Dũng tướng Việt được thờ vọng ở Campuchia
9:50', 17/6/ 2010 (GMT+7)

Hiếm có bậc khanh tướng nào của nhà Nguyễn như Nguyễn Hữu Cảnh được người dân từ Quảng Bình đến Cà Mau xây đền dựng miếu thờ vọng mấy trăm năm nay. Và cũng có lẽ, ông là bậc dũng tướng duy nhất của thời đại phong kiến được người dân thủ đô Campuchia lập đền thờ từ hơn 300 năm trước.

 

Mộ Nguyễn Hữu Cảnh tại xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

 

Định hình vĩnh cửu nước Việt

Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) là dũng tướng được các đời chúa Nguyễn coi trọng bởi tài thao lược cũng như đức an bang tế thế, hộ quốc an dân. Ông sinh ra trong một gia đình dũng tướng, có cha là Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật, bào huynh Hào Lương Hầu Nguyễn Hữu Hào là bậc khai quốc công thần nhà Nguyễn. Gia đình ông định cư ở xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Thông minh hơn người, am tường binh pháp, lớn lên đánh nhiều trận thắng bảo vệ phên dậu, giúp chúa Nguyễn bình định nhiều vùng đất biên cương, ông được chúa Nguyễn Phúc Chu cử giữ chức cai cơ. Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên viết ông là một dũng tướng tài ba một nhà chính trị đầy lương tâm bác ái.

Cuối thế kỷ 17, Nguyễn Hữu Cảnh được phong chức Chưởng cơ, vâng mệnh chúa vào xứ Nam thùy. Thấy đất đai hoang vu, rộng rãi nhưng ít người ở, ông tâu lên chúa Nguyễn việc khuyến nông di dân để khai hoang mở cõi, dàn xếp biên cương. Chúa Nguyễn chấp thuận, ông huy động dân vùng Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Tín – Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quãng Ngãi) vào khai khẩn.

Lưu dân một vùng rộng lớn theo ông vào miền Nam lập nghiệp, dưới ngọn cờ của kiệt tướng Nguyễn Hữu Cảnh, dân binh cùng con dân Ngũ Quảng khai khẩn ruộng đất, lập làng, lập ấp. Ông thực hiện chính sách lập làng biển, dạy nghề sông nước, người miền rừng cho lập làng ven rừng, dạy nghề lúa nước, bày vẽ sơn tràng, ai nấy đều chí thú theo ông để đảm bảo an ninh. Tên đất, tên làng ở miền Nam dần được hình thành, ông lấy chữ “Bình” ở quê hương mình đặt tên hành chính cho nhiều vùng đất mới ở vùng mở cõi như vùng “Bình Tân” để trăm họ yên tâm định cư.

Không dừng lại ở đó, ông còn cho vỗ về người Chăm, người Hoa, và nhiều tộc người thiểu số khác bằng cách đưa họ vào bộ sổ chính thức nhà Nguyễn. Chính sách đó được ngàn vạn người dân trước đây vốn là dân ngụ cư được xem là người bản quán, vui mừng an cư lạc nghiệp. Dân vùng mở cõi xem ông như bậc thánh đức. Vì vậy mà sách Việt sử xứ đàng trong đã chép: “Năm Mậu Dần 1698 đời Chúa Hiển Tông, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đã chánh thức sát nhập đất Biên Hòa, Gia Định vào bản đồ Việt Nam, thiết lập xã, thôn”. Từ đó đến năm 1700, công lao của ông là đã khai khẩn về đến mũi Cà Mau, nước Việt đã có hình thể vĩnh cửu từ công đức tiên phong của ông.

Nhưng uy đức của ông không dừng lại ở đó, để ổn định bờ cõi, vâng mệnh chúa, ông cho quân qua thành Nam Vang (Phnôm Pênh ngày nay) để ổn định vùng đất người Chân Lạp đang nội bộ lũng củng, dân tình điêu đứng. Chiến thuyền ông đi đến đâu, được người dân đón chào nhiệt liệt, ông không sử dụng một mũi tên nào uy hiếp đối phương. Vào thành Nam Vang, ông vỗ về quan chức vua tôi Chân Lạp, không gây đổ máu mà làm yên lòng dân. Ai nấy đều ghi lòng tạc dạ.

