Đội Hoàng Sa - từ lịch sử đến tâm thức dân gian
10:38', 28/4/ 2010 (GMT+7)

Năm nay, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa vào ngày 29.4 (tức 16.3 âm lịch) với quy mô lớn hơn so với các năm trước. Đây là lễ hội văn hóa truyền thống và tôn vinh các tiền nhân đã quên mình vì lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc; góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Ảnh: NDO

 

Lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa năm nay sẽ được nâng tầm trở thành Lễ hội Quốc gia vào năm 2012 với tên gọi “Festival Biển đảo Việt Nam” do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch và tỉnh Quảng Ngãi phối hợp tổ chức hai năm một lần.

Sự hình thành và hoạt động của đội Hoàng Sa, Bắc Hải trong lịch sử được   sử gia của các triều đại phong kiến Việt Nam ghi chép cụ thể ở các sách Phủ biên tạp lục (nhà bác học Lê Qúy Đôn ghi chép khi đang giữ chức Hiệp trấn Thuận Hóa năm 1776), Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú), Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn)…

Đặc biệt là ghi chép trong Phủ biên tạp lục của Lê Qúy Đôn: "Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu, như gươm, tiền bạc, vòng bạc… Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp".

Như vậy mốc hình thành đội Hoàng Sa thuộc thời Chúa Nguyễn, có thể vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII và số lượng 70 suất đinh của đội Hoàng Sa hàng năm đi làm nhiệm vụ ở quần đảo Hoàng Sa là người An Vĩnh.

Qua tư liệu của sử sách xưa và tài liệu khảo sát thực tế gần đây của các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài tỉnh đã khẳng định đội Hoàng Sa trong lịch sử khai thác và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa đã có hoạt động liên tục trong suốt nhiều thế kỷ qua. Muộn nhất cũng từ những năm đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX, khi nổ ra cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và lực lượng tham gia đội Hoàng Sa trước sau chủ yếu vẫn là người An Vĩnh trong đất liền (xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) và phường An Vĩnh ngoài đảo Lý Sơn.

Sau này, khoảng thời gian từ năm 1804, khi phường An Vĩnh ngoài đảo Lý Sơn được tách thành đơn vị hành chính độc lập với xã An Vĩnh trong Tịnh Kỳ thì 70 suất đinh hoặc nhiều hơn nữa hàng năm ra khai thác sản vật trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là người xã An Vĩnh ngoài đảo Lý Sơn.

Lịch sử bảo vệ chủ quyền suốt hơn hai thế kỷ đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của đất nước được viết bằng mồ hôi, xương máu của nhiều thế hệ tráng đinh của phường An Vĩnh xưa. Họ thật sự là những anh hùng vô danh mãi mãi được lưu truyền trong tâm thức của người dân Lý Sơn hôm nay và mai sau.

Dù đội Hoàng Sa - Bắc Hải đã chấm dứt hoạt động từ lâu, về mặt thời gian phải nhiều thế hệ đời người, nhưng hình ảnh về những người lính trong đội Hoàng Sa xưa vẫn tồn tại, hiển hiện rất rõ trong lòng của người dân trên đảo Lý Sơn, và trường tồn theo năm tháng bởi một dòng chảy văn hóa dân gian hết sức đặc sắc được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Có thể nhiều người dân ở Lý Sơn chưa bao giờ được đọc những dòng ghi chép về đội Hoàng Sa, nhưng họ vẫn biết cha ông họ một thời đã quên mình vì thực hiện sứ mệnh bảo vệ và khai thác sản vật ở Hoàng Sa, Trường Sa trong một điều kiện hết sức hiểm nguy, luôn đối mặt với cái chết, bằng một dòng văn học dân gian truyền miệng và thông qua những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc sắc mang đậm nét nhân văn.

Từ thực tiễn hoạt động của đội Hoàng Sa xưa, trong điều kiện phương tiện tàu thuyền đi lại trên biển thô sơ và luôn "một đi không trở lại", đã hình thành ở Lý Sơn một "lớp văn hóa" phản ánh khá rõ nét về hoạt động và sự hiểm nguy khi thực hiện nhiệm vụ trên biển của đội Hoàng Sa.

Rất nhiều câu ca nói về đội Hoàng Sa được nhiều người dân trên đảo nhớ và thuộc để ghi nhớ cho thế hệ mai sau về một thời bi hùng oanh liệt của tổ tiên họ trong trang sử bảo vệ chủ quyền quốc gia trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhưng sâu đậm như một tâm linh văn hóa là sinh hoạt tín ngưỡng thờ cúng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người dân Lý Sơn.

Ngoài các cai đội Phạm Quang Ảnh, Võ Văn Khiết được các vị vua triều Nguyễn sắc phong thượng đẳng thần làm thành hoàng được nhân dân lập đền thờ quanh năm khói hương cúng tế; những người lính trong đội Hoàng Sa xưa được người dân trong làng phối thờ lại di tích Âm linh tự với biểu tượng tháp thờ “Chiến sĩ trận vong” để ngàn đời nhớ về công lao của họ. Hầu như các nhà thờ tộc tiền hiền, hậu hiền trên đảo đều còn lưu giữ những tờ lệnh và nhiều tài liệu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa. Đây là những dấu tích lịch sử - văn hóa có giá trị cung cấp những thông tin cho các nhà nghiên cứu, để khẳng định chủ quyền của dân tộc đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.

Đặc biệt là lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tổ chức vào dịp "cúng việc lề" của họ tộc. Nguồn gốc sâu xa của lễ khao lề thế lính là lễ tế sống lính Hoàng Sa xưa trước khi đội lên đường làm nhiệm vụ được làng tổ chức tại đình để tiễn đưa và cầu nguyện cho các chiến sĩ Hoàng Sa được bình an trở về.

