Thời đại Hùng Vương bắt đầu từ trước đây bốn nghìn năm. Thời đại đó dài đến hai mươi thế kỷ, đã in dấu rất rõ vào các mặt sinh hoạt tinh thần và vật chất của dân tộc ta, và còn để lại dấu tích trong cuộc sống chúng ta hiện nay.
|
"Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước", Bác Hồ đến thăm bộ đội ở đến Hùng trước khi về tiếp quản thủ đô, 1954 - Ảnh tư liệu
|
Dấu ấn đậm nhất muôn đời không phai nhạt, là một niềm tin, niềm tự hào về nòi giống Lạc Hồng, về con Rồng cháu Tiên. Thật lạ là ở đâu cũng có rồng: rồng lên ở Thăng Long, rồng xuống ở Quảng Ninh, rồng vàng ở Phủ Lý, rồng xanh ở Nghệ An, rồng đỏ ở Tây Nguyên, đầu rồng nhô lên nơi này, đuôi rồng - mà là rồng trắng quẫy ở chỗ khác, còn hàm rồng thì hình như lại có ở nhiều nơi. Rồng rắn chạy đua với lũ trẻ, rồi cứ nơi nào có lễ hội thì có rồng xuất hiện. Dưới nước có rồng (Long vương hà bá), dưới đất cũng có rồng (Long quân chúa mạch). Chuyện có có không không nhưng là chuyện thật. Ðó là một nét phong tục độc đáo của ta.
Một tâm lý chung của dân ta, là rất vui thích, rất tự hào về chuyện con đàn, cháu đống. Bởi thời cổ, số dân quá ít ỏi. Ở nơi rừng rậm khe sâu, đầy sự hăm dọa bất ngờ mà chỉ lèo tèo vài bộ lạc nhỏ hay vài gia đình trơ trọi thì sống sao được. Nhìn những con chim, con bướm rồi những sinh vật khác luôn luôn hòa hợp, có hòa hợp mới sinh ra giống nòi, người ta cảm thấy đó là chuyện linh thiêng, kỳ diệu. Người xưa tôn thờ vật ấy, họ cầu mong và có sự sinh sản ấy. Các nhà khoa học sau này gọi đó là chủ nghĩa phồn thực. Bà Âu Cơ sinh hạ một trăm con. Một trăm chỉ là con số ước lệ, về bản chất thì đó là phồn thực. Mẹ đã thế, con quý mẹ thì con phải thờ. Thờ cả những cái của cha, của mẹ, vì đó là những gì tạo ra nòi giống. Vậy là có chuyện thờ những nõ nường, những hòn đá hình trụ. Cột đá thề có ở đền Hùng cũng đã được hiểu theo cách nhìn biểu trưng như vậy. Cùng lúc đó thì có sự tưởng tượng hình dung ra những thần Ðực, Cái đều được nhất luật biểu dương. Tiếp đó có bao nhiêu sinh hoạt nghệ thuật khác đều có thể hiểu là có cái gốc phồn thực này. Chuyện đâm đuống (khua luống), chuyện cối chày, chuyện dùi chiêng, chuyện cái núm cồng chiêng, chuyện cài hoa mò cá, chuyện đánh đáo lỗ, rồi cả chuyện chơi đu, chuyện đố tục giảng thanh... Còn nhiều nữa. Khởi đầu của loài người là như thế, khởi đầu thời đại Hùng Vương cũng thế. Ta tiếp thu cái hồn nhiên tươi trẻ thuở bình minh dân tộc (và loài người) để xây dựng ý thức mới, phong tục mới về đời sống gia đình hiện đại.
Dân ta quý trọng những sản phẩm của sự sinh sôi ấy - quý con người. Trong ngôn ngữ Việt Nam, khác với các dân tộc khác, là những vật thể thường được quy chiếu vào con người. Núi thì có đầu núi, sườn núi, lưng núi, chân núi. Sông thì có lòng sông, mặt sông; thuyền thì có mũi thuyền, nách thuyền. Dao mà có lưỡi, v.v.