310 năm ngưỡng vọng bậc huân hiền

Đã 310 năm ngày mất bậc huân hiền định hình đất nước xuống phương Nam, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh luôn được lòng người Nam Bộ ngưỡng vọng gọi bậc mở cõi ấy là Ông Lớn. Nhà Nguyễn ở các đời chúa, đời vua sau này đều sắc phong ông là “thần” hộ quốc, an dân, đưa vào thờ ở Thái Miếu. Nhưng tín nhiệm nhất vẫn là sự ngưỡng vọng của người dân miền Trung, miền Nam với công nghiệp của ông. Không một nhân vật lịch sử nào của thế kỷ 17, 18 được người Việt, người Hoa, người Khơme…tôn thờ, dựng đền lập miếu nhiều như Nguyễn Hữu Cảnh. Miền Nam coi ông như vị thành hoàng chiêu dân mở đất, tạo ra cuộc sống tốt tươi cho muôn đời sau, vậy nên không những xây đền, người dân Nam Bộ còn lấy tên ông đặt cho nhiều tên đất tên làng đến ngày ôm nay.

Lưu lại ở Campuchia (Chân Lạp xưa) không lâu, nhưng ông vẫn được người dân dựng đền thờ Đương Cảnh Thành Hoàng Tồn tại hơn 300 năm nay. Và An Giang là vùng đất ông đặt chân đến nhiều nhất nên nhân dân khắp tỉnh dựng đền thờ miếu vọng để nhớ mãi bậc công thần mở cõi trời Nam.

Tài liệu của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Bình có ghi rõ, dọc sông Hậu nhân dân cũng thờ ông khi ông đi ngang qua đây, xuống thuyền vỗ về thổ quan, hướng dẫn dân địa phương canh tác.

Ở Biên Hòa - Đồng Nai, nơi Nguyễn Hữu Cảnh đặt dinh Trấn Biên, có Đền Bình Kính. Mặt tiền đền đắp nổi ba chữ Nguyễn Hữu Cảnh. Người dân thân thiết gọi là Đền Ông.Người Nam Bộ mấy trăm năm thờ Nguyễn Hữu Cảnh, đến ngày kỵ giỗ hằng năm, các đền thờ khắp Nam Bộ khói hương nghi ngút, mỗi nơi cúng giỗ ông mỗi kiểu, vài ngàn người về dự lễ rước sắc, rước linh, tổ chức đua ghe hội hè linh đình. Rồi ở nơi ông chôn nhau cắt rốn, có đền Vĩnh An Hầu do nhà Nguyễn cắt xây, có đội từ phu coi giữ đền, mỗi năm lo làm 8 sào ruộng để lấy lợi phẩm từ đó để hương khói, cúng giỗ cho Đức Ông.

Nước Việt ngày nay một cõi từ Đồng Văn phương Bắc đến mũi Cà Mau rồi biển đông bao la với Trường Sa, Hoàng Sa thân thương ôm ấp. Để có được điều đó xin hãy nhớ đến một bậc huân hiền kiệt tướng có công mở cõi cho đất nước có được mảnh đất trù phú phương Nam - dũng tướng Nguyễn Hữu Cảnh.

.Theo Báo Đất Việt

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thăng Long - Hà Nội thời Nguyễn   (15/06/2010)
Võ Huy Tấn-nhà ngoại giao lỗi lạc của vua Quang Trung  (13/06/2010)
Hiện vật thời Tây Sơn ở Hà Nội  (09/06/2010)
Thăng Long - Hà Nội thời Tây Sơn  (08/06/2010)
Nhà thơ Quách Tấn và bài Văn tế Vua Quang Trung  (06/06/2010)
Vua Quang Trung với bia tiến sĩ ở Văn Miếu Hà Nội  (03/06/2010)
Festival Huế 2010: Nơi hội tụ của các nền văn hóa   (01/06/2010)
Bắc thành thời Tây Sơn: Những gương mặt tiêu biểu  (27/05/2010)
Bộ xương của người rừng   (24/05/2010)
"Vương quốc" của người Việt cổ  (21/05/2010)
Về Pác Bó nghiêng mình trước Bác  (19/05/2010)
Tính cách núi  (17/05/2010)
Đền Hùng - Quốc tổ cuối trời nam  (16/05/2010)
Nghệ nhân Lâm Phen: Người giữ hồn văn hóa Khmer   (13/05/2010)
Ông già hơn 50 năm sưu tập tài liệu về Bác Hồ   (11/05/2010)