Cuộc đời như huyền thoại của người ba lần bị địch cưa chân
17:1', 21/11/ 2010 (GMT+7)

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định có một bệnh nhân đặc biệt một năm nằm viện đến 11 tháng vì di chứng của cơn tai biến, di chứng của chiến tranh. Bà tham gia cách mạng từ khi 14 tuổi, nhiều lần bị bắt, truy sát, ba lần bị cưa chân. Cuộc đời người nữ chiến sĩ Cách mạng trung kiên ấy có những trang đẹp như một huyền thoại bi hùng.

 

Bà Trần Thị Thanh Lịch.

 

Nước mắt đau thương

Tiếp PV báo ĐS &PL trong căn phòng bệnh viện bà rất ngại nói về mình. Khi bị thuyết phục rồi bà còn căn dặn: "Nhà báo viết về tôi thì viết nhẹ nhẹ thôi nhé". Rồi bà nhìn vào khoảng trống trước mặt ánh mắt xa xăm như nhìn vào hoài niệm. Bà tên thật Trần Thị Thanh Lịch, sinh năm 1949, quê ở xã nghèo Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Bà sinh trưởng trong một gia đình cách mạng giàu lòng yêu nước. Cha bà đi tập kết, mẹ và hai em đều hoạt động cách mạng. Em trai bà đã hi sinh anh dũng, em gái bị thương nặng.

Tận mắt chứng kiến bọn Mỹ- Ngụy gây quá nhiều tội ác với gia đình, bà con mình, nên bà nung nấu quyết tâm trả thù cho họ. Bà Lịch công tác ở đội binh vận với nhiệm vụ rải truyền đơn, theo dõi các chốt điểm địch đóng quân để báo cáo tổ chức. Tháng 2.1965, bà chuyển qua làm công tác đấu tranh chính trị; đưa Đoàn quân tóc dài của xã vào quận lỵ Bồng Sơn xuống đường đấu tranh trực diện. Năm 1966, địch cho quân chiếm lại Hoài Châu, người phụ nữ ấy vẫn bám trụ trong lòng địch để thực hiện nhiệm vụ tổ chức đã giao.

Giữa năm 1966, bà bị Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 40 của địch bắt. Tại đây, bọn chúng đánh đập, dọa nạt, dụ dỗ đủ điều nhưng không khai thác được gì. Bà Lịch bị giam tại nhà lao Bồng Sơn bị tra khảo dã man chưa từng có với nhiều hình thức như đóng đinh vào đầu gối, dí điện vào tay chân, thả rắn độc vào quần, xẻ thịt ở đùi, đổ xà phòng vào mắt, miệng. Năm 1967, bà đi học lớp y tá rồi về quê công tác. Lúc này, Hoài Châu là vùng trọng điểm chiến sự nên địch liên tục càn quét, bắn phá.

Sau chiến thắng Mậu Thân 1968, cấp trên chỉ thị cho đội nữ cảm tử do chiến sĩ Trần Thị Thanh Lịch làm đội trưởng phải diệt bằng được tên Thân ác ôn đã gây nhiều tội ác cho bà con. Tháng 11.1969, bà Lịch cùng với đồng chí Lê Thị Mai, đồng chí Phan Thị Hoa nhận nhiệm vụ và vạch ra kế hoạch chi tiết tiêu diệt tên ác ôn này. Mọi việc diễn ra như dự tính ban đầu, đến lúc ra tay thì quả lựu đạn do bà Mai quẳng vào bàn nhậu của hắn lại không nổ. Bà Mai vụt chạy vào xóm, tên Thân cầm súng đuổi theo. Lúc đó, để cứu bạn, bà Lịch bắn vào tên ác ôn nhưng hắn không chết chỉ bị thương ở cổ. Bà bị đồng bọn của hắn truy đuổi, bắn bị thương ở chân và bắt đưa về bệnh viện dã chiến tại Quy Nhơn. Lần này, bọn Mỹ ngụy tra tấn hết sức dã man, chúng cưa chân trái của bà ra thành 3 khúc sau 3 lần cưa. Lần thứ nhất chúng cưa bàn chân, bà không khai. Lần thứ hai chúng cưa đến đầu gối cũng không làm bà nao núng. Mấy ngày sau chúng cưa đứt hoàn toàn chân trái của bà.

Để bọn ác ôn thấy rằng, những đòn tra tấn dã man không thể khuất phục ý chí của người cộng sản kiên trung, bà Lịch đã làm thơ thể hiện ý chí của mình trước kẻ thù: "Dù thân ta treo trên đôi nạng gỗ / Dù đường đời gian khổ quá nhiều / Tủi thân cho cảnh tiêu điều / Cùng đôi nạng gỗ tôi dìu tiến lên / Chân tôi bước, Đảng đứng bên / Thề cùng Tổ quốc tiến lên không ngừng".  Bà chỉ được cứu thoát khi đồng đội cho uống thuốc mê, giả chết bỏ vào hòm khiêng về.

 

Bà Lịch cùng bạn đời. 