Từ sự trân trọng con người như thế, ngay từ thời đại các Vua Hùng, đã nảy ra một tình cảm sẽ trở thành giáo lý, thấm sâu vào phong tục Việt Nam suốt đời này qua đời khác. Vì biết quý con người, nên quý cả các đấng sinh thành ra người, các vị giữ gìn, bảo vệ cho cả con người và cả nước. Từ đó có cái đạo thờ tổ tiên, đạo thờ cha mẹ. Từ xưa, những con người thời sơ sử bị kẻ thù áp bức đã kêu lên: "Bố ơi, về cứu chúng con!" (theo sách Lĩnh Nam chích quái), thì giờ đây: "lời cha dạy khắc xương để dạ". Còn mẹ thì lớn lắm. Mẹ ở khắp nơi. Mẹ sinh ra nòi giống (Mẹ Âu Cơ), mẹ sinh ra sông nước (Mẫu Thoải), mẹ sinh ra núi rừng (Mẫu Thượng Ngàn). Cái đẹp của tín ngưỡng này là ở ý nghĩa triết lý như thế.
Ðã nghĩ đến mẹ đến cha, thì phải nghĩ đến cả anh em, họ hàng nữa. Câu chuyện Tổ Tiên chia nhau 50 con xuống biển, 50 con lên núi, có ý nghĩa rất kỳ diệu. Xuống biển, lên non vì non sông, non nước là điều sâu sắc trong phong tục dân ta, có từ đời Vua Hùng, cả trong cuộc sống đời thường và cả trong thế giới thần linh. Dân ta thờ nhiều thần, mà lại biết các thần đều là anh, em, họ hàng với nhau: Ðức Thánh Cả, Ðức Thánh Hai, rồi có Thánh Mẫu, Thánh Cha, Thánh Cô, Thánh Cậu. Cái nghĩa gia đình này có từ đời Hùng Vương, tồn tại đến bây giờ. Cũng trong phạm vi này, còn một vấn đề thú vị. Từ thuở Hồng Lạc xa xôi ấy, ta đã biết ơn tổ tiên, mà lại biết ơn cả những vị chống giặc ngoại xâm, tạo nên sự sinh tồn, đơm hoa kết trái. Và thế là bên cạnh đạo thờ tổ tiên, còn có đạo Thánh. Có Thánh cả nước như Thánh Tản, Thánh Gióng, Thánh Chử, rồi đến Thánh các vùng, lúc ấy hay sau này tiếp tục được tôn vinh: Thánh Mây, Thánh Bối, Thánh Bưng, Thánh Lưỡng, Thánh Láng... Các mẹ cũng đều là Thánh. Rồi những vị tổ sư các ngành nghề đều được tôn là Thánh Cả. Thờ Thánh quả là một tục đẹp. Nhiều vị vốn là thánh riêng cho từng vùng hay từng ngành, được nâng lên thành tầm cả nước. Ðức Thánh Trần hay Thánh Mẫu Liễu Hạnh là các trường hợp ấy. Chính các vị Thánh này mãi mãi nêu cho chúng ta những tấm gương hy sinh dũng cảm, thắng giặc ngoại xâm như Thánh Gióng; rồi chống lũ lụt, mở mang các nghề nông tang, nghề thủ công như Thánh Tản. Liên tiếp có các lễ hội ở các địa phương. Lễ là mang ý nghĩa tạ ơn và cả ý nghĩa tâm linh xin phù trì, che chở. Hội là để vui chơi múa hát, rất giàu tính nhân văn.
