Hành hương về châu xưa Vijaya, những bất ngờ kỳ thú luôn hiện ra bù đắp cho khách lữ hành sau chặng đường nhẫn nại với nắng, mưa, gió bụi. Trong khỏanh khắc lắng đọng giữa muôn trùng, tôi cơ hồ nghe văng vẳng cuộc đối thoại giữa núi sông, thành quách, đền tháp với dòng thời gian dâu bể.
Dọc những xóm làng, thị tứ, đồng mía, rừng xoài, những cỗ xe ngựa gập ghềnh từ rạng đông cho tới hoàng hôn gây cho tâm trí chút cảm giác bồng bềnh cùng quá vãng. Một quá vãng được hợp thành giữa các mặt đối lập: vĩnh hằng và phù vân, thánh thần và yêu quỷ, ngai vàng và bùn đất, sinh thành và hủy diệt...
Núi Mò O đột ngột hiện ra giữa cánh đồng, lặng lẽ nhưng không đơn độc. Núi cách biệt với một quần thể núi, sự cách biệt an nhiên của cuộc hòa hợp. Hòa hợp nhưng không dễ dãi. Trang nghiêm nhưng không xa lạ. Có người bảo rằng, gốc tên núi là Maha, núi thiêng, một cái tên có nguồn cội từ đất Phật.
Nhiều lần, tôi chiêm ngưỡng núi Maha với ý nghĩ của Govinda trong Con đường mây trắng(1): “Muốn nhận rõ kích thước một ngọn núi ta phải đứng ra xa nó; để thu nhận dạng nó vào lòng ta phải đi quanh nó; để hiểu vui buồn của nó ta phải biết quan sát nó trong mọi thời khắc của ngày của năm: lúc mặt trời mọc và lặn, giữa trưa và trong sự tĩnh lặng nửa đêm, trong những ngày mưa tối và dưới bầu trời xanh, trong tuyết mùa đông và giữa những cơm bão. Ai biết ngọn núi theo cách này, người đó sẽ đến gần với tính cách của nó, nó có tự tính sống động và đa dạng như của con người”.
Núi Mò O là một trong những thắng cảnh An Nhơn. Từ hướng bắc nhìn vào, nó có cái thế cuồng nộ của người muốn giẫm đạp phong ba để tìm đến nơi mình cần đến. Nhìn từ hướng đông lên, sự nhẫn nại trong bể khổ hằn rõ trên trán núi. Nhìn từ hướng tây xuống, tất cả dường như tựa vào đất trời một nụ cười điềm nhiên, khoan dung hỉ xả.
Chính trong một buổi sáng mùa đông ướt lạnh, tôi đã tìm thấy trong rất nhiều mưa gió, vẻ bao la minh triết của ngọn núi đầy sẻ chia với cõi người này. Truyền thuyết xưa cho biết, những mỏm đá của nó giương ra hứng gió bấc của hàng ngàn năm để biến thành kim cương. Câu chuyện đẫm vị căn cốt chân tu này lồng trong một chuyện rất thế nhân: đây là cuối cùng của long mạch, tiềm ẩn và phát tích đất đế vương. Núi sống với người, núi tạo cho người khí thiêng, người tạo thêm huyền tích cho núi. Và núi sống với quần thể núi, đó là gò Long Cốt án ngữ mặt bắc thành Đồ Bàn và Mò O là bình phong của kinh đô xưa.
Dân gian kể rằng có những cuộc Vàng và Đồng Đen đi ăn đêm. Vàng nhiều tuổi, dưới các lốt con trâu, buồng cau, nải chuối…, các loài vật và cây trái quen thuộc mà người xưa đã đúc bằng vàng ròng hoặc đồng đen. Đôi khi trong đêm, có người bắt gặp chúng đang di chuyển qua các bờ rào, lùm cây xung quanh núi Mò O. Có người bảo rằng chỉ có ai hạp tuổi, dùng khăn quyệt máu chó thì mới bắt được. Trâu Vàng hoặc trâu Đồng Đen đi ăn nhiều, ấy là những năm mất mùa đói kém. Lại có người bảo rằng đó chỉ là những chuyện hoang đường.
