Đền Hùng - Quốc tổ cuối trời nam
17:10', 16/5/ 2010 (GMT+7)

Nhỏ bé, heo hút, quê mùa và chỉ được xây cất bằng vật liệu đơn sơ với quy mô khiêm tốn, nhưng sau hơn nửa thế kỷ hình thành, đền Hùng - Quốc tổ ở làng Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) luôn mang trong mình tầm vóc sừng sững của ngọn núi hào khí "con Hồng, cháu Lạc".

 

Cụ Đào Xuân Đoàn (người đọc văn tế) là một trong những người sáng lập đền Hùng - Quốc tổ ở Đông Bình.

 

Vào ngày 22.4 vừa qua, ngôi đền Quốc tổ cuối trời Nam này được cả nước hướng về với tất cả sự ngưỡng mộ bởi Kiên Giang là 1 trong 9 địa phương được chọn tổ chức lễ hội quốc gia Giỗ tổ Hùng Vương năm 2010.

“Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”

Tôi đến Đông Bình với tâm trạng háo hức diện kiến ngôi đền Quốc tổ lâu đời nhất trên ĐBSCL. Sau bao hăm hở, náo nức, chúng tôi đã không khỏi bất ngờ ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ngôi đền không hoành tráng về quy mô, không lộng lẫy về trang trí, thậm chí còn quá mộc mạc và đơn sơ đến mức nao lòng...

Tuy đang bận “vắt giò lên cổ”, nhưng anh Trịnh Đức Tiến - Trưởng phòng Văn hoá – Thông tin huyện Tân Hiệp - vẫn niềm nở giải thích: “Ngôi đền do người dân ấp Đông Bình tự lập cách nay hơn nửa thế kỷ. Khi đó, đời sống của bà con còn lắm khó khăn. Nhưng đằng sau cái đơn sơ, mộc mạc về vật chất ấy là cả một câu chuyện đầy tính nhân văn. Trong số những người thành lập đền, hiện còn cụ Đào Xuân Đoàn...”.

Sinh năm 1923, năm nay đã 88 tuổi, nhưng vừa nghe nhắc đến đền Hùng - Quốc tổ, đôi mắt mờ đục màu thời gian của cụ Đoàn bỗng sáng quắc. Giọng chắc nịch, cụ kể: Đền do những người dân gốc Bắc dựng lên vào năm 1957 với tâm nguyện làm nơi tưởng nhớ cội nguồn của “con Hồng, cháu Lạc”. Tuy nhiên, để giữ được đền, không chỉ có mồ hôi, nước mắt. Công đầu thuộc về “tứ trụ”: Lưu Thái Dương, Phạm Văn Đình, Bùi Văn Phát và Nguyễn Văn Thoại”.

Ông Phan Trường Chiến - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Kiên Giang - nhận xét: Đền Hùng - Quốc tổ ở Đông Bình xứng đáng là biểu tượng của hào khí “con Hồng, cháu Lạc”, bởi đây không chỉ là kết quả của diệu kế “dùng gậy ông đập lưng ông”, mà còn thể hiện ý chí bất khuất trước kẻ thù với những cuộc đấu tranh quyết liệt, lâu dài và bền bỉ”.

Theo ông Chiến, ngôi đền được hình thành ngay trên vị trí ngôi nhà mà chính quyền Ngô Đình Diệm dựng lên để làm nơi cấp phát nhu yếu phẩm cho bà con di cư từ các tỉnh phía bắc. Khi việc cấp phát nhu yếu phẩm kết thúc, căn nhà được tận dụng làm trạm y tế. Lúc này “thủ lĩnh” các tôn giáo cũng lăm le xin ngôi nhà và phần đất rộng 3ha này để khuếch trương bổn đạo. Biết được ý đồ của họ, các vị bô lão đã nảy ra sáng kiến xin khu đất làm đền Hùng - Quốc tổ, là tổ chung của cả dân tộc, đó là năm 1957.

Thoạt đầu, chỉ có người dân trong ấp Đông Bình mang phẩm vật tự sản xuất mang đến cúng vào các dịp lễ tết, nhất là ngày mùng 10 tháng ba âm lịch. Dần dần tiếng thơm lan xa, nhiều người dân trong vùng tìm đến. Thấy vậy, chính quyền ngụy Sài Gòn tìm cách gây khó. Để bảo vệ đền, người dân nơi đây đã thực hiện nhiều cuộc đấu tranh trực diện, thậm chí hàng chục lần cử đại diện lên Sài Gòn đấu tranh trực tiếp với chính quyền ngụy, trong đó có cả Tổng thống ngụy Ngô Đình Diệm.

