Thăng Long - Hà Nội thời Tây Sơn
10:7', 8/6/ 2010 (GMT+7)

Cuối thế kỷ thứ XVII, cuộc xung đột Trịnh - Nguyễn kéo dài (từ 1627 - 1672) không phân thắng bại đã khiến đất nước bị chia cắt thành Đàng ngoài và Đàng trong với giới tuyến là sông Gianh thuộc miền Bố Chính (Quảng Bình). Trong bối cảnh vua Lê - chúa Trịnh ở Đàng ngoài  suy yếu cực độ; quân lính ở kinh thành Thăng Long nổi lên gây áp lực buộc chúa Trịnh Khải phải làm theo ý của họ. Ở Đàng trong, chế độ hà khắc, ngột ngạt của họ Nguyễn đã khiến nổ ra nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân, điển hình là khởi nghĩa Tây Sơn tại phủ Quy Nhơn, gồm hai tỉnh Kon Tum và Bình Định ngày nay. Sau đó quân Tây Sơn ở vào thế bị  họ Nguyễn ở trong đánh ra, họ Trịnh ở ngoài đánh vào. Quân Tây Sơn phải thương lượng với họ Trịnh để tập trung đánh lực lượng chúa Nguyễn, đánh tan 5 vạn quân Xiêm. Mùa hè năm 1786, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy tiến công ra Bắc giải phóng Thuận Hóa, hạ thành Phú Xuân, tiến ra Đàng ngoài, kéo vào Thăng Long lật đổ chính quyền chúa Trịnh, lập lại nền thống nhất quốc gia, xóa bỏ tình trạng chia cắt Đàng trong - Đàng ngoài kéo dài 241 năm. Nghĩa quân Tây Sơn không chủ trương ở lại ngoài Bắc, nên đã trao chính quyền cho vua Lê để rút về Nam. Để gắn bó với Tây Sơn, vua Lê Hiển Tông gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ. Khi vua Lê Hiển Tông băng hà, Lê Chiêu Thống lên ngôi, Bắc Hà rơi vào tình trạng rối ren. Trong hai năm 1787 và 1788, nhà Tây Sơn phải hai lần tiến quân ra Thăng Long để dẹp loạn. Lần thứ hai Nguyễn Huệ đích thân chỉ huy tiến quân ra Bắc, trong một tháng lưu lại Thăng Long, Nguyễn Huệ đã thu nạp được nhiều sĩ phu Bắc Hà như: Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch, Vũ Huy Tấn... Nguyễn Huệ cho tổ chức lại bộ máy chính quyền Bắc Hà và đặt dưới quyền kiểm soát của quân Tây Sơn.

 

                              Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa

 

Khi chính quyền Bắc Hà thuộc về Tây Sơn, vua Lê Chiêu Thống luyến tiếc ngai vàng đã cho người sang cầu cứu nhà Thanh. Nhà Thanh đang ở giai đoạn cường thịnh, muốn bành trướng xuống phương Nam, nhân cơ hội Lê Chiêu Thống cầu viện đã cho 20 vạn quân sang xâm lược Đại Việt. Quân Thanh tràn qua biên giới nước ta. Theo kế của Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở cho hội quân ở Thăng Long, tổ chức duyệt binh lớn ở bãi sông Hồng rồi cho quân tránh thế giặc mạnh, tạm rút khỏi Thăng Long, lui về phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn “cho chúng ngủ trọ một đêm rồi đuổi chúng đi”. Được tin quân Thanh sang xâm lược, ngày 21.12.1788 tại Phú Xuân, Nguyễn Huệ làm lễ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, rồi lập tức xuất quân ra Bắc đuổi giặc. Đúng đêm giao thừa (25.1.1789) Tết Kỷ Dậu đại quân Tây Sơn vượt phòng tuyến Tam Điệp, tiến về Thăng Long. Sáng ngày mồng 5 Tết (30.1.1789), quân Tây Sơn đồng loạt tấn công hai đồn Ngọc Hồi và Khương Thượng (Đống Đa). Kỵ binh tinh nhuệ của giặc ra nghênh chiến, sau vài lần giáp chiến, quân Thanh không chống cự được phải rút vào đồn cố thủ. Vua Quang Trung, đích thân đốc chiến, đội tượng binh gồm 100 voi chiến mở đường, quân sĩ Tây Sơn mang mộc bện rơm, đỡ đạn xông vào đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh tan vỡ, xéo lên nhau mà chạy. Ở Khương Thượng, mũi quân của Đô đốc Long được nhân dân các làng hỗ trợ đánh trận hỏa công bao vây phá đồn. Tướng Sầm Nghi Đống khiếp sợ, thắt cổ tự tử... Kết quả, quân Tây Sơn đại phá 20 vạn quân Thanh.