Nhìn vào các trò chơi, các hình thức nghệ thuật, các tập quán, hèm tục riêng của các lễ hội cũng thấy được các dấu tích thời đại các Vua Hùng là thời kỳ bình minh của lịch sử. Ðốt pháo chính là muốn tạo ra tiếng động như tiếng sấm sét, lễ mộc dục (tắm tượng Thánh, tắm tượng Phật) là cần có nước cho mát mẻ các bài vị đó là chuyện cầu mưa. Ruộng đồng cần có nước: Nhất nước nhì phân. Thả diều, chơi đu, cắm cây nêu... đều là để hướng về mặt trời. Rồi những nồi cơm nếp, đệp bánh chưng đều là từ Vua Hùng mà ra cả. Ðã có những câu chuyện cổ tích ly kỳ và cảm động truyền suốt từ đời này sang đời khác về những món thực phẩm. Mâm cơm cúng phải có đĩa xôi. Phong tục nước ta cần có lễ vật ấy, cũng như phải rước ông Lúa, rước mẹ Lúa.
Ăn bánh trôi, bánh chay, ông bà hay nhắc con cháu rằng: Người sáng chế ra bánh này chính là Mẹ Âu Cơ. Ðám cưới hay đám lễ, các việc giao thiệp ứng xử nữa là phải có cau trầu. Từ xưa Vua Hùng đã chỉ cho dân thấy: Mầu xanh, mầu đỏ, vị nồng cay chát ngọt ở miếng trầu là tượng trưng cho lòng vững bền thủy chung, rất thiêng liêng đậm đà.
|
Lễ hội Đền Hùng trong ngày giỗ Tổ. (Ảnh: VnExpress)
|
Còn có một hiện vật nữa cũng có từ thời Hùng Vương: cái trống. Trống là bảo vật vô cùng quan trọng mở đầu cho văn minh Việt Nam: cái trống đồng. Ngày xưa, ở các bộ lạc, phải là các bà chúa mới được đánh trống đồng, ra lệnh cho cả thị tộc. Rồi trống được đưa vào làm một thứ quân giới. Bọn xâm lược nghe tiếng trống đã rợn người, bạc cả tóc. Các làng những thời đại tiếp theo, không có điều kiện đúc trống đồng thì dùng trống da, đưa luôn cả khái niệm phồn thực vào đây, nên mới có trống đực, trống cái, rồi trống đại cổ, trống tiểu cổ. Ðến bây giờ ta vẫn dùng trống ở tất cả các làng. Ðồ đồng cũng được tôn trọng. Các bàn thờ đều phải có bộ tam sự, ngũ sự, đều bằng đồng.
Một điều đặc biệt nữa: Dân tộc Việt Nam giản dị và lam lũ ngược xuôi từ bao đời, nhưng lại là một dân tộc yêu nghệ thuật, rất lạc quan, thích cười đùa, lại cũng hay nghịch ngợm. Những tính cách ấy vốn là bản chất của cha ông xưa từ thuở các Vua Hùng. Bà vợ Sơn Tinh thích ca hát, khi bà ốm đau phải hát xoan cho bà nghe bà mới tỉnh được. Bà Thiều Hoa nói chuyện được với bướm rồi học được cách múa của bướm. Vợ chồng An Tiêm gắn bó với quả dưa đẹp (quả dưa này như khuôn mặt cô gái Việt Nam: môi đỏ, răng đen, nên đã được gọi là "Việt nga qua": dưa gái Việt). Chính từ những gốc gác này (kể ra không hết) nên mới có nhiều điệu dân ca, nhiều đàn sáo và nhiều trò chơi nghịch ngợm mà ta gọi là bách nghệ khôi hài (trăm nghề cười vui). Bao nhiêu trò Trám, trò Chụt, rồi những trò Trình nghề ở các lễ hội địa phương sau này được thêm bớt tùy theo thời gian, không gian, nhưng chính là có nguồn gốc và có ảnh hưởng từ thời đại Vua Hùng như thế cả. Lễ hội Việt Nam gắn với đời sống cộng đồng, dồi dào ý nghĩa nhân văn mà chứa đựng nhiều dấu tích từ thời đại Hùng Vương!
. Theo Nhân Dân |