Xuân này, nghĩ về nghìn năm người Thăng Long đi mở đất
14:41', 21/2/ 2010 (GMT+7)

Trong không khí thiêng liêng của đất trời, nghìn năm sau, lớp cháu con chúng ta ngẫm lại, nơi tiền nhân đi qua, vẫn hào sảng tâm hồn Đại Việt, vẫn lẫm liệt Hào khí Đông A.

Với việc thiên đô từ Hoa Lư ra Đại La, đổi tên thành Thăng Long, Vua Lý Công Uẩn và triều Lý đã đặt viên gạch vững chắc cho kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập tự chủ và xây dựng Đại Việt thành một quốc gia hùng mạnh trên mọi phương diện, khẳng định vị thế của một dân tộc anh hùng. Đây là thời kỳ rực rỡ nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam với những tên tuổi như Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông,  Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông.

Một thời kỳ lịch sử đã hình thành nên những giá trị mang tính thời đại cả về tư tưởng, chính trị, quân sự, ngoại giao của một quốc gia độc lập. Trong Nam ngoài Bắc, trên rừng dưới bể, dấu chân Đại Việt in khắp bốn phương. Dẹp yên thù trong giặc ngoài, xây dựng quốc gia phồn thịnh. Đẩy mạnh khai hoang lập ấp, biến những vùng sơn lam chướng khí thành làng mạc sầm uất, người người chung sống yên vui.   

Từ một dân tộc bị nô lệ bởi ách đô hộ 1000 năm của phong kiến phương Bắc, chúng ta đã vươn lên thành một quốc gia hùng mạnh bậc nhất Đông nam Á. Thành tựu ấy, nói như nhà thơ Trương Hán Siêu khi được sống trong những tháng năm hừng hực hào khí Đông A, rợn ngợp khí thế chiến thắng Bạch Đằng là: “Phải đâu đất hiểm, cốt mình đức cao”.

Đức cao là yêu nước, là thương dân, là đại đoàn kết dân tộc. “Đức cao” là đức của trí, đức của dũng và đức của nhân. Hay nói cách khác, đó là “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức” như lời Đức Thánh Trần răn dạy. Nghĩ sâu xa, đó chính là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Truyền thống ấy được đời đời kế tục để lớp cháu con hôm nay, mỗi  khi nghĩ về cái thuở cha ông “mang gươm đi mở nước”, vẫn đau đáu nghìn năm “thương nhớ đất Thăng Long”. Hào khí Thăng Long lan toả khắp bốn phương, theo chân đàn con Lạc cháu Hồng, nung nấu bầu nhiệt huyết đắp bồi nên giang sơn một dải hình chữ S xanh thắm bên bờ biển Đông.

Trong không khí thiêng liêng của đất trời, nghìn năm sau, lớp cháu con chúng ta ngẫm lại, nơi tiền nhân đi qua, vẫn hào sảng tâm hồn Đại Việt, vẫn lẫm liệt Hào khí Đông A. Vĩnh Linh - miền đất lần đầu tiên được ghi tên vào bản đồ Đại Việt năm 1075, trong chiến tranh chống Mỹ oằn mình dưới hàng triệu tấn bom thù mà vẫn một lòng kiên trung bất khuất. Câu chúc “Thiên giáng Vạn Tường” của Vua Lê Thánh Tông trên đường chinh nam mùa xuân năm Tân Mão 1471 khi dừng lại duyệt binh bên bờ biển Việt Thanh (thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bây giờ) như một lời tiên tri. Vạn Tường không chỉ là nơi ghi dấu chiến công vang dội năm 1965, đập tan quân viễn chinh Mỹ, mà vùng đất ấy, bây giờ là thành phố Vạn Tường, là Khu Kinh tế Dung Quất với hàng trăm dự án lớn; là Nhà máy lọc dầu và Khu công nghịêp lọc hoá dầu đầu tiên của cả nước, góp phần vực dậy dải đất hẹp miền Trung.

Đêm thức với Cửa Tùng, nghe sóng vỗ rì rầm bên cửa sổ, nghĩ đến sự hồi sinh của vùng đất một thời mang nổi đau chia cắt hai miền, tôi chợt nhớ về Nhà thừa lương Cửa Tùng, nơi thực dân Pháp dùng làm nơi dạy học, đồng thời cách ly ông vua nhỏ Duy Tân với phong trào kháng chiến của các Nghĩa sĩ Cần Vương. Chính tại đây, ông vua 16 tuổi này đã nói một câu nổi tiếng, còn đọng mãi trong tâm thức của người Việt Nam: "Tay nhớp lấy nước mà rửa, nước nhớp lấy chi mà rửa?”. Một câu nói đáng tạc vào bia đá để mọi người khi đến đây đều được thưởng lãm, đều được nghĩ suy về trách nhiệm của mình với đất nước. Cái nhục nước nhớp vì thực dân đế quốc xâm lược đã được dân tộc ta rửa sạch bằng máu xương của hàng triệu người con anh dũng. Song sứ mệnh sớm đưa đất nước thoát nghèo, trở thành một quốc gia hùng mạnh thì mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm chung vai  gánh vác.

Mùa xuân này, từ trái tim nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, từ thế và lực của năm 2009, nghĩ về lịch sử mở nước của cha ông nghìn năm trước, nghĩ về khát vọng vươn ra biển lớn hôm nay là sớm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, sánh vai cùng bè bạn năm châu, ý nghĩ ấy đang trở thành niềm thôi thúc bước chân mỗi người trên đường đi về phía trước.

. Theo VOV

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tiền Giang kỷ niệm chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút  (20/01/2010)
“Thuyền cáng”: Một sáng tạo độc đáo của vua Quang Trung  (12/01/2010)
Khánh thành Tượng đài Anh hùng dân tộc Quang Trung và tái hiện Lễ hội Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế  (10/01/2010)
Đội quân tóc dài, ngày ấy-bây giờ   (03/01/2010)
Từ kẻ chăn trâu thành khanh tướng  (23/12/2009)
Lễ giỗ lần thứ 80 Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc  (13/12/2009)
Tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương trong 10 ngày  (13/12/2009)
Hành trình tìm mộ cố Tổng bí thư Hà Huy Tập  (01/12/2009)
Một triều đại văn trị, võ công  (22/11/2009)
Mai Xuân Thưởng có đầu thú không?   (16/11/2009)
Nhớ các chiến sĩ hy sinh trên đất Lào  (25/10/2009)
Ngày xưa mùa lũ  (09/10/2009)
Cửa Khách Thử  (04/10/2009)
Tưởng niệm những oan hồn   (24/09/2009)
Hoàng Sa là của Việt Nam  (14/09/2009)