Lễ hội Đền Hùng qua nghìn năm lịch sử
10:42', 15/4/ 2010 (GMT+7)

Từ thời Hậu Lê trở về trước các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái. Bù lại họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính.

Làng Hy Cương làm Giỗ Tổ theo cách cầu tiệc như phong tục chung. Ngày giỗ họ rước long báu trên đền Thượng xuống đình làng để tế. Tế xong lại rước trả. Dân chúng xa gần nhớ ngày Giỗ Tổ kéo về đền lễ bái, tụ hội đông đúc, tự đem đến các trò chơi, hàng hóa mua bán, chủ yếu là đồ ăn uống. Tương truyền khi ấy, lễ hội cũng khá đông vui.

Sắc chỉ của Vua Quang Trung năm 1789 vẫn duy trì lệ cũ.

Đến nhà Nguyễn, việc quản lý Đền Hùng có sự thay đổi lớn. Triều đình trực tiếp đứng ra tôn tạo các đền đài lăng tẩm chùa chiền. Nhà vua giao Tuần phủ Phú Thọ tổ chức tế ngày Giỗ Tổ với sự chỉ đạo của Bộ Lễ, làm trước dân 1 ngày, tức là tế vào ngày mồng 10 tháng 3, để hôm sau dân sở tại tế lễ theo ngày giỗ cũ. Chủ tế là Tuần phủ Phú Thọ. Bồi tế, thông đạo tán, chấp sư là quan lại tỉnh Phú Thọ và huyện Lâm Thao. Phẩm vật tế là tam sinh (bò, dê, lợn) và xôi. Kinh phí lấy từ hoa lợi phát canh 25 mẫu ruộng Đền (Nhà nước tậu của dân huyện Lâm Thao) và cấp 100 đồng bạc trắng. Định lệ 5 năm làm một hội lớn hay hội chính, lấy năm chẵn 5 như 1920, 1925...

Năm hội chính, ngay từ tháng giêng, trên núi Nỏn đã treo lá cờ thần báo cho đồng bào xa gần biết. Việc chuẩn bị náo nhiệt trước hàng tháng: Sửa sang đường xá (xưa đường lên núi nhỏ hẹp, cây cối rậm rạp), tu bổ, quét dọn các đền, mua sắm vật phẩm phục vụ ngày Giỗ Tổ...

Theo thông sức của quan Tuần phủ, có khoảng 40 làng rước kiệu từ đình làng mình tới chầu, tất cả đặt ở chân núi để chấm giải (Là một bức trướng vua ban). Riêng kiệu làng Cổ Tích là dân Trưởng tạo lệ được rước lên núi, nhưng cũng chỉ đến đền Hạ.

Rước kiệu là một hoạt động tín ngưỡng rất tôn nghiêm những cũng rất náo nhiệt. Kiệu được sơn son thiếp vàng, đục chạm tinh vi. Thấu kiệu là 2 con rồng dài gần 4m do 16 người khiêng. Ê kíp chính của đám rước gồm người vác lá cờ thần dẫn đầu, 8 người vác cờ đuôi nheo, 8 người vác bát bửu. Ông chủ tế mặc hoàng bào đi sau kiệu thanh, các quan viên chức sắc đi theo hộ giá. Riêng kiệu nhang án có phường bát âm tấu nhạc hầu thánh đi hai bên. Trừ phường bát âm mặc lễ phục cổ điển (quần trắng, áo the, khăn xếp) còn các quan viên rước kiệu đều ăn mặc phỏng theo lối quan văn võ và binh sĩ trong triều. Những làng ở xa phải rước hai ba ngày mới tới đền, bởi vậy phải có quân hậu cần. Hàng ngày họ đem cơm nắm thức ăn nước uống từ nha đến cho đám rước.

Cũng nằm trong lễ thức tại Đền Hùng còn có tiết mục Hát Xoan. Hát Xoan xưa gọi là Hát Xuân, chỉ biểu diễn trong mùa xuân. Vì kiêng tên bà Lê Thị Lan Xuân vợ Vua Lý Thần Tông, người làng Hương Nộn có công lớn giúp đỡ phường Xuân hoạt động, nên gọi chệch đi là Hát Xoan. Đêm Hát Xoan kéo dài từ chập tối đến sáng tại đền Thượng, do phường Kim Đơi trình diễn một bài bản có 3 phần là 5 đoạn lề lối, 14 đoạn quả cách và 8 đoạn nam nữ đối đáp. Đội Xoan có 6 nam 12 nữ trẻ đẹp, hát bằng nhiều giọng.

