Từ thơ, đến kịch bản, Văn Trọng Hùng hình như không thích những vấn đề bằng phẳng, tẻ nhạt. Anh thường đi thẳng vào những vấn đề gai góc, nan giải của đời sống để khám phá, phát hiện. Cho nên dù lớn, dù nhỏ tác phẩm nào của anh cũng để lại một chút gì mới mẻ, góp vào thế giới văn chương. Vở ca kịch Hồ Quí Ly, nhìn lại một vương triều cũng thế.
Nhân vật Hồ Quí Ly, xưa nay có nhiều ý kiến khác nhau. Tác giả đã rọi vào một cách nhìn mới mẻ của riêng anh. Hồ Quí Ly trong vở kịch là một nhà yêu nước, với tầm nhìn rộng lớn trong hàng loạt chính sách cải cách mới mẻ cả về chính trị, kinh tế lẫn văn hóa, trong khát vọng đưa đất nước phát triển. Nhưng ông cũng là một con người cô đơn nhất trong lịch sử.
|
Một cảnh trong vở ca kịch Nhìn lại một vương triều. Ảnh: Đào Tiến Đạt
|
1.
Trong vở kịch, nhân vật Hồ Quí Ly từng lý giải: “Trong lịch sử xưa nay, khi một triều đại đã hết vai trò lịch sử thì tất yếu phải được thay thế. Ta không cần thái ấp, không cần quyền lợi… và nếu ta làm không được thì sẽ có người khác lên thay”. Nhưng nào ai đã hiểu cho ông? Quí tộc nhà Trần chống đối quyết liệt để bảo vệ quyền lợi và đế vị của mình. Gia đình không hiểu. Nhân dân chưa kịp hiểu ra. Những kẻ chống đối còn can tâm kéo theo cả một đám ngoại bang về hòng giày mả tổ. Giữa bão táp trùng trùng của đời sống, Hồ Quí Ly thật đơn độc.
Bà Huyện Thanh Quan đứng trên đỉnh đèo ngang cảm nhận nỗi cô đơn tuyệt đỉnh: Dừng chân đứng lại trời non nước/ Một mảnh tình riêng ta với ta. Nhưng mối quan hoài của nữ sĩ là chuyện đã qua, còn Hồ Quí Ly phải đương đầu với hiện tại. Không quyết liệt đổi mới không xong. Chính trong bối cảnh ấy, tấm lòng vì nước của Hồ Quí Ly thêm ngời sáng, dù ông chưa đến được cái đích cuối cùng. Đó là một cách nhìn, một cách lý giải nhân tình và chính xác.
Có người cho rằng Hồ Quí Ly đã chết vì những đổi mới của mình. Tôi nghĩ, Hồ Quí Ly sống mãi vì tấm lòng và khát vọng đổi mới của ông. Nói đến nghệ thuật kịch là nói đến những xung đột mâu thuẫn. Tác giả đã khai thác nhiều mâu thuẫn nối tiếp nhau, giằng co, gay cấn làm cho vở kịch sôi động hẳn lên, lôi cuốn người xem từ đầu đến cuối.
2.
Mâu thuẫn chính xuyên suốt vở kịch đó là mâu thuẫn giữa triều đại nhà Trần đã thối nát, mục ruỗng với Hồ Quí Ly. Triều đại nhà Trần từng vang danh trong lịch sử nhưng lúc suy tàn rệu rã, lúc mà bọn hủ nho ca ngợi “chính thống” bất tử để bấu víu quyền lợi thì lịch sử sẽ đẩy nó lùi vào quá vãng. Từ xung đột quyết liệt ấy cho thấy, sự sinh thành cái mới của lịch sử không dễ dàng. Dù tốt đẹp đến đâu nhưng nếu chưa được nhân dân thấu hiểu, ủng hộ thì khó có thể thành công. Đáng tiếc, triều đại Hồ Quí Ly thật ngắn ngủi.
Vở kịch dừng lại ở cảnh Hồ Quí Ly lên ngôi hoàng đế. Có lẽ tác giả muốn giữ lại ánh sáng huy hoàng mới mẻ ấy để khẳng định: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào của lịch sử cũng không vắng thiếu những hào kiệt có tấm lòng vì nước. Một chuyện lạ, hôm ấy các bạn trẻ rất đông, cổ vũ nhiệt tình từ đầu đến cuối vở kịch. Mới biết không có thể loại nào thu hút hay không thu hút khán giả. Cái hay cái đẹp vẫn có sức gọi con người.
Vở ca kịch tập trung được nhiều thành công về tư tưởng, nội dung; về khai thác mâu thuẫn kịch phong phú, hợp lý về nhạc kịch… Trong lời kịch đậm đặc chất thơ, được chọn lọc tinh tế. Với dàn diễn viên trẻ đẹp, giọng ca hay. Thành công tốt đẹp ấy không thể không nói đến tài hoa của đạo diễn, diễn viên, nghệ sĩ ưu tú Hoài Huệ, người thủ vai Hồ Quí Ly trong vở kịch. Và, Văn Trọng Hùng - một kịch tác gia Bình Định- thêm một lần trò chuyện với cuộc đời bằng tác phẩm mới, nhiều thành công của mình.
|