Đi tìm lăng mộ Vua Quang Trung
13:52', 6/4/ 2010 (GMT+7)

Tượng Quang Trung ở Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội.

Tuy sử sách không ghi chép về địa điểm đặt lăng nhưng một số tác phẩm văn chương có đề cập đến địa điểm này. Bài viết này chỉ mong cung cấp cho các nhà  nghiên cứu và bạn đọc một số địa danh, ngõ hầu nêu lên một số gợi ý cho các giả thuyết tìm kiếm lăng mộ Quang Trung.

Lăng mộ Quang Trung, người đương thời gọi là Đan lăng (lăng đỏ) hay Đan Dương lăng (lăng Mặt Trời đỏ). Ngô Thì Nhậm, một  đại thần của nhà Tây Sơn có nhiều bài thơ đề cập đến Đan lăng như: Sóc vọng thị tấu  nhạc Thái Tổ miếu cung ký (Ngày rằm, mồng một, tấu nhạc ở miếu Thái Tổ, kính ghi); Tòng giá bái tảo Đan lăng, cung ký (Theo xa giá đi bái tảo Đan lăng, kính ghi); Khâm vãn Đan Dương lăng (Kính viếng lăng Đan Dương).

Trong bài thơ Sóc vọng thị tấu nhạc Thái Tổ miếu cung ký, ông có viết: "Nhất tự Kiều Sơn mật bát âm/Kim liên ngự chúc tuyết hoa trầm" (Từ thuở Kiều Sơn bặt tám âm/Đài sen nến ngự tuyết hoa trầm - Ngô Linh Ngọc dịch).

Cũng trong bài thơ này, có câu tả cảnh Đan lăng, gợi cho chúng ta hình ảnh một lăng mộ nguy nga được đặt trên núi cao: "Thanh Miếu đài đầu quân hán nhĩ/Đan lăng thức mục tử vân thâm" (Ngước mắt Đan lăng mây tía phủ/Ngẩng đầu Thanh Miếu bến ngân gần).

Địa danh Kiều Sơn - núi Kiều còn được Lê Ngọc Hân đề cập đến trong bài Ai tư vãn: "Kiều Sơn khói toả đỉnh non/Xe rồng thăm thẳm, bóng loan rầu rầu”. (1)

Tìm hiểu các địa danh ở  xung quanh Huế, không thấy có địa danh Kiều Sơn hay núi Kiều, chỉ có động Kiều, nay thuộc huyện Hương Thuỷ, phía Nam TP Huế. Vậy Kiều Sơn là động Kiều hay chỉ là danh từ chung, chỉ ngọn núi kiều diễm?

Tuy nhiên, Ngô Thì Hoàng là em ruột Ngô Thì Nhậm lại nhắc đến núi Ngọc Trản trong bài thơ Vịnh sử, trong đó có  câu: "Tây Hồ cung lý vân như toả/Ngọc Trản phong đầu thổ vị can" (Trên cung ở  Tây Hồ, mây vẫn phủ kín/Đầu núi Ngọc Trản, đất đắp mộ (Quang Trung) còn chưa khô).

Núi Ngọc Trản (Hòn Chén), nơi có điện Hòn Chén linh thiêng, đối diện với đồi Vọng Cảnh ở bên này sông Hương là những danh thắng của cố đô Huế.

Gần đây, các nhà sưu tầm nghiên cứu Hán - Nôm tỉnh Thanh Hoá có phát hiện được một bài thơ chữ Hán của Lê Triệu (1771 - 1846, người xứ Thanh) cũng có đề cập đến một địa danh được cho là lăng mộ Quang Trung. Đó là bài "Kiến Quang Trung linh cữu" (nhìn thấy linh cữu Quang Trung).

Tác giả đã từng được đến lăng Quang Trung, được nhìn thấy tận mắt khi lăng vừa bị quật phá: "Hàm Dã độc lưu thiên vạn cốt/Khuân Sơn họa tại bách niên phần" (Hàm Dã hận vùi muôn vạn xác giặc/Khuân Sơn không ngờ lại để mối họa đến phần mộ trăm năm).

Chính địa danh Khuân Sơn này  đã gây ra cuộc tranh luận sôi nổi giữa các nhà nghiên cứu, làm loé lên tia hy vọng tìm kiếm được địa điểm Đan lăng.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lịch sử ở TP Huế cho rằng, Khuân Sơn (hay một chữ gì đó chưa đọc được chính xác) không phải là một địa danh có thực ở Huế, mà chỉ là một điển tích mà chúng ta chưa biết. Bởi vì ở câu trên “Hàm Dã độc lưu thiên vạn cốt” thì Hàm Dã là lấy từ điển tích Trung Hoa. Vậy theo phép đối trong thơ đường luật, câu dưới “Khuân Sơn họa tại bách niên phần” cũng phải lấy từ điển tích.

Chú thích: (1) - Bài Ai tư  vãn của Lê Ngọc Hân có nhiều dị bản. Câu này có bản ghi: Cầu Tiên khói toả đỉnh non, không hợp lý lắm. Đã là "cầu" sao lại có "khói toả đỉnh non"?

.Theo Bee.net.vn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tìm thấy ba sắc phong thời Tây Sơn tại Hà Tĩnh  (04/04/2010)
Vua Quang Trung: Những định mệnh lịch sử  (01/04/2010)
Còn nhiều di sản xứng đáng được vinh danh  (29/03/2010)
Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Ðền Hùng năm 2010  (28/03/2010)
Xây đền thờ Hoàng hậu Lê Ngọc Hân ở Hà Nội  (18/03/2010)
Ai về Bình Ðịnh mà... chơi  (05/03/2010)
Dấu ấn thời đại các Vua Hùng  (03/03/2010)
Xuân này, nghĩ về nghìn năm người Thăng Long đi mở đất  (21/02/2010)
Tiền Giang kỷ niệm chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút  (20/01/2010)
“Thuyền cáng”: Một sáng tạo độc đáo của vua Quang Trung  (12/01/2010)
Khánh thành Tượng đài Anh hùng dân tộc Quang Trung và tái hiện Lễ hội Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế  (10/01/2010)
Đội quân tóc dài, ngày ấy-bây giờ   (03/01/2010)
Từ kẻ chăn trâu thành khanh tướng  (23/12/2009)
Lễ giỗ lần thứ 80 Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc  (13/12/2009)
Tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương trong 10 ngày  (13/12/2009)