Trên đây miêu tả sơ bộ về phần Lễ, phần Hội bao gồm lễ thức, trò chơi, văn nghệ, mua bán hàng hóa, ăn uống.

Tối đến ít người về nhà dù ở gần, tục lệ là ngủ lại. Bởi vậy họ đi xem, đi chơi cho mệt rã rời rồi tiện đâu ngủ đấy. Giữa bầu không khí cởi mở ấy là hàng loạt trò chơi văn nghệ biểu diễn ngày cũng như đêm tự do thưởng thức không mất tiền. Các làng, xã tự đem đến gà chọi, kéo co, bịt mắt bắt dê, bắn nỏ thi, đấu vật, cờ người... Ban đêm bao giờ cũng có hát chèo tuồng ở các bãi rộng. Các đoàn nghiệp dư ở các làng đến hội trổ tài.

Đến Giỗ Tổ năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch nước lên làm lễ, dâng tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm, cáo với Tổ, họa xâm lăng và quyết tâm kháng chiến của dân tộc. Từ năm 1947 đến 1954 không làm được giỗ, nhưng nhân dân địa phương vẫn cúng bái đơn lẻ. Năm 1956 làm lễ hội lớn, do Bộ Văn hóa tổ chức, có rước kiệu. Từ năm 1957 về sau, nhất là những năm đánh Mỹ và Mỹ cho máy bay ra bắn phá miền Bắc (1965-1972) lễ hội vẫn đông, nhưng rất đơn giản. Từ năm 1990 đến nay, lễ hội có cải tiến nhiều so với trước. Về lễ có các vị ở Trung ương về dâng hương hoa hoặc làm đồng chủ lễ với Chủ tịch tỉnh. Ngành Văn hóa tổ chức cho vài xã rước kiệu, tăng cường các hoạt động văn nghệ thể thao. Các mặt hàng văn hóa phẩm đồ lưu niệm sách báo thỏa mãn nhu cầu khách tham quan. Hàng bách hóa, đồ ăn uống bầy bán đầy ắp. Đồng bào xa gần trẩy hội ngày càng tăng, thời gian cũng kéo dài hơn.

Đặc biệt năm 2005 Bộ Văn hóa Thông tin và UBND tỉnh Phú Thọ mở một số cuộc họp mời các chuyên gia Sử học, Văn hóa học thảo luận, đề xuất phương án Giỗ Tổ, sau đó Sở Văn hóa thông tin Phú Thọ cho xây dựng bài bản tế và giao cho xã Hy Cương chịu trách nhiệm thực hiện.

.Theo Báo Phú Thọ Online

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vũ khí cha ông ta: Hỏa khí  (13/04/2010)
Bí ẩn cuộc đời danh tướng Phan Văn Lân  (12/04/2010)
Phát hiện 37 sắc phong triều Tây Sơn ở xứ Nghệ  (11/04/2010)
Bia Tiến sĩ Văn Miếu - báu vật của quốc gia  (08/04/2010)
Đi tìm lăng mộ Vua Quang Trung  (06/04/2010)
Tìm thấy ba sắc phong thời Tây Sơn tại Hà Tĩnh  (04/04/2010)
Vua Quang Trung: Những định mệnh lịch sử  (01/04/2010)
Còn nhiều di sản xứng đáng được vinh danh  (29/03/2010)
Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Ðền Hùng năm 2010  (28/03/2010)
Xây đền thờ Hoàng hậu Lê Ngọc Hân ở Hà Nội  (18/03/2010)
Ai về Bình Ðịnh mà... chơi  (05/03/2010)
Dấu ấn thời đại các Vua Hùng  (03/03/2010)
Xuân này, nghĩ về nghìn năm người Thăng Long đi mở đất  (21/02/2010)
Tiền Giang kỷ niệm chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút  (20/01/2010)
“Thuyền cáng”: Một sáng tạo độc đáo của vua Quang Trung  (12/01/2010)