Sau chiến thắng, vua Quang Trung ra lệnh cho quân sĩ và nhân dân thu nhặt xác giặc, chôn cất và sai lập đàn chẩn tế, tu sửa chùa Bộc làm nơi quy y cho quân sĩ nhà Thanh. Chủ trương và hành động này thể hiện sự nhân đạo cao thượng của dân tộc ta.

Trưa ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu, vua Quang Trung cùng đại quân vào thành Thăng Long ăn mừng thắng trận sớm hơn hai ngày. Chiến thắng Ngọc Hồi - Khương Thượng, đại phá quân Thanh đã ghi thêm vào lịch sử anh hùng của Thăng Long. Chiến công oanh liệt của vua Quang Trung và quân Tây Sơn đã giải phóng đất nước khỏi họa xâm lược nhà Thanh, đồng thời cũng đặt dấu mốc chấm dứt nạn xâm lược của phong kiến phương Bắc đối với đất nước ta.

Giặc tan, vua Quang Trung về đóng đô ở Huế. Thăng Long trở thành thủ phủ của trấn Bắc Thành. Hoàng thành Thăng Long bị đổ nát gần hết chỉ còn cửa là Đại Hưng và Đông Hoa, nhà Tây Sơn cho tu sửa, đắp lại những đoạn bị sụt đổ. Chùa Kim Liên (Nghi Tàm), chùa Tây Phương (Thạch Thất), tượng Tuyết Sơn và 18 vị La Hán được tu bổ, tôn tạo; nhiều chuông to, đẹp được đúc. Sau chiến thắng, vua Quang Trung ban Chiếu khuyến nông, khuyến khích nhân dân trở về quê cũ khai khẩn ruộng bỏ hoang, phục hồi sản xuất, ban chiếu lập học, khuyến khích các địa phương mở trường học. Lập Viện Sùng Chính để dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm, đưa chữ Nôm lên địa vị chính thức của quốc gia. Về mặt hành chính, vì không còn giữ vai trò là Kinh đô, nhưng Thăng Long thời Tây Sơn vẫn gồm 1 phủ, 2 huyện và 18 phường. Lỵ sở của trấn Bắc Thành là phủ Phụng Thiên.

Lịch sử triều đại Tây Sơn tuy ngắn ngủi, nhưng đã để lại những dấu ấn đậm nét trong trang sử Thăng Long - Hà Nội văn hiến, anh hùng. Để kỷ niệm công lao của vua Quang Trung và chiến thắng lịch sử Ngọc Hồi - Khương Thượng (Đống Đa), kỷ niệm về công chúa Ngọc Hân với cành đào đất Bắc, hằng năm vào ngày 5 tháng giêng (âm lịch), tại gò Đống Đa, nhân dân Hà Nội đều tổ chức lễ hội đầu xuân. Cùng với nhiều chính sách về kinh tế và công cuộc xây dựng đất nước, vua Quang Trung quan tâm nhiều đến xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Việc học được mở rộng và chế độ thi cử được chấn chỉnh lại nhằm đào tạo một tầng lớp nho sĩ, quan lại mới có năng lực cho chính quyền. Quang Trung ban bố Chiếu lập học, khuyến khích các xã mở trường học. Những sính đồ trúng tuyển các kỳ thi cũ phải thi lại. Những kẻ dùng tiền mua bằng cấp thời ấy gọi là “sính đồ ba quan” bị thải hồi... Sự nghiệp giữ nước của Quang Trung  cũng như những chính sách tiêu biểu của người anh hùng “áo vải cờ đào” về kinh tế, văn hóa  để lại cho đất nước và kinh thành Thăng Long những dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử đấu tranh  và  văn hiến.

.Theo baohaiduong

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhà thơ Quách Tấn và bài Văn tế Vua Quang Trung  (06/06/2010)
Vua Quang Trung với bia tiến sĩ ở Văn Miếu Hà Nội  (03/06/2010)
Festival Huế 2010: Nơi hội tụ của các nền văn hóa   (01/06/2010)
Bắc thành thời Tây Sơn: Những gương mặt tiêu biểu  (27/05/2010)
Bộ xương của người rừng   (24/05/2010)
"Vương quốc" của người Việt cổ  (21/05/2010)
Về Pác Bó nghiêng mình trước Bác  (19/05/2010)
Tính cách núi  (17/05/2010)
Đền Hùng - Quốc tổ cuối trời nam  (16/05/2010)
Nghệ nhân Lâm Phen: Người giữ hồn văn hóa Khmer   (13/05/2010)
Ông già hơn 50 năm sưu tập tài liệu về Bác Hồ   (11/05/2010)
Công nhận di tích lịch sử lăng mộ Tiến sĩ Mai Thế Quý   (09/05/2010)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp- Người làm thay đổi lịch sử  (07/05/2010)
Nhà thờ Bác ở vùng sơn cước  (05/05/2010)
Đội Hoàng Sa - từ lịch sử đến tâm thức dân gian  (28/04/2010)