Trước áp lực của lòng dân, chính quyền ngụy Sài Gòn buộc phải nhượng bộ, cho người dân sử dụng ngôi đền và 3ha đất xung quanh...  

Chí khí lớn trong ngôi đền nhỏ

Tuy chỉ rộng 80m2 và được dựng lên bằng cây lá đơn sơ, nhưng ngay từ ngày đầu hình thành, đền Hùng - Quốc tổ Đông Bình đã nổi tiếng bởi sự hoành tráng về nội lực. Điều này không chỉ được thể hiện qua cách bày trí trang nghiêm, mà còn bởi ý nghĩa thâm thuý mà các bậc lão nho đất Bắc dày công tạo dựng. Đền được thiết kế theo kiến trúc 3 gian, tái hiện phần hồn của đền Hùng Phú Thọ vốn có 3 đền là đền Hạ, đền Trung, đền Thượng.

Trong đền có 2 bàn thờ, thờ các vua Hùng, các vị minh quân và thờ cửu huyền thất tổ. Bàn thờ các vua Hùng, các vị minh quân là bàn thờ chính, với bài vị do cụ Đoàn sáng tác theo lối cây nhà lá vườn: “Lịch triều chư thánh vương thánh vị”, nghĩa là từ Hùng Vương đến các triều đại. Đây cũng là nét chủ đạo tạo nên nét đặc sắc của đền Hùng – Quốc tổ Đông Bình trên phương diện liễn đối.

Tuy chỉ tự nhận là bậc sơ học chữ nghĩa của Thánh Hiền, nhưng toàn bộ hoành phi, liễn đối trong đền do cụ Đoàn sáng tác đều mang ý nghĩa ngợi ca, tôn vinh công đức vô biên của Quốc tổ với màu sắc khác lạ, như: “Đức triệu sơn hà hùng cứ Văn Lang xuân tuyệt đối/ Công sinh chủng tộc vương ân Hồng Lạc tụng vô biên”.

Ngay cả khi trích dẫn điển xưa tích cũ, cụ Đoàn cũng luôn tìm cách khoác lên lớp vỏ xưa cũ ấy ý nghĩa nội sinh mới, mà bức hoành phi “Khắc phối thượng đế” (tạm hiểu là ngang hàng thượng đế) đặt tại nơi trang nghiêm trong đền là trường hợp điển hình. Đây là 4 chữ trong đoạn văn trích từ sách Đại học – 1 trong “Tứ thư” của Trung Quốc: “Ân chi vị táng sư, khắc phối thượng đế - nghi giám du Ân, tuấn mệnh bất dị”. (Nhà Ân (lúc thịnh trị) luôn được xem ngang hàng thượng đế - nên noi gương nhà Ân...).

Đây là sự so sánh táo bạo: Vua Hùng ngang tài, ngang đức với nhà Ân - triều đại đầu tiên của Trung Quốc. Không chỉ có vậy, điều khiến cụ Đoàn tâm đắc nhất là câu hoành phi vừa ca tụng Quốc tổ Hùng Vương, vừa nêu bài học ngàn vàng cho tất cả chúng ta ngày nay và thế hệ mai sau là lấy dân làm gốc.

Nâng cánh bay lên tầm cao mới

Ngày 22.4, đền Hùng - Quốc tổ ở Đông Bình long trọng khai hội Giỗ tổ Hùng Vương năm 2010 với tư cách là 1 trong 9 địa phương trong cả nước được phép tổ chức lễ hội quốc gia này. Đây là cột mốc đánh dấu bước khởi đầu cuộc đầu tư đưa ngôi đền từ chỗ tự phát, dân gian vươn lên tầm cao của lễ hội chính quy, hiện đại. “Đền Hùng - Quốc tổ Đông Bình có được ngày hôm nay là nhờ công rất lớn của đồng chí Huỳnh Vĩnh Ái, hiện là Thứ trưởng Bộ VHTTDL” - Trưởng phòng Văn hoá – Thông tin huyện Trịnh Đức Tiến - người gắn bó với ngành văn hoá gần 20 năm qua - nhớ lại.

