Bằng cách tập hợp những bài viết của các nhà báo viết về bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú Trang Xuân Chi, cũng như những hồi ức, tâm sự của ông về cuộc sống, công việc, những người làm sách muốn người đọc hình dung về một bác sĩ, ông già nhân hậu Trang Xuân Chi.
Sách được ra đời khởi nguồn từ tấm lòng của những anh em, bè bạn văn nghệ sĩ quân đội ở Đà Nẵng - quê hương đất Quảng của bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú Trang Xuân Chi, và sự giúp đỡ của UBND tỉnh, với ý muốn tôn vinh một tấm lòng nhân ái. Thế nên, dẫu tên tác giả cuốn sách là bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú Trang Xuân Chi, thì trong gần 230 trang sách, ông chỉ dành 1/3 số trang để nói về mình, như một lời tâm sự; phần còn lại là người khác nói hộ ông.
Tôi tin rằng, khi đọc cuốn sách, nhiều người sẽ tìm được lời đáp cho câu hỏi: Vì sao ông già ấy lại thích “vác tù và hàng tổng” đến thế. Vì nỗi cơ hàn, đói khổ, thiếu thốn tình thương của một đứa bé sớm mồ côi tuổi lên 10, phải tha phương cầu thực luôn trở lại trong ông những khi chứng kiến các mảnh đời trẻ thơ đau khổ? Vì chính tinh thần người lính quyết hy sinh cho tự do và hạnh phúc của nhân dân, khiến ông không quản ngại khó khăn ra tay giúp hết người này đến người khác vô điều kiện? Hay bởi lời thề Hypocrat của người thầy thuốc đã thôi thúc ông đừng bao giờ từ bỏ gieo niềm khát vọng sống cho người và cho mình, dẫu trong hoàn cảnh bi đát nhất? Hoặc bởi đơn giản, môi trường làm việc (năm 1992 ông nghỉ hưu và bắt đầu tham gia công tác Hội Chữ thập đỏ với vai trò là một tình nguyện viên) nơi ông có điều kiện tiếp xúc với nhiều cảnh đời bất hạnh, đã làm ông xúc động?
Mỗi người, tùy vào tâm cảm, sẽ có câu trả lời cho thắc mắc của mình.
Và cũng từ cuốn sách, người đọc sẽ hiểu được vì sao người ta gọi ông là “Người xin tiền có thương hiệu”, là “Bố Chi chữ thập đỏ”, “Ông già đa đoan”, “Ông già nhân hậu”... Chuyện làm công tác từ thiện, nhân đạo, tưởng chỉ đơn giản là đi xin người này để cho người kia, hóa ra không dễ như ta nghĩ. Không phải là bác sĩ Trang Xuân Chi xin, vì xin chắc gì người ta đã cho. Mà người cho tiền thì ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, cả Việt kiều, nhiều người chưa hề biết mặt ông. Người ta cho tiền người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh... khi có “bố Chi” làm cầu nối. Nhưng cả khi chẳng có địa chỉ cụ thể nào, người ta cũng sẵn sàng gởi tiền cho “bố Chi” để ông thấy ai cần thì cho, món tiền vài chục triệu đồng là chuyện thường. Vì người ta biết, sức già của mình, ông còn chẳng quản, huống gì những thứ khác.
Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú Trang Xuân Chi không thể nhớ hết những người mà mình đã giúp đỡ, như lẽ thường “thi ân bất tri ân”, trừ một số trường hợp. Tôi đọc sách và “đọc” ông - qua tiếp xúc thường xuyên ngoài đời - để nghiệm ra rằng, những trường hợp ông nhớ nhất liên quan đến hai loại đối tượng chính là nạn nhân chất độc da cam và trẻ bị bệnh tim bẩm sinh. Bởi hậu quả chiến tranh, những số phận trẻ thơ đau khổ, kéo theo đó là những gia đình cùng quẫn chính là một phần ký ức cuộc đời ông. Nếu không có chiến tranh, không mồ côi, chắc hẳn ông sẽ không có một phần đời cơ cực như thế. Nếm trải những điều đó, ông không muốn ai phải khổ như vậy.
Có những người tưởng chừng đã biết rõ về ông vẫn đọc tập sách. Và đọc xong mới vỡ lẽ rằng vẫn còn những điều về ông mà mình chưa biết. Ông cũng bảo, ông đọc lại những điều mình viết mà vẫn chảy nước mắt, khóc vì thương cho mình, rồi thương cho người. Tôi hỏi ông vui với cuốn sách này chứ, ông cười, vui lắm, nhưng có một điều hơi tiếc, là không thể đề cập đầy đủ những nhà hảo tâm, “Mạnh Thường Quân” đã mở lòng giúp đỡ những mảnh đời mà ông kêu gọi.
Khi viết những dòng này, trước mắt tôi là hình ảnh ông già đầu bạc phóng xe máy nhanh nhẹn như thanh niên, bấm điện thoại di động nhoay nhoáy, xông xáo khắp hang cùng ngõ hẻm, khi đi tặng quà cứu trợ với Hội Chữ thập đỏ, lúc chuyển quà của nhà hảo tâm đến người nghèo, hay tìm đến một trường hợp khó khăn để viết bài, chụp ảnh đăng báo kêu gọi giúp đỡ.
(*) Đọc Gieo niềm khát vọng sống của bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú Trang Xuân Chi, NXB Quân đội nhân dân.
|