Ai về Bình Ðịnh mà... chơi
15:38', 5/3/ 2010 (GMT+7)

Có lần trao đổi với anh Văn Trọng Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Định về "vòng tròn du lịch Bình Định", tôi đề nghị các anh nên lấy Ngã ba Phú Tài làm tâm điểm, vạch một vòng tròn có bán kính khoảng 30km là đã "khoang" được trọng tâm của một vùng du lịch Bình Định, gồm cả Quy Nhơn, Nhơn Hội, Tây Sơn và vùng phụ cận, cả An Nhơn "đất cổ" của Bình Định, cả vùng Núi Bà linh thiêng với cảnh đẹp hùng vĩ. Rồi Tuy Phước vùng đất của thơ và nem chợ Huyện, có "vạn" Gò Bồi nổi tiếng với nước mắm và thơ Xuân Diệu. Và nguyên con thuyền dọc biển từ Quy Nhơn đi sông Cầu-một trong vài con đường dọc biển đẹp nhất nước ta.

 

Lễ hội Quang Trung - Nguyễn Huệ tại Bình Định

 

Trên một vùng đất có diện tích không rộng lắm ấy đã "thâm canh" tầng tầng văn hóa, tầng tầng lịch sử và cơ man nào là thắng cảnh. Nghĩ cho cùng, những hình thái lễ hội cũng là nhằm "cô đặc" những điểm du lịch, lan tỏa những "mạng" du lịch với nhiều sắc thái khác nhau, và phát hiện những tiềm năng du lịch bấy lâu còn ẩn giấu ngay trước mắt chúng ta. Bất cứ hình thái du lịch nào cũng có thể quy tụ vào văn hóa, cũng họ hàng gần xa với văn hóa. Ngay với du lịch thiên nhiên, du lịch "hoang dã" mà thiếu đi những ý tưởng văn hóa, những  "hạt nhân văn hóa" thì cũng không thành. Bình Ðịnh là miền đất mang những nét văn hóa đặc sắc lưu truyền từ hàng nghìn năm nay. Ðó là nơi trong quá khứ thường xuyên diễn ra những giao thoa và tiếp biến văn hóa, "hòa huyết" những nền văn hóa khác nhau, "chồng mờ" lên những lớp tầng văn hóa riêng biệt để tạo nên một bức tranh toàn cảnh độc đáo về văn hóa bản địa. Ở đây người ta có thể chứng kiến những hiện tượng kỳ thú khi Tháp Chàm "giao lưu" với chùa Thập Tháp, khi thành Hoàng đế chồng lên thành Ðồ Bàn, và những "làng võ Tây Sơn" lại liền kề với "làng rượu Bàu Ðá", và đầm Thị Nại không chỉ là nơi từng diễn ra những trận thủy chiến hoành tráng trong quá khứ mà còn là nơi "kết nối" giữa Quy Nhơn với khu kinh tế Nhơn Hội đang thành hình. Mà ngay trong lòng khu kinh tế lớn này cũng sẽ nổi lên những điểm du lịch biển tuyệt vời. Nghĩa là với Bình Ðịnh bây giờ, "sờ" vào đâu cũng có thể chạm những tiềm năng du lịch. Vấn đề là làm sao cho chúng "lộ sáng" ra trên các bản đồ tour của các hãng lữ hành.

Không phải vì bây giờ đang có "phong trào kích cầu" mà Bình Ðịnh cũng "chạy theo phong trào". Gạt ra ngoài kiểu tổ chức "lễ hội" đơn thuần hình thức, lấy "ba hoa" làm chính, lại phải thấy những lễ hội chính là một dịp để quảng bá, thu hút, tự giới thiệu mình với bè bạn gần xa, và cũng là một kiểu "kích cầu" trong du lịch và thương mại. Nếu du lịch là hoạt động thường niên, theo mùa, theo tour, theo nhu cầu du khách, thì hoạt động lễ hội chính là một hoạt động nhằm thu hút, quy tụ những hình thái du lịch khác nhau về cùng "một mối" và trong một thời điểm. "Lễ hội Tây Sơn" vào ngày Mồng 5 Tết Nguyên đán  là "phát pháo đầu lễ hội" trong cả năm. Hãy nhớ, bây giờ mọi hoạt động cộng đồng hướng đến lòng yêu nước và tinh thần dân tộc đều là những hoạt động được nhân dân hưởng ứng vô cùng nồng nhiệt. Với Bình Ðịnh, thì hai chữ "Quy Nhơn" cũng mang những ý nghĩa nhân văn và đánh dấu một cột mốc quan trọng của nhận thức dân tộc. Vì thế, những lễ hội của Bình Ðịnh rất có điều kiện lan tỏa do sự gắn kết cả ý nghĩa và thực tế này với thành phố Quy Nhơn: tên lễ hội nhằm quy tụ lòng người, tạo sự kết nối trong tỉnh và ngoài tỉnh, trong nước và ngoài nước, tên lễ hội biểu dương vẻ đẹp tinh thần, vẻ đẹp văn hóa, cũng là vẻ-đẹp-người của vùng đất Bình Ðịnh. Lâu nay, nhiều người dân ở đây phàn nàn là địa phương mình không hề kém tiềm năng du lịch so với một số địa phương khác ở miền trung như Bình Thuận hay Quảng Nam, Ðà Nẵng... Vậy mà du khách vẫn chưa biết nhiều về vùng đất Quy Nhơn-Bình Ðịnh, họ vẫn thường đi ngang qua chứ ít chịu "cắm sào" ở lại chơi thăm thú trong một thời gian, mặc dù Quy Nhơn không thiếu những khách sạn, nhà nghỉ, resort với tiện nghi và giá cả phù hợp với nhiều loại du khách.

