|
Biểu diễn trống đồng tại khu di tích lịch sử Đền Hùng |
Văn Lang là tên gọi của quốc gia Việt Nam thời các Vua Hùng dựng nước và kinh đô của nước Văn Lang chính là vùng đất được xác định trên không gian văn hóa là vùng Việt Trì, Phù Ninh, Lâm Thao thuộc tỉnh Phú Thọ ngày nay.
Trên vùng đất trung tâm này còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa với hàng trăm di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và nhiều lễ hội truyền thống, trò diễn, dân ca nghi lễ, diễn xướng dân gian và những câu hát hội làng, những truyền thuyết và biết bao câu ca dao, tục ngữ, những câu phương ngôn đằm thắm gắn với phong tục, tín ngưỡng cổ truyền của người dân lao động. Từ nghìn xưa, vùng đất kinh đô Văn Lang- Việt Trì đã được ghi vào sách sử, ghi đậm trong dấu ấn chinh phục thiên nhiên, phát triển cuộc sống của con người, trong đó, mỗi địa danh đều gắn liền những câu chuyện cổ, những truyền thuyết đầy hào hùng thời khẩn hoang, mở nước, tạo dựng thế đứng trên vùng châu thổ sông Hồng. Tất cả các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đang hiện hữu đã góp phần minh chứng Việt Trì từng là trung tâm, là kinh đô đầu tiên của quốc gia- dân tộc Việt Nam. Quốc gia ấy, kinh đô ấy đều cùng chung tên gọi Văn Lang và dân Văn Lang từ nghìn đời xưa đã nối nhau thờ cúng Tổ tiên, lập nên tín ngưỡng thờ Tổ Hùng Vương, là nguồn gốc của tục thờ Tổ của từng gia đình, dòng họ.
Trong thư tịch cổ thì bộ Văn Lang, bộ trung tâm của quốc gia Văn Lang, ở vào hợp lưu giữa ba dòng sông: sông Hồng, sông Lô, sông Ðà, gồm cả một vùng đất đai rộng lớn từ thềm Ba Vì tới chân Tam Ðảo thuộc các miền đất Phú Thọ; Vĩnh Phúc, một phần Hà Nội, Tuyên Quang, Yên Bái ngày nay. Ðịa bàn này được phân làm hai phần rõ rệt; vùng gò đồi đất giữa do nền phù sa cổ được nâng lên bởi vận động tạo sơn và vùng đất đồng bằng màu mỡ do hợp lưu của ba sông tạo thành. Trên vùng đất đó, khảo cổ học đã phát hiện được nhiều di chỉ liên tục của hệ thống văn hóa Phùng Nguyên vào thời đại đồng thau. Thành phố Việt Trì- Kinh đô Văn Lang ở vào trung tâm bộ Văn Lang, nơi đây, các di chỉ khảo cổ học với mật độ dày đặc, gồm đủ bốn giai đoạn văn hóa: từ Phùng Nguyên, Ðồng Ðậu, gò Mun đến Ðông Sơn.
Sự phát hiện di chỉ khảo cổ học Phùng Nguyên với bốn đợt khai quật đã mở đầu cho việc nghiên cứu xác định nơi cư trú của Tổ tiên ta thời dựng nước trên đất Phú Thọ. Các điểm khảo cổ học thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, Ðồng Ðậu, Gò Mun phân bổ dày chung quanh khu vực Ðền Hùng, dấu vết văn hóa Ðông Sơn cũng được phát hiện ở nhiều điểm trên đất Phong Châu (gồm Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông) lan tỏa đến ngã ba Bạch Hạc (Việt Trì). Cùng với việc chiếm lĩnh đồng bằng, các cư dân Phùng Nguyên đã để lại nhiều dấu vết của mình ở nơi hội tụ ngã ba sông. Làng Cả là một khu di chỉ nổi tiếng gần chục héc-ta vừa là nơi cư trú, vừa là khu mộ táng. Ba lần khai quật cùng một lần đào thám sát đã phát hiện được 311 ngôi mộ vào giai đoạn Ðông Sơn cực thịnh với rất nhiều hiện vật tùy táng. Tỷ lệ hiện vật vô cùng phong phú và quý hiếm. Ðặc biệt là có một ngôi mộ đã tìm thấy chiếc khóa đai lưng đúc bằng đồng, chạm khắc tinh vi bốn cặp rùa chầu vào nhau. Phải chăng đó là cái đai quyền lực của người? Khu vực Làng
Cả hẳn vào thời kỳ các Vua Hùng đã là nơi sầm uất, đông dân cư, rất thuận tiện giao lưu theo đường thủy với các miền đất khác.
