Nhà thờ Bác ở vùng sơn cước
9:2', 5/5/ 2010 (GMT+7)

Lăn lộn với đời binh nghiệp hơn nửa đời người và ba lần may mắn được gặp Bác Hồ; trở lại thời bình ông lấy toàn bộ tiền lương hưu, vay mượn xóm giềng để xây một ngôi nhà thờ Bác.

 

Ông Võ Như Thông bên nhà thờ Bác Hồ - Ảnh: Đ.Cường

 

Ngôi nhà thờ đó để không cho riêng ông mà những người dân vùng sơn cước Bắc Trà My (Quảng Nam) có một nơi đàng hoàng thờ phụng Bác. Ông tên thật là Võ Như Thông (thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My).

Lời khấn cho dân

Đi trên tỉnh lộ DT616 từ Bắc Trà My lên Nam Trà My sẽ nhìn thấy một ngôi nhà thờ với bức tượng Bác Hồ cao hơn 3m nhìn về phía dòng sông, xung quanh là cây kiểng xanh tươi. Đó là nhà thờ mà ông Thông xây dựng bằng những đồng lương hưu tích cóp hơn nửa đời người. Gần 80 tuổi, nhưng ngày nào ông cũng chăm chút cho ngôi nhà thờ Bác.

Nhập ngũ từ năm 13 tuổi ở chiến trường khu V, ông được đưa ra Bắc tập kết, xong lại vào Nam đánh giặc. “Trước khi trở về Nam, chúng tôi phải lấy cho mình những cái tên mới để nếu bị địch bắt cũng không lộ, không bị ảnh hưởng đến gia đình. Đồng đội có người lấy tên Quảng Nam, Nguyễn Mít hay tên vợ... còn tui lần lựa mãi và lấy tên Tử Vì Dân. Không ngờ cái tên đó lại thành “thương hiệu” - ông Thông cười nói.

“Thương hiệu” bởi giờ đây ở vùng miền núi này từ người Ca Dong, M’Nông đến những cán bộ thôn, xã chỉ biết biệt danh Tử Vì Dân mà ít ai gọi tên thật của ông. “Tui cũng như nhiều đồng đội chỉ nghĩ một lẽ đơn giản đã ra chiến trường thì xác định là hi sinh, nhưng hi sinh này là vì ai. Tất nhiên đó là dân, là nước rồi”, ông lý giải.

Một ngày năm 2007, ông thổ lộ với vợ: “Tui muốn làm một ngôi nhà thờ Bác mà sợ tuổi đã cao không biết có được toại nguyện không?”. Bà Huỳnh Thị Thuyền (vợ ông) động viên: “Bao nhiêu năm ông đương đầu với chết chóc tui có bao giờ can ngăn. Chừ ông thấy việc mình ưng làm thì cứ làm, nếu ông chết còn tui, còn các con”. Vậy là vợ chồng ông cùng gật đầu làm... dự án.

Xóm giềng thắc mắc không hiểu vì sao hai vợ chồng già này thường xuyên “hạ sơn” về vùng đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng). Cho đến một ngày họ thấy xe chở về một bức tượng Bác bằng đá nhìn vừa giản dị lại rất thân thương. Ông Thông lấy phía mặt tiền “đắc địa” nhất của miếng đất đặt tượng Bác. Phía sau là khu nhà với gần 100 cuốn sách, báo, tranh ảnh, các tư liệu về Bác. Trước cổng ông làm hai cây cột lớn với hai câu đối ngợi ca lãnh tụ... Cả khu nhà thờ rộng hơn 100m2 với số tiền đầu tư gần 200 triệu đồng. Đúng dịp kỷ niệm 98 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước 5-6-2009, ông đã thắp nén hương thành kính xin Bác được lập nhà thờ để người dân miền núi có nơi hương khói cho Người.

Từ đó, cứ đến ngày Bác mất là ông lại chuẩn bị hương nhang, hoa quả... rồi gọi tất cả con trai, con gái, cháu chắt về nhà. Đốt hương, đứng trước Bác ông khấn: “Bác phù hộ, độ trì cho con cháu Việt Nam luôn được hòa bình, ấm no, hạnh phúc”. Ông tâm sự: “Tui làm nhà thờ Bác để mọi người cùng thể hiện lòng thành kính. Lời khấn với lãnh tụ như Bác là khấn cho cả dân tộc, trong đó có gia đình tui đó thôi”.

Dự án cuối đời

Từ ngày ông Tử Vì Dân có nhà thờ Bác cũng là lúc người dân ở tổ Đồng Trường 2 (thị trấn Trà My) cùng sum họp nhau về đây để làm ngày giỗ chung. Và không chỉ người dân ở Đồng Trường 2, mà giờ đây số người đến nhà thờ giỗ đã lan rộng các bản, xã xa xôi như Trà Tân, Trà Giang... Trong số những người đến đây có nhiều cụ đã ngoài 80 tuổi...

Người cựu binh mái tóc bạc trắng kể về kỷ niệm của anh lính khi được gặp Bác lần đầu ở Nghệ An thời chiến tranh. Khi đó Bác về thăm đơn vị, cứ 15 phút lại điện hỏi xem xe của Bác đã đến đâu, cho tới khi còn cách Vinh 7km thì cả đơn vị đã đứng nghiêm để đón Bác. “Theo kế hoạch Bác chỉ nói chuyện được 15 phút thôi. Nhưng một số đồng chí quyết định mắc lỗi với Bác là cúp điện loa máy để Bác ở lại được lâu hơn. Và chúng tôi đã được gặp Bác, được bắt tay Bác bằng xương bằng thịt” - ông xúc động kể. Sau này ông còn có may mắn được gặp Bác hai lần nữa.

.Theo TTO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đội Hoàng Sa - từ lịch sử đến tâm thức dân gian  (28/04/2010)
Lễ hội Mai An Tiêm   (27/04/2010)
Bài 2: “Đánh thức” di sản ngủ quên  (26/04/2010)
Bài 1: Bức tường xếp đá hoàn hảo  (25/04/2010)
Từ kinh đô Văn Lang đến Thăng Long - Hà Nội  (20/04/2010)
Đánh thức di sản độc đáo bị lãng quên 200 năm  (18/04/2010)
Lễ hội Đền Hùng qua nghìn năm lịch sử  (15/04/2010)
Vũ khí cha ông ta: Hỏa khí  (13/04/2010)
Bí ẩn cuộc đời danh tướng Phan Văn Lân  (12/04/2010)
Phát hiện 37 sắc phong triều Tây Sơn ở xứ Nghệ  (11/04/2010)
Bia Tiến sĩ Văn Miếu - báu vật của quốc gia  (08/04/2010)
Đi tìm lăng mộ Vua Quang Trung  (06/04/2010)
Tìm thấy ba sắc phong thời Tây Sơn tại Hà Tĩnh  (04/04/2010)
Vua Quang Trung: Những định mệnh lịch sử  (01/04/2010)
Còn nhiều di sản xứng đáng được vinh danh  (29/03/2010)