Sự nghiệp vẻ vang của vua Quang Trung trong đại phá quân Thanh cũng như trong cải cách đất nước là một trong những trang sáng chói trong lịch sử dân tộc. Tiếc rằng vua Quang Trung sớm qua đời (năm 1792) sau chưa đầy 4 năm kể từ khi lên ngôi Hoàng đế năm 1788. Năm 1801, Nguyễn Ánh từ miền Nam đánh chiếm Phú Xuân; năm 1802, chiếm Thăng Long. Nhà Nguyễn lên thay Tây Sơn, tiếp tục đóng đô ở Phú Xuân, thiết lập chế độ quân chủ chuyên chế trên cả nước. Gia Long không cho dùng chữ Hoàng thành đối với Thăng Long mà gọi là Bắc Thành Tổng Trấn (thủ phủ của trấn Bắc Thành). Đàng Ngoài giai đoạn này gồm 5 nội trấn là Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương và 6 ngoại trấn. Từ đây kinh thành Thăng Long trở thành trấn rồi tỉnh thành.
|
Thềm điện Kính Thiên xưa. Ảnh TTXVN/Vietnam+ |
Quy hoạch Thăng Long - Hà Nội thời Nguyễn cũng có sự thay đổi. Vua Gia Long ra lệnh phá bỏ Hoàng thành cũ và cho xây dựng tòa thành mới theo kiểu Vô-băng của Pháp, quy mô nhỏ hơn “cho tương xứng” với vị trí của một trấn thành. Tòa thành mới theo đồ án hình vuông có chu vi 1,295 trượng (khoảng hơn 4 km), tường thành cao hơn 4m, dày 16m, phía dưới thành xây bằng đá xanh, phía trên làm gằng gạch. Trấn thành mở 5 cửa: Bắc, đông, tây, đông nam và tây nam. Bên ngoài mỗi cửa thành có Dương Mã thành (công sự bảo vệ). Trấn thành Thăng Long gần tương ứng với ô vuông mà bốn cạnh là các đường Phan Đình Phùng, Trần Phú, Lý Nam Đế và đường Hùng Vương, trung tâm của thành, chính giữa là điện Kính Thiên. Phía trước điện Kính Thiên có cửa Đoan Môn (dấu tích của Hoàng thành thời Lê) nhìn thẳng ra phía Kỳ đài (Cột Cờ). Hai bên đông và tây là công đường, dinh thự, kho tàng, trại lính... Tháng giêng năm 1819, tòa thành được sửa, đắp lại. Tháng 7 - 1820, vua Minh Mạng cho xây dựng các cung và điện. Tháng 10 - 1827 cho xây các xưởng súng trên thành. Công việc được thực hiện trong suốt 3 năm liền.
Năm 1831, Minh Mạng cải tổ lại bộ máy hành chính, bỏ các trấn, chia cả nước thành 31 tỉnh, thành. Thăng Long bị “hạ” xuống thành tỉnh Hà Nội, gồm thành Thăng Long, huyện Từ Liêm của trấn Sơn Tây và ba phủ Ứng Hòa, Thường Tín, Lý Nhân của trấn Sơn Nam. Tỉnh Hà Nội thời Minh Mạng ở trong hai dòng sông là sông Hồng và sông Đáy. Tỉnh lỵ của Hà Nội là phủ Hoài Đức (thành Thăng Long cũ), tên gọi Hà Nội bắt đầu có từ năm 1831. Năm 1835, tường thành Thăng Long bị giảm bớt chiều cao, chỉ còn hơn 3 mét. Cũng vào thời điểm này, từ việc phân định lại các khu vực hành chính trong cả nước, trấn Hải Dương đổi thành tỉnh Hải Dương, nằm về phía đông kinh thành Thăng Long (tỉnh Hải Dương còn được gọi là tỉnh Đông).
Khu vực kinh thành Thăng Long thời Minh Mạng có hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận. Thăng Long giai đoạn này không còn 61 phường như thời Trần và 36 phường như thời Lê mà chia ra thành nhiều phường nhỏ và thôn trại. Huyện Thọ Xương có 116 phường, thôn, trại. Huyện Vĩnh Thuận có 27 phường, thôn, trại. Năm 1848, vua Tự Đức cho phá dỡ cung điện ở trong thành Hà Nội, những đồ chạm trổ mỹ thuật bằng gỗ, bằng đá đưa về xây dựng kinh thành Huế. Tại khu trung tâm thành Hà Nội, nhà Nguyễn xây dựng Hành cung để vua ngự giá. Bắc Tuần, điện Kính Thiên được bảo tồn làm nơi tiếp sứ thần phương Bắc.
