Là người ngay thẳng sáng suốt, Quang Trung không đổ vấy lỗi phá phách ở Văn Miếu cho Trịnh Khải, kẻ thù đã bị ông đánh đổ. Ông xác nhận "trăm nghìn hãy cứ trách bồi vào ta".
Văn Miếu Hà Nội được lập từ năm 1070 đời Lý Thánh Tông. Ðấy là nơi thờ Khổng Tử và là trường học của con cái vua quan đồng thời là nhà chứa ván in sách và in sách của nhà nước để ban bố trong toàn quốc.
Vào thăm Văn Miếu, qua cửa Ðại Trung đến gác Khuê Văn, đứng trông vào phía trong, ta thấy phía hai bên giếng Thiên Quang mỗi bên có hai dãy bia gồm 82 cái. Kể từ khoa thi năm 1442, lệ triều Lê định việc dựng bia khắc tên các vị đậu tiến sĩ (những ông nghè) để làm kỷ niệm, cho nên dân gian có câu:
Bảng vàng bia đá nghìn thu
Trải qua những cơn loạn lạc cuối triều Lê, nhà bia Văn Miếu bị đốt cháy, bia đá bị đạp đổ. Nông dân trại Văn Chương (ở gần Văn Miếu) không đành lòng khi nhìn thấy cảnh hoang tàn của một di tích văn hóa lâu đời của dân tộc. Họ nhờ một nhà nho là Hà Năng Ngôn (tức Tam Nông tiên sinh) là quân sư bí mật của Quang Trung làm một bài sớ gửi Quang Trung xin dựng lại nhà bia Văn Miếu. Bài sớ làm năm 1789 có những đoạn như sau:
Chúng tôi một lũ dân cấy hái,
Trái mùa sinh vào trại Văn Chương.
Trong khi cày ruộng cuốc nương,
Vành ngoài trông vọng cung tường miếu văn.
Có một thá (*) băn khoăn trong dạ.
Mượn thầy nho phô tả ra tờ.
Dám mong lọt cửa quân cơ,
Gió nam đưa tới dưới cờ ngài Quang Trung:
Bốn năm trước, giữa năm Bính ngọ (1786),
Ngài đem quân ra thú Bắc hà,
Oai trời sấm sét thoảng qua,
Cơ đồ họ Trịnh bỗng ra tro tàn.
Bia tiến sĩ vô can vô tội,
Mà vạ lây vì nỗi cháy thành.
Bia thì đạp đổ tung hoành,
Nhà bia thì đốt tan tành ra gio.
Có kẻ nói:
Tội ác ấy là do Trịnh Khải,
Lúc sa cơ hắn phải trốn ra.
Dặn về thuê kẻ côn đồ,
Phá bia tiến sĩ để cho bõ hờn.
Có kẻ nói:
... Hay chăng quân lính nhà Ngài
Trong khi xung sát ra oai thi hùng.
Bia tiến sĩ bỗng không mà đổ...
*
Chúng tôi chiếu lại hai lời ấy.
Sự thực hư chưa thấy rạch ròi.
Song le việc đã qua rồi,
Chẳng chi bới móc tìm tòi uổng công.
Chỉ xin được Ngài trông vì nước,
Dựng lại bia cho được y nguyên.
Trước là giáo dục kẻ hiền,
Sau là văn mạch (**) dõi truyền dài lâu.
Vua Quang Trung rất lưu tâm đến công việc văn hóa và mở rộng giáo dục. Ông muốn dùng chữ nôm, tiếng nôm trong các chỉ thị, thư từ để dân dễ hiễu. Năm 1786 trước khi tiến quân ra bắc, ông đã sai thảo tờ hịch bằng chữ nôm kể tội họ Trịnh. Năm 1788 ông lại tự tay viết thư bằng tiếng nôm gửi cho nhà nho Nguyễn Thiếp. Sau khi lên ngôi, những mệnh lệnh của triều đình Quang Trung phần lớn viết bằng chữ nôm. Ông sai dịch các sách chữ Hán ra chữ nôm dạy cho học trò học. Thi cử cũng dùng chữ nôm. Trên cơ sở đó, ông muốn mở rộng trường học xuống tận xã, chỉnh đốn lại việc học, việc thi để đào tạo những quan lại có năng lực. Lẽ tự nhiên đối với Văn Miếu, một thứ "trường đại học" của thời phong kiến, một di tích văn hóa quý giá của dân tộc, Quang Trung cũng phải lưu ý. Nhưng vì quá bận các công việc quan trọng cấp bách khác, ông chưa tới thăm Văn Miếu được.
Trong tờ sớ gửi Quang Trung, nông dân Văn Chương có ý trách:
Kề cửa Khổng sân Trình gang tấc,
Ðào tạo nên nhiều bậc anh tài,
Một nền văn hiến lâu dài,
Tiếc thay chưa được đón Ngài ngự thăm!
Nhưng nông dân Văn Chương tin rằng nếu Quang Trung biết đến việc phá phách ở Văn Miếu, thế nào ông cũng cho sửa chữa lại. Chính vì vậy họ không hề ngại mình thân phận dân cày, mạnh dạn viết thư cho vua. Mà thực ra xưa nay chưa hề có việc ấy bao giờ!
Quả nhiên, nhận được tờ sớ của nông dân Văn Chương, Quang Trung đã phê ngay vào tờ sớ:
Thôi, thôi, thôi việc đã rồi
Trăm nghìn hãy cứ trách bồi vào ta
Nay mai dọn lại nước nhà,
Bia nghè lại dựng trên tòa muôn gian.
Cơ đồ họ Trịnh đã tan,
Việc này cũng đừng đổ oan cho thằng Trịnh Khải!
Thật đặc biệt. Một ông vua mà lại phê chỉ thị bằng thơ lục bát, thể thơ độc đáo của nhân dân Việt Nam! Và Quang Trung quả là người ngay thẳng sáng suốt. Ông không đổ vấy lỗi cho người khác, dù là cho kẻ thù đã bị ông đánh đổ. Ông xác nhận là lỗi của quân Tây Sơn. Và cảm thông với thái độ đúng đắn và xây dựng của nông dân đối với di tích văn hóa, ông hứa sẽ cho dựng lại bia nghè và nhà bia ngay. Sau đó, theo lệnh Quang Trung, các quan Tây Sơn ở Bắc thành đã bỏ tiền công ra tu sửa ngay Văn Miếu và dựng lại các bia tiến sĩ.
(*) Có một điều
(**) Nền văn hóa dân tộc
. Theo chinhphu.vn
|