Nhà thơ Quách Tấn và bài Văn tế Vua Quang Trung
16:39', 6/6/ 2010 (GMT+7)

Quách Tấn (1910-1992)

Quách Tấn (1910–1992 ), thi sĩ, nhà văn, hiệu Trường Xuyên, tự Đăng Đạo, sinh ngày 4.1.1910 tại làng Trường Định, huyện Bình  Khê, tỉnh Bình Định (nay thuộc xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), Sống và làm việc ở Nha Trang từ năm 1940 đến ngày qua đời. Thuở nhỏ ông học chữ Hán ở nhà với cha, đến năm 12 tuổi chuyển sang học chữ Pháp và Quốc Ngữ . Năm 1929 đậu bằng Thành chung, được bổ làm việc tại tòa sứ Huế , Nha trang ….

Trước thế chiến thứ 2, ông từng cộng tác với các báo : An Nam tạp chí , Tiếng dân , Phụ Nữ tân văn, Tiểu thuyết thứ bảy … Lúc viết báo, làm thơ, ông chơi thân với Hàn Mặc Tử, Bích khê, Chế Lan Viên, đương thời gọi là Bàn Thành Tứ Hữu (bốn người bạn ở đất Đồ Bàn – Bình Định)

Sau năm 1945, ông tản cư về Bình Định, tham gia công tác Bình dân học vụ, dạy ở Trung học Bình Định, là thành viên của Mặt trận Liên Việt huyện Bình Khê. Hòa bình lập lại (1954 ), ông hồi cư về Nha Tang; đi làm công chức ở Quy nhơn; có lúc làm Phó Tỉnh trưởng tỉnh Bình Định ..Rồi về hưu trong năm 1965 tại Nha Trang ..

Quách Tấn là một nhà thơ cổ điển (Đường luật) Việt Nam. Theo Nguyễn Hiến Lê (1 ) “Ông là nhà thơ Đường siêng năng nhất Việt Nam.” 

 Ông từng có hơn 1500 bài thơ Đường, trong dó có khoảng 900 bài cận thể , thất tuyệt , ngũ tuyệt…trên 400 bài lục bát và chỉ có một số ít đã in (đã xuất bản)  trong các tập “Mùa cổ Điển”, “Mộng Ngân Sơn”, “Đọng Bóng Chiều”, “Tố Như Thi” …Nhưng dầu ở thể thơ gì thì thơ Quách Tấn vẫn có cảm xúc mới, ý lạ mà nồng nàn, khiến người đọc rung động, bồi hồi theo nỗi lòng cô đơn lắng đọng, yêu đời của tác giả; hoặc đìu hiu như bên bờ sông lạnh …Đó là tiếng hư không vọng về từ cõi âm:

Bờ nghiêng lau lách bóng sương lồng,

Trăng muộn vàng  canh cánh mặt sông,

Đời mới khói mây chìm bóng mộng ,

Gọi đò một tiếng lạnh hư  không!                         

Hoặc dạt dào tình cảm mà không bi lụy như bài Mộng thấy Hàn Mặc Tử :

Ơi Lệ Thanh! Ơi Lệ Thanh !

Một gấc trưa nay lại gặp mình.

Nhan sắc châu sa màu phú quý

Tài ba bút trổ nét tinh anh,

Rượu tân thu cũ say sưa chuyện,

Hương lạ trời cao bát ngát tình,

Tôi khóc tôi cười vang cả mộng            

Nhớ thương đưa lạc gió quanh mình. 

Đúng Quách Tấn là nhà thơ cổ điển (như tên gọi một thi phẩm của ông), rất chung thủy với thơ Đường của văn học Việt Nam. Nhưng có điều đáng suy ngẫm là thơ họ Quách không cổ, không lỗi thời với tháng năm trong tiến triển của thơ Việt. Bên cạnh  nhà thơ cổ điển này-Quách Tấn thi sĩ – còn là văn sĩ viết văn xuôi rất sung mãn; đó là Nhà Tây Sơn (1988); Đôi nét về Hàn Mặc Tử (1972); Đời Bich Khê(1971); Thi Pháp Thơ Đưong (1978), Mà đặc sắc nhất là hai cuốn có tính địa phương chí; Non nước Bình Định (1968), Xứ Trầm hương (1969) mang phong cach văn chương, đầy tính nghệ thuật. Song ít ai biết đến một tài lạ khác là Quách Tấn có khiếu viết Văn Tế cac Danh nhân Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu một trong nhiều bài văn tế mà ông dã sáng tác.

