Độc đáo văn hóa Tây Sơn
16:11', 27/6/ 2010 (GMT+7)

Trong một hội thảo gần đây, các nhà chuyên môn thêm một lần khẳng định: thời kỳ Tây Sơn còn chứa một nền văn hóa vô cùng độc đáo.

 

Bảo tàng Quang Trung

 

Phải khẳng định ngay là với một triều đại còn non trẻ lại chỉ tồn tại trong quãng thời gian ngắn, chừng 30 năm, thì thời kỳ này chưa thể có một nền văn hóa hay những đóng góp về mặt văn hóa đậm nét như những thời kỳ trước, vốn có thời gian kéo dài có khi tới cả hàng trăm năm. Tuy nhiên, có một lợi thế ở thời kỳ này mà không phải vương triều phong kiến nào trong lịch sử dân tộc cũng có được, đó chính là lòng tin và sự yêu mến của nhân dân.

Chính đặc điểm này đã góp phần tạo nên một nền văn hóa vô hình nhưng có sức lan tỏa mạnh mẽ, còn duy trì mãi về sau này ngay cả khi nhà Tây Sơn sụp đổ. Chẳng hạn như những câu chuyện về người anh hùng áo vải Quang Trung đánh tan quân Xiêm tại miền Nam năm 1784 và đánh tan quân Thanh tại Hà Nội năm 1789 vẫn còn sống mãi trong lòng nhân dân bằng những câu chuyện dân gian vẫn không ngừng được sáng tạo theo năm tháng, hay những câu hát trống quân, cò lả của nhân dân khắp vùng Thăng Long xưa mừng ngày đại thắng của vua Quang Trung… Nhưng đó là sự sáng tạo các loại hình văn hóa phi vật thể. Di sản văn hóa vật thể thời Tây Sơn để lại cho tới ngày nay tuy không nhiều nhưng cũng tương đối đa dạng và được đánh giá là độc đáo.

Theo TS Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, ủy viên Hội đồng giám định cổ vật của Bộ VH, TT&DL: Hiện ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam còn lưu giữ 2 chiếc bát gốm men rạn vẽ lam, một phía in khóm trúc men lam, phía đối diện có in dòng chữ Hán: “Vị xuất địa đầu tiên hữu tiết; Quang Trung niên tạo” có nghĩa là: Cái măng tre chưa nhô khỏi mặt đất mà đốt dóng của nó đã sớm ra trước; chế tạo trong niên hiệu Quang Trung 1788- 1792. Không chỉ có gốm, các di vật thời kỳ này còn có gỗ, đá và đồng. Cho đến ngày nay vẫn còn nhiều bia đá thời Tây Sơn ở nhiều tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương… Trong đó đáng chú ý là bia đá ở đền Lũng vùng Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) cao 140cm, rộng 57cm. Mặt trước khắc chiếu chỉ của vua Quang Trung năm thứ 2 (tức 1789) tức là năm đại thắng thành Thăng Long. Điều đáng nói là một mặt còn lại của bia có khắc ghi về sự vui mừng của nhân dân nói về việc miễn trừ các loại sưu dịch, chính sách nhà Minh dưới thời vua Quang Trung. Chất liệu đồng thời Tây Sơn cũng còn khá nhiều gồm các loại như chuông, trống, ấn triện và đặc biệt nhiều nhất là tiền đồng. Chuông thời kỳ này thường in hình rồng và trang trí bộ tứ linh có những nét tương đồng với rồng thời Lê. Các đạo sắc phong và ấn triện cũng là một trong những di sản quý của thời Tây Sơn. Đạo sắc phong thời Tây Sơn còn được lưu giữ nhiều tại các địa phương, các làng cổ ở Bắc Hà. Điển hình như làng cổ Bát Tràng còn lưu giữ được 16 đạo sắc phong các đời vua thời Tây Sơn, đồng thời làng cổ này còn lưu giữ được một quả chuông đúc rất đẹp từ thời này. Ấn triện thời Tây Sơn đến ngày nay đã hoàn toàn thất truyền, không còn lưu giữ được, tuy nhiên, nó vẫn còn hiện hữu trong chính các bản sắc phong. Thông qua sắc phong, các nhà nghiên cứu cho biết có những loại ấn phổ biến thời Tây Sơn như: Quảng vận chi bảo, Triều đường chi ấn, Hòa như chi bảo… trong đó, Quảng vận chi bảo là ấn đặc sắc bởi theo các nhà chuyên môn, ấn này không có ở tất cả các thời đại trước và sau đó.

Những nghiên cứu ấy đã khẳng định có một văn hóa Tây Sơn độc đáo đã hiện diện trong quãng thời gian không dài. Song nó thực sự có giá trị đối với lịch sử dân tộc Việt.

.Theo KTĐT

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hàng hải nước Việt xưa   (24/06/2010)
Khoa cử triều Tây Sơn: Một giấc mơ vàng  (18/06/2010)
Dũng tướng Việt được thờ vọng ở Campuchia  (17/06/2010)
Thăng Long - Hà Nội thời Nguyễn   (15/06/2010)
Võ Huy Tấn-nhà ngoại giao lỗi lạc của vua Quang Trung  (13/06/2010)
Hiện vật thời Tây Sơn ở Hà Nội  (09/06/2010)
Thăng Long - Hà Nội thời Tây Sơn  (08/06/2010)
Nhà thơ Quách Tấn và bài Văn tế Vua Quang Trung  (06/06/2010)
Vua Quang Trung với bia tiến sĩ ở Văn Miếu Hà Nội  (03/06/2010)
Festival Huế 2010: Nơi hội tụ của các nền văn hóa   (01/06/2010)
Bắc thành thời Tây Sơn: Những gương mặt tiêu biểu  (27/05/2010)
Bộ xương của người rừng   (24/05/2010)
"Vương quốc" của người Việt cổ  (21/05/2010)
Về Pác Bó nghiêng mình trước Bác  (19/05/2010)
Tính cách núi  (17/05/2010)