Hiện vật thời Tây Sơn ở Hà Nội
13:49', 9/6/ 2010 (GMT+7)

Sau khi đánh đổ nhà Tây Sơn, vua Gia Long đã ra lệnh tiêu hủy tất cả những gì còn lưu lại hình ảnh hoặc việc làm của Tây Sơn, thậm chí trong chính sử, ông cũng bắt xóa bỏ cả phần chép về triều đại này.

 

Tượng Quang Trung bên các cận thần ở Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội.

 

Việc làm chuyên chế ấy đã khiến nhiều nhà Nho tiến bộ than phiền. Ví như cụ Đặng Xuân Bảng, đời Tự Đức, trong bài Tựa quyển Việt sử cương mục tiết yếu có viết: “… Duy sự tích đời Tây Sơn thì thời Gia Long xuống chiếu bắt hủy đi… Khoảng thời gian 15 năm tiếp sau các triều Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê nếu không thuộc về nhà Tây Sơn thì thuộc về ai? Sự tích 15 năm ấy sao nỡ một mai xóa bỏ hết cả!”.

Song lệnh của Gia Long đã không được chấp hành triệt để, nhân dân vẫn cố gắng bảo vệ những di tích và hiện vật thuộc về triều đại quang vinh này. Riêng ở Hà Nội, những kỷ niệm Tây Sơn lác đác cũng vẫn còn gặp ở các phố phường.

Trừ khu vực Đống Đa với Núi Ốc - Loa Sơn, với Núi Cây Cờ, Núi Kéo Cồng, Hồ Tắm Tượng, Giếng Tiền Dực, pho tượng Đức Ông ở Chùa Bộc (mà nhiều người cho là tượng Quang Trung) là những di tích nhiều người đã biết thì những văn vật thuộc đời Tây Sơn có thể kể ra như sau:

Chuông: ở nội thành có ba cái chuông đúc đời Tây Sơn. Một cái ở Điện Thiên Tiên tục gọi là Đền Bà Kiệu nay ở phố Đinh Tiên Hoàng nhìn sang Hồ Gươm. Chuông này đúc năm Cảnh Thịnh thứ 5 tức là năm 1797. Một cái ở Chùa Đông Môn tức Chùa Cầu Đông nay là số nhà 38A Hàng Đường, đúc năm Cảnh Thịnh thứ 8 tức 1800. Cạnh Chùa Cầu Đông là Đình Đức Môn tức là đình của Làng Đức Môn thuộc Tổng Hậu Túc, Huyện Thọ Xương cũ. Trong ngôi đình này cũng có một cái chuông mang niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8 (tức năm 1800). Duy hai chữ Cảnh Thịnh bị đục nham nhở, tuy vậy vẫn nhận ra được nét chữ.

Ngoài ba thứ tự khí kể trên, ở phạm vi thành phố ta còn có một cái khánh đồng mang niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 5 (tức năm 1797) hiện còn ở Chùa Làng Giao Tất (tên Nôm là Làng Keo, Huyện Gia Lâm).

Tại Chùa Bộc (khu phố Quận Đống Đa) cũng còn một quả chuông đề niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 3 (tức năm 1795) nhưng thực ra đó là quả chuông đã được đúc lại vào năm 1936. Trên thân chuông có một bài ký soạn năm 1936 này có ghi rõ là chuông cũ dùng đã lâu ngày, lại có phần nhỏ nên năm Bính Tý (1936) mới phá chuông cũ đúc thành chuông mới, song để bảo lưu vết cũ nên vẫn để niên hiệu cũ là Cảnh Thịnh tam niên và khắc lại cả bài ký của chuông cũ bên cạnh bài ký mới.

Bia đá: ở Chùa Bộc có một tấm bia đá gắn vào tường, đề niên hiệu Quang Trung năm thứ 4 (tức 1791). Bia này kể lại việc dựng lại Chùa Bộc, tên chữ là Chùa Sùng Phúc, vốn bị cháy trong cơn binh lửa (chỉ trận Đống Đa năm 1780). Trên bia này hai chữ Quang Trung bị cạo mờ những vẫn đọc được.

Ngoài ra, ở Chùa Bà Móc nay là số nhà 27 Phố Nguyễn Thiếp có một tấm bia niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 4 (tức năm 1796) do Nguyễn Cát Địch, Đốc học ở Quốc Tử Giám soạn. Bia này thực có giá trị vì phần nào đã phản ánh được chính sách tôn giáo của triều đại Tây Sơn.

Tại sân nghè Làng Giao Tất cũng có một tấm bia (không có tên soạn giả) được khắc vào năm Quang Trung thứ 4 (tức năm 1791), kể lại sự tích vợ chồng thành hoàng làng này là người đã giúp nhà Lý chống giặc ngoại xâm.