Nhìn chung, dưới triều Nguyễn, Thăng Long - Hà Nội mất vị trí kinh đô, quy mô thành Hà Nội bị thu hẹp, còn khoảng 100 ha. Sự phát triển kinh tế của Hà Nội nửa đầu thế kỷ XIX cũng không đồng đều. Các phường, thôn, trại phía tây và nam có xu hướng nông thôn hóa, chuyên về nghề nông có kết hợp với thủ công nghiệp. Bộ mặt đô thị dồn về phía đông và đông nam. Ở đây, phố phường xây dựng ngang dọc như bàn cờ, nhà cửa liền kề nhau. Khu phủ Chúa Trịnh bị Lê Chiêu Thống cho phá từ năm 1787. Thời kỳ này, khu vực quanh Hồ Gươm trở thành khu dân cư, buôn bán và làm nghề thủ công. Trong các phố nghề nổi tiếng có phố Hàng Thêu (nay là Hàng Trống), phố Hàng Tiện, phố Hàng Sũ ( nay là Lò Sũ). Đặc biệt, thời kỳ này còn có Hàng Da, do thợ ba làng Văn Lâm, Trúc Lâm, Phong Lâm lập ra (nay thuộc xã Hoàng Diệu, Gia Lộc, Hải Dương). Thời Lê, Hà Nội có 36 phố phường, đến lúc này còn 21 phường. Người Hoa kiều di cư sang Hà Nội khá ồ ạt, do chính sách của nhà Nguyễn có sự nhượng bộ với nhà Thanh. Hoạt động buôn bán của người Hoa kiều khá tiêu biểu. Năm 1817, Hoa kiều ở các tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đến cư trú khá đông ở phố Việt Đông, nay là phố Hàng Ngang .
Các công trình văn hóa và sinh hoạt văn hóa thời Nguyễn có nhiều biến đổi. Quốc Tử Giám dời vào Huế. Khu Văn Miếu, nhà Nguyễn cho tu sửa, xây Khuê Văn Các (gác khuê văn), xây tường bao quanh, dựng thêm hai nhà Tả vu và Hữu vu. Trong nửa đầu thế kỷ XIX, Hà Nội có thêm một số công trình mới do nhân dân đóng góp, hoặc do các quan lại địa phương vận động nhân dân quyên góp xây dựng. Năm 1842, Nguyễn Đăng Giai, Tổng đốc Hà Nội quyên tiền xây dựng chùa Báo Ân, rộng 180 gian. Năm 1865, Nguyễn Văn Siêu đứng ra sửa lại đền Ngọc Sơn, đình Trấn Ba, cầu Thê Húc, đài Nghiên, tháp Bút để khắc ghi truyền thống văn hiến của Thăng Long - Hà Nội.
Về chính trị, thế kỷ XIX, thời Nguyễn, Hà Nội là một tỉnh lỵ, không còn là đất đế đô, không có những cơ quan đầu não của triều đình, nhưng tầm quan trọng về chính trị và kinh tế vẫn rất lớn. Các sứ thần Trung Quốc, mỗi khi sang Việt Nam phong hoặc giao thiệp với nhà Nguyễn đều không vào Huế, chỉ tới Hà Nội. Mặc dù không còn vẻ bề thế, nguy nga của đế đô xưa, nhưng chiều dày văn hóa của Thăng Long - Hà Nội vẫn được nuôi dưỡng và phát huy qua truyền thống yêu nước và anh hùng, qua sức sống phong phú của nền văn hóa dân gian. Nếp sống của người Hà Nội, thời kỳ này vẫn nổi tiếng là thanh lịch, tao nhã. Hà Nội vẫn là trung tâm kinh tế - văn hóa lớn nhất của cả nước với dân cư đông đúc, nhiều thợ giỏi, nhà buôn lớn; công nghiệp, thương nghiệp phát triển; hàng thiết yếu được sản xuất nhiều phục vụ nhu cầu của nhân dân các địa phương và xuất khẩu. Trào lưu học tập của các sĩ tử Hà Nội vẫn được duy trì, tụ hội. Thời kỳ này có nhiều nhà văn hóa nổi tiếng, như: Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Vũ Tông Phan, Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Án, Phạm Đình Hổ..
.Theo Báo Hải Dương |