Nghệ nhân Lâm Phen: Người giữ hồn văn hóa Khmer
14:5', 13/5/ 2010 (GMT+7)

Nằm trong quần thể Khu di tích văn hóa cấp quốc gia chùa Âng và thắng cảnh nổi tiếng Ao Bà Om, nhà Bảo tàng Văn hóa, Dân tộc Khmer Trà Vinh không chỉ là niềm tự hào của hơn 300.000 người dân tộc Khmer sinh sống ở Trà Vinh mà còn là nơi tôn vinh văn hóa của hơn 1,5 triệu người Khmer Nam bộ được bảo lưu qua nhiều thế hệ.

Trong số hơn 600 hiện vật được trưng bày ở đây, có đến cả trăm hiện vật do nghệ nhân Lâm Phen sưu tầm và phục chế, giúp cho du khách khi thăm quan có cái nhìn tổng quát về di sản văn hóa Khmer Nam Bộ qua từng thời kỳ.

Nghệ nhân Lâm Phen. (Nguồn: Internet)

Nghệ nhân Lâm Phen, 53 tuổi, sinh ra trong một gia đình có nghề xây dựng truyền thống ở ấp Ba Se A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, Trà Vinh. Từ lúc 15 tuổi ông đã theo cha - một người thợ xây dựng chùa Khmer khá nổi tiếng, đi xây chùa ở nhiều nơi.

Năm 22 tuổi, chàng trai Lâm Phen tình nguyện lên đường nhập ngũ sang chiến trường Campuchia chiến đấu. Thời gian này, lúc rảnh rỗi, Lâm Phen thường sang nhà người nghệ nhân gần đó học nghề làm nhạc cụ. Từ chỗ học cho biết biến thành niềm đam mê, người lính trẻ lúc bấy giờ quyết tâm học cho kỳ được cách làm những loại nhạc cụ đặc trưng của dân tộc mình.

Ba năm trên đất Campuchia, vừa chiến đấu vừa học nghề, Lâm Phen làm được nhiều loại nhạc cụ như dàn nhạc ngũ âm, đờn cò, đờn gáo, đờn Tà Khê, trống tay. Xuất ngũ về quê sinh sống, Lâm Phen tiếp tục làm nghề mộc.

Năm 1991, ông quay lại với đam mê làm nhạc cụ dân tộc, các sản phẩm do ông làm ra nổi tiếng khắp vùng; trong đó, đáng kể nhất là dàn nhạc ngũ âm gồm bảy loại nhạc cụ khác nhau, có năm âm sắc phát ra từ năm chất liệu gồm sắt, da, đồng, gỗ và hơi (kèn). Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nghệ nhân chế tạo được loại nhạc cụ này hiện còn rất ít.

Năm 1997, Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh được đầu tư xây dựng, nghệ nhân Lâm Phen được mời tham gia chế tạo, phục chế lại các hiện vật văn hóa gắn liền với cuộc sống người Khmer Trà Vinh như nhà sàn, một di sản văn hóa của người Khmer Nam Bộ để thích nghi với điều kiện thường xuyên ngập nước và chống lại tấn công thú dữ lúc còn hoang sơ; nhà Tha La, nơi nghỉ chân người đi đường; nhà thờ ông Tà, phong tục thờ đá của người Khmer; các loại nông ngư cụ, vật dụng trong sinh hoạt trong gia đình của người Khmer Nam Bộ; các loại nhạc cụ dân tộc dân gian, trang phục dân tộc.

Ông Lâm Phen đã phục chế thành công mô hình nhà chính điện của chùa Khmer, một công trình hội đủ sự độc đáo về kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc lâu nay được xem là niềm tự hào của người Khmer Nam bộ.

Với bàn tay khéo léo, chịu khó tìm tòi học hỏi từ các tài liệu văn hóa Khmer Nam bộ và sưu tầm trong đời sống dân gian cùng sự trợ lực của người bạn thân là ông Thái Chợt, một nhà nghiên cứu văn hóa Khmer khi còn sống nên những hiện vật ông phục chế giống y như nguyên mẫu và được ngành văn hóa Trà Vinh công nhận đúng kỹ thuật, đúng với nguyên mẫu của từng loại hình di tích văn hóa tương ứng.

Không dừng lại ở việc sưu tầm, phục chế các hiện vật văn hóa vật thể, nghệ nhân Lâm Phen còn ngày đêm lặn lội khắp các phum, sóc để sưu tầm, bảo lưu những giá trị phi vật thể của người Khmer Nam Bộ đang có nguy cơ bị thất truyền.

Năm 2008, Cục di sản văn hóa kết hợp với Bảo tàng Trà Vinh phục dựng lại nhạc cưới của dân tộc Khmer, nghệ nhân Lâm Phen được chọn là người đi sưu tầm và truyền dạy cho thanh niên Khmer loại nhạc độc đáo này. Khóa học đầu tiên có tám học viên là thanh thiếu niên người dân tộc Khmer, mỗi khóa học năm tháng, học viên có thể chọn từng loại nhạc cụ theo sở thích để học.

Sau khóa học đầu tiên, các học viên có năng khiếu sẽ tiếp tục học các lớp về chế tạo các loại đàn, cách phân biệt âm thanh của từng nhạc cụ... Học viên Thạch Sôvan Môni tâm sự, em thích học đàn từ nhỏ nên xin vô lớp học. Thầy Lâm Phen dạy nhiệt tình nên em cố gắng học.

Không những am hiểu văn hóa dân tộc, có công lớn trong sưu tầm, khắc họa, lưu giữ, bảo tồn văn khóa vật thể và phi vật thể bao thế hệ của người Khmer Nam Bộ, nghệ nhân còn có giọng hát mượt mà và chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ Khmer.

Ông cũng là người có công thành lập Đội trống Sa Văng ở xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, người thầy tâm huyết đào tạo lớp trẻ Khmer ở Trà Vinh nói riêng và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung chế tạo, sử dụng thành thạo các nhạc cụ để bảo tồn và phát huy Văn hóa Khmer Nam bộ đang có nguy cơ bị mai một.

.Theo Vietnam+

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ông già hơn 50 năm sưu tập tài liệu về Bác Hồ   (11/05/2010)
Công nhận di tích lịch sử lăng mộ Tiến sĩ Mai Thế Quý   (09/05/2010)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp- Người làm thay đổi lịch sử  (07/05/2010)
Nhà thờ Bác ở vùng sơn cước  (05/05/2010)
Đội Hoàng Sa - từ lịch sử đến tâm thức dân gian  (28/04/2010)
Lễ hội Mai An Tiêm   (27/04/2010)
Bài 2: “Đánh thức” di sản ngủ quên  (26/04/2010)
Bài 1: Bức tường xếp đá hoàn hảo  (25/04/2010)
Từ kinh đô Văn Lang đến Thăng Long - Hà Nội  (20/04/2010)
Đánh thức di sản độc đáo bị lãng quên 200 năm  (18/04/2010)
Lễ hội Đền Hùng qua nghìn năm lịch sử  (15/04/2010)
Vũ khí cha ông ta: Hỏa khí  (13/04/2010)
Bí ẩn cuộc đời danh tướng Phan Văn Lân  (12/04/2010)
Phát hiện 37 sắc phong triều Tây Sơn ở xứ Nghệ  (11/04/2010)
Bia Tiến sĩ Văn Miếu - báu vật của quốc gia  (08/04/2010)