Trở lại với cái tên đầy ân nghĩa: Quy Nhơn. Sự hồ hởi, bao dung, cởi mở, vui vẻ, trải lòng với khách của người Bình Ðịnh nếu được phát huy đúng mức sẽ là một lợi thế rất lớn cho du lịch. Lâu nay chúng ta khi nhắc đến lợi điểm du lịch ở một vùng đất thường vịn vào "4 chữ S". Những "chữ" ấy Quy Nhơn đều có. Nhưng còn một chữ S nữa là Soul (tâm hồn, cảm xúc) mà người ta ít nhắc đến trong du lịch nhưng lại là "chữ" rất quan trọng-thậm chí nó là linh hồn (soul) của du lịch. Cái ấy người dân Quy Nhơn, người dân Bình Ðịnh khá giàu có, và sẵn sàng "chi" ra một cách hào phóng. Nhớ những năm gần đây, cứ đến mùa thi là người dân Quy Nhơn lại dành nhà riêng của mình đón các em, cháu "sĩ tử" thập phương đổ về ứng thí tại Trường đại học Quy Nhơn. Với cách đón tiếp thân tình và cởi mở học sinh đi thi ấy mà chuyển sang đón khách du lịch (dĩ nhiên có nâng cấp nơi ở) thì chắc chắn du khách sẽ rất ấm lòng khi về Bình Ðịnh. Sự cởi mở phóng khoáng của người đất võ chính là một lợi điểm của du lịch. Và cái hồn người Bình Ðịnh, người Quy Nhơn khi thể hiện một cách tự nhiên sẽ thu hút du khách. Sự thân thiện của người dân địa phương bao giờ cũng là món quà quý mà du khách sẽ lưu giữ sau mỗi chuyến đi, cùng với cảm giác nắng gió mênh mang của vùng đất ấy.

