Ngay sau khi Bia đá các khoa thi triều Lê - Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội được UNESCO công nhận Di sản tư liệu thế giới thuộc chương trình Ký ức thế giới, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo ngành văn hóa, Trung tâm Hoạt động văn hoá khoa học (HĐVHKH) Văn Miếu - Quốc Tử Giám tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu quảng bá; đầu tư cho công tác bảo vệ, gìn giữ lâu dài di sản này.
Là di tích có giá trị bậc nhất của quần thể di tích quốc gia Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, 82 tấm bia Tiến sĩ được dựng ở hai bên phải trái của giếng Thiên Quang (tấm sớm nhất dựng vào năm 1484, khắc tên các vị tiến sĩ đỗ khoa thi 1442; tấm cuối cùng dựng vào năm 1780, khắc tên các Tiến sĩ đỗ khoa thi 1779). Mỗi bên có 41 tấm bia dựng thành 2 hàng ngang, mặt các tấm bia đều quay về phía giếng. Giữa mỗi vườn bia xây một tòa đình vuông, 4 mặt bỏ trống, nền cao, giữa nền có bệ, cửa đều trông thẳng xuống giếng. Đây là hai tòa đình thờ bia. Xưa kia hàng năm xuân thu nhị kỳ trong Văn Miếu làm lễ tế thì ở đây cũng sửa lễ vật cúng bái các vị tiên nho của nước ta mà quý tính cao danh còn khắc trên bia đá.
Trong tiến trình lịch sử, cùng với Văn Miếu-Quốc Tử Giám, bia Tiến sĩ đã không ít lần được trùng tu, tôn tạo. Thời Tây Sơn (1778-1802), sau khi lên ngôi, vua Quang Trung đã ra chiếu khuyến học, dự định thi hành những chính sách cải cách tiến bộ trong đó có cải cách về giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Nhà vua trong thư trả lời nông dân trại Văn Chương đã hứa cho tu sửa lại các tấm bia trong Văn Miếu bị quân Tây Sơn làm hư hại: “Nay mai dựng lại nước nhà/ Bia Nghè lại dựng dưới toà muôn gian”. Song đáng tiếc ông mất sớm nên dự định đó không kịp thực hiện.
Năm 1863, Hoàng giáp Lê Hữu Thanh cùng Hà Ninh Tổng đốc Tôn Thất Hàm, Án sát Hà Nội Đặng Tá quyên tiền xây dựng lại nhà che bia, gồm hai dãy hai bên, mỗi dãy 11 gian. Sự việc này được ghi lại trên 2 tấm bia dựng ở bên trái sân Đền Khải Thánh - Quốc Tử Giám. Nội dung đại ý là : Thăng Long là nơi đô thành cũ, là nhà Thái Học xưa. Hai bên cửa Văn Miếu có dựng bia đề tên Tiến sĩ, bắt đầu từ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo, tới khoa Kỷ Hợi niên hiệu Cảnh Hưng, nay hiện còn 82 tấm chỉ là một số nhỏ. Trong thời gian từ đó tới nay gió táp mưa sa, cỏ lấp rêu phong, có tới hơn 20 tấm chữ khắc bị mòn, lỏng chỏng mỗi nơi mỗi tấm, phần nhiều sứt mẻ không thể đọc được hết. Tôi là Thanh đến làm quan ở đây, mùa thu năm nay, công việc đỡ bận, tôi bàn với quan tổng đốc và quan án sát, bàn cách làm nhà ngói mỗi bên 2 tòa nhà, mỗi tòa 11 gian. Tấm bia nào đổ lỏng chỏng thì đem xếp lại, mặt bia nào bị sứt sở thì đem so sánh mà khắc lại…
Những năm thực dân Pháp tạm chiếm Hà Nội, 2 vườn bia có lúc hoang vắng, cỏ cao lút đầu. Năm 1994, Công ty American Epxress (Hoa Kỳ) thông qua quỹ “Hoà giải Đông Dương” đã tài trợ 70.000 USD cho công trình xây dựng nhà che bia. Hiện nay 2 vườn bia đã được tu sửa lại theo mẫu sửa nhà bia cuối cùng năm 1863 có mái che mưa che nắng, bảo vệ cho các tấm bia Tiến sĩ trước sự tàn phá của thời gian…
Nhờ những giá trị tinh thần vô giá, từ lâu Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành địa chỉ du lịch văn hoá nổi tiếng của Thủ đô. Lượng người đến tham quan, thắp hương tưởng nhớ các bậc tiên thánh tiên hiền tại đây ngày càng đông, từ khoảng 500.000 - 700.000 lượt khách mỗi năm, đến năm 2009 đã đạt con số trên 1 triệu lượt khách. Năm 2010, trong những ngày Tết Nguyên đán đã có hơn hơn 300.000 lượt khách đến Văn Miếu du xuân. Theo tiên lượng của các nhà quản lý, khi Bia Tiến sĩ đã trở thành Di sản tư liệu thế giới, chắc chắn lượng khách trong nước và quốc tế sẽ còn tăng gấp bội. Vì vậy việc bảo vệ, gìn giữ báu vật quốc gia này càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Cùng với phương án bảo vệ, Trung tâm Văn Miếu đã hoàn thiện bài thuyết minh về giá trị Bia Tiến sĩ, in tờ gấp, sách khảo liệu và dịch toàn bộ nội dung 82 tấm bia Tiến sĩ ra tiếng Anh… Một số ý kiến cũng đề xuất nên có bản dịch các bài văn bia ra tiếng Việt, để mọi người cùng tham khảo, biết được cái hay, cái đẹp, độc đáo của di sản. Đơn vị quản lý cũng cần đầu tư tập huấn bài bản, thống nhất về nội dung, giá trị bia Tiến sĩ cho nhân viên thuyết minh, hướng dẫn viên du lịch; khi cần thiết có thể trang bị máy nghe dịch trực tiếp cho khách nước ngoài. Ở góc độ nhà nghiên cứu lâu năm về Hà Nội, ông Nguyễn Vinh Phúc còn nêu ý kiến nên tổ chức tour du lịch các di tích Nho học Việt Nam, mà Văn Miếu - Quốc Tử Giám với hệ thống bia Tiến sĩ sẽ là tâm điểm.
.Theo Báo BR-VT |