Năm 1998, khi vừa nhận chức, một trong những chỉ đạo đầu tiên của Bí thư Huyện uỷ Tân Hiệp Huỳnh Vĩnh Ái là tổ chức, hướng dẫn, đầu tư đưa hoạt động của đền theo quy chế lễ hội nhà nước. Sau bước đột phá này, ngôi đền không ngừng được nâng cao tầm vóc với những con số biết nói: Ngày 3.9.2004, được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh. Năm 2005, được tỉnh phê duyệt kinh phí trên 500 triệu đồng thực hiện trùng tu, tôn tạo và mở rộng diện tích lên 6.935m2.

Trong hai năm (2007-2008), được tỉnh tiếp tục đầu tư gần 1,7 tỉ đồng làm hàng rào, xây bờ kè, trồng cây xanh. Đặc biệt, ngày 29.10.2008, lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Kiên Giang trực tiếp chỉ đạo tiếp tục trùng tu, tôn tạo, mở rộng di tích ngôi đền lên 20.000m2. Hiện tỉnh Kiên Giang đang tập trung tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh ngôi đền.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Huân - Giám đốc Ban quản lý di tích tỉnh Kiên Giang - cho biết: Công trình có kiến trúc đẹp, có sức sống dài lâu, được xây trên nền tảng tái hiện cách điệu 3 đền chính của đền Hùng Phú Thọ là: Đền Hạ, đền Trung, đền Thượng theo phong cách kiến trúc tổng hoà giữa truyền thống dân tộc với đặc trưng văn minh miệt vườn Nam Bộ.

Không bao lâu nữa, trên làng quê Đông Bình sẽ sừng sững hiện lên ngôi đền Quốc tổ uy nghiêm, hoành tráng với tổng kinh phí khoảng 40 tỉ đồng được huy động từ 2 nguồn: Ngân sách nhà nước và sự đóng góp của các nhà hảo tâm trong, ngoài nước. Đặc biệt, trong khối kiến trúc đồ sộ ấy, vẫn dành riêng diện tích trang trọng cho ngôi đền mà người dân Đông Bình đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu để dựng xây, gìn giữ suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Cũng theo ông Huân, Kiên Giang đã có kế hoạch mở con đường láng nhựa nối từ QL80 vào tận đền Hùng – Quốc tổ Đông Bình để đáp ứng nhu cầu chiêm bái ngày càng tăng cao của người dân, thay cho con đường làng đã quá tải.

Một con đường hiện đại, một kiến trúc uy nghi văn minh miệt vườn do triệu tấm lòng người dân đất “Chín rồng” vun đắp sẽ là bệ phóng vững chắc cho đền Hùng - Quốc tổ Đông Bình vút bay lên tầm cao mới, rạng rỡ như viên ngọc sáng cuối trời Nam.

.Theo LĐ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nghệ nhân Lâm Phen: Người giữ hồn văn hóa Khmer   (13/05/2010)
Ông già hơn 50 năm sưu tập tài liệu về Bác Hồ   (11/05/2010)
Công nhận di tích lịch sử lăng mộ Tiến sĩ Mai Thế Quý   (09/05/2010)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp- Người làm thay đổi lịch sử  (07/05/2010)
Nhà thờ Bác ở vùng sơn cước  (05/05/2010)
Đội Hoàng Sa - từ lịch sử đến tâm thức dân gian  (28/04/2010)
Lễ hội Mai An Tiêm   (27/04/2010)
Bài 2: “Đánh thức” di sản ngủ quên  (26/04/2010)
Bài 1: Bức tường xếp đá hoàn hảo  (25/04/2010)
Từ kinh đô Văn Lang đến Thăng Long - Hà Nội  (20/04/2010)
Đánh thức di sản độc đáo bị lãng quên 200 năm  (18/04/2010)
Lễ hội Đền Hùng qua nghìn năm lịch sử  (15/04/2010)
Vũ khí cha ông ta: Hỏa khí  (13/04/2010)
Bí ẩn cuộc đời danh tướng Phan Văn Lân  (12/04/2010)
Phát hiện 37 sắc phong triều Tây Sơn ở xứ Nghệ  (11/04/2010)