 

Không gục ngã

Tháng 2.1970, bà xin tiếp tục hoạt động khi vết thương chưa lành hẳn. Các đồng chí của bà không muốn để bà tiếp tục dấn thân vào nguy hiểm. Bà Lịch kiên quyết: "Kẻ thù cưa chân thành ba khúc, không cho đi làm cách mạng nữa, tôi càng phải tiếp tục hoạt động. Tôi không thể sống mà không làm việc, tôi sẽ làm việc gấp hai, gấp ba để bọn địch thấy rằng chúng không thể nào khuất phục được ý chí cách mạng. Bà làm một lúc 3 công việc: Phụ trách công tác y tế tại xã, dạy văn hóa cho các cháu thiếu nhi và mở lớp dạy cứu thương. Công việc vô cùng khó khăn đối với bà khi chỉ còn một chân mà phải di chuyển trong hang đá, khe núi nhưng bà luôn lạc quan để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Bà thường xuyên được cử đi nói chuyện về gương chiến đấu hy sinh của đồng bào miền Nam với miền Bắc, với bè bạn năm châu.

Đất nước giải phóng, bà Trần Thị Thanh Lịch trở về Bình Định và được phân công làm tại Ban bảo vệ sức khỏe tỉnh Nghĩa Bình. Tuy có một chân nhưng bà làm rất nhiều nghề như mua bán nhỏ, phụ xắt thịt bò cho các tiệm phở, nuôi heo, mở tiệm phở.... Ngoài ra bà còn hăng hái tham gia công tác Hội phụ nữ tại Khu vực 7, phường Trần Phú (Quy Nhơn). Hàng ngày, cùng với đôi nạng gỗ, bà tới từng nhà vận động chị em tham gia công tác Hội. Chính bà là người khởi xướng việc gây quỹ xây dựng tổ tiết kiệm tương trợ giúp đỡ chị em nghèo vượt khó, vươn lên.

Nhà nước tuyên dương bà, có nhiều người yêu quý, kính trọng viết sách, làm thơ về bà, có bài đã được nhạc sĩ Thanh Tùng phổ nhạc: "Giữa bâng khuâng Hà Nội / Kỷ niệm nhớ trong tôi / Về một người con gái /Trung kiên đất Hoài Châu /Ba lần giặc cưa chân / Bao đòn thù tra tấn / Người con gái năm xưa /Hôm nay trên đôi nạng /Vẫn ngẩng đầu hiên ngang Trần Thanh Lịch chị ơi /Tuổi xuân dâng đất nước /Tình yêu cho quê hương”. Riêng nhà văn Thu Hoài đã dành 41 trang sách để viết về bà. Đó cũng là một niềm hạnh phúc cho một nữ chiến sĩ kiên trung.

 

Bà Lịch với các nhà báo nước ngoài. 

 

Hạnh phúc không ngờ

Ngày 25.4.1974 bà Lịch được điều động ra Bắc chữa bệnh và học tập. Tại trại an dưỡng K65 ở Sơn Tây, bà gặp được ông Trần Việt Cường, quê ở Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Tình yêu và hạnh phúc đến với bà khá bất ngờ. Tại đây, hai người kể cho nhau những chiến công và cả những mất mát, đau thương. Chính điều đó là sợi dây tơ hồng se duyên cho đôi lứa.

Bà kể với ánh mắt ngập tràn hạnh phúc: "Sau một thời gian, anh Cường quyết định thổ lộ tình cảm với tôi. Lúc đầu, tôi vô cùng bất ngờ, tưởng anh đùa cho vui nhưng qua thái độ kiên quyết, tôi biết anh thật lòng. Anh Cường đã phải vượt qua rất nhiều sự ngăn cản để lấy một cô gái một chân như tôi làm vợ. Năm 1975, lễ cưới đơn giản nhưng tràn ngập hạnh phúc của tôi và anh Cường được tổ chức ngay tại Thủ đô Hà Nội. Ba mẹ tôi thương ảnh lắm. Riêng tôi sao mà không thương cho được, thương sao cho hết".

Niềm vui lớn nhất của bà giờ đây là có được người chồng hết sức tâm lý và đảm đang, lo cho bà từng bữa ăn, giấc ngủ mỗi khi bệnh cũ tái phát. Bà có 2 người con hiếu thảo đã yên bề gia thất và 2 đứa cháu dễ thương. Bà Lịch đã được nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Bộ trưởng Bộ Y tế trao tặng “Huy chương vì sức khỏe nhân dân”.

. Theo PHẠM HỌC/Đời Sống&Pháp Luật

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cây thị được hai vị vua triều Nguyễn ghé thăm  (16/11/2010)
Tiếp nhận bia tưởng niệm "Phong trào Đông Du"  (08/11/2010)
Di hài vua Quang Trung ở Nghệ An?  (24/10/2010)
Niềm tự hào ngàn năm của người Việt   (23/10/2010)
Hoàng đế Quang Trung và Ngọc Hân công chúa (kỳ 4)  (14/10/2010)
Hoàng đế Quang Trung và Ngọc Hân công chúa (kỳ 3)  (13/10/2010)
Hoàng đế Quang Trung và Ngọc Hân công chúa (kỳ 2)  (12/10/2010)
Hoàng đế Quang Trung và Ngọc Hân công chúa   (05/10/2010)
Thăng Long - vùng đất của giao thương quốc tế  (04/10/2010)
Qua miền Trung, nhớ hai vị anh hùng   (30/09/2010)
Ngàn năm hào khí Thăng Long   (28/09/2010)
Giả thuyết về lăng Quang Trung ở thành Phượng Hoàng  (24/09/2010)
Thăng Long giai thoại: Truyền kỳ hồ Gươm  (22/09/2010)
Thăng Long giai thoại : Người phụ nữ 28 năm chỉnh giờ đồng hồ   (21/09/2010)
Thăng Long - Hà Nội thời Tây Sơn (1788 - 1802)  (20/09/2010)