Có mấy "mạng" du lịch mà du khách rất dễ "nối" khi về Quy Nhơn -Bình Ðịnh: đó là "mạng" nghệ thuật Chàm mà tiêu biểu là những tháp và quần thể tháp nổi tiếng như Dương Long, Bánh Ít, Cánh Tiên, Tháp Ðôi, Phú Lốc, Thủ Thiện... Giới thiệu cho đúng mức, đúng bài bản, "mạng Tháp Chàm" này của Bình Ðịnh xứng đáng được công nhận là Di sản thế giới. Nếu ở Mỹ Sơn (Quảng Nam) các Tháp Chàm quần tụ "cô đặc" trong một thung lũng hẹp, thì với Bình Ðịnh các Tháp Chàm lại "từ trời xanh rơi vài giọt..." và rải ra trên một vùng đất rộng đầy những cổ tích như câu thơ vô cùng chính xác của Văn Cao. "Nối mạng" những cụm Tháp Chàm ở Bình Ðịnh lại, chúng ta sẽ có một tour du lịch văn hóa và nghệ thuật kỳ thú và độc đáo. Bên cạnh đó, những làng nghề gốm Chăm cổ truyền lại mang tới cho du khách những phẩm vật mà họ sẽ lưu giữ trong những bộ sưu tập du lịch của mình. Gốm Gò Sành, rồi những tác phẩm điêu khắc Chàm từ đá sa thạch ở An Nhơn khiến du khách ngỡ ngàng không biết mình đang cầm trên tay những sản phẩm mỹ thuật của hôm nay hay những cổ vật từ nghìn năm trước. Trình độ nghệ thuật của những nghệ nhân ở vùng đất này và những tác phẩm của họ chính là một điểm rất thu hút du khách cả trong và ngoài nước. Có một "mạng du lịch" cũng rất thú vị-đó là "mạng chợ Bình Ðịnh". Những chợ quê ở Bình Ðịnh như chợ Gò, chợ Ðập Ðá, chợ Gò Găng, chợ Huyện, chợ An Thái, chợ Phú Phong, chợ Mỹ Yên, mỗi chợ một vẻ, một dáng nét, một "character", một "nuance" nhưng sẽ khiến du khách ngây ngất vì những "hương vị" đặc trưng của nó. Với du khách Âu-Mỹ, họ đến ta là để "đi chợ"- chợ quê - chứ không phải đi siêu thị. Nếu "đi chợ" là hình thức du lịch giúp du khách thư giãn tâm trí thì "đi chùa" lại là hình thức khiến du khách thanh thản tâm hồn, bồi đắp tâm linh. "Du lịch chùa" ở Bình Ðịnh sẽ hấp dẫn bởi những ngôi chùa cổ ở đất này mỗi chùa mỗi dáng vẻ kiến trúc và đều được tọa lạc ở những vùng đất u tịch. Trong một ngày, du khách có thể vừa đi chùa vừa đi chợ lại vừa đi viếng các Tháp Chàm, ăn nem chợ Huyện và uống rượu Bàu Ðá, thưởng thức trống trận Quang Trung và xem tuồng cổ, học cách làm đồ gốm và cả học... võ trong các lò võ, làng võ nổi tiếng của đất võ Bình Ðịnh như An Thái, Thuận Truyền, An Vinh... "Mạng làng võ Bình Ðịnh" cũng sẽ là một mạng du lịch độc đáo và rất hút khách.

Từ những "mạng" như thế lại nổi lên những "điểm" mà du khách không thể không "kết". Ðiểm du lịch nổi bật nhất dĩ nhiên là khu Bảo tàng Quang Trung ở Tây Sơn. Ðây là một trong vài ba khu Bảo tàng đẹp nhất nước ta hiện nay. Với hệ thống đường sá khá tốt, từ "điểm lớn" Bảo tàng Quang Trung đến một "điểm lớn" khác là Khu kinh tế Nhơn Hội du khách chỉ mất hơn một giờ ngồi xe. "Chiếc cầu thế kỷ 21" - cầu vượt biển Quy Nhơn-Nhơn Hội cũng sẽ là một điểm thu hút du khách. Họ sẽ rất thú vị vì được đi ngang qua đầm Thị Nại nổi tiếng bằng... xe, chứ không phải bằng đò giang. Mà cũng có những con đò sẵn sàng chở khách ngao du trên đầm, lai rai mấy món hải sản độc đáo mà ngư dân vừa khai thác. Với những "mạng" và những "điểm" du lịch như thế, nếu được tổ chức tốt, Bình Ðịnh sẽ trở thành một "vùng Lễ hội" mà những ai có "máu du lịch" trong nước cũng như những du khách nước ngoài không thể bỏ qua. Vấn đề bây giờ là phải giới thiệu, tiếp thị như thế nào để du khách có thể biết chương trình Lễ hội từ nửa năm trước. Bình Ðịnh đang có kế hoạch "tăng tốc" du lịch, hy vọng du khách khi về miền đất thượng võ và hiếu khách này sẽ được hài lòng. Và "một đi" còn "trở lại".

. Theo Thanh Thảo/Nhân Dân

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dấu ấn thời đại các Vua Hùng  (03/03/2010)
Xuân này, nghĩ về nghìn năm người Thăng Long đi mở đất  (21/02/2010)
Tiền Giang kỷ niệm chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút  (20/01/2010)
“Thuyền cáng”: Một sáng tạo độc đáo của vua Quang Trung  (12/01/2010)
Khánh thành Tượng đài Anh hùng dân tộc Quang Trung và tái hiện Lễ hội Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế  (10/01/2010)
Đội quân tóc dài, ngày ấy-bây giờ   (03/01/2010)
Từ kẻ chăn trâu thành khanh tướng  (23/12/2009)
Lễ giỗ lần thứ 80 Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc  (13/12/2009)
Tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương trong 10 ngày  (13/12/2009)
Hành trình tìm mộ cố Tổng bí thư Hà Huy Tập  (01/12/2009)
Một triều đại văn trị, võ công  (22/11/2009)
Mai Xuân Thưởng có đầu thú không?   (16/11/2009)
Nhớ các chiến sĩ hy sinh trên đất Lào  (25/10/2009)
Ngày xưa mùa lũ  (09/10/2009)
Cửa Khách Thử  (04/10/2009)