (24/09/2010)
Thăng Long giai thoại: Truyền kỳ hồ Gươm  (22/09/2010)
Thăng Long giai thoại : Người phụ nữ 28 năm chỉnh giờ đồng hồ   (21/09/2010)
Thăng Long - Hà Nội thời Tây Sơn (1788 - 1802)  (20/09/2010)
Đột phá mới trong quy hoạch, tôn tạo di tích  (18/09/2010)