Đại Nam nhất thống chí chép: “Núi Mộ Ổ ở phía đông huyện, đỉnh núi có hai mũi nhọn như hình cái giá bút, phía đông có núi Tương Bì, phía đông nam có núi Tiểu Đại (có tên nữa là Cô Sơn), phía đông bắc có thành Tây Sơn, dài ước 3,4 trượng, trong thành có hồ rộng hơn 2 trượng, trong hồ có cột đá nhô đầu ra ngoài mặt nước chừng 1 thước, tương truyền do người Chiêm Thành dựng phía nam có gò đất, lại có sông Cảnh Hãn, phía tây nam có hai cây tháp là tháp Con Gái và tháp Học Trò, nay đều đổ nát” (2).
Nghìn năm trước, khi mảnh đất này giang tay đón những vận hội kinh kỳ, núi Mò O trở thành sự che chở kỳ vĩ, một vùng đất thiêng trong tâm thức hoàng triều và thần dân. Hơn hai thế kỷ trước, một lần nữa núi Mò O làm thiên chức cao quý của xứ sở đế vương, nơi đặt đô của một triều đại nông dân rực rỡ trong lịch sử dân tộc: triều Tây Sơn. Và bây giờ, núi đứng đó trong sắc trời kinh xưa, uy nghi, trầm mặc Núi nhã nhặn như một bậc chân tu, minh triết mà giản phác, nhẫn nại mà an nhiên. Sách Nước non Bình Định chép: “Hòn Mò O tiếp nhận đến hai sơn mạch. Một từ Kỳ Đồng xuống. Một từ Chà Rang chạy xuống đến đầu thôn Phú Thành(Phù Cát) qua các gò Tân Nghị, Bỉnh Đức, Nghĩa Hòa… thì nhập với mạch Kỳ Đồng vào Mò O, thành “Lưỡng Long nhập thủ” nghĩa là hai con rồng vào một chiếc đầu. Và hòn Mò O là “Đình Tức Long” tức là “Con Rồng dừng lại để thở” rồi chạy xuống bảy hòn núi đất ở Chánh Mẫn(Phù Cát) cách chừng ba cây số mới dừng lại”(3).
Có thơ về núi Mò O:
Dừng bước chốn đồng không
tách khỏi những điệp trùng
chan hòa và đơn độc
ngửa cổ hứng ngàn năm gió bấc
ruột đá ngấn kim cương
Ký ức ấm nồng và rét mướt
một Đồ Bàn u mặc khói sương
Châu xưa Vijaya
những nẻo đường vinh hoa
những nẻo đường lửa khét
lều tranh và ngai vàng nô tì và thế phiệt
nước lã và máu đào sinh thành và hủy diệt
tu sĩ và quỷ ma
tượng thần và đất sét
Trong thinh không những áng mây bay về
cóc nhái kêu lũy thành thao thiết
Có nỗi lặng im hàm chứa thét gào lớn hơn mọi thét gào
có những lớp tro than gìn giữ đượm nồng cao hơn mọi vàng son nhung lụa
và đền tháp vương quyền ngạo nghễ với thời gian
hằng nương tựa hơi thở người lam lũ
Đỉnh núi soi xuống đáy sông ẩn ngữ
Kinh truyện của tất thảy sinh linh bấu víu dưới gầm trời
----------------------------------------------------------------------------
(1). Nxb. Trẻ, tp Hồ Chí Minh 2000.
(2) Đại Nam nhất thống chí tập 3, Nxb. Thuận Hóa, Huế 1977, tr.27
(3). Nước non Bình Định, Nxb. Thanh niên 2000. |