 

Đồng bào Bình Định Tế Vua Quang Trung    

                  -Ngày Kỷ niệm Đống Đa-

 

Than ôi !

Dòng Côn thủy mây lồng thức gấm

Mãn vui tình mai liễu đọ xuân

Đỉnh Tây Sơn sóng cuộn sóng tùng

Chạnh tưởng đức anh hùng cứu quốc.

Nhớ tôn linh xưa ;

Khí cốt lăng tằng,

Anh tư khôi đặc;

Sưc điều binh, tài khiển tướng

Hạng Võ , Lưu Bang;

Lòng trọng sĩ, lượng tôn hiền

Văn Xương , Huyền Đức,

Tình đất nước giận cơn chia xẻ;

Lưỡi gươm trần dẹp loạn cứu dân.

 

Nghĩa Bắc Nam trải dạ gắn hàn,

Thân áo vải giúp Anh dựng nước.

Quy Nhơn biển lặng , rưc rỡ ánh tường vân,

Thuận Hóa trời cao , chói chang vầng bạch nhật.

Xiêm phô áo phủ,

Trên chín trùng toan mối trị bình,

Vuốt dũa nanh mài,

Ngoài muôn dặm rắp tâm xâm lược.

Cõng rắn tội kìa ai?

Bắt hùm tay sẵn chước;

Tế Trời Đất, đàn giao cao vút núi,

Bóng tinh kỳ sáng dọi buổi Đăng quang;

Nhìn non sông khí giận ngất tầng mây;

Tiếng hiệu lệnh sấm vang giờ xuât phát;

 

Hùng binh mười vạn hăng hái hy sinh                              

Chiến tượng hai trăm tinh tường trận mạc

Lòng một quyết ra tay hàng hổ

Hẹn nước non ca khúc khải hoàn sau;

Chỉ mười ngày dẹp giống sài lang,

Cùng tướng sĩ chung vui Nguyên đán trước.

Cạn lời ủy lão , trống dục cờ giong ; 

Dốc dạ truy tìm, non băng biển vượt.

Ngày ba mươi tháng chạp , sông Giản Thủy dồn binh;

Đêm mồng ba tháng giêng , đồn Hạ Hồi hãm giặc.

                                          

Đánh trận này tiếp trận khác, sấm dậy chớp giăng;

Xong đồn nọ tới đồn kia , ngói tan dá nát.

Khuya mồng bốn gió sương mờ mịt,

Đót hương rừng lửa đỏ, khiến ba quân liều chết chớ lui;

Sáng mồng năm voi ngựa sẵn sàng,

Quấn cổ thước khăn vàng , quyêt một trận chẳng hơn thì thác. 

Thế giặc dẫu binh đông tướng dữ;

Thuốc súng chôn quanh thành, chông sắc cắm khắp lũy

Thêm bốn bề đạn rạt rào mưa;

 

 Quân ta nhờ trí sáng gan bền,

Ván dày cột thành cốt ,rơm ướt phủ làm bì,

Hè một rập , sức cuồn cuộn thác.

Ầm tiếng pháo , Ngọc Hồi kíp hạ,

Sông máu láng lai;

Thúc chân voi , Khương thượng gần thâu,

Núi thây chồng chất.

Nghi Đống liệu khôn bề sống sót,

Vội vàng treo cổ! Đống Đa!

Sĩ Nghĩ may tìm được lối ra;

Hớt hải thoát thân mãn Bắc.

Ngoài ải sôi gió tan mùi sát khí,

Niềm hân hoan nhuộm thắm đất sơn xuyên.