Theo quan niệm của họ thì đội Hoàng Sa khi làm nhiện vụ trên biển luôn gặp nhiều rủi ro, và thường chỉ có đi mà không có về nên trong buổi tế người ta làm những hình người bằng khung tre và dán giấy ngũ sắc, làm thuyền bằng thân cây chuối đặt hình nộm lên để làm giả những đội thuyền Hoàng Sa đem tế tại đình, tế xong đem thả ra biển, với mong muốn đội thuyền kia sẽ chịu mọi rủi ro thay cho những người lính của đội Hoàng Sa và tạo niềm tin và ý chí cho người lính làm hoàn thành nhiệm vụ theo lệnh vua sai phái.

Về sau khi đội Hoàng Sa không còn nữa, các tộc họ có người đi lính Hoàng Sa đã tự tổ chức tế lễ theo nghi thức xưa tại nhà thờ tộc của mình để tưởng nhớ và trở thành một phong tục đẹp, một dấu ấn văn hóa tâm linh trong đời sống của các thế hệ người Lý Sơn.

Đến ngày “cúng việc lề” – ngày giỗ họ, con cháu trong tộc tập trung về nhà thờ tộc để tổ chức tế lễ tổ tiên và tổ chức cúng “thế lính/tế lính”. Để chuẩn bị cúng “thế lính/tế lính”, người ta dùng thân cây chuối hoặc thân cây tre làm một cỗ thuyền để tế, trên cỗ thuyền và đặt các hình nộm bằng giấy, trang trí cờ ngũ sắc, các thức cúng như: trầu, rượu, bánh khô, thịt, muối, nước, vàng mả... để cúng tế.

Cúng “thế lính/tế lính” bao giờ cũng được tổ chức cúng ngoài sân và do pháp sư thực hiện nghi lễ. Sau khi thầy pháp khấn vái và thực hiện những nghi thức “bắt ấn trừ tà” để thần linh bổn xứ chứng giám lễ vật và cỗ thuyền “cúng thế”, kết thúc lễ người ta đem cỗ thuyền “cúng thế” ra biển để thả trôi theo dòng nước.

Có thể khẳng định nguồn gốc nghi lễ là xuất phát từ tín ngưỡng dân gian gắn liền với hoạt động của Đội Hoàng Sa - Trường Sa xưa và hiện nay là nhằm vừa tưởng nhớ những người thân trong gia tộc đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trong đội Hoàng Sa.

Việc tổ chức “lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” ở các tộc họ là sự tưởng nhớ, tự hào về những người con thân yêu của tộc họ vì nước phải liều thân, có giá trị như một mạch nguồn nối quá khứ với hiện tại, để giáo dục thế hệ con cháu hôm nay về truyền thống gia tộc và lòng tự hào để sống xứng đáng với thế hệ cha ông.

Với ý nghĩa đầy nhân văn và lịch sử của lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, một lễ hội dân gian phản ảnh hành trình khai thác và bảo vệ chủ quyền trên biển Đông của bao thế hệ người Lý Sơn nói riêng đã được cộng đồng làng An Vĩnh và các tộc phục dựng và tổ chức theo nghi thức xưa tại Âm linh tự làng An Vĩnh nhân dịp tế thanh minh hằng năm.

Hiện nay lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được nhân dân tổ chức tại đình làng An Vĩnh sau khi đình làng được xây dựng lại và trở thành một lễ hội dân gian đậm nét văn hóa truyền thống của nhân dân huyện Lý Sơn, thu hút các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử và đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh về nghiên cứu và dự lễ.

Ý niệm tâm linh về đội Hoàng Sa trong lòng người dân đảo Lý Sơn là hết sức sâu đậm, từ hình thức thờ cúng đa dạng như lập đền thờ tế lễ đến hình thức "mâm cỗ cúng lính Hoàng Sa" của từng gia đình minh chứng cho sự ngưỡng vọng, lòng tự hào ghi nhớ công lao của những chiến sĩ trong đội Hoàng Sa.

Hiện nay nhà nước đã đầu tư xây dựng Nhà trưng bày, tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa trên đảo Lý Sơn nhưng đã từ lâu tượng đài những hùng binh Hoàng Sa đã được người dân Lý Sơn khắc họa sâu thẳm trong tâm khảm của họ và như một mạch nguồn văn hóa trao truyền thế hệ để mãi mãi nghi nhớ, tự hào về những chiến sĩ trong đội Hoàng Sa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

. Theo NDO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lễ hội Mai An Tiêm   (27/04/2010)
Bài 2: “Đánh thức” di sản ngủ quên  (26/04/2010)
Bài 1: Bức tường xếp đá hoàn hảo  (25/04/2010)
Từ kinh đô Văn Lang đến Thăng Long - Hà Nội  (20/04/2010)
Đánh thức di sản độc đáo bị lãng quên 200 năm  (18/04/2010)
Lễ hội Đền Hùng qua nghìn năm lịch sử  (15/04/2010)
Vũ khí cha ông ta: Hỏa khí  (13/04/2010)
Bí ẩn cuộc đời danh tướng Phan Văn Lân  (12/04/2010)
Phát hiện 37 sắc phong triều Tây Sơn ở xứ Nghệ  (11/04/2010)
Bia Tiến sĩ Văn Miếu - báu vật của quốc gia  (08/04/2010)
Đi tìm lăng mộ Vua Quang Trung  (06/04/2010)
Tìm thấy ba sắc phong thời Tây Sơn tại Hà Tĩnh  (04/04/2010)
Vua Quang Trung: Những định mệnh lịch sử  (01/04/2010)
Còn nhiều di sản xứng đáng được vinh danh  (29/03/2010)
Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Ðền Hùng năm 2010  (28/03/2010)