Súng thần công được sử dụng từ triều vua nào?
10:24', 29/6/ 2010 (GMT+7)

Súng Thần công là binh khí sử dụng trong quân đội ra đời khá sớm. Từ cuối thời Trần cho đến thời Nguyễn trải qua hơn 500 năm, súng thần công đã giữ vị trí quan trọng trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược.

Trong quân sự, súng thần công được coi là vũ khí nóng (hỏa khí) dùng sức mạnh của thuốc nổ để phân biệt với vũ khí lạnh (bạch khí - gồm các loại như gươm, giáo, đao, dao găm, cung tên...) dùng sức mạnh của cơ bắp.

 

Súng thần công được trưng bày tại Viện Bảo tàng Lịch sử Quân đội, Hà Nội.

 

Thuốc súng được người Trung Hoa phát minh khá sớm, nhưng việc sử dụng thuốc súng phục vụ cho chiến tranh lại quá chậm chạp. Chính vì thế, sự ra đời của các  loại súng sử dụng thuốc nổ ở Việt Nam khá muộn.

Theo các tài liệu lịch sử và kết quả các cuộc nghiên cứu khảo cổ học cho thấy, các cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc ta dưới các triều đại Ngô Quyền chống quân Nam Hán, vương triều Lý chống Tống, vương triều Trần chống quân Nguyên - Mông chưa thấy có sử dụng súng.

Tài liệu lịch sử ghi chép sớm nhất cho thấy cuối triều Trần trong cuộc chống xâm lược của quân Chiêm Thành, tướng nhà Trần là Trần Khát Chân đã sử dụng khá thành thạo các loại súng. "Khát Chân liền ra lệnh các cây Hỏa súng nhất tề nhả đạn, bắn trúng thuyền Bồng Nga, xuyên suốt ván thuyền, Bồng Nga chết..." (theo Đại Việt Sử ký toàn thư). Như vậy, có thể thấy vào cuối thời Trần, hỏa khí - súng thần công đã được sử dụng khá nhiều và có thể coi là một binh chủng của quân đội Trần.

Để chuẩn bị kháng chiến chống quân Minh, nhà Hồ đã cho đúc khá nhiều súng thần công. Theo Lê Quý Đôn chép trong Vân Đài Loại Ngữ, súng thần công thời Hồ có 3 loại: súng lớn đặt trên lưng voi; súng nhỡ hai người khiêng, súng nhỏ vác vai. Năm 1407 khi cuộc kháng chiến chống xâm lược giai đoạn cuối, nhà Hồ vẫn "đúc hỏa khí, đóng chiến thuyền để chống giặc".

Người đúc súng thần công nổi tiếng nhất là Hồ Nguyên Trừng - Con cả của Hồ Quý Ly, Tả tướng quốc quân đội nhà Hồ. Cuộc kháng chiến thất bại, Hồ Nguyên Trừng bị bắt đưa về Trung Quốc, được nhà Minh sử dụng để chế tạo súng thần công cho quân đội và sau này được người Minh coi là ông tổ súng thần công.

Những cuộc khai quật tại Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) đã tìm được khá nhiều đạn đá hình khối cầu tròn đều, với nhiều kích cỡ khác nhau. Nghiên cứu đạn sử dụng cho thấy, súng thần công thời Hồ có thân hình ống tròn, dài đều, nòng trơn; phía sau thân hơi phình to để nạp thuốc súng.

Trên thân có lỗ nối ngòi nổ với phần thuốc súng để khi sử dụng châm lửa kích thuốc nổ đẩy viên đạn khỏi nòng súng đi xa về phía trước. Đạn được chế tác từ chất liệu đá, đất nung có độ cứng cao, khi bắn viên đạn có sức mạnh công phá lớn.

Đạn có nhiều loại, kích cỡ to nhỏ khác nhau chứng tỏ xưa có nhiều loại súng cỡ nòng khác nhau. Súng thần công tùy theo kích thước to nhỏ, có thể được gá cố định hay di chuyển trên các bánh xe  trang  bị sử dụng trong phòng thủ các tòa thành hay di chuyển theo các đội quân trong các trận đánh.

Vào thế kỷ XV, vương triều Lê được thành lập, việc binh bị hết sức được quan tâm. Thời kỳ này nhà Lê bắt tay vào xây dựng binh chủng pháo binh. Sức mạnh của hỏa khí được phát huy với nhiều loại kích cỡ khác nhau. Theo tài liệu cho biết thời kỳ đầu nhà Lê: trong nước có các Cục làm súng với các loại súng bằng gỗ, bọc da, tên lửa, thuốc lửa, đạn lửa... Các quản binh đều có súng riêng. Súng có hai loại súng bắn tay và súng trụ. Nhưng có lẽ tác dụng của binh chủng này còn hạn chế nên chưa phát huy được tác dụng nhiều. 

.Theo Bee.net.vn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Độc đáo văn hóa Tây Sơn  (27/06/2010)
Hàng hải nước Việt xưa   (24/06/2010)
Khoa cử triều Tây Sơn: Một giấc mơ vàng  (18/06/2010)
Dũng tướng Việt được thờ vọng ở Campuchia  (17/06/2010)
Thăng Long - Hà Nội thời Nguyễn   (15/06/2010)
Võ Huy Tấn-nhà ngoại giao lỗi lạc của vua Quang Trung  (13/06/2010)
Hiện vật thời Tây Sơn ở Hà Nội  (09/06/2010)
Thăng Long - Hà Nội thời Tây Sơn  (08/06/2010)
Nhà thơ Quách Tấn và bài Văn tế Vua Quang Trung  (06/06/2010)
Vua Quang Trung với bia tiến sĩ ở Văn Miếu Hà Nội  (03/06/2010)
Festival Huế 2010: Nơi hội tụ của các nền văn hóa   (01/06/2010)
Bắc thành thời Tây Sơn: Những gương mặt tiêu biểu  (27/05/2010)
Bộ xương của người rừng   (24/05/2010)
"Vương quốc" của người Việt cổ  (21/05/2010)
Về Pác Bó nghiêng mình trước Bác  (19/05/2010)