Văn kiện hành chính: Năm 1962, nhân đi kiểm kê các đền miếu, các cán bộ bảo tồn bảo tàng tìm thấy trong một hòm đựng sắc phong thần ở đình Thôn Vĩnh Ninh, Xã Đại Hưng, Huyện Thanh Trì (cách thị Trấn Văn Điển khoảng 2 km) hai văn kiện hành chính thuộc về đời Tây Sơn. Đó là một lệnh chỉ đề ngày 12 tháng 5 năm Quang Trung thứ 3 (tức năm 1790) và một tờ sức đề ngày 24 tháng 5 năm Cảnh Thịnh thứ 5 (tức năm 1797). Tờ lệnh chỉ có đóng ấn “Hoàng Thái Tử chi bảo” nói về cách thức thi hành chiếu Khuyến nông (do Vua Quang Trung ban bố vào năm 1789). Còn tờ sức thì có nói về việc đóng mở cống Quan thuộc địa phận 3 xã Vĩnh Hưng Đặng, Vĩnh Bảo và Vĩnh Hưng Trung thuộc Huyện Thanh Trì.

Hai văn kiện này đã được chuyển về Viện Bảo tàng lLịch sử và đã trực tiếp giúp ích nhiều cho việc nghiên cứu chính sách ruộng đất thời Tây Sơn. Cạnh đó, còn có những tài liệu gián tiếp phục vụ công tác này, đấy là những bản địa bạ của một số làng xã lập từ đời Quang Trung, ví như địa bạ Xã Định Công (Huyện Thanh Trì) và Xã Mạc Xá (Huyện Từ Liêm) hiện còn lưu trữ ở Thư viện Khoa học Xã hội.

Các văn vật khác: Tại Viện Bảo tàng Lịch sử có hai cái bát sứ ở trôn bát đề bốn chữ “Quang Trung niên tạo”, đường kính vành miệng là 20cm, cao từ trôn lên là 8cm, mặt ngoài men xanh rạn có hình vẽ cây trúc bên cạnh có câu thơ: Vị suất địa thì tiền hữu tiết (Lúc chưa ra khỏi đất, đốt đã cứng). Sổ kho Viện Bảo tàng Lịch sử còn ghi là mua được ở Bát Tràng hồi tháng 9/1911.

Kết thúc bài này, chúng tôi xin chép lại đây một bài thơ của người Hà Nội thời ấy viết về một quang cảnh Hà Nội thời bấy giờ. Trong tập Hồng Quế Hiền thi tập của Cao Huy Diệu người Làng Phú Thị (nay là Xã Phú Thị, Huyện Gia Lâm) là chú họ (hoặc bác họ) Cao Bá Quát có một bài thơ với lời tiểu dẫn như sau: “Năm Giáp Dần (tức 1794) tôi đi chơi đáp thuyền buôn. Đúng trưa đậu thuyền ở Bến Bát Tràng, thấy chợ phố đông đúc, hàng bày đầy ắp. Mái chèo qua lại tới tấp, ngoài bờ sông một bãi dài, cảnh xinh như vẽ, bèn khẩu chiếm hai bài”.

Dưới đây là 1 bài nhan đề là Bát Tràng vãn bạc (Buổi trưa đậu thuyền ở Bát Tràng) đã nói lên được sự phồn thịnh của khu vực này thời Tây Sơn:

Khinh chu ngọ bạc Đại Hà bàng

Bảng thị ngô gia Bạch thổ phường

Thiển thiển ngạn biên tân lỗi thổ

Thâm thâm châu diện thủy sinh tang

Vãng lai yếu kính phồn hoa địa

Công cổ sinh nhai phú quý hương

Dục vấn chu đầu ngâm điểu giả

Dã phi công cán dã phi thương.

Nghĩa là:

Trưa dừng thuyền bên bến Sông Cái

Đây là bến sông quê phường đất trắng

Bên bờ làn đất mới nổi

Mặt bãi nương dâu ngút ngàn

Là đất phồn hoa lại qua tấp nập

Là nơi giàu có buôn bán làm ăn

Muốn hỏi đầu thuyền ai ngắm cảnh ngâm thơ đó

Không phải lái buôn cũng không phải Quan nha.

.Theo chinhphu.vn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thăng Long - Hà Nội thời Tây Sơn  (08/06/2010)
Nhà thơ Quách Tấn và bài Văn tế Vua Quang Trung  (06/06/2010)
Vua Quang Trung với bia tiến sĩ ở Văn Miếu Hà Nội  (03/06/2010)
Festival Huế 2010: Nơi hội tụ của các nền văn hóa   (01/06/2010)
Bắc thành thời Tây Sơn: Những gương mặt tiêu biểu  (27/05/2010)
Bộ xương của người rừng   (24/05/2010)
"Vương quốc" của người Việt cổ  (21/05/2010)
Về Pác Bó nghiêng mình trước Bác  (19/05/2010)
Tính cách núi  (17/05/2010)
Đền Hùng - Quốc tổ cuối trời nam  (16/05/2010)
Nghệ nhân Lâm Phen: Người giữ hồn văn hóa Khmer   (13/05/2010)
Ông già hơn 50 năm sưu tập tài liệu về Bác Hồ   (11/05/2010)
Công nhận di tích lịch sử lăng mộ Tiến sĩ Mai Thế Quý   (09/05/2010)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp- Người làm thay đổi lịch sử  (07/05/2010)
Nhà thờ Bác ở vùng sơn cước  (05/05/2010)