Bí ẩn cuộc đời danh tướng Phan Văn Lân
15:14', 12/4/ 2010 (GMT+7)

Phan Văn Lân là danh tướng của nhà Tây Sơn. Quê hương gốc gác của ông ở đâu, kết cục cuộc đời của ông ra sao, còn nhiều điều bí ẩn.  

 

Chiến thắng Ngọc Hồi.  Ảnh minh họa

 

Tổng trấn Bắc Hà

Theo cuốn sách Nhà Tây Sơn của Quách Tấn - Quách Giao (Sở VH-TT Nghĩa Bình, 1988) thì Phan Văn Lân đến với nhà Tây Sơn từ rất sớm.

Sách này viết: "Kế đó, có một tráng sĩ xin vào yết kiến. Tây Sơn Vương cho mời vào thì là Phan Văn Lân, người bạn học cũ. Họ Phan người miền ngoài nhưng không rõ ở phủ huyện nào. Võ giỏi, tự cho rằng võ mình được truyền từ Phạm Ngũ Lão đời Trần, thiên hạ vô địch" (sđd, tr 66). Năm 1775, ông làm phó tướng cùng Nguyễn Lữ đánh vào Gia Định.

Năm 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi vua, xưng hiệu là Minh Đức hoàng đế, niên hiệu là  Thái Đức, đóng đô ở thành Quy Nhơn gọi là Hoàng Đế thành và phong Nguyễn Huệ làm Long Nhương tướng quân, Nguyễn Lữ làm Tiết chế, Phan Văn Lân làm Nội hầu, Trần Quang Diệu làm Thiếu phó...". 

Mùa đông năm 1787, khi biết Nguyễn Hữu Chỉnh ở Bắc Hà làm phản, Nguyễn Huệ đã cử Tả quân Võ Văn Nhậm cùng Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân kéo quân ra Bắc. Nguyễn Hữu Chỉnh bị diệt, Võ Văn Nhậm lại lộng quyền. Lòng dân xao động. Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lại đích thân ra Bắc diệt Võ Văn Nhậm, trao quyền lại cho Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân.

Mùa đông 1788, theo lời cầu viện của Lê Chiêu Thống, 29 vạn quân Thanh kéo vào nước ta. Từ Phú Xuân, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, kéo quân ra Bắc diệt quân Thanh. Trong chiến dịch giải phóng Thăng Long, vua Quang Trung chia quân thành 5 đạo.

 Đạo chủ lực là đạo Trung quân do đích thân Quang Trung chỉ huy, có Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân đốc thúc Tiền quân làm Tiên phong. Chiến dịch mùa xuân Kỷ Dậu đại thắng, Phan được giao ở lại Thăng Long làm Trấn thủ cai quản các trấn ở Bắc Hà.

Mãi đến tháng 8.1789, Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm từ Phú Xuân mới trở ra Bắc Hà và vai trò của các ông như là các quan Khâm phái thay mặt triều đình để đón tiếp sứ giả và bàn việc bang giao. Cũng chính Ngô Văn Sở đã cầm đầu đoàn sứ bộ sang sứ nhà Thanh vào năm 1790 trong chuyến hộ tống vua Quang Trung giả.

Sau khi đi sứ về, Ngô Văn Sở được giao chỉ huy lực lượng thủy quân Tây Sơn. Như vậy, ông không thể làm Tổng trấn Bắc Thành như một số tài liệu đề cập. Công việc quản lý quân dân 11 trấn Bắc Hà thực chất là của Phan Văn Lân (võ tướng) và Nguyễn Văn Danh (văn quan).

Trong bức thư của vua Quang Trung gửi cho quan Hộ đạo chánh đường họ Lâm của nhà Thanh cũng viết: "Tôi đã sức cho quan lưu thủ thành Thăng Long là Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Danh sai trấn mục các xứ mau chóng sửa sang quán xá, cầu đường như lệ cũ và cử các quan văn võ lên cửa quan đón tiếp..." (tr 632).

Từ trần đột ngột tại nhiệm sở!

Phan Văn Lân mất vào năm 1793, khi đang làm Tổng trấn ở Thăng Long, vị tổng trấn đầu tiên sau khi ta giải phóng đất nước, còn bộn bề công việc về nội trị và ngoại giao.

Từ trước đến nay rất ít tài liệu đề cập đến Phan Văn Lân. Thảng hoặc có vài cuốn sách hiếm hoi nhắc đến ông thì lại kể về ông như một viên tướng võ biền, với những kỳ tích công phu về võ thuật, ví như nghiêng bàn tay chém vỡ tảng đá chẳng hạn.

Thật ra, nếu ông chỉ có vài ngón nghề tuyệt kỹ của một võ sư, dù là siêu phàm, thì làm sao có thể điều hành quản lý được 11 trấn Bắc Hà vừa mới giải phóng còn nhộn nhạo, kể cả việc dập tắt sự chống đối của các cựu thần triều Lê nổi dậy ở nơi này, nơi khác.

. Theo Bee.net.vn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phát hiện 37 sắc phong triều Tây Sơn ở xứ Nghệ  (11/04/2010)
Bia Tiến sĩ Văn Miếu - báu vật của quốc gia  (08/04/2010)
Đi tìm lăng mộ Vua Quang Trung  (06/04/2010)
Tìm thấy ba sắc phong thời Tây Sơn tại Hà Tĩnh  (04/04/2010)
Vua Quang Trung: Những định mệnh lịch sử  (01/04/2010)
Còn nhiều di sản xứng đáng được vinh danh  (29/03/2010)
Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Ðền Hùng năm 2010  (28/03/2010)
Xây đền thờ Hoàng hậu Lê Ngọc Hân ở Hà Nội  (18/03/2010)
Ai về Bình Ðịnh mà... chơi  (05/03/2010)
Dấu ấn thời đại các Vua Hùng  (03/03/2010)
Xuân này, nghĩ về nghìn năm người Thăng Long đi mở đất  (21/02/2010)
Tiền Giang kỷ niệm chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút  (20/01/2010)
“Thuyền cáng”: Một sáng tạo độc đáo của vua Quang Trung  (12/01/2010)
Khánh thành Tượng đài Anh hùng dân tộc Quang Trung và tái hiện Lễ hội Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế  (10/01/2010)
Đội quân tóc dài, ngày ấy-bây giờ   (03/01/2010)