Mối quan hệ Văn Lang- Việt Trì với Thăng Long- Hà Nội chính là sự lan tỏa của các di chỉ khảo cổ học, dấu vết của sự phát triển dân số và di chuyển của con người, từ đỉnh tam giác châu thổ sông Hồng với Phong Châu- Việt Trì là trung tâm đầu tiên thời dựng nước, về Cổ Loa thời Thục An Dương Vương (thế kỷ 3 trước Công nguyên), rồi Thăng Long- Ðông Ðô- Hà Nội cách mấy nghìn năm sau. Theo tư liệu thư tịch cổ, kinh đô Văn Lang hay Phong Châu- Việt Trì chính là điểm "hội nhân" đầu tiên của quốc gia Văn Lang cổ đại và là nơi trung tâm "các Vua Hùng đã có công dựng nước" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói tại Ðền Hùng ngày 19-9-1954 trên đường trở về Thủ đô Hà Nội sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cũng từ thế đứng vững chắc của hợp lưu ngã ba sông, những thế hệ người Việt bằng trí tuệ, sự quả cảm và lao động bền bỉ đã tiếp tục tạo nên một vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng rộng lớn, rồi hướng về khẩn hoang phương nam và tiến ra Biển Ðông khai phá, làm chủ những vùng quần đảo.
Hàng nghìn năm sau, từ kinh đô Hoa Lư đã trở nên chật hẹp, những thế hệ con cháu các Vua Hùng lại làm tiếp cuộc chuyển đô trong tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước và vùng đất Ðại La bên sông Hồng, nơi "đúng ngôi Nam- Bắc- Tây- Ðông, lại tiện hướng nhìn sông dựa núi", chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương, "ở vào nơi trung tâm của trời đất, được các thế rồng cuộn, hổ ngồi...", đã được chọn làm kinh đô Thăng Long, rồi Ðông Ðô của các triều đại phong kiến tự chủ Việt Nam. Ðó là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của nước ta và liên tục giữ vai trò đó cho đến ngày nay vừa tròn mười thế kỷ.
Có thể nói, từ truyền thuyết "Bọc trăm trứng nở thành trăm người con trai" thời Hùng Vương đến sự ra đời của bài thơ Thần thời Lý (thế kỷ 11 - năm 1077) "Nam quốc sơn hà nam đế cư" đến bản "Tuyên ngôn Ðộc lập" của Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đã toát lên sự khởi nguyên của nguồn mạch khẳng định chủ quyền của một quốc gia độc lập, tự chủ. Sự kiện đó là cầu nối của thời đại lịch sử: Từ Văn Lang thời đại các Vua Hùng đến Thăng Long thời đại nhà Lý và Thủ đô Hà Nội của thời đại Hồ Chí Minh.
Cũng từ hình tượng "Cha Rồng- Mẹ Tiên" gắn với huyền tích "Vua Hùng chọn đất đóng đô" đến hình tượng "Rồng bay lên" trong "Thiên Ðô Chiếu" của Lý Công Uẩn được cắt nghĩa như biểu tượng sức mạnh trường tồn của một dân tộc trong hàng nghìn năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Ðền Hùng năm 2010 là điểm nhấn linh thiêng văn hóa giữa mùa xuân Ðất Tổ và sẽ tạo đà cho sự thăng hoa cộng cảm của cả dân tộc Việt Nam hướng về cội nguồn, về kinh đô Văn Lang, về Thăng Long- Ðông Ðô- Hà Nội- đất địa linh nghìn năm văn hiến.
.Theo Báo Nhân Dân |