Vào Thành Long cờ rợp bóng vinh quang ;

Áo chiến thắng phủ đen hồn đạn dược .

Mười ngày hẹn trước trời đất chứng lời vàng;

Hai bận vui xuân , cỏ hoa mừng tiệc ngọc,

Lửa tạnh hề biên cương,

Nền cao hề xã tắc.

Tiếng anh dũng nước mây lừng lẫy sấm.       .   

Triều Mãn Thanh bóp bụng sống chung trời.

Chí đấu ranh son sắt vững vàng non,

Mi ền Lưỡng Quảng quyết tâm đòi lại đất!

                

 Nhưng than ôi !

Tấm gan rèn đá Trời , chửa vá xong ,

Đỉnh ngự chìm mây rồng sao vội khuất!

Cơ cường thịnh thiếu tay xếp đặt,

Cửi dồn thoi phút để mối tơ chùng.

Nghiệp đế vương đuối sức giữ gìn,

Thuyền thuận bến trúc theo cơn lật !

Trời Phú xuân sương gió lạnh lùng,

Biển Thị Nại bèo mây tản mát !

Bút chép sử múa men , tay đắc thế;

Trang oanh liệt son nhòa !

Nền ghi ân khuất bóng cô thôn ;

Gương anh hùng thủy nhạt!

Nối chí cả người sau toan lấp hận;

Lao công Tinh Vệ ngậm ngùi thương !

Gìn dấu linh , chốn cũ khó nguôi tình .

Lắng giọng đề quyên tê tái ruột .

 

Cũng may thay !

Lẽ tuần hoàn trời đất chẳng ngừng xoay,

Ách chuyên chế giống nòi nay đã thoát.

Trăng hào kiệt bấy lâu u ám,

Ngọn Đông phong mát mẻ vén màn sương .

Vườn anh hoa dua nở tự do,

Bút thanh nghị ngọt ngào rơi giọt móc .

                                                    

Chúng tôi nay :

Chung gọi ơn xuân

Kính dâng lễ bạc

Non xanh nước biếc , khí anh tú mơ màng,

Nỗi thẳm ngàn xa hương tinh thành bát ngát .

Dòng lịch sử mở ra ôn lại ,

Dịu dang , chữ gấm dệt lời hoa ,

Tranh vĩ nhân mở rộng xem chung,

Lộng lẫy chỉ vàng treo bóng ác .

Hầm Hồ con cá nhảy ,

Trong bóng mây thấp thoáng bóng rồng.

Trưng lĩnh cánh diều bay ,

Theo tiếng gió nhịp nhàng tiếng nhạc...

 

Linh thiêng xin chứng.     

Q.T phụng soạn                    

. Theo vanhoanghean.vn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vua Quang Trung với bia tiến sĩ ở Văn Miếu Hà Nội  (03/06/2010)
Festival Huế 2010: Nơi hội tụ của các nền văn hóa   (01/06/2010)
Bắc thành thời Tây Sơn: Những gương mặt tiêu biểu  (27/05/2010)
Bộ xương của người rừng   (24/05/2010)
"Vương quốc" của người Việt cổ  (21/05/2010)
Về Pác Bó nghiêng mình trước Bác  (19/05/2010)
Tính cách núi  (17/05/2010)
Đền Hùng - Quốc tổ cuối trời nam  (16/05/2010)
Nghệ nhân Lâm Phen: Người giữ hồn văn hóa Khmer   (13/05/2010)
Ông già hơn 50 năm sưu tập tài liệu về Bác Hồ   (11/05/2010)
Công nhận di tích lịch sử lăng mộ Tiến sĩ Mai Thế Quý   (09/05/2010)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp- Người làm thay đổi lịch sử  (07/05/2010)
Nhà thờ Bác ở vùng sơn cước  (05/05/2010)
Đội Hoàng Sa - từ lịch sử đến tâm thức dân gian  (28/04/2010)
Lễ hội Mai An Tiêm   (27/04/2010)