|
Kỹ thuật xếp đá của người Hre đã làm nên Trường Lũy |
Trong suốt thời gian tồn tại, Trường Lũy dài thứ nhì châu Á, chỉ sau Vạn Lý Trường Thành - Trung Quốc bị rơi vào lãng quên, phần vì đó là thời điểm đất nước liên tục phải gồng mình cho các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, phần nữa là tên gọi của Trường Lũy này trong các bộ sử thời Nguyễn gây nhiều hiểu lầm. Tuy nhiên, đã đến lúc, cần phải đánh thức di sản sau cả 100 năm “ngủ quên”...
Đối mặt với thách thức
Nguy cơ đầu tiên và tai hại nhất, đó là người dân dù bao đời nay sinh sống ngay dưới chân Trường Lũy, cũng không hề biết những bức tường đá rêu phong, chạy suốt làng trên xóm dưới kia là cái gì. Và thế là, khi cần mở rộng ruộng vườn, làm nhà làm cửa là... san luôn. Ông Lữ Đình Phô - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành cho biết, so với các địa phương khác, đoạn Trường Lũy chạy qua huyện Nghĩa Hành còn tương đối nguyên vẹn, do ít có sự tác động của con người. Tuy nhiên, ít không có nghĩa là không có.
Gần đây, một số Trường Lũy và đồn bảo cũng đã bắt đầu bị phá đi để làm đường... Xảy ra việc đáng tiếc trên nguyên nhân chính cũng bắt nguồn từ việc chưa được tuyên truyền về giá trị di sản. Không chỉ có nhân dân mù mờ về giá trị di sản mình đang sở hữu, mà ngay cả chính quyền địa phương cũng... chịu, không biết bức tường xếp đá dài miên man kia là cái gì. Ông Lữ Đình Phô cho rằng, UBND tỉnh Quảng Ngãi cần sớm có kế hoạch tuyên truyền đến từng người dân. Chừng nào người dân và chính quyền địa phương hiểu rõ giá trị di sản, chừng đó, Trường Luỹ mới được bảo tồn một cách bền vững nhất.
Ông Hoàng Ngọc Thành - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện An Lão - Bình Định cho biết thêm, ở An Lão, Trường Lũy chạy qua 4 xã là An Hưng, An Trung, An Tâm, An Hòa, hầu hết người dân ở đây đều không hiểu đó là công trình gì. Điểm đặc biệt ở An Lão có tới 8/10 xã là nơi tập trung đông đồng bào dân tộc Hre sinh sống. Như đã nói ở trên, cho đến nay, người Hre vẫn sử dụng kỹ thuật ghép đá này để làm tường rào... vì thế, khi thấy một bức tường giông giống với bức tường rào mà nhà mình vẫn có, người dân coi đó là chuyện... bình thường. Vì thế, có... trót phá vài đoạn, cũng không ảnh hưởng gì. Ông Hoàng Ngọc Thành nhấn mạnh, việc cấp bách lúc này là “đảm bảo an toàn” cho Trường Lũy bằng tuyên truyền chủ trương, giá trị di sản đến từng hộ dân, việc này phải được làm đầu tiên, rồi sau mới tính tiếp chuyện bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị.
Để rõ hơn về những định hướng bảo tồn Trường Lũy dài thứ nhì châu Á, PV Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi. Ông Sơn cho biết, hiện UBND tỉnh đã giao cho Sở VH-TT&DL khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ VH-TT&DL công nhận Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định là di tích Quốc gia. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ phân cấp quản lý, tức là di sản đi qua địa phận huyện nào, huyện đó tự gìn giữ và chịu trách nhiệm nếu để di sản bị xâm hại.
Phác họa cho việc bảo tồn
Ngay sau khi nhận được thông tin, có sự tồn tại của một Trường Lũy dài tới 200km ở miền Trung Việt Nam. Ông Christopher Young (Trưởng đoàn Tư vấn quốc tế - Hội đồng Di sản Anh) đã có chuyến khảo sát một phần của Trường Lũy. “Đẹp đến choáng ngợp” là cụm từ mà ông dùng để miêu tả những cảm nhận của mình về Trường Lũy. Theo nhận định của Christopher Young, Trường Lũy này có sự tương đồng sâu sắc với Thành Hadrian, miền Bắc nước Anh - thành do Hoàng đế La Mã Hadrian xây năm 122. Sự có mặt của Thành Lũy là cơ hội tốt để Quảng Ngãi phát triển du lịch, đem lại nhiều lợi ích về kinh tế. Tuy nhiên, vị chuyên gia di sản đến từ Anh đề nghị các cấp chính quyền ở Quảng Ngãi lưu ý, ví như, không nên có các hoạt động tái phục dựng. Hiện trạng di sản thế nào cần giữ nguyên thế, không nên thêm thắt mà chỉ dừng ở việc sửa chữa nhỏ.
Khẳng định di sản Trường Lũy hoàn toàn có thể phát triển du lịch nếu gắn nó với những tour hấp dẫn dọc dải đất miền Trung như Mỹ Sơn - Hội An - Huế, nhưng do mang đặc thù là di sản nằm trong lòng các khu dân cư, nên nhất thiết phải có sự tham gia của người dân và người dân là đối tượng được hưởng lợi từ các tour khám phá Trường Lũy chứ không phải là nhà đầu tư nào khác. Góp ý cho việc bảo tồn tôn tạo, cùng việc lập hồ sơ di tích. Ông Christopher Young nhấn mạnh: “trước khi làm hồ sơ quốc gia hay hồ sơ UNESCO cho Trường Lũy thì hãy để UNESCO thấy rằng, địa phương đang quản lý đúng cách, di sản đang được bảo tồn tốt, bởi sau 40 năm công nhận Di sản thế giới, UNESCO đã không tin vào những điều mà các quốc gia hứa hẹn trong hồ sơ” .
Trước những kết quả khai quật khảo cổ học, cùng cả những công trình đang hiện hữu trên mặt đất, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định, đây là công trình có giá trị văn hóa đặc biệt, nó được xây dựng lên bằng chính công sức của người dân lao động, đi cùng với nó là những câu chuyện lịch sử phong phú. Không chỉ có thế, nó còn hứa hẹn đem lại nhiều nguồn thu từ việc phát triển du lịch. Di sản này không phải chỉ riêng Quảng Ngãi hay Bình Định mà xứng đáng trở thành di sản của Quốc gia, vì thế, việc bảo tồn và phát huy giá trị, gắn kết với phát triển du lịch là việc làm cấp thiết trong lúc này.
.Theo ANTĐ
|